Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Ép dầu phụng

Ép dầu phụng
Uyển Ca - March 23, 2017 “Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên”. Câu thành ngữ này không lạ gì, nhưng có lẽ người miền khác khó hình dung ra “ép dầu” là ép dầu gì, ép ra sao, ngoại trừ người xứ Quảng. Bởi người xứ Quảng dùng dầu phụng (dầu đậu phọng) để chiên xào thức ăn nhiều hơn là dùng mỡ, và cũng bởi đất cát của vùng này thích hợp với việc trồng đậu phọng.
Trỉa đậu phụng
Anh hai nó tên Ðậu, nó tên Phụng, tôi chỉ biết là anh em nhà nó sống với bà ngoại, ở cuối bãi Thu, nằm vắt trên dòng sông Thu mà thỉnh thoảng tôi mới về thăm quê ngoại, được bà dắt đi mua dưa hấu ngoài bãi, rồi đi mua đậu phụng tươi về nấu, tôi lang thang gặp anh em nó mót đậu. Hồi nhỏ, tôi hay giỡn với hai đứa nó là “hình như hai tụi bay còn một ông anh hay bà chị chi đó tên Mót đúng không?”. Nói vậy là hai đứa nó rượt tôi trối chết. Chuyện hồi nhỏ chỉ vậy, mãi hai chục năm sau, trời xui đất khiến tôi làm dâu xứ Quảng, tức quê ngoại của tôi, cha tôi làm rể xứ Quảng, con gái ổng làm dâu xứ Quảng, coi như huề cả làng. Nhưng nói tới chuyện dầu phụng thì có vẻ như chưa huề!



Tôi nhớ năm đó tôi lên mười, theo bà đi ép dầu phụng, hồi đó ép dầu không giống như bây giờ là có máy xay, lò hấp áp suất và bộng ép khí nén chỉ cần bật cầu dao thì máy tự ép. Hồi đó, muốn ép được một lít dầu phụng thì cộng tất cả mồ hôi của người trồng đậu và thợ ép dầu lại cũng ngót nghét một lít. Tới tháng ba, nghe chim gù gáy ngoài bãi, thấy bọ rầy bay vào nhà thì người ta ra bãi thăm, thấy cây đậu có lá vàng dưới chân, có vài lá chuyển sang màu thẫm, nhổ thử một bụi, thấy hạt chắc, ngọt và béo, coi như vụ thu hoạch tới rồi.

Ðậu phụng được nhổ, bó thành từng bó bằng lạt cật (tức lạt chẻ bằng vỏ tre, cứng và dẻo nhất trong dòng lạt tre). Khi bó, muốn cho bó đậu chắc ăn, người ta cắm một cây đòn xóc (vót bằng nửa cây tre, dài chừng 2m, nhọn 2 đầu, dùng để xóc rơm rạ, đậu phụng, cây bắp, hai đầu hai bó, phần giữa đặt trên vai để gánh) xuống đất sau đó trải một sợi lạt cật bên cạnh cây đòn xóc và trải đậu lên trên sợi lạt, sau đó người ta ghì đầu gối vào bó đậu, ép nó vào cây đòn xóc làm điểm tựa để bó cho thật cứng. Các bó đậu được đưa về nhà, người già và trẻ con xúm vào lặt.

Những cơ sở ép dầu phụng vẫn tồn tại

Ðậu lặt xong, mang ra phơi trên các nong, nia, bạc, không thể phơi trên sân bê tông hay đường nhựa vì phơi nhiệt độ cao quá sẽ mất hết dầu. Phơi đến khi nào cầm trái đậu trên tay, lắc nghe trên rột rột, tách vỏ đậu, thấy hạt đậu có lớp vỏ lụa và khều nhẹ thì vỏ lụa tách ra, bày hạt đậu trắng muốt, nghĩa là đậu đã khô. Cho đậu vào bao tải, để thêm từ ba ngày đến một tuần trong nhà cho đậu “lại dầu” là đi ép.

Thường thì bà ngoại bỏ tất cả các bao đậu lên xe bò, ông kéo, bà đẩy lên chỗ lò ép. Sau đó ông quay về, bà ở lại chờ người ta ép dầu xong lại gọi ông lên chở. Tôi thì làm giao liên cho ông bà, cứ chạy lên chạy về để báo cáo với ông là người ta đã xay đậu, người ta đang cho vào lò hấp, người ta đang gói bánh dầu bằng mấy cái niềng tre chồng lên nhau, trải một miếng bao tải vào trong mấy cái niềng và cho bột dầu hấp vào bên trong, sau đó gói lại thành bánh, bánh này chồng lên bánh kia, người ta gói rất nhẹ tay, đến khi nào xong mẻ đậu thì cho bánh vào bộng ép…

Đậu phụng đã bóc vỏ, chuẩn bị mang vào ép dầu. Người ta có thể ép dầu phụng từ hạt đậu còn vỏ hoặc đã bóc vỏ

Thợ cả của một lò ép dầu phụng đang sửa lại máy ép dầu phụng hiện nay (2017)

Sau đó dùng một cái kích ở đầu bộng, dùng sức quay kích cho nó chạy, đẩy pittong tới ép các bánh chảy dầu ra máng. Ðến khi nặng tay thì người ta tháo bánh quay kích ra, thay vào một bộ cần để gạn, cứ nâng cần lên rồi đạp xuống nghe rắc rắc là dầu chảy ra, còn bao nhiêu dầu thì gạn bấy nhiêu cho đến giọt cuối.

Lúc tôi làm giao liên cho ông bà ngoại thì gặp hai đứa nó, thằng Ðậu và con Phụng cứ đứng xớ rớ bên ngoài lò ép dầu, khi người ta xay đậu thì nó chạy vào kêu bà ngoại, nói cho nó gởi kèm mấy ký đậu, nó có gần mười ký, ép xong cho nó lấy năm lít dầu và mười tấm bánh dầu. Ông ngoại cười:

– Tụi bay thiệt là khôn, mười ký đậu ép ra có bốn dầu, vậy sao đòi mười lít?”.

Thằng Ðậu im lặng. Ông nói:

– Hơn chín ký đậu của con là ép chưa tới bốn lít đâu, vì đậu mót thì có trái tốt trái xấu, lấy bốn lít là được rồi. Ông cho tụi bay tiền ép.

Nó cứ đứng tần ngần không chịu, bà hỏi:

– Giờ hai đứa con tính sao nà? Có ép không để bà còn tính? Bà tôi hỏi tới câu này thì thằng Ðậu im lặng, con Phụng rươm rướm nước mắt.

– Ủa, sao lại khóc? Bộ ông ép tụi con à? Ông cười

– Dạ, không phải vậy, mà con cần tới năm lít dầu, mót cả mùa cũng không đủ. Một lít để dành đám giỗ ba mẹ, một lít bán mua vở cho con Phụng và ba lít vừa đủ trả tiền làm bia trên mộ mẹ con. Con tính hết rồi mà giờ không đủ.



Ông im lặng, dường như ông không nói được gì thêm, bà ngoại thì tỉnh hơn, ngoại nói:

– Có vậy mà sao tụi con không nói sớm. Mang đậu vào đây, bà cho thêm hai lít mang về để dành ăn. Như vậy là tụi bay có bảy lít dầu đó nghe. Bảy tấm bánh dầu nữa.

Nghe bà ngoại nói xong, hai đứa nó, thằng Ðậu và con Phụng mừng hí hửng mang đậu vào lò, thằng Ðậu không quên nịnh ông ngoại tôi bằng câu:

– Ðợt này ông để râu dài nhìn đẹp kinh khủng! Ông hút thuốc nhớ cẩn thận không là bật quẹt nó cháy râu nghe ông!

– Tổ cha mi, mi trù tau đó hả con! – Ông mắng yêu thằng Ðậu.

Dầu phụng được đựng từng can sau khi ép

Kỷ niệm về quê ngoại đi theo ông bà ép dầu với tôi có chừng ấy thôi, nhớ thằng Ðậu và con Phụng, hai đứa nó chuyên đi mót đậu ngoài bãi, hai đứa nó trạc tuổi tôi, thằng Ðậu bỏ học (mà hình như nó cũng không đi học), con Phụng thì học lớp ba trường làng. Ký ức có chừng đó cho đến hai mươi năm sau, tôi làm dâu xứ Quảng, gặp lại thằng Ðậu trong bệnh viện, lúc đó tôi sinh đứa con trai đầu lòng, vợ thằng Ðậu sinh đứa con gái đầu lòng, nó khai sinh con gái nó tên Phụng. Nghe cô vợ cứ gọi “anh Ðậu, anh Ðậu” là tôi nghi rồi. Ðến lúc Ðậu nựng với đứa bé “cái mặt trông giống y hệt cô của con à! ” thì tôi hỏi ngay:

– Có phải anh là anh Ðậu, em của anh là Phụng, hai anh em hồi nhỏ hay đi mót đậu ngoài bãi Thu Bồn, mót từ Ðiện Bình qua Câu Lâu đúng không?

– Ủa, sao chị biết?

– Giờ Phụng nó ở đâu rồi anh?

– Mất tích rồi chị ơi!

– Sao vậy anh?

– Hồi đó Phụng nó thông minh, học lên được đến đại học. Tôi thì đi làm thợ hồ nuôi nó học. Nhưng học đến năm thứ hai thì nó báo tôi là đừng gởi tiền cho nó nữa, nó đã có tiền tự lo học rồi. Hai tháng sau tôi chạy vào Sài Gòn tìm nó vì không thấy thư từ gì, hỏi ra thì bạn nó bảo nó bỏ học, đi ra ngoài, không ở ký túc xá nữa. Tôi tìm nó gần hai tháng trời trên đất Sài Gòn mà không ra tung tích. Nó biệt tăm từ hồi đó đến giờ.

Bánh dầu – xác đậu sau khi ép hết dầu. Thường được người ép mang về để ngâm, dùng nước tưới cây.

Tôi lặng thinh… Anh Ðậu nói tiếp:

– Chắc hồi xưa có gặp chị ở đâu rồi.

– Hồi xưa từng gặp nhau rồi, ở ngoài bãi, ở lò ép dầu phụng với ông bà ngoại em. Anh nhớ ra chưa?!

– À, tôi nhớ ra rồi. Hồi ông bà mất, tôi biết nhưng không qua thắp hương được. Bởi thời đó tôi cũng mới biết gốc gác của mình, buồn lắm nên không muốn đi đâu.

– Sao vậy anh?

– Cũng bởi cái tên Ðậu tên Phụng đó chị à. Ra là nạn đói năm 1945, ông bà cố tôi đói quá, mang hai đứa con vào Nam, bán cho một ông Nghè làm cháu nuôi để có cơ hội sống sót. Ông Nghè mua ông nội và bà nội cô tôi trên ga tàu, khi lên tàu, ông hỏi lại là hai đứa nhỏ tên gì. Lúc đó ông cố tôi nghe không rõ, lại nói tên của hai ông bà là Ðậu và Phụng. Vậy là ông nội và bà nội cô của tôi mang tên của cha mẹ. Sau này không hiểu trời xui đất khiến thế nào, hai anh em tôi cũng tên Ðậu tên Phụng, cũng mất cha mẹ từ sớm nên đời mới khổ. Hồi trước tôi đi tìm con Phụng, tìm miết không thấy, sau này có đứa bạn nó tìm ra tận nhà tôi, đưa cho lá thư bảo là con Phụng gửi. Tôi mừng lắm nhưng ra là nó viết trước khi vượt biên nhờ đứa bạn giữ. Ðứa bạn thân của nó báo với tôi là nó đi vượt biên nhưng bị bắn chết trên đường chẻ rừng từ Tây Ninh sang Campuchia. Tôi và đứa bạn của nó đi tìm xác nhưng vô vọng. Trong thư nó dặn tôi nếu sau này sinh con gái thì đặt tên là Yến Phụng để nhớ tới nó. Mà cũng là để cái tên Phụng không còn là đậu Phụng nữa…



Nói tới đây, Ðậu nghẹn lời, không nói thêm.

Tôi thấy hối hận vì gợi lại chuyện buồn của Ðậu. Tôi tự nhủ, thôi Ðậu đừng buồn nữa. Biết đâu giờ này Phụng đang là hạt cát nhỏ thu mình ven bãi bồi sông Thu, để ngắm những mầm xanh đậu phụng, ngắm những dáng người hom hem đêm ngày sống với đậu…Biết đâu đấy!

Tự dưng tôi thấy yêu khoảnh khắc tuổi thơ của tôi trên đất quê ngoại đến lạ lùng. Mà hình như, không riêng gì trái đậu phụng hay mùi vị dầu phụng, mà trong tất cả các thức quê của người xứ Quảng đều chứa một thứ gì đó nằng nặng khó nói. Có lẽ vì vậy mà món ăn xứ Quảng đậm hương vị đất đồng khói rạ, đậm chất quê mùa và cũng nghèn nghẹn nước mắt hơn?

http://baotreonline.com/ep-dau-phung/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét