Đừng để 'Samsung hắt hơi, nền kinh tế Việt Nam... ốm'
An Chi - 23/08/2018 TheLEADER - Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng FDI vào Việt Nam trong thời gian qua nhiều nhưng đóng góp về thuế rất hạn chế. Một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, yếu tố nội lực là quan trọng nhất.
Nhà máy của Samsung tại Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào ngoại lựcTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vốn FDI giải ngân cũng đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay.
Xuất khẩu của khu vực FDI trong năm 2017 (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 152,34 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016, chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhập khẩu đạt 126,44 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ 2016, chiếm gần 59,9% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tính chung, khu vực FDI năm 2017 xuất siêu 28,8 tỷ USD.
Những đóng góp của khối FDI đối với tăng trưởng kinh tế những năm gần đây là điều quá rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia đang tỏ ra lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và động lực tăng trưởng đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Xuất khẩu vẫn loay hoay bài toán phụ thuộc Trung Quốc và khu vực FDI
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), kinh tế Việt Nam đang cho thấy những bước tăng trưởng rất tích cực trong những năm gần đây. Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI, điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực này.
Sau quý I/2018, tăng trưởng kinh tế đạt 7,45%, cao nhất trong 10 năm, tăng trưởng của quý II/2018 đã giảm xuống còn 6,79%. Nguyên nhân làm chậm tăng trưởng GDP là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, từ chỗ tăng 13,56% trong quý I đã giảm xuống 13,02% sau 6 tháng.
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố ngoại lực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế của Việt Nam, ông Thành cho hay
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ riêng Samsung đã chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. "Samsung hắt hơi, cả nền kinh tế của Việt Nam... ốm", bà Lan nói.
Mặt khác, theo bà Lan, số lượng FDI vào Việt Nam trong thời gian qua nhiều nhưng đóng góp về thuế rất hạn chế. Một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của các doanh nghiệp này.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế này, muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, yếu tố nội lực là quan trọng nhất.
"Chúng ta cần ngoại lực để hỗ trợ nhưng phải quan trọng nội lực. Tại sao cứ ưu đãi cho nước ngoài, Chính phủ sẵn sàng miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại rất khắt khe với doanh nghiệp trong nước. Làm sao doanh nghiệp trong nước cạnh tranh và phát triển được với doanh nghiệp nước ngoài để phát triển khi họ chịu thuế 20% trong khi các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chịu thuế 10%", bà Lan nhấn mạnh.
Thu hút FDI thời gian tới cần có chọn lọc
Về vai trò của các doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (VAFIE) cho rằng, hiện vẫn còn nhiều quan điểm chưa toàn diện, thiếu công bằng cho các doanh nghiệp FDI.
Ông Mai nhớ lại thời điểm trước khi Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài những năm sau đổi mới 1986, "lúc đó nền kinh tế Việt Nam còn chưa có gì". Nền kinh tế khát vốn, lạm phát lên tới 774,7%. Thời điểm đó, Chính phủ đã buộc phải nghĩ đến nguồn lực nước ngoài để phát triển kinh tế.
GS.TSKH Nguyễn Mại
Cho đến thời điểm hiện tại, những đóng góp của khu vực này đối với kinh tế Việt Nam là điều không thể phủ nhận, vị chuyên gia này khẳng định.
Bên cạnh đó, theo ông Mại, hoạt động của những doanh nghiệp FDI thực tế cũng tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong nước thông qua nhu cầu phụ trợ. Yếu tố nước ngoài cũng là lực đẩy khiến các thành phần kinh tế trong nước trở nên năng động, cạnh tranh hơn.
Đặc biệt, thời gian gần đây, xu hướng liên doanh đã bắt đầu trở lại, cùng với sự bùng nổ của đầu tư theo hình thức mua bán - sáp nhập (M&A), đầu tư kinh doanh. Qua đó, doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi được kinh nghiệm quản trị tiên tiến và chuyển giao công nghệ. Sự tác động lan tỏa từ doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước sẽ tốt hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội phát triển, GS. Nguyễn Mại nhìn nhận.
Tuy nhiên, để tránh những "bài học đắt giá" trong thu hút vốn FDI trong thời gian tới, ông Mại cho rằng, Việt Nam cần thận trọng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố chất lượng của dự án, không cấp phép ồ ạt các dự án FDI chỉ để chạy theo tăng trưởng số lượng.
Đặc biệt, nên hạn chế cấp phép các dự án có vốn đầu tư thấp, bởi đây là phần việc mà các doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhận, nên trao cơ hội cho doanh nghiệp trong nước thực hiện.
Bên cạnh đó, khi thu hút FDI, cần cân nhắc kỹ lưỡng về mặt hiệu quả kinh tế cũng như môi trường. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trường kinh tế như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
https://theleader.vn/dung-de-samsung-hat-hoi-nen-kinh-te-viet-nam-om-1534931580036.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét