Ông Trầm Bê bị bắt vì gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng
01/08/2017 TTO - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Ông Trầm Bê - Ảnh: Thuận Thắng
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết ngày 1-8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã khởi tố và thực hiện quyết định bắt tạm giam ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank.Nguồn tin cho biết ông Trầm Bê bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng. Ông Trầm Bê đã được đưa về trụ sở Bộ công an phía Nam để lấy lời khai.
Ngoài ông Trầm Bê, C46 cũng khởi tố đối với ông Phan Huy Khang, nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank.
Cả hai cùng bị khởi tố bắt tạm giam vì hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự.
Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Ông Trầm Bê liên quan gì trong đại án Phạm Công Danh?
Ông Trầm Bê (nguyên quán Trung Quốc, nơi hộ khẩu đăng ký thường trú Q.1, TP.HCM) có trình độ cử nhân quản lý doanh nghiệp.
Năm 2004, ông Trầm Bê từng giữ chức phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank).
Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa đã bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của Ngân hàng Phương Nam để tham gia vào HĐQT của Sacombank.
Ngày 1-10-2015, Southernbank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật.
Ngày 24-2-2017, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo cho biết đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.
Ngân hàng Nhà nước cho biết việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Sacombank tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 4 năm 2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành cũng như thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước đó ông Trầm Bê và con trai Trầm Khải Hòa đã có đơn gửi Hội đồng quản trị Sacombank và Ngân hàng Nhà nước xin từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị Sacombank.
Trên cơ sở đề nghị của Ông Trầm Bê và Ông Trầm Khải Hòa, xét thực tiễn quá trình triển khai Phương án tái cơ cấu Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng Sacombank sau sáp nhập và các ý kiến chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa.
Trước đó ngày 1-10-2015, Ngân hàng Phương Nam và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định.
Ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại Ngân hàng Phương Nam/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.
HOÀNG ĐIỆP - T.L
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170801/ong-tram-be-bi-bat-vi-gay-thiet-hai-hang-ngan-ti-dong/1361971.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét