Huy động 60 tỉ đô la tiền nhàn rỗi trong dân: Sai ngay từ tiền đề!
30/8/2018, Phan Minh Ngọc (TBKTSG Online) - Vì cho rằng người dân đang trữ một lượng vàng "nhàn rỗi" lớn, ước tính đến 500 tấn, nên câu chuyện huy động vàng trong dân để phát triển kinh tế đã được "xới đi xới lại" từ nhiều năm nay để rồi đâu vẫn còn nguyên đó. Nhưng mới đây, dư luận lại được một phen dậy sóng nữa với phát biểu của một chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) rằng nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ đô la Mỹ mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.
Về khái niệm, hoàn toàn không có một thứ tài sản nào đã
Hiển nhiên, 60 tỉ đô la là một con số rất lớn với Việt Nam (GDP của Việt Nam hiện tại vào khoảng 220 tỉ đô la), đặc biệt là trong hoàn cảnh bội chi ngân sách lớn và nợ công cao, Chính phủ vẫn phải tăng cường vay nợ nước ngoài. Giả sử 60 tỉ đô la này là có thật và nhất là “nhàn rỗi” – tức đang nằm trong két, dưới chiếu hoặc trong tủ nhà dân – thì đây là một sự lãng phí và bất hợp lý khủng khiếp. Và thế nên, trong bối cảnh này, sự cần thiết và khẩn trương huy động 60 tỉ đô la cho đầu tư và phát triển là điều không phải bàn.
Tuy nhiên, trước khi bàn về cách thức huy động số tiền “nhàn rỗi” này, như cách mà giới chuyên gia và báo chí đang tích cực thực hiện, thì cần làm rõ về con số 60 tỉ đô la này trước.
Theo lời vị chuyên gia WB, được dịch và đăng tải trên báo chí (người viết không có điều kiện tiếp cận trực tiếp lời phát biểu này), đây là khoản “tích lũy” trong dân. Rất có thể từ “tích lũy” này được dịch từ “savings” trong phát biểu nguyên bản bằng tiếng Anh của vị chuyên gia này.
Theo số liệu WB, tỷ lệ “Gross domestic savings (% of GDP)” hay tổng tích lũy trong nước (phần trăm của GDP) của Việt Nam là 29,16% vào năm 2016 (1). GDP của Việt Nam năm 2016 được báo cáo ở mức 202,6 tỉ đô la. Như vậy, mức tích lũy trong nước của Việt Nam năm 2016 vào khoảng trên 59 tỉ đô la một chút, tức không khác xa so với con số 60 tỉ đô la nêu trên.
Nói cách khác, con số 60 tỉ đô la là con số có cơ sở, có thể tin được, nhưng nó hoàn toàn không phải và không liên quan đến “tiền nhàn rỗi trong dân” như cách hiểu của nhiều người, và có thể cả vị chuyên gia WB này.
Theo định nghĩa, tổng tích lũy trong nước là phần chênh lệch giữa GDP và chi tiêu cuối cùng (hiểu nôm na là khoản còn lại giữa thu và chi). Tổng tích lũy gồm có tích lũy của hộ gia đình, tích lũy của khu vực doanh nghiệp tư nhân, và tích lũy của khu vực nhà nước (2)
Với người dân hoặc doanh nghiệp, rất đơn giản, nếu muốn “huy động” tài sản của họ thì cần phải chắc chắn mang lại cho họ một mức lợi nhuận lớn hơn mức họ tự đầu tư/kinh doanh những tài sản này, gồm cả việc để chúng nằm đợi thời.
Nếu không đảm bảo được như vậy thì, trừ khi bị cưỡng ép, sẽ chẳng có người dân hay doanh nghiệp nào đồng ý để người khác sử dụng tài sản của mình, dù là nhân danh những thứ cao cả.
Tích lũy của các chủ thể kinh tế nói trên có thể ở dạng tài sản vật chất hoặc tài sản tài chính. Trong số tài sản tích lũy này đương nhiên có thể có kim loại quý, kim cương, bất động sản (dành cho đầu cơ/đầu tư), ngoại tệ, chứng khoán và các giấy tờ có giá khác, gồm cả trái phiếu Chính phủ nước ngoài… Và đương nhiên là trong số những tài sản tích lũy này có thể có một số tài sản đang nằm trong tủ hoặc dưới chiếu của dân như vàng hoặc ngoại tệ.
Từ khái niệm và mô tả thành phần nêu trên, có thể thấy ngay rằng việc nói 60 tỉ đô la là tiền tích lũy trong dân là hoàn toàn sai, vì tích lũy trong dân chỉ là một trong ba cấu thành tạo nên con số 60 tỉ này (ngoài nó ra còn có tích lũy của doanh nghiệp và tích lũy của Nhà nước).
Tiếp đó, việc cho rằng 60 tỉ đô la là “tiền nhàn rỗi” thì càng sai nữa, ít nhất bởi vì trong những tài sản tích lũy này còn có các tài sản tài chính – tức là những sản phẩm đầu tư.
Nói cách khác, những tài sản tích lũy này đã và đang được “huy động”, và những người “huy động” này là các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại và cả Nhà nước nữa (ví dụ, trái phiếu Chính phủ).
Kể cả với những tài sản vật chất như vàng, ngoại tệ và bất động sản, tuy có thể đang nằm bất động một chỗ về mặt vật lý nhưng sự bất động này trước tiên rất có thể chỉ là tạm thời trong lúc người chủ đang chuẩn bị quay vòng hoặc tìm cơ hội đầu tư mới. Thứ nữa, sự bất động này nhiều lúc cũng chính là một sự đầu tư có chủ ý khi người chủ, ví dụ, tin rằng giá vàng, giá nhà sẽ tăng lên trong mấy tháng nữa, nên họ mua vàng/bất động sản để đó, đợi thời điểm hiện thực hóa lợi nhuận. Trên hết, về khái niệm, hoàn toàn không có một thứ tài sản nào đã được gọi là tài sản mà lại nằm “nhàn rỗi” cả!
Nhưng có thể, nhiều người vẫn muốn tin rằng việc để các tài sản vật chất như vàng, ngoại tệ, bất động sản của người dân nằm bất động trong thời điểm hiện tại là một sự lãng phí, một sự kinh doanh/đầu tư không hiệu quả nên cần phải “huy động” số tài sản này. Nếu vậy, trước hết cần trả lời câu hỏi là “huy động” để nhằm mục đích gì?
Nếu nói rằng “huy động” để phát triển kinh tế thì e rằng mục đích này quá trừu tượng, “vĩ mô”, không thích hợp với chủ nhân các tài sản vật chất này. Với người dân hoặc doanh nghiệp, rất đơn giản, nếu muốn “huy động” tài sản của họ thì cần phải chắc chắn mang lại cho họ một mức lợi nhuận lớn hơn mức họ tự đầu tư/kinh doanh những tài sản này, gồm cả việc để chúng nằm đợi thời. Nếu không đảm bảo được như vậy thì, trừ khi bị cưỡng ép, sẽ chẳng có người dân hay doanh nghiệp nào đồng ý để người khác sử dụng tài sản của mình, dù là nhân danh những thứ cao cả.
Và câu hỏi tiếp theo có liên quan ở đây là thì ai sẽ đứng ra “huy động” và đảm bảo rằng sẽ đầu tư/kinh doanh số tài sản này một cách hiệu quả hơn người dân và doanh nghiệp (gồm cả các tổ chức tài chính, ngân hàng)?
Ngoài người dân và doanh nghiệp thì chỉ còn một chủ thể kinh tế còn lại là Nhà nước. Nhưng Nhà nước không thể trực tiếp đầu tư, kinh doanh mà phải thực hiện hoặc ủy thác cho các doanh nghiệp cụ thể nào đó, gồm doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Mà như vậy thì cũng chẳng có gì đảm bảo rằng những doanh nghiệp này, đặc biệt là DNNN, sẽ kinh doanh hiệu quả hơn và, quan trọng hơn, sẽ hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho người dân và doanh nghiệp có tài sản đang “nhàn rỗi” đúng hạn.
Nhìn rộng ra thế giới. Rất nhiều nước còn có mức tích lũy cao hơn của Việt Nam nhưng người viết không biết đến trường hợp một nước nào đó lại đặt ra vấn đề “huy động” tài sản tích lũy cho phát triển kinh tế cả. Bởi thực tế, các tài sản này đều được “huy động” dưới dạng này hay dạng khác, bằng cách này hay cách khác, bởi người này hay người khác, theo các cơ chế và quy luật thị trường.
Nói cách khác, do chẳng có một thứ tài sản nào, kể cả tài sản tích lũy/tiết kiệm, là “nhàn rỗi” nên việc đặt vấn đề “huy động tiền nhàn rỗi trong dân” là sai ngay từ tiền đề!
(1) tradingeconomics.com
(2) https://economictimes.indiatimes.com/definition/gross-domestic-saving
https://www.thesaigontimes.vn/277857/huy-dong-60-ti-do-la-tien-nhan-roi-trong-dan-sai-ngay-tu-tien-de.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét