Đĩ
Đặng Ngữ
[…] “Em người miệt nào dậy?” mấy cổ sẽ không e ngại mà trả lời
“em người Cần Thơ; em người Vĩnh Long, em người Sóc Trăng…”
Miền Tây không có “đĩ”.Theo cá nhân tôi thì “đĩ” từ ngoài Bắc tràn vô chứ dứt khoát ở đây người ta không ưa sài “đĩ”. Hoặc chỉ mới xuất hiện “đĩ” dạo gần đây. Câu hỏi đặt ra: dạo gần đây là từ dạo nào? Phải xác định khoảng thời gian “nhạy cảm” này cho thật cụ thể.
Dạo gần đây có phải từ 1975 không? E rằng không, vì khoảng thời gian từ 1975 đến những năm 1990, cả nước này vẫn còn nghèo bấn lắm, chưa thể nghĩ nhiều đến việc phải làm gì với “đĩ”. Còn nếu bảo từ 1990 đến nay thì sao mà trong một khoảng thời gian rất ngắn lại bùng nổ lắm “đĩ” đến thế. Hoặc có thể xa hơn trong quá khứ, từ dạo 1954 trở đi có được không. Giả thiết tồn tại “đĩ” ở miền Tây có từ những năm 1954 khi một lượng lớn người miền ngoài chạy nạn. Cái lý đó cũng khó mà đứng vững.
Câu hỏi vẫn còn đó: miền Tây có đĩ từ khi nào? Tôi thật không biết miền Tây có “đĩ” và “đĩ” trở nên thịnh vượng từ khi nào. Nhưng theo chỗ tôi biết, trong vốn từ vựng vùng miền Tây người ta không ưa và cũng không có khuynh hướng sử dụng từ “đĩ”. Nếu có thì cái ý nghĩa của cái từ “đĩ” thường cặp đôi với “điếm” thành “đĩ điếm” nó khác xa với cái mà đương thời chúng ta đang hiểu. Người miền Tây không gọi “đĩ” mà gọi là “gái”. Nghĩa là, chỉ đơn giản xác định giới tính con người ta mà thôi. Thành ra, sẽ rất khó xác định ai là gái đường hoàng, ai là gái buông hương bán phấn qua tên gọi. Đối với miền Bắc: gái là gái mà đĩ là đĩ. Người miền Tây, khi vào quán, kêu mấy cô gái phục vụ bằng cái tên thân thương: gái ơi gái à. Từ gái nó dễ thương đến lạ. Câu hỏi đặt ra: sao người miền Tây lại đem cái từ dễ thương đến vậy cho chung chạ với cái nghề chạm thuần phong mỹ tục? Phải chăng, người miền Tây thoáng như Tây nên coi nghề làm “gái” cũng là một nghề đường hoàng như bao nghề khác? Cái này còn phải bàn kỹ, thật kỹ. Không người phụ nữ nào muốn so sánh mình với “đĩ”.
Ở ngoài Bắc, ngoài Trung, chửi người ta bằng từ “đồ đĩ” nặng lắm. Có khi hận nhau đến hết đời. Chồng chửi vợ “đồ đĩ” thì dứt khoát bỏ đi. Bạn bè chửi nhau “đồ đĩ” thì ngàn năm sau khỏi nói năng gì thêm cả. Nhưng dân miền Tây có khi giỡn nhau lại nói “sướng như đĩ” hay “sang như đĩ”. Ơ kìa, có thật sướng như đĩ, có thật sang như đĩ? Làm đĩ có gì mà sướng mà sang? Bị điên à? Khùng à? Đồ hạ đẳng….bla….bla….bla. Đem bụng dạ và cách hiểu của người đàng ngoài vô đây diễn dịch sẽ không tránh khỏi sự tối tăm vô vọng.
Miệt vườn. Nguồn: pystravel.com
Văn hóa Việt vốn khuynh hướng âm tính (văn minh nông nghiệp-lúa nước, lại thêm ảnh hưởng nặng nề văn hóa Hán). Trải từ miền Bắc, vào đến miền Trung, rồi kết thúc tại miền Nam với cực Tây Nam Bộ. Quá trình mở rộng lãnh thổ và không gian sinh sống cũng chính là quá trình dương tính hóa. Dương tính hóa mạnh mẽ nhất và kết thúc tại vùng Tây Nam Bộ. Do đó, ảnh hưởng của văn hóa Hán (đạo Khổng Mạnh) càng xuôi về Nam càng phai nhạt. Nho giáo yếu nhất cũng tại vùng đất Tây Nam Bộ này. Tây Nam Bộ là vùng đất mới. Người Việt vào đây chỉ độ thế kỷ XVII trở đi. Ban đầu thì vào lắt nhắt từng đôi ba nhóm nhỏ, sau thấy vùng đất này cũng “ngon ăn” nên rủ nhau vào càng ngày càng đông theo từng đoàn lớn. Người miền Tây đa phần có gốc gác vùng Ngũ Quảng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Lưu dân vào vùng đất này, kẻ thì không mảnh đất cắm dùi ở quê gốc, kẻ thì phạm tội lưu đày, kẻ thì không bằng lòng với chế độ đương thời. Khi vào đến vùng đất mới, với chất khí dũng có sẵn nơi người miền Trung, không ai không muốn cởi bỏ tất cả những lề thói gò bó nơi đất cũ. Văn hóa vùng Tây Nam Bộ, con người Tây Nam Bộ nhìn chung gắn liền với những đặc điểm sau (tham khảo “Cơ sở văn hóa Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Thêm) :
-Mang tính sông nước
-Mang tính trọng nghĩa
-Mang tính thoáng mở
Tất nhiên, đặc điểm chung này là nói đến cái nền chung, cái phông chung chứ nơi nào mà chả có người này người nọ. Nói dân Tây Nam Bộ trọng nghĩa không đồng nghĩa là Tây Nam Bộ tất thảy đều như vậy. Mỗi vùng có một đặc thù văn hóa riêng, đem cái hiểu cách hiểu của mình ra để mà đánh giá cái đặc thù của vùng miền khác thì nên thận trọng. Nếu đặt mình vào cách hiểu cách diễn dịch của người và thêm tính bao dung nữa thì không có chi hay bằng. Người miền Bắc thường được cho là ăn nói khéo léo, miền Trung ăn nói thận trọng và người miền Nam thì được cho là trực ngôn. Tài ăn nói khéo léo được xem như tiêu chuẩn về năng giao tiếp và ứng xử. Khi nghe người vùng đồng bằng Bắc Bộ nhận xét: “bạn ăn nói thật thà quá”, nghĩa là năng lực giao tiếp của bạn chưa đạt chuẩn. Ngược lại, người miền Tây bảo “thằng chả/con mẻ ăn nói khéo quá” lại hàm nghĩa gần như không đáng tin, cần thận trọng. Người miền Tây ưa đi thẳng vào vấn đề, nói cho thiệt gọn, nói thiệt tình: “…có thiệt hôn? Có phải vậy hôn? thật chứ? Nói cho lẹ đi…” v.v và v.v. Còn nhớ cách đây chưa lâu, nữ hoàng nội y Ngọc Trinh phát biểu trên báo chí rằng: “Yêu tôi tốn kém lắm. Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” Sau mấy câu này, Ngọc Trinh nhận không biết bao nhiêu là đá hộc, đá tảng, chê bai và miệt thị đủ đường. Thật, chẳng qua cái thói quen thiệt thà chân chất của người miền Tây mà ra cả thôi. Ngọc Trinh có lẽ không suy nghĩ gì mấy, cứ thẳng ruột ngựa mà phang tới.
Nói thật nghen, miền Tây có cái nghề cạp đất chứ không giỡn chơi đâu à nha. Những ai nghèo khổ, không đất đai ruộng vườn thì đi làm thuê làm mướn cho người khác. Trong đó, cái nghề “cạp đất mà ăn” chuyên xáng đất đào mương lên liếp lập vườn. Cái nghề này vất vả, nhưng bù lại người khỏe mạnh mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn như chơi. Không tin các bạn cứ vào Google mà tra, biết đâu lại cảm thông hơn với cái nghề cơ cực này. Vậy mà người miền khác cứ nhao nhao lên, thiệt tầm bậy hết sức. Có lời khuyên, người xứ đến làm ăn nơi miệt vườn Tây Nam Bộ, xin hãy lấy cái chân tình ra mà đối đãi với bạn làm ăn chứ đừng điêu toa chi cho khổ mồm miệng.
Sông nước miền Tây. Nguồn: pystravel.com
Quay trở lại chuyện “đĩ”. Thường nghe nói, miền Tây nhiều “đĩ”, “đĩ” nhiều vô thiên lũng, “đĩ” tràn lan khắp nơi. Theo cách hiểu của nhiều người, “đĩ” ở đây bao gồm những phụ nữ chuyên hành nghề bán thân và cả những người có khuynh hướng sẽ hành nghề này (nếu không có chuyện gì thay đồi) như gội đầu nhổ tóc bạc, massage, bia ôm…
Ở đây, có vài vấn đề cần làm rõ, nói miền Tây nhiều “đĩ” vậy thì như thế nào gọi là nhiều, phải đo bằng lượng thực tế chứ không nói nhiều chung chung cảm tính được. Nhất thiết phải có con số thống kê đường hoàng, mỗi tỉnh có bao nhiêu người hành nghề này, lấy tổng số “đĩ” rồi chia cho tổng số dân trong tỉnh cho ra một con số hoặc/và lấy tổng số “đĩ” chia cho tổng diện tích có người sinh sống cho ra một con số khác, hoặc lấy tổng số “đĩ” chia cho tổng số nữ giới trong tỉnh từ 18 tuổi trở lên và 50 tuổi trở xuống để cho ra thêm một con số khác nữa… Đại loại thế. E hèm, nếu có cái thống kê đấy thì không biết thế nào, chưa biết mèo nào cắn mĩu nào à nghen. Tôi thì tôi đồ rằng, người ta có khuynh hướng quy kết miền Tây thế kia bởi vì 02 nguyên nhân:
-Đĩ miền Tây thiệt thà hơn các vùng miền khác.
-Đĩ miền Tây có “tính thoáng mở” hơn các vùng miền khác.
Cái này thật à nghen, nếu các anh/chị có hỏi mấy cô gái làm những nghề “nhạy cảm” này rằng “em người miệt nào dậy?” mấy cổ sẽ không e ngại mà trả lời “em người Cần Thơ; em người Vĩnh Long, em người Sóc Trăng…” cho mà coi, mà câu nào cũng thiệt tình hết á. Tui đố các bạn làm điều tương tự đối với người miền Ngoài đấy. Tương tự như thế, người miền Tây vốn có tính cơ động rất cao, nơi nào làm ăn được thì tất tụ lại, không nhất thiết phải cố định một nơi nào. Và gái miền Tây cũng khác gái ở các vùng khác bởi cái tính cơ động như thế đấy. Ai không tin, có thể tìm đọc thêm ở sách vở và khảo sát thực tế.
Sài Gòn, 10/09/2013Nguồn: Đĩ. By Spartacus. 09.15.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét