Những chu kì phân rã
Đôi khi, người ta phải đắng cay để nhận ra rằng nền dân chủ, dân quyền của một quốc gia cũng giống như những cái trứng trong buồng trứng của người mẹ. Không phải cái trứng nào cũng may mắn được hoài thai và chu kì tan rã của một khối hay một trào lưu dân chủ nào đó trong một quốc gia nào đó cũng chẳng khác chi mấy chu kì kinh nguyệt của người mẹ, sự thiêng liêng và hứa hẹn không còn nữa, thay vào đó là sự khó chịu, bứt rứt và ô uế.Câu chuyện phân biệt Nam – Bắc, công kích và mạ lị nhau của nhiều người trên các trang mạng xã hội, trong đó gồm cả dư luận viên với người đấu tranh dân chủ và giữa người đấu tranh dân chủ với nhau trong thời gian gần đây là bằng chứng của một chu kì phân rã.
Tinh thần Á Đông?
Tôi vẫn thường nghe các giáo sư, giảng viên giảng cho sinh viên nghe thời còn học đại học rằng người Việt nặng tinh thần Á Đông, tinh thần liên kết cộng đồng rất cao, bởi xuất phát từ tâm thức, giềng mối xóm làng, giếng nước, sân đình, lũy tre, bến nước, đêm trăng… Còn người phương Tây thì đề cao yếu tố cá nhân, sống trên tinh thần cá nhân, lấy cá thể làm trung tâm… Thú thực là lúc đó tôi thấy ngờ vực về quan điểm của các thầy, còn bây giờ thì không còn ngờ vực gì nữa mà khẳng định là các thầy nói sai bét, phiến diện và cố chấp. Vì sao?
Vì các thầy đã hiểu sai ngay từ trứng nước chủ nghĩa Nhân bản của phương Tây và khi đọc các triết thuyết đề cao cá nhân, lấy con người làm trung tâm thì các thầy đã nghĩ ngay đến chuyện người Tây ích kỉ. Các thầy dựa vào Nho Giáo với tinh thần lấy dòng tộc, lấy sự vinh danh của môn phái, tông đồ làm kim chỉ Nam, cộng thêm nền văn minh lúa nước với lũy tre làng, con gà, con lợn, nải chuối trái mít chia nhau… làm giềng mối để khẳng định người Á Đông biết nghĩ đến cộng đồng. Đó là một sai lầm quá lớn nếu đến bây giờ các thầy vẫn dạy sinh viên kiểu này.
Vì thực tế, nếu nói thói quen có miếng mít mang sang nhà hàng xóm, có củ khoai cũng chia sẻ cộng đồng là tinh thần cộng đồng thì e rằng bị đánh tráo khái niệm, người Á Đông, đặc biệt là người Việt cứ nghĩ đơn giản rằng có dư thì cho người khác chứ không cần biết người ta có cần, có muốn, có thích thứ mình mang đến cho hay không và người ta cũng không quan tâm đến chuyện đối tác có khó chịu khi mình mang tặng hay không. Ngược lại, người văn minh, việc đầu tiên trước khi cho, tặng ai thứ gì phải là xem thử người ta có cần mình cho? Cho, tặng trong dịp nào là phù hợp? Có cần phải xin lỗi và cảm ơn trước/sau khi cho, tặng?
Việc cho, tặng một cách vô tội vạ chỉ cho thấy tâm thức người cho, tặng đang còn ở giai đoạn văn hóa mông muội, hồn nhiên và kinh tế đói kém, ăn tạp. Nếu thực sự nghĩ đến cộng đồng, người ta phải nghĩ đến cộng đồng chung quanh cần gì trên tinh thần tôn trọng và đề cao nguyện vọng của người khác chứ không cho bừa, nghĩ mình có thừa thì được quyền cho. Và nói cho cùng thì đến thời điểm hiện nay, cái kiểu chia cho miếng mít, chia cho củ khoai ấy lan sang những chuyến từ thiện đầy màu mè, cầu đức cầu phước nhưng lại đẩy người nhận xuống hạng mất khả năng kiếm sống, sống dựa dẫm. Cái này không phải là tinh thần cộng đồng gì sấc, đây là một sự phỉ báng lương tri và phẩm hạnh người khác bằng miếng ăn dư thừa của mình!
Trò lật kèo, đấu tố?
Sở dĩ đang nói về chu kì tan rã dân chủ tôi lại lòng vòng đến chuyện tính ích kỉ hay vị tha của người Việt là vì hầu hết các cuộc cách mạng Việt Nam đều dựa trên căn tính này mà thành hay bại. Nếu cuộc cách mạng 1945 không có cải cách ruộng đất và đấu tố thì sẽ không thể tiếp tục kéo dài chế độ Cộng sản trên miền Bắc cho đến năm 1975 chứ đừng nói thống nhất hai miền và tồn tại cho đến hôm nay. Bởi vì người Cộng sản biết dựa vào hai tính cách đặc trưng của người dân là sợ hãi và ích kỉ để tạo ra một cuộc đấu tố mà ở đó, mọi nỗi sợ hãi được đẩy lên đỉnh điểm và tính ích kỉ được giải quyết bằng những cuộc giết tróc tập thể cũng như mọi xung năng thù hận và ức chế được giải quyết. Và sau cuộc giải quyết ức chế này là lời hứa về ruộng đất, công bằng và miếng ăn…
Qua thời kì cách mạng này, lại có những cuộc cách mạng khác nhằm đập bỏ cái cũ, cái không thể xài được nữa tại Việt Nam, đập bỏ chủ nghĩa Cộng sản là một cuộc cách mạng lâu dài và chưa có hồi kết. Và đây cũng là cuộc cách mạng gay cấn, tốn kém và tổn hao nhiều nhất. Cuộc cách mạng này cũng đã trải qua nhiều lần phân rã, chuyển từ dạng đấu tranh vũ trang bạo lực sang đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, từ mô hình đảng phái sang mô hình xã hội dân sự… và chưa có hồi kết. Hiện tại, đang là giai đoạn phân rã của đấu tranh dân tộc.
Nếu như trước đây, người ta nhìn chung về một hướng, đó là tự do, dân chủ và những tiền đề của nó (trong đó gồm cả tiền bạc duy trì đấu tranh) thì hiện tại, khuynh hướng thể hiện cái tôi, khuynh hướng phân chia phe nhóm xuất hiện khá mạnh trong giới đấu tranh. Hay nói cách khác, chưa bao giờ Việt Nam lại nằm trong thế rối ren, khó chịu như hiện nay. Nếu như khối Cộng sản lãnh đạo, nắm quyền đang phân năm xẻ bảy vì quyền lực và tài lực, họ bắt đầu xâu xé nhau vì nguồn khoáng sản đang dần cạn kiệt… thì khối hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, dân quyền không hiểu vì lý do gì cũng bắt đầu phân rẽ, chia đôi Nam – Bắc, công kích lẫn nhau một cách không kiềm chế và mức độ hạ bệ uy tín của nhau cũng chẳng kém gì các đảng viên Cộng sản đang ám hại nhau.
Điều này vừa là tín hiệu buồn, đồng thời cũng là tín hiệu vui! Buồn vì chúng ta chưa có được sức mạnh toàn cục, tổng lực, sự đấu tranh hay nỗ lực chịu đựng của các nhà đấu tranh dù rất mạnh nhưng lại có tính manh mún, cá nhân, thiếu hẳn sự cộng hưởng. Nhưng lại vui bởi người ta vẫn hay nói với nhau là khi nước rốt mới biết đáy hồ có bao nhiêu cá, bao nhiêu con cá thồi lồi, bao nhiêu con lia thia, bao nhiêu con trắm và bao nhiêu con đẻn… Phải nói một thực tế là hiện tại, có vẻ như đảng Cộng sản đã phục hồi được quyền lực của họ bằng hàng loạt chính sách bóp nghẹt nhà đấu tranh trong sự dửng dưng và ngầm ủng hộ (vì quyền lợi biển Đông và vì những thế cờ áp chót trên bàn cờ chính trị Châu Á) của chính phủ Hoa Kỳ dưới thời ông Trump. Đây cũng là lúc giới đấu tranh tỏ ra mất bình tĩnh nhất.
Sự mất bình tĩnh này thể hiện trong những hành vi lật kèo, bán cái và đấu tố của giới đấu tranh. Đương nhiên con số này không nhiều nhưng cũng không nhỏ, và thay vì tựa vào nhau, tạo thành khối sức mạnh thì một số nhà hoạt động, đấu tranh quay sang công kích những nhà đấu tranh khác (mặc dù các nhà đấu tranh bị công kích vẫn đang trong cảnh tù đày, chưa qua kiếp nạn). Điều này cho thấy ở những nhà đấu tranh công kích không có cái gọi là “tinh thần dân tộc” mà chỉ có những bức xúc cá nhân, họ đã khéo đẩy sự bức xúc cá nhân mình vào cuộc chạy mang tính dân tộc, đến khi thấy không còn lợi ích nữa, họ quay trở về với động cơ ban đầu.
Nhưng, cũng qua những cuộc công kích đấu tố, thậm chí thanh trừng, ám hại nhau như thế, người ta mới có cơ hội phản tư, phản tĩnh và nhìn vấn đề bao quát, sâu xa hơn, không nóng vội, tự dễ dãi với sứ mệnh của mình như đã từng. Đây là tín hiệu mừng, bởi ngay từ đầu, tôi đã thấy có một cái gì đó rất khó nói khi tiếp xúc với một số nhà gọi là hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, cảm giác của tôi lúc đó là họ đang cố gắng đánh bóng tên tuổi thông qua kênh đấu tranh dân chủ và tự do cho dân tộc. Bởi tất cả những gì tôi tiếp thu được từ họ là chính trị và chính trị, mắng mỏ, rủa sả giới chóp bu Cộng sản một cách hăng hái nhất. Nhưng khi tìm hiểu về kiến thức lịch sử, địa chính trị cũng như mô thức cho tương lai mà họ đang chuẩn bị thì tôi không tìm thấy thứ gì ngoài hai chữ “rỗng tuếch”. Lúc đó tôi đã rất buồn và lo sợ dân tộc này sẽ rơi vào thảm cảnh tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh chưa xong độc tài và dốt nát Cộng sản thì đụng một loại độc tài và dốt nát phi cộng sản. Cả hai thứ ấy đều không cần thiết và rất nguy hiểm cho xã hội, dân tộc.
Và trong chu kì phân rã mới nhất của giới hoạt động, đấu tranh dân chủ, nhân quyền lần này, tôi thấy mừng nhiều hơn buồn. Bởi những người im lặng, kiên định và chịu đựng mọi thử thách đã tăng lên rất nhiều so với trước đây 10 năm, cụ thể là năm 2007, khi cuộc biểu tình chống Trung Cộng đầu tiên hình thành trên đất Sài Gòn. Nếu như thời gian đó, con số nhà đấu tranh chỉ trên đầu ngón tay thì hiện nay, con số đã lên cao chất ngất, có thể nói là đếm không xuể, đương nhiên là giữa hàng triệu nhà hoạt động, đấu tranh ấy vẫn có một nhóm nhỏ chơi trò phản phé, cục bộ địa phương, lật kèo, đấu tố, ám toán… Nhưng con số ấy là một dịp may để mọi phía đều có cái nhìn bình tĩnh hơn và có phương án chọn lọc, hợp thời hơn!
Nộ Thủy
(Vấn Đề)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét