Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Sử dụng ICOR để dự báo tăng trưởng kinh tế dài hạn

Bài viết cũ của tôi.
SỬ DỤNG HỆ SỐ ICOR ĐỂ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ DÀI HẠN
1) Mô hình tăng trưởng dài hạn
Để nghiên cứu tính khả thi của các mục tiêu tăng trưởng dài hạn, trước tiên, người ta phải phân tích nhu cầu vốn để đạt được mục tiêu tăng trưởng và khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù có những điểm rất khác nhau về các nhân tố tăng trưởng ngắn hạn, nhưng hầu như tất cả các lý thuyết kinh tế đều thống nhất coi vốn đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư là nhân tố cơ bản xác định tỷ lệ tăng trưởng dài hạn; trong khi nguồn vốn đầu tư lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiết kiệm.
Để xác định cầu đầu tư, người ta thường sử dụng hệ số ICOR, trong khi để xác định cung đầu tư, người ta phải xuất phát từ khả năng tích luỹ của khu vực dân cư, của chính phủ, của hệ thống ngân hàng và các nguồn vốn khác, kể cả nguồn vốn huy động từ nước ngoài.
Mô hình tăng trưởng truyền thống phân tích, dự báo quá trình tăng trưởng dài hạn và cân bằng xuất phát từ giả thiết tồn tại cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư trong điều kiện sử dụng hết công suất của bộ máy sản xuất. Mô hình tổng quát gồm 4 phương trình:
(1)      Y* - Y*(t-1)  =  k . I(t-1)
(2)      Y(t)              =  C(t)  +  I(t)
(3)      I(t)               =  s . Y*(t)
(4)      C(t)              =  (1-s) . Y*(t)
trong đó:
          Y* là kết quả sản xuất tương ứng với sử dụng các nhân tố sản xuất theo đúng tiềm năng; Y là kết quả sản xuất thực tế; I là vốn đầu tư; C là tiêu dùng toàn xã hội; k là tỷ lệ xác định quan hệ giữa vốn và kết quả sản xuất, từ công thức xác định k, có thể suy ra hệ số ICOR bằng 1/k; s là tỷ lệ giữa tiết kiệm (đầu tư) và sản xuất. Các hệ số k và s đều dương và nhỏ hơn đơn vị. Dấu chấm thể hiện phép tính nhân.
          Trong mô hình trên, phương trình đầu phản ánh thay đổi khả năng sản xuất phụ thuộc vào đầu tư mới và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số k hay ICOR). Phương trình thứ hai phản ánh kết quả sản xuất thực tế, được xác định theo lý thuyết cầu, tức là sản xuất bằng tổng của tiêu dùng và đầu tư. Phương trình thứ ba giả định cầu đầu tư được xác định từ khả năng sản xuất. Phương trình cuối cùng giả định cầu tiêu dùng là phần còn lại của kết quả sản xuất sau khi đã trừ đi phần được sử dụng để đầu tư.
Về dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng; do vậy, Y* = Y. Bằng cách nhóm lại các phương trình, có thể giải ra phương trình xác định kết quả sản xuất như sau:
(5)      Y(t)     =     (1+k . s) . Y(t-1)
hay:     (6)      Y(t) / Y(t-1)    =   1 + k . s
Từ đây suy ra tỷ lệ tăng trưởng kinh tế g sẽ được xác định khi k và s được xác định; công thức xác định g như sau:
(7)      g        =    DY(t) / Y(t-1)     =   k . s        =    s / ICOR
tức là về dài hạn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ bằng tỷ lệ tiết kiệm chia cho hệ số ICOR. Như vậy, theo mô hình, để dự báo khả năng tăng trưởng dài hạn, chỉ cần dự báo tiến triển của các hệ số k và s.
Khi sử dụng hệ số ICOR, cần lưu ý rằng ICOR được tính theo giá cố định để loại bỏ ảnh hưởng của nhân tố giá; đồng thời có thể tính ICOR theo hai phương pháp sau, nhưng đều cho cùng một kết quả:
Theo phương pháp 1:
(8)      ICOR(t)=I(t-1)/DY(t)
Theo phương pháp 2:
(9)      ICOR(t)=i(t-1)/g(t),
trong đó I(t) là tổng vốn đầu tư năm t, DY(t)=Y(t)-Y(t-1), i(t-1) là tỷ lệ đầu tư trên GDP năm t-1, và g(t) là tỷ lệ tăng trưởng của Y năm t.
Vì  theo định nghĩa ICOR = I(t-1)/ DY(t) nên ta có:
(10)    ICOR   =  [I(t-1)/Y(t-1)]/[DY(t)/Y(t-1)]  =  i(t-1)/g(t)
đúng theo công thức (9); như vậy hai phương pháp trên cho cùng một kết quả.
Dưới đây chúng ta sẽ sử dụng phương trình (7) của mô hình này dự báo một số khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ 10 năm tới. Trong mô hình thực nghiệm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) được dùng làm chỉ tiêu đại diện cho biến Y trong mô hình lý thuyết.
          2) Xác định các hệ số s và ICOR        
          a) Về tỷ lệ đầu tư trên GDP (s):
Bảng 1 cho thấy tỷ lệ đầu tư trên GDP của nước ta đã liên tục tăng lên trong thời kỳ đổi mới, từ 17,9% năm 1990 lên tới 47,4% năm 2003. Tuy nhiên, phân tích kỹ có thể thấy tiến trình này được chia làm 2 giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn đầu 1991-1996, tỷ lệ đầu tư sau khi tăng mạnh trong 3 năm 1991-1993 đã cơ bản ổn định ở mức 33,5% trong 3 năm 1994-1996. 
Bảng 1: Hệ số s và ICOR toàn nền kinh tế (đầu tư tính trễ 1 năm)(*)
Năm
GDP (giá 1994)
Vốn đầu tư (giá 1994)
Tỷ lệ tăng trưởng GDP
Tỷ lệ đầu tư trên GDP
ICOR
(1)
(2)
(3)
(4)
(5=3:2)
(6=5-1:4)
1990
131968
23609
5,09
17,89
2,91
1991
139634
27966
5,81
20,03
3,08
1992
151782
42796
8,70
28,20
2,30
1993
164043
58374
8,08
35,58
3,49
1994
178534
57806
8,83
32,38
4,03
1995
195567
64685
9,54
33,08
3,39
1996
213833
74315
9,34
34,75
3,54
1997
231264
88607
8,15
38,31
4,26
1998
244596
90952
5,76
37,18
6,65
1999
256272
99855
4,77
38,96
7,79
2000
273666
110636
6,79
40,43
5,74
2001
292535
124143
6,89
42,44
5,86
2002
313135
136686
7,04
43,65
6,03
2003
335821
159102
7,24
47,38
6,03
Nguồn số liệu để tính: Niên giám Thống kê 2002 (số liệu 1995-2002), số liệu thống kê 1975-2000 (số liệu 1990-1994). Số 2003 là số ước trên cơ sở số liệu trong "Kinh tế xã hội Việt Nam 3 năm 2001-2003", Nhà xuất bản thống kê, 9/2003.
(*): Hai chỉ tiêu đầu tư và GDP trong xác định tỷ lệ đầu tư trên GDP và hệ số ICOR đều được tính theo giá cố định.
Trong giai đoạn 2 từ năm 1997 đến nay, tỷ lệ đầu tư đã liên tục tăng lên với tốc độ gia tăng ngày càng nhanh. Nếu như trong 2 năm 1997-1998, tỷ lệ này mới khoảng 38% thì chỉ sau 5 năm, đến năm 2003, đã tăng đến 47,4% tức tăng thêm gần 10%. Như vậy, đầu tư đã chiếm tới gần một nửa tổng giá trị sản phẩm tạo ra trong một năm của nước ta tính theo giá cố định (GDP).
Trong so sánh quốc tế, đáng tiếc là chúng tôi không có các số liệu về đầu tư và GDP theo giá cố định của các nước so sánh và trên thực tế, kể từ khi việc sử dụng ICOR không còn phổ biến như trước thì các số liệu về tỷ lệ đầu tư trên GDP tính theo giá cố định không còn được công bố. Để đơn giản trong so sánh quốc tế, người ta thường tính ICOR căn cứ vào tỷ lệ đầu tư trên GDP tính theo giá hiện hành mặc dù chỉ tiêu này không phù hợp với cơ sở lý thuyết (như trình bày ở trên) đồng thời không phản ảnh đúng thực tế do bị tác động của yếu tố giá. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lạm phát thấp (như trường hợp các nước công nghiệp và nhiều nước đang phát triển khác) thì sai số giữa hai cách tính này không lớn.
Để thuận lợi cho việc so sánh quốc tế, chúng tôi sẽ đi theo cách làm phổ biến hiện nay, tức là xác định s bằng tỷ lệ đầu tư trên GDP trong đó cả 2 chỉ tiêu này đều được tính theo giá hiện hành. Kết quả được thể hiện trong bảng 2.
Bảng 2: Hệ số s và ICOR toàn nền kinh tế (đầu tư tính trễ 1 năm)(*)
Năm
GDP (giá hiện hành)
Vốn đầu tư (giá hiện hành)
Tỷ lệ tăng trưởng GDP
Tỷ lệ đầu tư trên GDP
ICOR
(1)
(2)
(3)
(4)
(5=3:2)
(6=5-1:4)
1990
41955
7581
5,09
18,07
2,95
1991
76707
13471
5,81
17,56
3,11
1992
110532
24826
8,70
22,46
2,02
1993
140258
43287
8,08
30,86
2,78
1994
178534
57104
8,83
31,98
3,50
1995
228892
72447
9,54
31,65
3,35
1996
272037
87394
9,34
32,13
3,39
1997
313624
108370
8,15
34,55
3,94
1998
361016
117134
5,76
32,45
6,00
1999
399942
131171
4,77
32,80
6,80
2000
441646
145333
6,79
32,91
4,83
2001
481295
163543
6,89
33,98
4,78
2002
536099
183800
7,04
34,28
4,83
2003
616424
217585
7,24
35,30
4,74
Nguồn số liệu để tính: Xem bảng 1.
(*): Hai chỉ tiêu đầu tư và GDP trong xác định tỷ lệ đầu tư trên GDP và hệ số ICOR đều được tính theo giá hiện hành.
          Theo kết quả tính toán trong bảng 2, tỷ lệ đầu tư trên GDP theo giá hiện hành thấp đáng kể so với tính theo giá cố định; điều này cũng có nghĩa là tốc độ tăng giá của đầu tư trong hơn một thập kỷ qua thấp đáng kể so với tốc độ tăng giá tiêu dùng và giá xuất nhập khẩu quy ra nội tệ.
          Mặt khác, mặc dù xu hướng tiến triển của chỉ tiêu này theo 2 cách tính khác nhau đều tương đối giống nhau, nhưng chênh lệch giữa chúng đã liên tục tăng lên. Nếu như năm 1994, giá trị của chúng gần như sát nhau (thực ra thì phải bằng nhau vì cùng được tính theo giá cố định 1994, sai số xuất phát từ quá trình thống kê theo từng loại giá), thì đến nay chênh lệch đã tới 12,1%, tức là rất đáng kể.
          Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là dù so sánh kiểu gì thì tỷ lệ đầu tư trên GDP của ta hiện nay đã cao hơn nhiều so với trung bình của các nước đang phát triển châu á và so với các nước công nghiệp (xem bảng 3).
Bảng 3: Tỷ lệ đầu tư trên GDP của một số nước (%)(*)
Nước và lãnh thổ
1979-1990
1991-1997
Hồng Kông
28,4
31,1
Singapo
41,8
35,3
Hàn Quốc
31,2
36,7
Trung Quốc
35,5
39,0
Malaixia
30,4
39,7
Thái Lan
30,3
39,4
Inđônêxia
28,7
32,3
Philippin
23,1
23,0
ấn độ
23,1
23,2
Pakistan
18,6
19,1
Bangladesh
11,5
14,4
Mianma
18,5
17,2
Mỹ
18,7
16,6
Anh
17,8
15,6
Pháp
21,3
18,8
Nhật Bản
30,0
29,8
(*): Đầu tư và GDP đều được tính theo giá hiện hành
b) Về hệ số ICOR (1/k):
Theo đúng mô hình lý thuyết, hệ số ICOR được tính theo giá cố định. Kết quả tính toán trong bảng 1 cho thấy hệ số ICOR của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tăng trưởng nhanh 1991-1997 trung bình là 3,44; đây là mức tương đối hợp lý nếu so với tình hình diễn ra tại các nước khác (hệ số này ở các nước chậm phát triển dao động trong khoảng từ 2 đến 5, tính theo giá cố định)[1]. Tuy nhiên, về hệ số này, vẫn có thể đưa ra một số nhận xét sau:
- Hệ số trên vẫn tương đối cao nếu nhìn nhận xuất phát điểm của chúng ta còn thấp; tỷ trọng nông nghiệp và sản xuất công nghiệp nhỏ, dịch vụ nhỏ còn cao... Khi ở trình độ phát triển thấp vào những năm từ 1950 đến 1975, hệ số ICOR của Hồng Kông, Singapo, Đài Loan, Nhật bản và Hàn quốc chỉ dao động trong khoảng 1 đến 2; thấp hơn nhiều so với ICOR của ta hiện nay.
- Hệ số này có xu hướng tăng lên ngay trong giai đoạn 1991-1997, từ khoảng 2,7 năm 1991-1992 lên 3,9 năm 1996-1997. Đáng lo ngại là hệ số này tăng rất mạnh trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế thấp 1997-1999, từ 4,3 lên đến mức kỷ lục là 7,8% năm 1999. Mặc dù hệ số đã giảm mạnh trong 2 năm 2000-2001, nhưng vẫn còn ở mức rất cao, trung bình là 5,8. Đáng lo ngại là trong 2 năm gần đây (2002-2003), hệ số ICOR lại tăng lên, tới 6,03. Tính chung cho giai đoạn 1998-2003, hệ số ICOR toàn nền kinh tế là 6,35; tức là tăng rất mạnh so với giai đoạn 1991-1997.
Như vậy, đến nay, hệ số ICOR của nước ta đã trở nên rất cao, tức là hiệu quả vốn đầu tư toàn nền kinh tế đã giảm rất nhanh trong những năm gần đây và xu hướng này có vẻ như chưa được chặn lại.



Đồ thị 1: So sánh ICOR tính theo giá hiện hành và theo giá cố định
Để so sánh quốc tế, chúng ta sẽ sử dụng ICOR tính theo giá hiện hành. Đồ thị 1 cho thấy tiến triển của ICOR theo giá hiện hành cũng tương tự như ICOR theo giá cố định nhưng khoảng cách giữa chúng có xu hướng doãng ra khá nhanh. Trong những năm gần đây, ICOR theo giá hiện hành trung bình khoảng 4,8; tức là cao hơn hệ số ICOR của tất cả các nước đang phát triển Châu á (bảng 4) và chỉ thấp hơn ICOR của các nước công nghiệp hùng mạnh như Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản. Như vậy, rõ ràng hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế nước ta đã giảm rất mạnh trong những năm gần đây và kém rất xa so với các nước đang phát triển trong khu vực Châu á.
Bảng 4: Hệ số ICOR của một số nước trên thế giới
Nước và lãnh thổ
1969-1980
1981-1990
1991-1997**
Hồng Kông
2,44
3,36
6,01
Singapo
3,97
4,42
4,31
Hàn Quốc
3,28
3,43
5,88
Trung Quốc
4,64*
3,26
3,53
Malaixia
2,55
4,19
4,64
Thái Lan
4,30
4,23
5,36
Inđônêxia
2,37
5,11
4,84
Phillippin
4,59
4,69
4,77
Ấn độ
3,42
4,08
3,76
Pakistan
2,96
3,18
3,76
Bangladesh
2,44
2,93
2,95
Mianma
3,11
3,23
2,46
Mỹ
4,31
5,05
5,49
Anh
6,72
5,64
5,62
Pháp
6,33
7,59
7,37
Nhật Bản
5,70
6,84
28,28
Nguồn: Tính toán theo số liệu trong International Financial Statistics, Yearbook năm 1999 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong tính toán đã loại trừ 1 số năm rất đặc biệt. Dấu * chỉ số liệu 1979-1980, ** chỉ giai đoạn 1991-1996 đối với các nước Châu á bị khủng hoảng.
          3) Sử dụng hệ số ICOR trong dự báo dài hạn
          a) Dự báo tỷ lệ đầu tư (s) và hệ số ICOR
          - Về tỷ lệ đầu tư:
Trước hết chúng ta dự báo tỷ lệ đầu tư trên GDP theo cách tính thông thường hiện nay, tức là tính theo giá hiện hành. Như đã phân tích ở trên, tỷ lệ đầu tư trên GDP theo giá hiện hành của ta hiện nay đã cao hơn nhiều so với trung bình của các nước đang phát triển châu á trong khi tỷ lệ đầu tư của khu vực châu á đã và đang dẫn đầu thế giới nên tỷ lệ đầu tư của ta cũng đang vào loại rất cao so với trình độ thế giới; do đó chúng ta khó có thể cứ liên tục nâng tỷ lệ đầu tư lên cao mãi.
Mặt khác, các lý thuyết kinh tế đều cho rằng trong mỗi giai đoạn phát triển, bao giờ cũng tồn tại một quan hệ tỷ lệ tối ưu giữa đầu tư và tiêu dùng (mà C. Mác đã dùng thuật ngữ cấu tạo hữu cơ của tư bản - C/V - để diễn đạt; đây là một nguyên lý cực kỳ quan trọng trong học thuyết của Mác mà chúng ta thường xuyên không xét tới khi lựa chọn quan hệ đầu tư - tiêu dùng, tức là giữa đầu tư và tiền lương cho người lao động). Khi xảy ra mất cân bằng trong quan hệ tỷ lệ trên, ví dụ đầu tư quá nhiều so với trả công cho người lao động thì hiệu quả vốn đầu tư nói riêng và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống kinh tế nói chung sẽ phải giảm xuống.
Chính vì vậy, nhiều nước như Trung Quốc, Singapo, Ấn độ... đã điều chỉnh giảm tỷ lệ đầu tư của mình để kìm hãm sự phát triển quá nóng (quá so với tiềm năng dài hạn) của nền kinh tế và tình trạng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm sút nhanh. Trong thập kỷ 90, nhiều nước Đông á đã không giữ tỷ lệ đầu tư - tiêu dùng ở mức tối ưu mà đưa tỷ lệ đầu tư lên những mức rất cao, dẫn tới mất cân đối giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư, buộc phải vay mượn vốn nước ngoài quá nhiều, từ đó phát sinh khủng hoảng kinh tế (Thái lan, Hàn Quốc, Inđônêxia, Philippin và Hồng Kông). Số liệu cũng cho thấy các nước công nghiệp duy trì được tỷ lệ đầu tư trên GDP rất ổn định trong suốt 3 thập kỷ 70, 80 và 90 của thế kỷ 20; đây có thể được coi là tỷ lệ đầu tư tối ưu đối với các nước này.
Với những phân tích kể trên, có thể tin rằng tỷ lệ đầu tư của ta khó có thể tăng mạnh được nữa, trừ khi áp dụng những biện pháp cải cách mạnh mẽ làm tăng đáng kể cơ hội cho các nhà đầu tư hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp hành chính (ví dụ như tăng mạnh đầu tư từ ngân sách trong những năm qua), nhưng những can thiệp như vậy chỉ đẩy nhanh quá trình giảm hiệu quả vốn đầu tư. Ngoài ra, có thể tin rằng tỷ lệ đầu tư của ta hiện nay cũng đã quá cao so với tỷ lệ đầu tư tối ưu, gây ra tình trạng sử dụng vốn rất lãng phí và kém hiệu quả. Vì vậy nếu cứ tiếp tục chính sách phát triển dựa trên đầu tư ồ ạt như hiện nay thì nền kinh tế nước ta sẽ trước mắt có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư sẽ không thể được cải thiện và quá trình phát triển ở nước ta về lâu dài sẽ không thể bền vững. Con đường duy nhất để phát triển nhanh và bền vững là đưa dần tỷ lệ đầu tư về mức tối ưu đồng thời tăng nhanh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bằng cách hạ thấp nhanh hệ số ICOR.
Thực tế, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX đã đặt ra tỷ lệ đầu tư tương đối ôn hoà cho kế hoạch 5 năm 2001-2005, khoảng 31-32% GDP; với tỷ lệ đầu tư này, Đại hội Đảng dự kiến vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5%/năm và có công trình gối đầu cho kế hoạch 5 năm tiếp theo. Tỷ lệ đầu tư trên tương ứng với yêu cầu tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế khoảng 28-30% GDP.
Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX cũng đặt ra yêu cầu tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế khoảng trên 30% GDP trong thời kỳ Chiến lược 10 năm 2001-2010. Điều này cũng có nghĩa là tỷ lệ đầu tư trên GDP trung bình sẽ khoảng trên 32-33%.
Như vậy, có thể dự đoán về mặt chính sách, nếu như thực hiện đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng và tôn trọng các quy luật khách quan của nền kinh tế, chúng ta sẽ cố gắng đưa tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng lên khoảng 35% và ổn định trong nửa cuối của thập kỷ đầu tiên của thế kỳ 20. Trong những năm gần đây, tỷ lệ này ở nước ta đã đạt khoảng 35% nên dự báo sẽ tiếp tục ổn định ở mức này trong thời gian đến năm 2010 và tăng nhẹ trong giai đoạn sau năm 2010. Chính sách này đặt ra nhằm tạo ra quan hệ cân đối hơn giữa tích luỹ và tiêu dùng, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Từ phân tích theo giá hiện hành, theo tương quan với tỷ lệ đầu tư trên GDP theo giá cố định, chúng ta dự báo tỷ lệ đầu tư trên GDP theo giá cố định sẽ ổn định khoảng 46% trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 và tăng lên tới 50% trong giai đoạn sau năm 2010.
- Về hệ số ICOR:
Khó khăn rất lớn của nước ta hiện này là làm sao giảm được hệ số ICOR đang rất cao để phù hợp với giai đoạn đầu phát triển, tức là đưa ICOR tính theo giá hiện hành về mức khoảng 3,5 trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 và ổn định ở mức 4 trong những năm tiếp theo. Tính theo giá cố định, hệ số này sẽ giảm dần và ổn định ở khoảng 4 trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 để trở về mức hiệu quả tiềm năng (tức là giảm tình trạng lãng phí và kém hiệu quả quá mức hiện nay), sau đó tăng dần trong giai đoạn sau khi nền kinh tế đi vào giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá mạnh mẽ với nhu cầu vốn rất cao để nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ của nền kinh tế.
Bảng 5: Dự báo hệ số s, ICOR và tăng trưởng toàn nền kinh tế
Năm
Đầu tư / GDP (giá hh)
Đầu tư / GDP (giá 94)
ICOR (giá hiện hành)
ICOR (giá 1994)
Tỷ lệ tăng trưởng GDP
(1)
(2)
(3)
(4)
(5=3:2)
(6=5-1:4)
2004
35
46
4,5
5,2
8,8
2005
35
46
4,2
4,8
9,6
2006
35
46
3,8
4,4
10,5
2007
35
46
3,5
4,0
11,5
2008
35
46
3,5
4,0
11,5
2009
35
46
3,5
4,0
11,5
2010
36
48
3,5
4,0
12,0
2011
38
50
3,7
4,3
11,6
2012
38
50
4,0
4,6
10,9
2013
38
50
4,0
4,6
10,9
2014
38
50
4,0
4,6
10,9
2015
38
50
4,0
4,6
10,9

Một trong những kịch bản về s và ICOR được trình bày trong bảng 5 trên đây. Theo kết quả tính toán, mặc dù tỷ lệ đầu tư trong 10 năm tới tăng không đáng kể nhưng nếu đưa được hệ số ICOR về đúng tiềm năng của nó, tức là sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả hơn một chút, tương đương với cận trên của các nước đang phát triển (gần 5) mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với trong nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ tăng lên nhanh chóng, tương ứng với tiềm năng của nền kinh tế. Theo bảng 5, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có thể đạt 8,8% ngay trong năm 2004 và 9,6% trong năm tiếp theo. Từ sau năm 2006, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có thể liên tục tăng trên 10%, đúng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
Bên cạnh kịch bản trên, có thể đưa ra một số kịch bản khác, đặc biệt là kịch bản tiếp tục xu thế đầu tư kém hiệu quả như hiện nay; khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong những năm sắp tới nhờ tỷ lệ đầu tư tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, khi tỷ lệ đầu tư bắt đầu tăng đến mức giới hạn (do tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không tăng mạnh để tăng thêm nguồn tích luỹ cho đầu tư; đồng thời viện trợ nước ngoài bắt đầu chậm lại...) thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ đi xuống do hiệu quả vốn đầu tư tiếp tục giảm sút. Đây là tình trạng nguy hiểm cần cảnh báo sớm.
Một trong những nguyên nhân quan trọng quan trọng nhất làm cho vốn đầu tư kém hiệu quả là chúng ta đã và đang quá tập trung phát triển các ngành sử dụng nhiều vốn, ít lao động. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp điều chỉnh cơ cấu kiên quyết để chuyển sang phát triển các ngành sử dụng ít vốn, nhiều lao động vì nguồn lao động dồi dào là một lợi thế rất lớn và không thể chối cãi của ta trong giai đoạn hiện nay.
Kinh nghiệm các nước Đông á cũng cho thấy, quá trình công nghiệp hoá tốt nhất là bắt đầu bằng việc phát triển các ngành có hệ số vốn thấp nhưng sử dụng nhiều lao động. Các nước Đông á theo đuổi chiến lược này trong suốt ba thập kỷ qua nên có được những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao, nhưng lại giữ được hệ số ICOR rất thấp, đồng thời cũng thu hút được một lượng lao động rất lớn. Như vậy vốn đầu tư ở đây không bị sử dụng lãng phí mà được tập trung vào đúng vào các ngành nghề phù hợp với giai đoạn đầu của công nghiệp hoá: các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là các ngành nghề sử dụng lao động làm hàng xuất khẩu thông qua khai thác tối đa các đầu vào tại chỗ kết hợp với nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và sản phẩm trung gian có hàm lượng vốn cao.
Nước ta có thể đi theo con đường này bằng cách phát triển các ngành hướng về xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, đồng thời khai thác tốt các lợi thế so sánh khác của ta như điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, kỹ năng và đức tính cần cù của người lao động... Danh mục các ngành này tương đối phong phú, trước hết là các chủng loại nông sản nhiệt đới đa dạng nhưng có chọn lọc kỹ càng, ngư nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp nhẹ khác sản xuất trên địa bàn nông thôn, dệt may, giày dép, dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi, văn phòng phẩm, thiết bị điện và hàng điện tử dân dụng, hàng thủ công mỹ nghệ... Chỉ sau khi đã có thu nhập cao, tích luỹ được nhiều vốn thì mới từng bước chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn, sản xuất các sản phẩm tinh vi hơn, cần nhiều vốn hơn và chứa hàm lượng lao động ít hơn. Quá trình này cứ tiếp tục theo các lập luận của lý thuyết đàn nhạn bay.
Tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động là một giải pháp tối ưu, nhưng trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, các ngành đó cũng phải nhanh chóng sử dụng các công nghệ tiên tiến và nâng cao được tỷ lệ nội địa hoá đối với từng sản phẩm. Theo kinh nghiệm của các nước Đông á, lúc đầu cần phải nhập khẩu công nghệ của nước ngoài, nhưng sau đó phải nghiên cứu phát triển lên thành kỹ thuật của riêng chúng ta thì mới có đủ sức cạnh tranh dài hạn.
Một số ý kiến cho rằng nếu cứ phát triển dựa vào nguồn lao động rẻ tiền, và các ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp thì đất nước sẽ không thể tiến nhanh được. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng không có nghĩa là chiến lược này không cho phép đạt được những tốc độ tăng trưởng đến 10%/năm và dài hạn; các nước Đông á đã đạt được những tốc độ tăng trưởng như vậy trong 3-4 thập niên qua, tạo ra cái gọi là điều thần kỳ châu á. Trung Quốc cũng chỉ là một ví dụ giống như các nước Đông á khác, nhưng vì là một nước lớn, lại mới nổi lên trong 2 thập kỷ gần đây nên đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của thế giới.
Mặt khác, cần phải thấy rằng một nền kinh tế quy mô khá lớn, nhưng nghèo và đông dân như nước ta sẽ không thể phát triển theo kiểu nhảy cóc, bỏ qua các giai đoạn phát triển bình thường được. Lý thuyết đàn nhạn bay trong kinh tế học phát triển đã khảng định điều đó. Việc đốt cháy các giai đoạn có nguy cơ khủng hoảng kinh tế rất cao và rất tốn kém. Vì vậy, chiến lược phát triển lựa chọn của chúng ta cơ bản vẫn phải tuân theo quy luật phát triển chung, nhưng có những ngành, nghề có thể phát triển nhanh hơn, đi tắt đón đầu, nếu chúng ta biết tận dụng được những thành tựu của nhân loại, đồng thời khai thác được thế mạnh sẵn có của chúng ta; tuy nhiên, điều chắc chắn rằng số ngành nghề như vậy sẽ không thể và không nên nhiều.
Ngoài ra, cần phải nghiên cứu kỹ và tiến hành thận trọng quá trình chuyển dịch cơ cấu. Ví dụ trong nông nghiệp, cần nghiên cứu kỹ hơn ảnh hưởng của việc Trung Quốc gia nhập WTO để có giải pháp lựa chọn cơ cấu hợp lý. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhanh có thể dẫn tới mất cân đối cung cầu trên thị trường nội địa (ví dụ mất an ninh lương thực) hoặc mất cân bằng hệ sinh thái (thủy sản hay trồng rừng). Trong điều kiện hiện nay, việc phát triển mạnh các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn không phải là dễ dàng nếu như không có những thay đổi lớn về nhận thức và hành động vì chúng ta không sẵn có các cơ sở công nghiệp mạnh ở nông thôn để tạo ra một mạng lưới công nghiệp rộng rãi; các doanh nghiệp công nghiệp địa phương hiện nay phần lớn đều thuộc sở hữu nhà nước và hoạt động rất yếu kém; điều này có nghĩa là khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ phải đóng vai trò chủ yếu trong quá trình công nghiệp hoá nông thôn. Tuy nhiên khu vực này đã và đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, trong đó nổi cộm nhất là các chính quyền địa phương không có thái độ thân thiện với các doanh nghiệp tư nhân.

1/12/03. - 
Không thấy bản gốc, đây là bản nháp, khá lộn xộn.
[1] Gerald M. Meier (1995) "Leading Issues in Economic Development", Sixth Edition, Oxford University Press, p.164.

5 nhận xét:

  1. Một trong những bài viết hay ho và rõ ràng nhất về ICOR mà mình đã từng đọc. Thanks bạn

    Trả lờiXóa
  2. Bạn có tài liệu về đề tài này cho mình xin với, Mình đang nghiên cứu vấn đề này để làm đề tài khoa học. Chân thành cám ơn bạn

    Trả lờiXóa
  3. Bạn có thể vui lòng cho biết tên của tài liệu bạn sử dụng để lấy hai công thức tính ICOR ở trên được không? Chân thành cám ơn.

    Trả lờiXóa
  4. Làm sao nhớ được tên tài liệu bạn ơi. Đây là những kiến thức phổ thông. Thông thường người ta đưa định nghĩa ICOR và cách tính. Mỗi nơi dùng một cách, mình thấy vậy nên tìm cách chứng minh hai cách trên đều đưa ra 1 kết quả.

    Vì nhiều người không hiểu nên tôi phải viết lại mô hình cơ bản, định nghĩa ICOR, rồi từ đó tự chứng minh 2 công thức như nhau để cùng nhau hiểu.

    Đối với những phép tính đơn giản, khi mình đã tự chứng minh được thì không cần dẫn nguồn. Còn khi không muốn chứng minh mà muốn dùng kết quả do người khác chứng minh hộ thì mới phải dẫn nguồn. Cách chứng minh này cũng giống chứng minh 2+2=4 trong hệ thập phân vậy.

    Trả lờiXóa
  5. có nguồn nào icor của 1 vài quốc gia không bạn ơi, mình google mãi mà chỉ ra được việt anm vs indo

    Trả lờiXóa