Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Nhà báo Kim Dung kể về đám tang ông Trần Xuân Bách

Ông Trần Xuân Bách: "Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại..."
Nhà báo Kim Dung kể về đám tang ông Trần Xuân Bách
Kim Dung: Đọc được bài viết của Gs Nguyễn Huệ Chi về Đám tang Tướng Trần Độ, trước đó, Blog KD/KD cũng đã đăng lại bài viết “Có một đám tang… rất buồn” của Trần Thắng- con trai Tướng Trần Độ, chợt nhớ, có một chút liên quan … mơ hồ với đám tang ông Trần Xuân Bách. Nay xin kể lại cho bạn đọc chia sẻ.Image result for Trần Xuân Bách
Vì sao mà “liên quan… mơ hồ”? Số là dạo đó, dư âm về đám tang Tướng Trần Độ đã gây nên phản ứng rất xấu trong dư luận XH. Mình nhớ khi đó đang làm việc ở Báo Nhân Dân. Trong một cuộc họp ban, cậu Sếp của mình truyền đạt lại những phản ứng của chính những Đảng viên kỳ cựu, phàn nàn về “Văn hóa Đảng”, “Văn hóa đồng chí với nhau” xung quanh đám tang của Tướng Trần Độ.
.
Đọc lại bài của tác giả Trần Thắng (con trai Tướng Trần Độ- đăng bên dưới), mình tự nhiên bật cười. Kỳ lạ một thời cuộc và những “nguyên tắc… kỳ cục”. Yêu, ghét là tình cảm tự nhiên của trái tim con người, là quyền tự do tối thiểu của con người. Không thể lấy những “bục nguyên tắc” để thô bạo đặt lên những yêu thương đó. Nó rất thiếu nhân quyền, thiếu cả văn minh.
.
Ít năm sau đám tang của Tướng Trần Độ, thì ông Trần Xuân Bách mất. Trước đó, duyên nợ và số phận khiến gia đình mình trở thành thông gia với gia đình anh chị Trần Xuân Bách. Mình vẫn nhớ như in dư luận về đám tang Tướng Trần Độ. Nay lại đến đám tang ông Trần Xuân Bách. Những gì mình chứng kiến về việc chị Trần Thị Thịnh (phu nhân anh Trần Xuân Bách) đã làm khi người chồng của chị bị “ngã ngựa”, khi nằm bệnh và lúc lâm chung, chỉ có thể nói- đó là quá “trọn vẹn” với người chồng mà chị thực sự vừa yêu quý vừa ngưỡng mộ, vừa xót thương.
.
Giữa nhiều việc của “tang gia bối rối”, một việc quan trọng là phải có Đáp từ của gia đình, sau khi ông Ngô Văn Dụ, lúc đó là Chánh VPTU Đảng- cũng là người đại diện của TU Đảng đứng ra lo đám tang cho ông Trần Xuân Bách- đọc Điếu văn. Chị Thịnh là một người phụ nữ cực kỳ nghị lực, bản lĩnh và rất thông minh lẫn khôn ngoan, nhưng không phải người “chữ nghĩa”, nên chị có nhã ý đề nghị gia đình mình viết cho chị lời cảm ơn để chị đọc ở đám tang.
.
Về nội dung Đáp từ (lời cảm ơn) cũng có những ý kiến khác nhau. Không khỏi có những ý kiến ấm ức, cho rằng nhân dịp này, cần nói những “lời nói thẳng” về trường hợp của ông Trần Xuân Bách- một cán bộ Đảng có tầm nhìn xa, đi trước thời đại ông đang sống, và dám bảo vệ nhận thức của mình mà ông tin là đúng. Nhưng gia đình mình nghĩ khác. Nghĩa tử là nghĩa tận. Hãy để yên cho người đã khuất được bình yên. Văn hóa ứng xử buộc con người phải luôn tỉnh táo, sáng suốt và nên có văn hóa. Thái độ văn hóa sẽ khiến con người ứng xử phải văn hóa với nhau. Cần nghĩ ở một tầm cao hơn thế. Chị Thịnh cũng cùng quan điểm với bọn mình.

Bản Đáp từ (lời cảm ơn) sẽ do ông chồng mình viết, vì ông cũng là một nhà báo, mình là người biên tập. Vì người phụ nữ thường khi đứng ngoài sẽ có cái nhìn vừa mẫn cảm vừa tinh tế, biết đâu cần là điểm dừng, chừng mực, lịch sự nhưng thẳng thắn. Cuối cùng, chị Thịnh sẽ là người “duyệt” và đọc. Vì chị là người “trong cuộc”, lại rất thông minh- cái thông minh của người “đàn bà đa đoan”, đáo để khi cần, nhưng cũng rất hiểu nên như thế nào.
.
Khỏi phải nói, Đám tang ông Trần Xuân Bách diễn ra suôn sẻ. Cho dù có không ít những gương mặt lạ, hằm hằm, lạnh lẽo, khá đông, đứng từ suốt ngoài cổng vào. Một người bạn của mình nửa đùa nửa thật, nhưng mình cho rằng “rất thật”: “Vì có dư luận phản ứng, bất bình của xã hội với Đám tang Tướng Trần Độ, mà Đám tang ông Trần Xuân Bách… suôn sẻ hơn”. Có lẽ vậy.
.
Buổi tối, Đài THTU VTV 1 trong buổi thời sự đọc lời Cảm ơn của gia đình ông Trần Xuân Bách. Có điều, cô phát thanh viên đọc nhanh, gấp gáp như “ăn cướp”. Có lẽ cũng có sự chỉ đạo của Sếp cô ấy. Mình nghĩ vậy!
.
Mấy ngày sau, gia đình mình sang thăm chị Trần Xuân Bách. Chị kể: ” Sau đám tang, ông Trần Đình Hoan (khi đó là Trưởng Ban Tổ chức TƯ) có đến nhà thăm. Tối đó, ông Nông Đức Mạnh, khi đó là Tổng BT gọi điện cho chị. Cả hai vị, người đến thăm tận nhà, người gọi điện, đều nói nội dung giống nhau: Bộ CT đã nghe hết băng ghi lại đám tang. Bộ CT cảm ơn gia đình đã đáp lễ rất văn hóa. Bộ CT cũng nhận thấy có thiếu sót trong sự đối xử với anh Trần Xuân Bách chưa chu đáo, và….”.
.
Mình xin dừng lời tại đây…

Mình vẫn tin rằng, đến lúc nào đó, Lịch sử sẽ đánh giá lại những nhân vật như ông Trần Xuân Bách, Tướng Trần Độ. Xã hội, đất nước mình phải Văn minh hơn. Trước hết là sự tôn trọng những quan điểm khác biệt, vì xét cho cùng, các vị đó cũng Yêu nước Việt, và vì nước Việt, vì giang sơn này

Và cũng vi Yêu nước không phải là quyền của riêng ai!

Bài viết này, như mọi bài về con người, mình chỉ đưa lên Blog để bạn đọc chia sẻ, suy ngẫm về thời cuộc ta đang sống, nhưng không đưa lên FB, tránh sự chém gió thái quá, hoặc ca ngợi, lợi dụng, hoặc chửi bới vô lối của không ít cư dân mạng

https://kimdunghn.wordpress.com/2018/08/30/gs-nguyen-hue-chi-ke-ve-dam-tang-tuong-tran-do/
-------------

Trần Xuân Bách
Trần Xuân Bách (23 tháng 5 năm 1924 – 1 tháng 1 năm 2006) là chính khách, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, là người có chủ trương đa đảng ở Việt Nam.[1]

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Ông tên thật là Vũ Thiện Tuấn quê tại xã Nam Ninh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Ông đã từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, Giám đốc Công an Khu III, Chánh Văn phòng Liên khu ủy III, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Nam ĐịnhSơn TâyNam Hà, Trưởng ban Tôn giáo vận Trung ương, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị.
Trần Xuân Bách đã tham gia Bộ chỉ huy tối cao chiến dịch tấn công Campuchia năm 1979 với tư cách là Phó Chính ủy, (Chính ủy là ông Lê Đức Thọ) sau đó ông làm trưởng Ban B68 của Đảng Cộng sản Việt Nam (chỉ đạo bộ máy hành chính của Campuchia).
Ông là Bí thư Trung ương Đảng từ khóa V (1982), Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trịBí thư Trung ương Đảng và được giao nhiệm vụ nghiên cứu về lý luận, phụ trách về đối ngoại kiêm Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, dưới thời ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư đảng.[2]
Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa III, IV.
Ông đã có nhiều bài viết và phát biểu theo hướng đổi mới mạnh mẽ theo xu hướng đa nguyênđa đảng khi trào lưu cải tổ do Gorbachov đưa ra đang lan tràn trong nhiều nước cộng sản. Do đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 3 năm 1990), Trần Xuân Bách đã bị phê phán gay gắt và bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng.[2]
Sau một thời gian ông được Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mời về làm tại ban nghiên cứu ở Bộ Ngoại giao cho đến tháng 8 năm 1990 thì nghỉ hưu. Giáo sư Carl Thayer cho biết, "ông Bách không được đi nước ngoài, không được gặp hay tiến xúc với người nước ngoài, tất cả những gì về ông thì bỗng dưng trở nên kín kẽ. Và ông trở thành nhân vật vô danh tiểu tốt kể từ năm 1990 cho đến ngày ông qua đời."[3]
Ông từng phát biểu: "Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại...".[4]
Do lâm bệnh nặng, ông đã mất hồi 15 giờ 34 phút, ngày 1 tháng 1 năm 2006. Ông được mai táng tại nghĩa trang Mai DịchHà Nội, nơi chôn cất các nhân vật lãnh đạo cao cấp.

Tặng thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Ông đã được tặng thưởng các Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Angkor của Nhà nước Campuchia.[5]

Đời tư[sửa | sửa mã nguồn]

Theo cuốn Bên thắng cuộc thì lúc sinh thời ông đã hai lần lập gia đình. Năm 1956 ông ly dị và sống độc thân 20 năm. Cho đến năm 1976 thì ông kết hôn với người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Đức Thịnh. Ông và bà có với nhau 2 người con gái sinh năm 1977 và 1982.[6] Sau khi ông Bách bị kỷ luật, cách chức ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương Đảng thì bà Thịnh bị cơ quan "cho ra đứng vỉa hè, giữ xe máy cho khách đến liên hệ với cơ quan".[6]

Các bài viết của Trần Xuân Bách[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Bình luận nước ngoài về Trần Xuân Bách, BBC, 05 Tháng 1 2006
  2. a ă Ông Bùi Tín nói về Trần Xuân Bách, BBC, 04 Tháng 1 2006
  3. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/01/060105_thayertranxuanbach.shtmlBình luận nước ngoài về Trần Xuân Bách], BBC, 05 Tháng 1 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét