Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Bí quyết: 5C

Bí quyết: 5C
Hồ Anh Thái - 19/3/2017, Trong một đại hội của ngành, đang đến hồi quyết liệt đề cử người vào ban chấp hành, thì có những lời đề cử một đồng chí X nào đó. Đồng chí này thậm chí còn không phải là đại biểu đi dự đại hội, hiện đồng chí không có mặt tại hội trường. Nhưng lời đề cử được chấp nhận và cuối cùng đồng chí trúng cử. Ai cũng hiểu chỉ vài người chưa hiểu, đồng chí ấy tưởng xa lạ hóa ra cũng thuộc diện 5C.
Image result for con ông cháu cha
(TBKTSG) - Thành ngữ con ông cháu cha đã được các nhà ngôn ngữ học lý giải thỏa đáng. Không hề vô lý, cũng như thành ngữ theo kiểu cao chạy xa bay không hề vô lý. Cách nói của người Việt là vậy. Cấu trúc theo kiểu Đề và Thuyết, con ông cháu cha là hai cụm từ được đặt chéo nhau: con - cháu, ông - cha, để nói cái ý đấy là đám người thuộc diện con cháu của những bậc ông bậc cha có dòng dõi có thế lực, cả quyền lực tài lực vật lực. Có thời người ta gọi đấy là loại 5C: Con Cháu Các Cụ Cả. Có khi được cụ thể thành nhà mặt phố bố làm to, trứng rồng lại nở ra rồng...

Ngồi giữa dăm ba đồng nghiệp, lỡ có định bình luận về một ông bà nào đó trong nghề thì bao giờ khả năng rủi ro cũng khá cao: thế nào cũng có người đang ngồi với ta là dây mơ rễ má của cái ông bà ấy.

Nói cho chính xác, lĩnh vực nào mà chẳng con ông cháu cha. Thoáng nhìn vào các ngành nghệ thuật là thấy ngay. Rất nhiều gia đình mấy đời là nghệ sĩ cải lương tuồng chèo hát văn ca trù. Thấy một ca sĩ hai mươi tuổi đoạt giải cao trong cuộc thi, hỏi thì hóa ra là con trai một nhạc sĩ nổi danh, tưởng người lạ mà hóa ra chẳng lạ. Những gia đình sân khấu điện ảnh. Những gia đình toàn họa sĩ. Trong lĩnh vực của mình, họ đều là Con Cháu Các Cụ Cả.

Nghề của cha mẹ chọn, rồi thành nghiệp của cả gia đình. Cha mẹ phục vụ trong lực lượng vũ trang, rồi đến con cháu cũng lại theo nghiệp ấy. Những gia đình toàn màu quân phục, sao và gạch, huân chương huy chương đầy ngực trong những dịp lễ hội. Những gia đình kinh doanh, con cái cũng lại theo nghiệp kinh doanh, cha mẹ con cái sở hữu công ty mẹ công ty con, khu đất này tòa nhà nọ, như kiểu cha mẹ con cái nhà ông Trump. Những gia đình toàn nhà giáo. Những gia đình toàn bác sĩ dược sĩ. Con cháu những gia đình ấy cũng nhiều khi bị ghen tị, bởi trong cùng ngành nghề cũng có nhiều người phải lép vế vì không phải con ông cháu cha. Trong rất nhiều thành đạt, 5C trở thành bí quyết, bí thuật.

Chẳng hạn, một bộ phim được giao vào tay một đạo diễn non nghề để đốt cả triệu đô của dân, hỏi ra thì cũng là con của một quan chức trong ngành. Một công trình nghiên cứu cấp nhà nước trị giá hàng tỉ đồng, tham gia vào đấy cũng có con cái các bậc trong ngành. Một tổng công ty để thất thoát hàng trăm triệu đô thì ra cũng là dưới tay một vị 5C.

Trong một đại hội của ngành, đang đến hồi quyết liệt đề cử người vào ban chấp hành, thì có những lời đề cử một đồng chí X nào đó. Đồng chí này thậm chí còn không phải là đại biểu đi dự đại hội, hiện đồng chí không có mặt tại hội trường. Nhưng lời đề cử được chấp nhận và cuối cùng đồng chí trúng cử. Ai cũng hiểu chỉ vài người chưa hiểu, đồng chí ấy tưởng xa lạ hóa ra cũng thuộc diện 5C.

Lĩnh vực nào chẳng thế. Nhìn từ khía cạnh dòng dõi, thì có vấn đề cái gen của gia đình. Nghề nghiệp cũng là một thứ di truyền. Thiên hướng, thiên phú, không phải là chuyện mê tín dị đoan, mà chắc là một sự sắp đặt của trời đất. Ông trời làm cái việc của cán bộ tổ chức, ông sắp xếp nhân sự từ trước. Tiền định. Ông làm cái việc của chuyên gia công nghệ thông tin, lập trình cho việc nối gót cha ông. Ông làm cái việc mã hóa một số phận, đứa trẻ ra đời rồi lớn lên để giải mã. Cái nghề mà ta gọi là gia truyền cũng phải được hun đúc qua nhiều đời. Ấn Độ cổ đại chia con người ra làm bốn đẳng cấp và một tầng lớp ở bên dưới. Việc phân chia ấy dựa trên cơ sở dòng dõi huyết thống, lại cũng có yếu tố của thuyết nhân chủng. Tiền định, tất nhiên rồi, nhưng người Việt còn tin rằng nhân định thắng thiên. Con người cũng còn có khả năng tự quyết, người xuất chúng có thể thay đổi được định mệnh.

Môi trường cũng là một điều kiện quan trọng. Sinh ra dưới một mái nhà từ bé mũi đã ngửi vị thuốc này thuốc nọ, mắt đã thấy những cao đơn hoàn tán, tai nghe toàn chuyện cấp cứu trị bệnh cứu người, thì dứt khoát lớn lên có thiên hướng làm nghề y hơn con cái nhà khác. Một gia đình mà cha mẹ toàn họa sĩ hoặc toàn kiến trúc sư, toàn bàn luận chuyện chuyên môn với đồng nghiệp trong những cuộc tụ họp tại gia, dứt khoát phải là môi trường hướng nghiệp tốt cho đám con cháu. Trong đám đồng nghiệp của cha mẹ có những cô chú sẵn sàng kèm cặp chuyên môn, lo giúp hồ sơ thi cử, con đường vào trường lớp vào cơ quan chắc chắn thuận lợi hơn. Thế là hình thành một triều đại trong lĩnh vực chuyên môn, cái mà người ta gọi là gia đình trị, không ưa nữa thì gọi là ăn quẩn cối xay.

Có gia đình nghệ sĩ sân khấu, bao nhiêu tài năng cha mẹ đã lấy bằng hết, đứa con chỉ gọi là có chút năng khiếu. Ai cũng ngạc nhiên khi cặp nghệ sĩ vẫn để cho đứa con theo nghề sân khấu. Năng khiếu chỉ đủ cho nó được phân những vai phụ, làm thằng hầu cầm cái cờ đi hầu ông quan trạng, chạy đánh vèo một cái qua sân khấu, người ta gọi là đóng vai chạy cờ. Theo nghề của gia đình chỉ là một cái cớ. Đẹp trai sức vóc như thế, nhưng thực ra không đóng vai chạy cờ thì đâu biết làm nghề gì.

Lại có đứa con một ca sĩ nổi danh, quyết thay đổi định mệnh, không chịu theo nghề âm nhạc của gia đình. Chú chàng quyết tâm thi vào ngành quan hệ quốc tế. Nhưng rồi thi đến ba lần vẫn trượt. Rốt cuộc một ngày kia lại thấy chú đứng hát trên sân khấu. Giọng không nổi trội không độc đáo, nhưng làm một ca sĩ trung bình thì cũng tàm tạm.

Để thấy rằng rất nhiều khi phải duy trì tình trạng 5C là vì nhân định không thể thắng thiên, không thể thay đổi định mệnh, có khi đương sự cũng muốn đổi nghề mà lại chẳng biết làm gì khác.
http://www.thesaigontimes.vn/157968/Bi-quyet-5C.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét