Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Sự suy tàn và biến mất của các chính đảng lớn

Đọc bài này thấy lo cho Đảng ta quá. Đảng ta là một chính đảng lớn, lại đang không đáp ứng được thị hiếu của khách hàng gồm gần 100 triệu dân.
Sự suy tàn của các chính đảng lớn
Ở các nước có các chính phủ liên minh bao gồm các đảng có cùng hệ tư tưởng thì cử tri rất dễ chuyển đổi lòng trung thành. Điều này đặc biệt đúng trong thời điểm hiện nay, khi các cử tri ngày càng xem đảng như những thương hiệu mà họ có thể thay thế nếu không đáp ứng được thị hiếu khách hàng, chứ không còn giữ khư khư lòng trung thành như trước nữa.
Gần 26 năm trước, Tổng thống Boris Yeltsin đã ban hành một sắc lệnh, về cơ bản là cấm các đoàn thể của Đảng Cộng sản hoạt động tại các nhà máy, các trường đại học, và tất cả những nơi làm việc khác tại Liên bang Nga. Thế nhưng sắc lệnh cứng rắn của Yeltsin lại có phần vô ích: Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU), một thời từng là một thế lực tổ chức đáng gờm, nay đã suy tàn bởi sự bất lực và tàn nhẫn của nó, đến mức công luận chẳng buồn để ý nữa.

Ngày nay, các đảng chính trị một thời lừng lẫy tại phương Tây và một số nước đang phát triển có vẻ cũng nhanh chóng bước vào con đường bị quên lãng. Nhưng dù sự suy tàn của CPSU là hoàn toàn dễ hiểu – sắc lệnh của Yelsin được ban hành chỉ vài tháng trước khi Liên Xô sụp đổ – thì sự xuống dốc của các đảng lớn tại Pháp và Ấn Độ lại không thể dễ giải thích đến thế.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron vừa bảo đảm được một đa số lớn trong Quốc hội cho phong trào mới một năm tuổi của mình, có vẻ đang đẩy Đảng Xã hội – từng là đảng mà ông là thành viên khi còn làm bộ trưởng kinh tế – vào thùng rác của lịch sử như câu nói của Trotsky. Một đảng chủ lưu khác ở Pháp – Đảng Cộng hoà trung hữu, có nguồn gốc từ di sản chính trị của Charles de Gaulle – có vẻ cũng không khá hơn.

Gần đây, Công Đảng Anh, dưới sự lãnh đạo của một người cực tả, Jeremy Corbyn, cũng có vẻ đang trên bờ diệt vong. Thế nhưng nó lại được ban một đặc ân từ sự bất lực hoàn toàn của Thủ tướng Đảng Bảo thủ Theresa May trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây. Nhưng liệu Corbyn thực sự có khả năng gắn kết và phục hưng Công Đảng hay không thì vẫn còn chưa rõ.

Ở các đang nước phát triển, Ấn Độ đang chứng kiến sự suy tàn của Đảng Quốc đại, đảng của Thủ tướng đầu tiên của nước này, Jawaharlal Nehru, người giành lại độc lập cho Ấn Độ từ tay Anh. Dưới sự lãnh đạo kém cỏi của Sonia Gandhi (goá phụ của thủ tướng bị ám sát Rajiv Gandhi, cháu trai của Nehru và con của Thủ tướng Indira Gandhi) và con trai bà, Rahul, Đảng Quốc đại hiện nay thậm chí có vẻ còn không thể giữ được ghế của mình ở những thành trì lịch sử, như bang Uttar Pradesh. Thực chất, đối thủ chính của nó, Đảng Bharatiya Janata đang nắm quyền, có vẻ đã định đoạt xong kết quả cuộc bầu cử quốc hội năm 2019.

Tại Nam Phi, một đảng giải phóng dân tộc lớn khác – Đại hội Dân tộc Phi (ANC), từng góp phần làm sụp đổ chế độ apartheid – cũng đang đối mặt tình trạng suy tàn. Chỉ 18 năm sau khi Nelson Mandela rời nhiệm, ANC đã lung lay dưới sự lãnh đạo suy đồi nghiêm trọng của Tổng thống Jacob Zuma. Một cuộc chia rẽ chính thức giữa các phe phái nội bộ mâu thuẫn nhau gay gắt có thể sẽ diễn ra khi ANC chọn ra một nhà lãnh đạo mới vào cuối năm nay.

Dĩ nhiên, các đảng chính trị lớn đã chết từ lâu. 

Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Đảng Tự do, chứ không phải Công Đảng, mới là đối thủ chính của Đảng Bảo thủ tại Anh, và đảng này phát triển mạnh mẽ dưới sự dẫn dắt của những nhân vật như William Gladstone và David Lloyd George. Nhưng điều đó chấm dứt chỉ vài năm sau Thế chiến I, như nhà báo sau là nhà sử học người Anh George Dangerfield đã khắc hoạ trong cuốn The Strange Death of Liberal England.

Tại Ý, các đảng chính trị thời hậu chiến – Đảng Dân chủ Thiên Chúa, Đảng Cộng sản, và Đảng Xã hội – cũng trải qua một cuộc “tuyệt chủng” hàng loạt, sau khi bê bối tham nhũng Tangentopoli nổ ra vào năm 1992. Năm sau, Đảng Bảo thủ ở Canada trên thực tế cũng bị xoá sổ trong một cuộc bầu cử quốc hội mà nó chỉ giữ được 2 trên tổng số 151 ghế của mình.

Nhiều lý do đã được đưa ra để giải thích cho sự sụp đổ của các đảng chính trị. Các cử tri thuộc tầng lớp lao động chuyển sang tầng lớp trung lưu đã góp phần không nhỏ trong việc xoá bỏ các đảng cộng sản ở Tây Âu cũng như sự thất bại của chế độ Xô-viết.

Nói rộng hơn, ở các nước có các chính phủ liên minh bao gồm các đảng có cùng hệ tư tưởng thì cử tri rất dễ chuyển đổi lòng trung thành. Điều này đặc biệt đúng trong thời điểm hiện nay, khi các cử tri ngày càng xem đảng như những thương hiệu mà họ có thể thay thế nếu không đáp ứng được thị hiếu khách hàng, chứ không còn giữ khư khư lòng trung thành như trước nữa.

Ngoài ra, cử tri hiện nay ngày càng có xu hướng tập trung vào một hoặc hai chính sách chủ chốt thay vì toàn bộ cương lĩnh của đảng. Cách nghĩ này cho phép các đảng tập trung vào một vấn đề như Đảng Độc lập Anh (UKIP), tập trung vào vấn đề nhập cư, lớn mạnh.

Việc tổ chức ngày càng nhiều các cuộc trưng cầu ý dân ở các nền dân chủ phát triển có vẻ là một diễn biến trực tiếp hướng đến nền chính trị “hướng tới người tiêu dùng”. Vấn đề là các cuộc trưng cầu ý dân làm xói mòn trách nhiệm giải trình, khi nó cho phép ra các quyết định thiếu khôn ngoan dựa trên những câu hỏi quá đơn giản, như trường hợp Brexit đầy tắc trách của Anh. Trong những tình huống như vậy, nhà soạn kịch Bertolt Brecht từng nhận xét một cách hài hước, giải pháp duy nhất là “giải tán người dân và bầu ra người dân khác.”

Nhưng trong khi phương thức bầu cử “hướng tới người tiêu dùng” giải thích được phần nào sự suy tàn của các đảng như Đảng Xã hội Pháp, nó lại không giải thích được sự suy yếu của Đảng Quốc đại Ấn Độ và ANC. Thay vào đó, vấn đề của các đảng này có vẻ nằm ở sự kiêu ngạo.

Với Đảng Quốc đại Ấn Độ, sự kiêu ngạo phần lớn có tính kế thừa. Từ Nehru đến Indira và Rajiv Gandhi đến gương mặt bạc nhược hiện nay của đảng, Rahul, gia đình Gandhi vẫn xem sự lãnh đạo và kiểm soát Quốc hội là một đặc quyền bẩm sinh không thể bác bỏ, bất luận kỹ năng hay phẩm chất thật sự của các cá nhân ra sao.

Còn với ANC, sự kiêu ngạo của nó có vẻ giống CPSU: cảm giác quá tự phụ là mình “sở hữu” nhà nước, khiến tham nhũng giống như một dạng đặc quyền. Kiểu kiêu ngạo này khiến đảng xa rời những người ủng hộ thật sự, vốn rất dễ tìm được sự thay thế khả thi sau đó.

Nhưng trong chính trị, sự kết thúc không nhất thiết là vĩnh viễn. Ví dụ, Đảng Cách mạng Thể chế (PRI) của Mexico đã lãnh đạo đất nước 71 năm trước khi bị đánh bại vào năm 2000. Vào thời điểm đó, không ai nghĩ rằng PRI có thể quay trở lại nắm quyền. Nhưng đến năm 2012, nó đã làm được, với thắng lợi của Tổng thống đương nhiệm Enrique Peña Nieto.

Khả năng này có thể là lý do vì sao gia đình Gandhi và Zuma vẫn bình tâm trước sự suy tàn của đảng. Dù vậy, câu hỏi là liệu những gì trở về từ cõi chết có thể trở lại như xưa hay không.

Nina L. Khrushcheva, tác giả cuốn “Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics” và “The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind,” là giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School và là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Death of the Party

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “The Death of the Party,” Project Syndicate, 20/06/2017.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét