Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Chuyện khó tin ở một think tank VN được xếp hạng

Chuyện khó tin ở một think tank Việt Nam được thế giới xếp hạng
23-08-2018 - Doanh nghiệp Mỹ “đỡ đầu” cho các hoạt động nghiên cứu của think tank. Chính phủ Trung Quốc có chính sách đầu tư mạnh cho viện nghiên cứu để quảng bá sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Trong khi đó, think tank Việt Nam chỉ có thể “nằm mơ” với các điều kiện tương tự.

Theo Báo cáo xếp hạng think tank toàn cầu năm 2017 (2017 Global Go to think tank index report) được xây dựng bởi TTCSP Đại học Pensylvania, Viện nghiên cứu châu Mỹ (Việt Nam) xếp thứ 97 (tăng 2 bậc so với năm 2016) trong Bảng xếp hạng think tank hàng đầu Đông Nam Á. Chung quanh câu chuyện thứ hạng của viên nghiên cứu của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) đã nhắc đến những mô hình thu hút vốn đầu tư mà think tank Việt Nam chưa bao giờ có được.


2017 là năm thứ hai Viện nghiên cứu châu Mỹ có tên trong Bảng xếp hạng Think tank hàng đầu Đông Nam Á. Ông nhận định như thế nào về thứ hạng của Viện?

Tôi rất bất ngờ với xếp hạng của TTCSP Đại học Pensylvania. Dù xếp hạng 97 tăng 2 bậc so với năm trước nhưng ít nhất, việc xuất hiện trong Bảng xếp hạng này cũng thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với Viện nghiên cứu châu Mỹ trong quá trình hội nhập khoa học.

Mặc dù vậy, cần thừa nhận rằng năng lực của Viện hiện nay cũng ở mức độ tương đối vừa phải. Trong thời gian qua, chúng tôi cố gắng làm sao có những hoạt động nghiên cứu gắn với những vấn đề quốc tế và thúc đẩy những vấn đề đó lên. Báo cáo điều tra, đánh giá bước đầu theo cách nghiên cứu chung của quốc tế. Thứ hai là Viện cũng bắt đầu đưa ra được những xuất bản quốc tế.



Vì sao ông dùng từ “tương đối vừa phải” khi nhận xét về Viện của mình?

Khi so sánh với các think tank tương tự tại nước ngoài, tôi phải thừa nhận là đội ngũ của họ tốt hơn Viện rất nhiều. Tôi đã sang Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS – Hoa Kỳ). Chuyên gia của họ có khả năng phân tích rất tốt và có thể phân tích ngay những vấn đề đang diễn ra trên thế giới.

Điều thứ hai, think tank của họ là nơi kết nối và họ có thể mời ngay chuyên gia đến thảo luận. Mỗi tuần, CSIS tổ chức các loại sự kiện. Ở đó, bạn có thể vào để thảo luận vấn đề năng lượng, quan hệ Mỹ - Trung, an ninh hàng hải,… Chuyên gia phân tích sâu sắc và các chương trình còn được live stream.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu châu Mỹ tổ chức được 3-4 sự kiện như thế mỗi năm đã là thành công lắm rồi. Hội thảo nhỏ thì nhiều, nhưng để thực sự ghi dấu ấn thì một năm chỉ tổ chức được 3-4 sự kiện, vì kinh phí dành cho việc này không có nhiều, mỗi năm Viện chỉ được ngân sách cấp cho vài trăm triệu đồng.


Nguồn đầu tư nào cho những hoạt động như vậy của think tank?

Khi nền kinh tế phát triển, thương mại quốc tế gia tăng, các công ty bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư vào đâu, môi trường đầu tư như thế nào. Nhưng cái họ lo lắng nhất là vấn đề an ninh. Đâu tư vào đó liệu có xảy ra vấn đề gì không. Điều thứ hai họ quan tâm về nơi đầu tư là ai sẽ trở thành người đứng đầu đất nước, chính sách của người mới là gì. Từ những dữ liệu này, doanh nghiệp mới lập ra chiến lược đầu tư.

Do đó, các công ty “đỡ đầu” những viện nghiên cứu và tài trợ hoạt động của viện. Đấy là một kênh hút vốn rất quan trọng. Ví dụ như Viện nghiên cứu chiến lược của Hàn Quốc do một doanh nghiệp thành lập và đầu tư hàng tỷ USD cho hoạt động của viện.

Ở Trung Quốc, các viện nghiên cứu được đầu tư cực mạnh, từ thời điểm nước này công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Họ tổ chức rất nhiều hội thảo quốc tế, mời diễn giả từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi không nói là Chính phủ đầu tư hoàn toàn, nhưng họ có chủ trương đầu tư cho việc đó. Một mặt là quảng bá cho “Vành đai và Con đường”. Mặt khác là hỗ trợ những chương trình khác để đẩy mạnh giao lưu quốc tế.


Còn Việt Nam thì gần như chưa có công ty nào quan tâm đến viện nghiên cứu. Một là, năng lực nghiên cứu của viện nghiên cứu Việt Nam còn lẹt đẹt. Hai là, quan tâm của doanh nghiệp đối với các lĩnh vực nghiên cứu có hỗ trợ hoạt động cho họ chưa nhiều. Đa phần các công ty Việt Nam mới chỉ nghĩ đến chuyện xuất khẩu được các lô hàng. Còn chiến lược đầu tư thì chưa làm, trái ngược với những công ty quốc tế.

Những viện nghiên cứu quốc tế làm được việc đó nên hút được nguồn tiền của doanh nghiệp, còn viện nghiên cứu Việt Nam hiện nay chủ yếu trông vào ngân sách Nhà nước. Đây cũng là thực trạng chung ở những nước kém phát triển.

Làm sao để viện nghiên cứu giữ được tính trung lập nếu nhận nguồn tài trợ từ doanh nghiệp?

Nếu nhận tài trợ của doanh nghiệp thì không lo lắm về câu chuyện bảo đảm tính trung lập. Như tôi vừa nói, họ cần những phân tích thật sự khách quan, đúng diễn biến và có cơ sở trước khi tiến hành đầu tư.


Được tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng nhưng VIAS khá “kín tiếng” trên truyền thông. Vì sao như vậy?

Thực tế, quan điểm của Viện vẫn được trao đổi trong các hội thảo. Trong những nhóm nhỏ như vậy nhưng việc đề cập đến các vấn đề còn rất nhiều điều phải cân nhắc, suy nghĩ,… cho nên việc tham gia công bố ở diễn đàn lớn hơn là khá khó. Nội dung nghiên cứu nhạy cảm, có nhiều điều chưa chưa thể công bố. Ví dụ như Việt Nam cần ứng biến như thế nào trong quan hệ với Mỹ và các nước,… điều này rất nhạy cảm.

Về con người, cán bộ của Viện cũng tham gia vào các hội thảo quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung, quan hệ giữa Việt Nam với các nước đang có những biến động rất nhiều. Những vấn đề như vậy cần con người có “độ chín” để tham gia. Thứ hạng 97 là một đánh giá chính xác vì Viện mới chỉ bắt đầu tham gia, chứ vững vàng với lực lượng đông đủ thì chưa. Chúng tôi còn yếu.


Nếu vậy, Viện đã truyền tải kết quả nghiên cứu như thế nào?

Có nhiều kênh để truyền tải kết quả nghiên cứu mà báo chí chỉ là một kênh. Cách thứ hai là tổ chức hội thảo và mời các chuyên gia từ nhiều nơi khác nhau. Qua tiếng nói của cán bộ Viện và chuyên gia thì thông tin được truyền tải đến người quan tâm hoặc người làm chính sách. Những cơ quan hoạch định chính sách có thể lắng nghe các luồng quan điểm, còn việc đưa vào chính sách hay không vẫn là việc của họ. Nhưng dù sao kênh đó là qua trọng với các học giả.


Cách thứ ba là viết báo cáo kiến nghị, trực tiếp gửi lên các cơ quan chức năng của Nhà nước. Về việc này, Viện đang thực hiện qua kênh chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cơ quan khoa học làm tư vấn và phản biện chính sách chứ không hoạch định chính sách.

Chúng tôi đều viết báo cáo về những nội dung nghiên cứu có tính dài hơi hoặc những vấn đề thời sự, cấp bách như khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, tình hình Biển Đông,… Đây là hướng mà cả Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm mạnh trong nhiều năm gần đây.

Có khó khăn nào trong việc thực hiện những nghiên cứu về những vấn đề thời sự không?


Khi diễn ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, một cơ quan cấp cao đã đề nghị Viện phân tích về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ. Các báo cáo như thế gửi đi thông qua Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và được phản hồi tích cực về chất lượng, có tính khoa học, kịp thời và có sộ sâu. Đó là nghiên cứu lâu nay của Viện nên có thể viết báo cáo được ngay.


Nghiên cứu về biển Đông được thực hiện từ năm 2014. Hiện nay, Viện đang có một nghiên cứu nữa về chính sách của Mỹ ở Biển Đông đang ở giai đoạn triển khai nên chưa thể nói về kết quả. Những thông tin về Biển Đông tương đối phổ biến, đặc biệt là chính sách của Mỹ.

Cái khó đối với nghiên cứu hiện nay chính là những vấn đề giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Như đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biên Đông (COC), nội dung đàm phán rất khó tiếp cận. Nghiên cứu mà khi không có thông tin về chuyện đó thì rất khó. Đó cũng là điều người nghiên cứu phải chấp nhận.



Trong bối cảnh thiếu các nguồn đầu tư cho nghiên cứu, làm thế nào để phát triển Viện?

Đây đúng là một câu chuyện quá khó. Chính vì vậy, một số cán bộ của Viện đã chuyển ra bên ngoài làm, khiến chảy máu chất xám. Các viện ở đây (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng trong tình trạng chung như thế.

Muốn làm nghiên cứu và ổn định được phải mất từ 10-15 năm. Làm nghiên cứu một cách quyết tâm mới vượt qua được giai đoạn đó và có những cơ hội để tự sống được. Trong những năm đầu để tự sống bằng tiền nghiên cứu là khó. Những bạn không chịu được giai đoạn đó sẽ phải chuyển sang khu vực doanh nghiệp hoặc tự làm thêm kiếm sống. Làm nghiên cứu ở Việt Nam rất gian nan.

Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là nâng cao uy tín của Viện. Từ đó mới vượt qua được ngưỡng và hy vọng sau này sẽ dễ dàng hơn. Mình bây giờ cũng đang động viên mọi người làm chuyện đó.
Bài :
Vương Diệu Quân
Ảnh:
Hải Nguyễn
Thiết kế :
7pmTheo Trí Thức Trẻ23/8/2018

http://cafef.vn/chuyen-kho-tin-o-mot-think-tank-viet-nam-duoc-the-gioi-xep-hang-20180823022126717.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét