Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Biểu tình: Kinh tế và sức khỏe, bạn chọn cái gì?

Chuyện biểu tình
Đăng Thăng - Bạn thử một ngày hít khói bụi ở Hà Nội hoặc một ngày sống trong thảm họa Formosa, hay sống trong vùng dự án khai thác Bôxit Tây Nguyên… chắc hẳn bạn sẽ có cái nhìn khác. Nếu cho bạn giàu như Steve Jobs, bù lại bạn phải sống với căn bệnh ung thư 10 năm và chỉ sống đến 30 tuổi, liệu bạn có đổi không? Đem sức khỏe người dân đổi lấy cơ hội kinh tế là một suy nghĩ ngu ngốc và tàn bạo không gì bằng!

Đài phát thanh truyền hình Nghệ An 
“lên án” cuộc khiếu kiện gần đây của bà con
giáo dân Song Ngọc. Ảnh: chụp màn hình
Tôi là người theo đạo lương, còn Trang là người theo Phật giáo. Nhỏ ăn chay đi chùa cũng nhiều, lại còn hay bắt tôi đi chùa với nhỏ nữa. Nhiều người đạo lương hay Phật hay có tà kiến đối với người Công giáo, nhưng tôi thì không. Bữa trước, giáo dân ở Nghệ An biểu tình dưới sự lãnh đạo của cha Thục, nhỏ đọc tin tức rồi nói với tôi:

- Ở Nghệ An lại xảy ra biểu tình nè.

- Nữa hả, chắc lại do vụ Formosa chứ gì.

Nhỏ đưa cho tôi đọc mấy bài về chuyện biểu tình ở miền Trung. Ngày 13/2, cá lại chết ở sông Quyền, nhân dân Kỳ Anh lại biểu tình chặn quốc lộ. Thảm họa năm 2016 chưa hết nóng thì họ lại tiếp tục xả thải cho cá chết. Ngày 14/2, hơn 1000 ngư dân thuộc giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh đã bắt đầu hành trình đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh nộp đơn kiện Formosa, thế nhưng chính quyền đã ngăn cản họ. Báo chí rùm beng lên chửi cha Thục và giáo dân, chụp mũ “phản động” lên đầu bất cứ ai lên tiếng.

Nhỏ đọc mấy bài trên báo Nghệ An với mấy blog trên mạng, tặc lưỡi:

- Dân làm vậy là dại, làm vậy chỉ để cảnh sát đánh cho sướng tay.

- Sao em nghĩ vậy?

- Thì họ ném gạch đá! Nên cảnh sát có cớ tấn công đoàn biểu tình. Nè – nhỏ vừa nói vừa chỉ màn hình – giáo dân ném gạch đá vào lực lượng chức năng làm 16 người bị thương, 3 ô tô bị vỡ, có người bị gãy tay nè.

- Kể cả anh em mình đứng chứng kiến chưa chắc mình đã biết rõ vấn đề, huống gì xem thông tin qua báo Đảng. Giáo dân tuần hành rất có kỷ luật và đoàn kết, họ rất nghe lời cha Thục, không có chuyện họ tự ý tấn công cảnh sát đâu. Anh từng đi nhà thờ chơi nhiều lần, anh biết.

- Ý anh là báo nói láo?

- Còn không phải sao! Em nếu chỉ đọc báo Đảng rồi nghĩ đó là sự thật thì cũng như khi em nhìn một vật, em nhìn thấy một nửa của nó thôi. Mà nửa này là nửa tối chứ không phải nửa sáng. Vì thế muốn có cái nhìn toàn diện phải nhìn từ nhiều phía. Sự thật trên báo Đảng là sự thật một nửa, em hiểu không.

- Thì dù sao em cũng có một nửa sự thật, còn hơn là không biết gì.

- Em có nghe câu nói “một nửa bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật không bao giờ là sự thật” không?

- Dạ có – Nhỏ nghĩ ngợi rồi nói – Vậy thì mấy trang “phản động” như BBC cũng chỉ là sự thật một nửa thôi.

- Vậy nên em gộp cả hai góc nhìn thì sẽ được nhìn tương đối tổng quan nhất. Nhưng giờ em thấy báo Đảng bảo vệ cho ai và báo “phản động” bảo vệ cho ai? Mấy báo mà tụi mình quen miệng gọi là “phản động”, anh thấy họ đang bảo vệ cho dân đấy.

- Ừm. Em thấy chính quyền hình như đang cố bảo vệ cho Formosa thì phải. Mà tại sao họ lại làm vậy?

- Sao hỏi anh? Anh đâu phải là họ.

- Chắc họ tham nhũng không ít tiền rồi.

- Còn phải ngôn! Mà mình là dân khoa học đâu biết nhiều chính trị. Mà vấn đề này còn liên quan nhiều vấn đề khác, không phải chỉ một góc nhìn mà có thể hiểu được.

Nhỏ nhăn trán:

- Đúng là cũng có cái khó, dù sao đây cũng là dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Theo em, chắc một phần chính quyền cũng muốn xây dựng kinh tế.

- Vậy giờ anh cho em 100 triệu đổi lấy em quả thận, em có đổi không?

- Anh hỏi kì. Có điên mà đổi.

- Thì đó, giờ em nghĩ giữa kinh tế với sức khỏe người dân, nên chọn cái gì?

Nhỏ trả lời ngay:

- Chắc chắn là sức khỏe người dân rồi.

Tôi cười:

- Vậy thì phải đóng cửa Formosa. Một kẻ đã phản bội một lần, ai dám chắc sẽ không có lần hai. Mà xưa nay Formosa đâu phải mới vi phạm một lần.

- Như thế thì phải đóng cửa luôn dự án Bôxit Tây Nguyên ấy chứ.

- Chính xác.

Kinh tế không phản ánh chất lượng cuộc sống như người ta vẫn thường nghĩ. Giàu không đồng nghĩa là sống tốt. Còn có những vấn đề như bất công xã hội, ô nhiễm môi trường, bạo lực… gia tăng cần phải quan tâm, kinh tế đâu phản ánh được điều đó. Đó lại là những vấn đề nổi cộm tại Việt Nam. Bạn thử một ngày hít khói bụi ở Hà Nội hoặc một ngày sống trong thảm họa Formosa, hay sống trong vùng dự án khai thác Bôxit Tây Nguyên… chắc hẳn bạn sẽ có cái nhìn khác. Nếu cho bạn giàu như Steve Jobs, bù lại bạn phải sống với căn bệnh ung thư 10 năm và chỉ sống đến 30 tuổi, liệu bạn có đổi không? Đem sức khỏe người dân đổi lấy cơ hội kinh tế là một suy nghĩ ngu ngốc và tàn bạo không gì bằng!

Trang nheo nheo mày:

- Thế, theo anh thì tại sao chỉ có giáo dân mới dám biểu tình?

- Đâu có, cũng có nhiều người biểu tình đâu thuộc tôn giáo như hồi vụ giàn khoan Hải Dương đó. Cái chính là số giáo dân biểu tình đông và số vụ nhiều hơn thôi.

- Thì anh giải thích xem.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi đáp:

- Theo anh nghĩ, giáo dân ở Việt Nam thường sống tập trung thành cụm, hay gọi là xóm đạo, mỗi vùng đều có các cha là những người lãnh đạo tinh thần, và giáo dân rất nghe lời cha. Họ sống với nhau rất đoàn kết, tình cảm như anh em một nhà, giữa các xóm đạo với nhau cũng thế. Vậy nên khi cha Thục đi kiện, tất cả giáo dân đều hưởng ứng. Còn người theo đạo lương, ngày xưa họ có các lãnh đạo như ông đồ, ông tú… bây giờ lấy ai lãnh đạo tinh thần cho họ?
- Thế sao bên Phật giáo xưa nay không lên tiếng?

- Cũng có chứ, như thầy Thích Huyền Quang (đã tịch), Thích Quảng Độ, Thích Không Tánh… thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Họ đã biến Phật giáo thành một tổ chức chính trị của Đảng rồi, đời nào có tiếng nói.

- Ủa, có 2 tổ chức Phật giáo khác nhau nữa hả?

- Tất nhiên.

- Em không hiểu. Tại sao lại phải làm vậy nhỉ?

- Bởi vì cai trị chính trị không thể khuất phục được con người, cai trị tư tưởng mới làm được điều đó. Đó là sự cai trị cao cấp nhất.

Nhỏ tiếp tục đặt câu hỏi khó:

- Ừm, anh nói cũng đúng. Mà em đọc trên Internet, người ta bảo người Công giáo có truyền thống bán nước chống lại chính quyền, Vantican cai trị tư tưởng của họ rồi nên mới hay biểu tình. Trên Internet có nhiều tranh cãi về vấn đề này lắm. Với thấy nhiều người lương cũng nói vậy.

- Thật ra, người Công giáo cũng yêu nước như người lương hay người theo đạo Phật thôi. Xuất phát của hiểu lầm này là khi truyền đạo vào nước Việt mình đã xảy ra xung đột ý thức về tôn giáo lạ rồi, từ đó có những chỉ dụ “cấm đạo” của các vua. Lợi dụng điểm này, thực dân Pháp dùng cớ “Bảo vệ đạo Kitô” để xâm lược và chia rẽ dân tộc ta cho dễ trị. Vậy mà người dân Việt ta, thay vì đoàn kết lại cùng nhau đánh Pháp, tự người Việt lại quay chia rẽ và tàn sát nhau, càng khiến cho Pháp dễ dàng xâm lược và đặt nền thuộc địa. Sau này, nhiều biến cố lịch sử xảy ra cũng như do một bộ phận nào đó của dân tộc vẫn còn tinh thần bài Kitô giáo (như châu Âu có bài Do thái, phân biệt chủng tộc…) khiến cho hiểu lầm này vẫn còn tồn tại dư vị cho đến tận ngày hôm nay.

- Vậy ý nghĩ đó là do hiểu lầm lịch sử?

- Đúng vậy. Tuy nhiên hầu hết sử gia lại không nhắc đến vấn đề lịch sử này, có lẽ vì nhạy cảm về tôn giáo, chính trị.

- Dù là nhạy cảm thì vẫn phải nói. Thà một lần cãi nhau cho xong rồi thôi chứ.

- Không đơn giản như em nghĩ đâu. Tôn giáo – chính trị là vấn đề mà mình không nên tranh cãi, nó phức tạp hơn khoa học nhiều. Về cơ bản nó không có đúng sai, không dựa bằng chứng như khoa học. Người ta có thể chụp mũ em bất cứ lúc nào. Formosa làm ô nhiễm môi trường, ai cũng biết. Nhưng chính quyền đã bảo vệ họ, thì dân sẽ thuộc phe sai, phe phản động. Nói trắng ra đen, nói đen ra trắng là chuyện thường tình của chính trị. Thế thôi!

Đ.T.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/02/vntb-chuyen-bieu-tinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét