Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

“Dự báo tăng trưởng toàn trật, làm gì nợ chẳng tăng!”

“Dự báo tăng trưởng mấy năm toàn trật, làm gì nợ chẳng tăng!”
Dân trí - Nhận được một "rừng" truy vấn về vấn đề nợ công, sao nợ tăng nhanh, nợ vượt trần không kiểm soát được, nợ doanh nghiệp nhà nước…, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ta thán, do giá trị GDP sụt giảm liên tiếp nhiều năm trong khi kế hoạch chi không ngừng tăng, nhà nước buộc phải vay nhiều lên để đảm bảo…

Bộ trưởng Tài chính tại phiên trình luật trước UB Thường vụ Quốc hội
Bộ trưởng Tài chính là người đại diện của Chính phủ tại phiên trình dự luật Quản lý nợ công (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 20/3. Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ra nhiều vấn đề để tranh luận như xem xét cơ cấu nợ công, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về nợ công, bảo lãnh vay nợ của Chính phủ…

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đặt hàng loạt câu hỏi: Qua các kỳ họp Quốc hội, gần đây, một đánh giá vẫn được thống nhất là nợ công tăng nhanh, áp lực với những khoản nợ đến hạn phải trả lớn, nợ Chính phủ vượt trần… Luật này có giải quyết được bất cập của thực trạng? Từ khi có luật Quản lý nợ công năm 2009 đến nay, đáng ra tỉnh trạng nợ công tăng nhanh phải hạn chế được, vậy nguyên nhân có phải do luật “có lỗi” hay do khâu thực thi?

Nợ công hiện được tính gồm các khoản nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vẫn có những khoản nợ không nằm trong cơ cấu này mà nghĩa vụ thanh toán cuối cùng vẫn là của nhà nước. Bà Nga muốn biết kinh nghiệm quốc tế về việc tính nợ công thế nào, có giống công thức đang áp dụng tại Việt Nam?

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn, nếu những khoản nợ vay mà đối tượng không trả được thì Chính phủ vẫn phải gánh, như nợ bảo hiểm xã hội, nợ xây dựng cơ bản thì có nên đưa vào phạm trù quy định về nợ công? Hiệu quả sử dụng nợ vay của Việt Nam thế nào khi nhiều nước cũng vay nợ rất lớn nhưng không phải lo lắng gì trong khi nguy cơ vỡ nợ với Việt Nam rất lớn, dù tỷ lệ vẫn khống chế trong tỷ lệ 65% GPD?

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh BÌnh cũng tán thành hướng phân tích, nếu xếp cả hệ thống Ngân hàng nhà nước và DNNN vào khu vực công thì cũng phải đưa nợ của những đơn vị này vào cơ cấu tính nợ công vì nếu các tổ chức DN này phá sản thì Chính phủ cũng vẫn phải trả tiền chứ không ai khác. Ông Bình dẫn chứng nợ của Vinashin, Vinalines hiện nay, nếu DN phá sản, nhà nước phải gánh nghĩa vụ trả nợ.

Ông Bình băn khoăn về cơ chế quản lý nợ, dù quan điểm là thống nhất đặt ở Bộ Tài chính nhưng những hợp phần như ODA lại thuộc phần Bộ KH-ĐT. Một nhà mà có quá nhiều cửa, nhiều người được vay nợ thì có quản lý được nợ hiệu quả?

Với hàng loạt câu hỏi đặt ra, trước hết về nguyên nhân làm nợ công tăng nhanh, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, giai đoạn 2011-2015, mục tiêu tăng trưởng đề ra đến 7,5%/năm, sau khi suy giảm kinh tế dù đã được hạ xuống mức 6-7%/năm nhưng thực tế cả nhiệm kỳ mức tăng trưởng cũng chỉ đạt 5,9%. Trong khi đó, mọi yêu cầu chi như đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư cho hạ tầng giao thông… vẫn tiếp tục tăng lên. Vì vậy, cả giai đoạn vừa qua, nhà nước buộc phải giữ tỷ lên bội chi rất lớn, tới 5,6-5,7%. Đó là còn chưa tính phần tăng giải ngân vốn vay ODA.

Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng bằng số liệu cụ thể năm 2016, mục tiêu tăng GDP đặt ra là 6,&% nhưng thực tế chỉ đạt 6,2% (sụt giảm lớn trong khi mọi chỉ tiêu điều hành khác đều “chạy” trên chỉ tiêu cơ bản này). Điều đó có nghĩa, dự toán giá trị thực tế của GDP là tới 5,1 triệu tỷ đồng nhưng thực tế chỉ đạt 4,7 triệu tỷ. Số tiền thu thì hụt trong khi các đầu chi quá lớn nên buộc phải vay lớn, nên tỷ lệ nợ tăng nhanh, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là… đương nhiên.

Bộ trưởng Tài chính thốt lên: “Mà dự báo thì chẳng đúng gì hết, chỉ tiêu mấy năm qua đưa ra đều trật, mà toàn trật theo hướng đi xuống thôi, làm gì mà nợ chả tăng. Tôi thấy đó việc đó là khách quan”.

Về phần quản lý, điều hành nợ, Bộ trưởng Tài chính xác nhận các ý kiến phân tích là đúng, rõ ràng sự phối hợp giữa các cấp, ngành không ăn ý. Như ODA, ông Dũng phân tích, dự toán thì thấp, giải ngân lại cao trong nhiều năm liền.

“Giai đonạ 2013-2014 chúng tôi đến vất vả với khoản này, mà đến tận bây giờ vẫn chưa hết vất vả. Có năm dự toán chỉ 17.000-18.000 tỷ mà thực tế giải ngân lên tới 50.000 - 60.000 tỷ. Làm thế thì đương nhiên nợ công vọt lên cao rồi. Cứ làm như thế, quản lý sao nổi!” – ông Dũng than.
P.Thảo
http://dantri.com.vn/chinh-tri/du-bao-tang-truong-may-nam-toan-trat-lam-gi-no-chang-tang-20170320103409729.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét