Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

(2) Trường Chinh: Nội thất một gia phong

Nội thất một gia phong
TP - Cú hích quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh dẫn đến Đổi Mới ấy không phải ngẫu nhiên mà phải có duyên do, căn nguyên từ trước? Tôi chợt nghĩ đến việc vấn tổ tầm tông độc đáo của ông Trường Chinh thời điểm năm 1975 (đã nói kỳ trước) về nhà thờ Đặng Tất, Đặng Dung ở Nghệ Tĩnh như một kiểu lĩnh hội, xác quyết thêm thông điệp của tiền nhân là phải biết quyết trong thời điểm cần thiết?
Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Có lẽ cũng chỉ là tình cờ, khi ngôi nhà gia đình ông Trường Chinh ở lâu nhất cho đến cuối đời là số 3 Nguyễn Cảnh Chân.Căn nhà số 3 Nguyễn Cảnh Chân hiện tại đã được gia đình ông Trường Chinh trả lại cho nhà nước. Cũng cần nói thêm, ngôi nhà gần như không có sự thay đổi như cách đây nửa thế kỷ khi gia đình ông Trường Chinh chuyển đến. Khoảng sân rộng với cây muỗm già tán rộng tỏa ra sự ấm áp, sinh sắc cho cả khu nhà.

Bước qua cánh cổng trang nghiêm, đột ngột òa ra một không gian giản dị đến không ngờ: chiếc chuồng gà sắt bên trái bức tường gần cổng, giàn sắt để treo những giò phong lan ông chăm sóc mỗi chiều, sân gạch rêu mốc và chiếc ghế đá mỗi ngày ông ngồi đọc sách hoặc trò chuyện với con cháu.

Trong căn nhà, những tủ sách với hàng trăm cuốn. Sách của các lãnh tụ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách luật, sách văn học nghệ thuật trong và ngoài nước. Trên bàn làm việc, cuốn sách đang đọc dở, chiếc bút thường dùng, triện thấm mực và tờ lịch đang mở những ngày cuối tháng 9…
Nếu không phải cần kíp bấn bíu việc nước thì bao giờ ông Trường Chinh cũng dành mươi phút buổi chiều nếu không ngồi thì tản bộ quanh cái sân con của nhà số 3 Nguyễn Cảnh Chân hầu chuyện cha già Đặng Xuân Viện.
Cụ Đặng Xuân Viện sinh năm 1880 mất năm 1958 tại Hà Nội, là con thứ tư của cụ nghè Đặng Xuân Bảng, học rộng nhưng không chuyên về cử nghiệp. Ông đã làm Thừa phái tỉnh Hưng Yên  được dăm năm thì xin nghỉ. Ông có tham gia vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, từng bị chính quyền Pháp theo dõi và bắt quản thúc ở quê nhà.
Ông là một cây bút trong nhóm “Nam Việt Đồng Thiên Hội”, biên soạn bộ Minh Đô sử gồm 100 quyển. Tác phẩm Hành Thiện xã chí của ông gồm 4 tập bằng chữ Hán. Tuy viết về chỉ một làng Hành Thiện nhưng trình bày rất khoa học lớp lang như một dư địa chí sau này rất được các nhà sử học, địa lý học và dân tộc học tham khảo.
Trong kho tàng trước tác chữ Hán và quốc ngữ của cụ Đặng Xuân Viện, tôi để ý đến cuốn mỏng thôi nhưng bây giờ vẫn còn tày tặn nguyên vẹn giá trị, rất có ích cho giới viết lách. Đó là cuốn Hán văn sơ học tiệp giải phiên ra quốc ngữ in năm 1941. 
Trong cuốn ấy,  cụ bày cho cặn kẽ nghĩa của những từ tiếng Hán thông dụng kiêm cách dùng trong từng trường hợp. Sở học cũng như tính cách của cụ thân sinh chắc ông Trường Chinh chịu nhiều ảnh hưởng nhất là tác phong chỉn chu, thấu đáo? Chả thế mà ông còn có tên là Thận. Cẩn thận,  chu tất trong lối sống, trong công việc, việc nước việc nhà…

Đặng Xuân Kỳ, Đặng Việt Bích, con trai cụ Trường Chinh (thứ ba, tư từ trái sang).
Cái câu đất có lề quê có thói như một thứ mặc định của người Việt? Lề ấy, thói ấy có sự hay dở tốt lành? Hành Thiện là xứ đất lạ. Mà lề thói cũng lạ?
Người xưa có câu quang ư tiền dụ ư hậu hay vắn tắt là quang tiền dụ hậu đại để người trước mở mang, đời sau hoàn thiện, chỉnh nắn. Để ý qua biên khảo, Hành Thiện có sự chênh lệch số người giữa các dòng họ khá lớn: họ Nguyễn chiếm gần nửa dân số; họ Đặng có hơn một phần ba dân số, nhưng có họ chỉ có một vài trăm, thậm chí một vài chục người. 
Điều này cho thấy Hành Thiện khá bình đẳng không phân biệt dân ngụ cư cũng như chính gốc. Hành Thiện luôn rộng mở đón dân lưu tán nơi khác đến cùng sinh cơ lập nghiệp. Đây cũng là một đặc điểm trong tính cách của người Hành Thiện. Chả thế mà chặt chẽ như vua Tự Đức cũng đã hào phóng ban cho Hành Thiện một thứ  sắc phong về cái làng, nói như bây giờ là đạt tiêu chí làng văn hóa mới. Đó là 10 điều ban huấn của Tự Đức.
1. Đôn nhân hậu (luôn ăn ở có luân thường đạo lý); 2- Chính tâm thuật (ăn ở ngay thẳng); 3- Thương tiết kiệm (chuộng đường tiết kiệm); 4- Hậu phong tục (duy trì lệ tốt); 5- Huấn tử đệ (dạy con em cho có nếp); 6- Vụ bản nghiệp (duy trì nghề nghiệp tốt); 7- Sùng chính học (chuộng học tập điểm ngay); 8- Giới dâm thác (tránh những điều dâm dục); 9- Thân pháp thư (giữ gìn lễ phép); 10- Quảng Hành Thiện (mở rộng điều lành).
Thường các nhà nho có máu mặt, các trí thức có học hành hay khoa bảng, đỗ đạt thường trưng tại tư gia của mình nhà nhiều, nhà ít những chữ mang ngữ nghĩa hàm súc. Bảo chữ khó, chữ hiếm cũng được. Hoành phi hay câu đối đều mang hơi hướng na ná thứ uẩn súc ấy.
Về Hành Thiện, ghé nhà cụ Đặng Xuân Bảng, ông nội Trường Chinh. Cụ Bảng sinh năm Mậu Tý (năm 1828) thuở nhỏ ông theo học cha mình là cụ Đặng Viết Hòe. Đặng Xuân Bảng đỗ Tú tài năm 18 tuổi (năm 1846), đến khoa thi sau lại đỗ Tú tài một lần nữa, người đời gọi ông là Kép Bảng. Đến năm 22 tuổi, triều vua Tự Đức, ông đỗ Cử nhân, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). 
Khoa thi năm 1856, Đặng Xuân Bảng 28 tuổi, vào Huế thi Hội và đỗ Tiến sĩ, đỗ thứ nhì khoa ấy (Quyển ông đáng đậu Hoàng giáp, nhưng cuối bài sách có câu can vua về thanh sắc tuần du. Vua không ưng, đánh xuống đầu tam giáp Tiến sĩ). Khi vào lĩnh mũ áo, dự yến tiệc, vua Tự Đức hỏi:  Người ở nhà học ai? - Tâu bệ hạ, từ thuở bé đến lớn, hạ thần chỉ học cha ở nhà thôi. - Cha ngươi đỗ gì? - Tâu bệ hạ, cha hạ thần đỗ bảy khoa tú tài. Vua liền ban cho bốn chữ Giáo tử đăng khoa (Cha dạy con mà con thi đỗ Đại khoa).
Một số tác phẩm của cụ Đặng Xuân Viện.
Sau khi đỗ tiến sĩ, Đặng Xuân Bảng được vào làm việc ở Nội các triều đình rồi lần lượt giữ các chức vụ Tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa), Giám sát ngự sử (1861), Chưởng ấn ở Lại Khoa (1863), Án sát Quảng Yên (1864), Bố chính Sơn Tây (1869), Tuần phủ Hải Dương (1872), Đốc học Nam Định (1886)...
Lẩn thẩn nghĩ, nếu cứ căn cứ vào xuất thân gia thế, cung cách xây cất bày biện còn lại bây giờ hẳn ngày  trước nhà cụ Bảng có khá nhiều bức hoành liễn đối với những chữ nghĩa uyên thâm, uẩn súc? Nhưng tại từ đường cụ Bảng, tôi chỉ thấy một vế đối gian chính giữa chữ nghĩa khá phổ thông…
Cụ Nguyễn Viết Điền người tham gia  trông coi cả khu di tích cũng công nhận vế đối này hậu thế làm theo lối mới. Cụ cũng cho biết kèm cái thở dài trong câu chuyện rằng đã thất tán mất mát đi nhiều chả biết nó là vào thời nào?!
Còn tại gian chính nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh thì lại khác. Khu nhà rộng 530m2 với một ngôi nhà lưu niệm rộng 5 gian. 3 gian chính giữa được bố trí làm nơi thờ đồng chí Trường Chinh và những người thân đã quá cố, 2 gian phòng ngủ nằm ở 2 đầu của căn nhà, trong đó có 1 gian là phòng ngủ của vợ chồng đồng chí Trường Chinh ngày mới cưới. 
Trong nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật, như: khung cửi dệt vải, tủ sách, nhiều bức hoành phi, câu đối… Mỗi năm, khu di tích đón trên 300 đoàn khách tham quan và là nơi để tổ chức các buổi kết nạp đoàn viên, đội viên… Nhờ được bảo tồn nên căn nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn.
Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Thoa, hướng dẫn viên của khu di tích: “Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh trước đây được ông nội là tiến sĩ Đặng Xuân Bảng xây dựng vào năm Nhâm Dần (1902) cho người con trai của cụ là ông Đặng Xuân Viện. Đồng chí Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện, sinh ra và lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này”.
Ngay ngắn gian giữa là bức hoành biến cách như dạng cuốn thư trên  nền hoa hiên cánh gián  đột ngột khởi lên ba chữ Âm Kỳ Ngọc (tạm hiểu na ná là tiếng của ngọc hoặc tiếng lành của ngọc, hoặc lành thay tiếng ngọc). Cố nhón chân, mới lõm bõm mấy dòng lạc khoản dương lịch nhất niên cửu bách thập bát Đông Pháp báo quán kính, hiệu Tiên Duệ chế tịch thư (Dương lịch năm 1928 Bản báo Đông Pháp kính tặng. Cửa hiệu Tiên Duệ Hà Nội chế và viết chữ).          
            ______________
(Còn nữa)
Người viết xin mạn phép chút mở ngoặc. Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, một trong những di tích đặc biệt. Có lẽ mọi thứ hiện vật thuộc về nhà lưu niệm cũng như khu di tích chẳng hạn như phần chữ Hán, Ban quản lý nên nhờ các nhà thông chữ học rộng nên biên tu lại một lượt cho cẩn trọng, chính xác đem in thành sách mỏng bằng quốc ngữ đặng giúp cho khách tham quan thưởng lãm hiểu thêm tư tưởng chí khí của chủ nhân lẫn gia thế. Phải nói vậy vì là khách thăm, tôi may mắn được ông Điền và chị Thoa trong Ban quản lý di tích giúp cho, sau nữa cùng những chắp nối nhờ vả nên cũng lõm bõm về ngữ nghĩa của những bức hoành cùng liễn đối tại gian chính khu lưu niệm.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/cung-tram-lang-hanh-thien-ky-ii-noi-that-mot-gia-phong-1125518.tpo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét