ĐẠO LÝ CỦA THUẾ MÁ
Hoàng Hải Vân - Các bậc tài cao học rộng văn hay chữ tốt chức trọng quyền cao chiên da chiên xương hãy tạm thoát khỏi mớ kiến thức rối rắm bùng nhùng cãi cọ lên tay xuống ngón của kinh tế học để trở về với đạo lý đời thường của thuế má.Tiền này dùng để đánh giặc, để giữ an ninh trật tự, để duy trì luật pháp sao cho tự do của người này không bị người khác xâm phạm, để thực hiện cưỡng bức giáo dục nhằm nâng cao học vấn cho cộng đồng (tùy khả năng mà cưỡng bức ở bậc tiểu học hay trung học), để giữ đất giữ rừng giữ sông giữ biển không bị tàn phá không bị ô nhiễm, để làm đường đi chung, để ngăn ngừa bệnh tật và chữa bệnh cho những người không có khả năng trả tiền chữa bệnh, để bảo đảm một mức sống tối thiểu cho những người bất hạnh mất khả năng lao động không có lương hưu nhưng không nơi nương tựa, cùng một số công việc cần thiết có giới hạn khác nhưng không ngoài giới hạn của những việc mà từng cá nhân không làm được, cuối cùng là để nuôi tất cả những người được thuê làm những việc trên.
Trong xã hội mà kẻ nộp thuế là người tự do có thực quyền thì nhóm người làm thuê gọi là Nhà nước kia bị buộc phải sử dụng tiền đúng mục đích, nếu không người ta sẽ thuê người khác.
Nhưng loài người là giống tham sân si lắm chuyện. Ai cũng muốn được sống tự do nhưng không phải ai cũng chấp nhận được rủi ro, trong khi tự do đi liền với rủi ro. Lợi dụng tâm lý bất an sợ rủi ro đó, giới trí thức công bộc của đám làm thuê nói trên vẽ ra vô số những mối đe dọa không có thật và vô số những lý thuyết cao cả rối rắm người bình thường không tài nào hiểu nổi, mục đích là nhằm tăng sứ mệnh cho đám làm thuê gọi là Nhà nước nói trên. Đỉnh cao là “Nhà nước vú em” (không tính các nhà nước XHCN kiểu Liên Xô hay Đông Âu cũ), gọi một cách văn hoa là Nhà nước phúc lợi, tự phong cho mình trách nhiệm chăm lo đến miếng ăn giấc ngủ cho các cá nhân.
Vấn đề là tăng sứ mệnh thì phải tăng thuế. Mà tăng thuế thì những người tự do có thực quyền đâu có chịu. Cho nên, đám làm thuê này phải đi vòng theo con đường khác.
Bạn hãy thử hình dung đi. Bạn làm việc một năm, sau khi nộp thuế và chi dùng, cuối năm bạn còn để dành được 10 triệu đồng. Nếu lạm phát 10% thì cuối năm sau giá trị thực của khoản tiền đó chỉ còn 9 triệu. Bạn mất 1 triệu. Bạn mất tiền thì nhất định phải có đứa nào đó lấy chứ ! Đứa đó đương nhiên không phải là con bạn, không phải là chồng bạn, vì những tờ giấy vẫn còn, nó chỉ rút bớt 10% kết quả lao động mà bạn tiết kiệm được chứa trong những tờ giấy đó mà thôi. Đứa lấy đó chính là Nhà nước. Bạn không thể nhìn thấy nó lấy, vì sự ăn cắp đó được bảo kê bằng một học thuyết, gọi là kinh tế vĩ mô, rối rắm khôn lường, đến mức càng tìm hiểu càng không hiểu. Nếu hiểu thì tại sao các giáo sư, các tiến sĩ, các chuyên gia trang bị đến tận răng lý thuyết này lại cãi nhau chí chóe vô hồi kỳ trận mỗi khi lạm phát tăng hay giảm ? Lạm phát chính là tăng thuế trá hình.
Ngày xưa trên thế giới không như thế. Ngày xưa tiền được làm bằng vàng, bạc, nếu là tiền giấy thì phải được bảo đảm bằng vàng hay bạc, gọi là bản vị vàng hay bản vị bạc. Nó không bao giờ mất giá. Nước Mỹ suốt thế kỷ 19 đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất không có lạm phát, trừ một số thời kỳ lạm phát cục bộ do chiến tranh nhưng mặt bằng giá năm 1913 không cao hơn mặt bằng giá năm 1800. Người ta phải xóa bản vị vàng đi thì mới có thể in tiền vô tội vạ để tăng sứ mệnh của Nhà nước, nếu giữ bản vị vàng thì đâu có thể muốn in tiền bao nhiêu thì in.
Nhưng in thêm tiền gây lạm phát chỉ có thể giữ ở mức “vừa phải”, nếu lạm phát nhiều thì chính phủ sẽ đổ. Cho nên phải bổ trợ thêm một cách nữa là đi vay, gọi là nợ công. Đi vay để không tăng thuế, nhưng khoản vay đó tất nhiên cũng phải dùng tiền thuế để trả. Tiền thuế đó đẩy cho tương lai, nghĩa là người sinh sau đẻ muộn vừa phải nộp thuế để Nhà nước lo cho việc của mình vừa phải nộp thêm thuế để trả nợ cho thế hệ “tiền nhiệm”. Học thuyết về nợ công cũng được vẽ ra vô cùng rối rắm nhằm che giấu sự vô đạo đức của nó.
Trên đây là chuyện của toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở nước ta. Nước ta thoát khỏi cơ chế tập trung quan liêu để bước vào kinh tế thị trường, lại bị “Nhà nước vú em” quyến rũ. Đó là chưa nói đến tham nhũng và lãng phí.
Cho nên, một Nhà nước tốt phải là một Nhà nước ít sứ mệnh, càng ít càng hay, cho dù những sứ mệnh đó có tốt hay không. Sứ mệnh cao nhất và chính đáng duy nhất của Nhà nước như Nhà nước ta hiện nay là tự làm sạch mình để đảm nhận vai trò làm thuê một cách tử tế cho người nộp thuế. Nhà nước ít sứ mệnh mới giảm được thuế, mới không vay nợ, cá nhân mới được sống tự do và ít tốn tiền. Ông F. D. Roosevelt được người Mỹ những năm 30 của thế kỷ trước nhiệt liệt ủng hộ vì đưa ra nhiều sứ mệnh cho Nhà nước, được bầu tới 4 nhiệm kỳ Tổng thống. Họ ủng hộ ông là do nỗi kinh hoàng của cuộc Đại khủng hoảng năm 1930 ám ảnh mà họ không nhìn thấy nguyên nhân. Để làm các sứ mệnh đó ông phải ra lệnh cấm vàng. Nhưng người Mỹ sau này không chịu ơn ông, họ chỉ nhớ tới ông khi nào bị thất nghiệp. Họ chịu ơn ông Reagan vì ông giảm thuế, bãi bỏ nhiều sứ mệnh của Nhà nước. Ngày nay người Mỹ đã có cái nhìn khác về nguyên nhân khủng hoảng kinh tế, nên họ bầu cho ông Trump vì ông giảm thuế, thực hiện một Chính phủ nhỏ gọn, phủi đít ra khỏi những chuyện ngồi lê đôi mách như chương trình biến đổi khí hậu hay can dự vào những chuyện tào lao của hàng xóm. Điều hơi buồn cười là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, nhiều nhà báo và các "chiến sĩ mạng" không giấu được thất vọng khi bà Hillary Clinton thất cử. Ai có ý định thương vay khóc mướn thì hãy nên lưu ý rằng bà ấy chủ trương duy trì một Nhà nước to nhiều sứ mệnh.
Tóm lại, muốn đánh giá một Nhà nước tốt hay không, mọi người nên sờ vào túi tiền của mình trước đã. Và hãy nhớ rằng, ủng hộ một Nhà nước tốt theo nghĩa tôi nói ở trên đồng nghĩa với việc bạn coi trọng tự do của chính mình, bạn chấp nhận một số rủi ro và quyết tự mình chăm lo miếng ăn giấc ngủ của gia đình mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét