Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Bánh xèo “chùa” ở chùa bánh xèo

Bánh xèo “chùa” ở chùa bánh xèo
16/03/2017 - Ngày nay, phần lớn là do Sài Gòn quá đông dân, đông đến mức hỗn độn, việc cạnh tranh kiếm sống phải tất bật nên ngày rằm, ngày vía bà con Phật tử khi đi chùa cúng bái thường ít có dịp ở lại ăn bữa cơm chùa. Trái lại, mỗi khi đi hành hương xa, nhất là hành hương về các tỉnh miền Tây, họ thường truyền miệng cho nhau biết các kiểng chùa đãi món chay lạ miệng.

Bánh xèo ở miệt Châu Đốc, Tịnh Biên.
Robot... rán bánh xèo
Hôm chúng tôi đến núi Cấm - Thất Sơn, đi đến đâu cũng nghe bà con nói về các chùa có bếp đổ bánh xèo chay mời cho khách thập phương. Nổi tiếng nhất trong số các chùa đổ bánh xèo ở miệt Châu Đốc - Tịnh Biên (An Giang) có tên chính thức là Đông La, nhưng tên bà con thập phương thường gọi là: Chùa Bánh Xèo.

Buổi trưa, chúng tôi để bụng đói đi suốt từ chân núi Cấm - Tri Tôn đến Tịnh Biên để đến Chùa Bánh Xèo ăn cho biết món bánh xèo chay nổi tiếng khắp nơi này. Chuyển từ xe bus, qua xe Honda ôm, phải qua giờ Ngọ chúng tôi mới đến được ngôi chùa nằm sát cạnh đường tỉnh lộ.

Chùa mới xây, không lớn, không nhỏ; kiến trúc theo phái thiền viện Trúc Lâm khá xa lạ với kiểu chùa truyền thống miền Nam. Vì chúng tôi đến quá giờ ăn trưa mà cũng đến không nhằm ngày rằm ngày vía nên không chứng kiến được chuyện khách thập phương ùn ùn đến chùa ăn bánh xèo miễn phí.

Chúng tôi đi thẳng vào hậu liêu chùa để tìm nhà khói, nhưng trong bụng không chắc là có bánh xèo để ăn. Buổi trưa trong chùa ngoài một vài cư sĩ áo lam, ít người còn lại là dân xe ôm, bán rong đến tựa vách chùa nghỉ lưng. Đến nhà ăn, nhìn thấy số bàn ăn dành cho khách đến thưởng thức món bánh xèo nhiều như một nhà hàng tiệc cưới, mới biết quả lời đồn không sai.

Một vị cư sĩ áo lam đón chúng tôi đúng phong cách người miền Nam đón bà con đi xa mới về. Ông nói giọng trầm ấm. "Anh vô bếp lấy bánh xèo mà ăn". Thiệt là rất lâu rồi chúng tôi mới được mời ăn "chùa" thiệt lòng như vậy. Bước đến bình nước lọc kiểu của lính Mỹ ngày trước, trong nhiệt độ nắng nóng phương nam chúng tôi làm một ly nước lớn cho mát ruột.


Đi đến nhà bếp của chùa mà người đời trước gọi là nhà khói, chúng tôi chưng hửng khi thấy mấy chục cái lò củi, từng chục lò củi xếp theo hình bán nguyệt trên là các chảo chiên bánh xèo. Trời ạ, chắc khắp cả nước và chưa bao giờ có nhà hàng hay quán bánh xèo nào lại nhiều chảo chiên bánh đến vậy. Chúng tôi ngó quanh, không thấy có cái bánh nào mà cũng không thấy có lò bếp nào nổi lửa. Nhưng chưa đầy 5 phút, từ đâu không rõ có một anh tuổi ngoài ba mươi bước vô bếp, anh nói như thể tôi là vị khách quan trọng. "Cậu chịu khó chờ chút xíu, tui làm cái vèo là có bánh nóng giòn cho cậu ăn".

Anh ngồi giữa hơn chục cái bếp, đưa tay lấy củi khô, giữa mùa mưa dầm mà củi của bếp khô tới mức chỉ cần anh nhúm một lúc là cháy bừng, anh sang lửa hết cho cả chục cái lò, sau đó anh bắt đầu quậy bột trong sô, xèo xèo tiếng dầu chiên, xèo xèo tiếng bột vang trên chảo nóng. Thao tác chiên một lúc cả chục bánh xèo của anh điệu nghệ như một vũ công.

Khi hỏi thăm, được biết anh tên là Ngô Xuân Vũ, là một trong các đầu bếp làm công quả chiên bánh xèo ở chùa, anh có hơn 10 năm thiện nguyện chiên bánh ở chùa. Anh Vũ cho biết: "Làm nghề sửa xe rồi vô chùa đổ bánh xèo.

Lúc đầu đổ 2 - 3 chảo và hiện đã tăng lên 12 chảo. Cứ trung bình 1 tiếng là 300 cái, nên hôm nào nhiều khách hành hương, một mình tôi đổ khoảng 2.000 cái còn không kịp cho khách ăn. Việc đổ bánh không phải nhiều mà bánh không được sống, có khét chút đỉnh cũng được nhưng bắt buộc bánh phải mỏng, giòn để ăn không ngán".

Chúng tôi nói đùa với anh, xin bầu anh là bếp trưởng không tiền công của nhà hàng bánh xèo chùa lớn nhất thế giới. Anh cười khiêm tốn nói. "Thôi đi cậu ơi, đâu phải mình tui, cả chùa thường xuyên có hơn một chục người làm công quả đổ bánh xèo đó".

Mang một dĩa năm cái bánh lên nhà ăn, cả nhà ăn chỉ mình chúng tôi là thực khách, vừa ngồi vào bàn, đã có vị cư sĩ áo lam mang đến cho dĩa rau và chén nước chấm với mấy quả ớt.

Trời ạ, nhìn dĩa rau rừng của xứ Bảy Núi ăn với bánh xèo sao mà tươi ngon hết sẩy. Đây là các loại rau rừng đặc biệt mọc xanh um trên núi vào mùa mưa được một số phật tử và một số người thiện ý hái về cúng chùa như ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… Nếu bạn hỏi, rau thì ngon và lạ miệng nhưng bánh xèo chay có nhân là gì, ngon không?

Xin thưa, bánh xèo chay ở chùa Đông La chỉ gồm bột, đậu xanh hột luộc sơ cho mềm, đậu hủ, tàu hủ ky, củ sắn sắt miếng mỏng, chỉ vậy thôi nhưng bảo đảm là các bạn sẽ được thưởng thức vị ngon thanh khiết của món chay tinh thuần hương vị đất trời miền Nam.

Được biết thêm từ năm 1999 đến nay, mỗi ngày, Thiền viện Đông La, do Hòa thượng Thích Thiện Chí trụ trì, tọa lạc tại khóm Xuân Phú thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang phục vụ hàng ngàn chiếc bánh xèo chay cho Phật tử, người nghèo, công nhân…

Bùi Công Tân
http://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/Banh-xeo-chua-o-chua-banh-xeo-432427/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét