Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

Collège de France: Môi trường giảng dạy tự do

Bài trả lời phỏng vấn này của giáo sư Bùi Trân Phượng rất hay. Một là GS nói thẳng "Việt Nam không còn làm được gì nữa hết ở đại học. Đại học công là một bộ máy nặng nề và đầy công chức. Còn đại học tư thì chỉ là những bộ máy kiếm tiền". Bản thân tôi đã từng giảng dạy ở vài trường đại học VN khi đang là cán bộ nhà nước, và hiện nay về hưu đang làm giảng viên cơ hữu cho một trường đại học tư, nên tôi thấy rất đúng. Hai là GS nói "giảng cái đang nghiên cứu và điều đó làm tôi rất vui". Đúng quá, ở các nước phương Tây chủ yếu là như thế. Mỗi GS đều theo một trường phái lý thuyết riêng và họ đến giảng là giảng trường phái lý thuyết của họ đã, đang và sẽ làm gì, và ứng dụng trong thực tiễn như thế nào. Đặc biệt nhà trường và sinh viên rất muốn biết phương hướng nghiên cứu trong tương lai và cụ thể các nghiên cứu đang tiến hành hiện đã đạt được gì, những gì còn chưa giải quyết được để họ nghiên cứu phát triển tiếp trong các đề tài, luận văn, luận án sắp tới của họ, chứ không phải những nghiên cứu đã làm xong rồi. Vì vậy bài giảng phải phải có một trình độ tri thức rất cao và cập nhật mới nhất. Ở VN thì hoàn toàn ngược lại. Giảng dạy phải theo một trường phái và gò bó, thống nhất theo một giáo trình cũ kỹ lạc hậu đã được cấp trên (Bộ, Trường) thông qua; không được giảng khác vì sinh viên sẽ thi theo giáo trình đó. Đặc biệt, vì Bộ và Trường thì muốn nhồi nhét kiến thức, thường là kiến thức cũ rích cách đây vài chục năm hay nửa thế kỷ; trò thì quá lười biếng và không có kiến thức gốc (mất gốc), nên nhét được hết mớ kiến thức giáo điều trong giáo trình vào đầu sinh viên là hết thời gian, không còn thời gian để nói về phương hướng phát triển trong tương lai và nhất là vận dụng vào thực tế. Có lần ở trường, tôi được giao soạn một giáo trình kinh tế vĩ mô nâng cao; lãnh đạo khoa yêu cầu lấy nguyên văn từ một sách nào đó, và phải là sách nổi tiếng. Tôi không thể làm theo cách này nên từ chối thực hiện. Thứ ba, "ở Collège de France, sinh viên không thi đầu vào, không thi đầu ra, không có chấm điểm hay kiểm tra. Người ta không đến đây vì văn bằng, chứng chỉ mà đơn thuần là vì tri thức mà thôi. Rất ấn tượng và cảm động khi thấy những mái đầu bạc bên cạnh những mái đầu xanh. Rất nhiều mái đầu bạc trắng cần mẫn ghi chép (...)". Ở VN liệu tổ chức một lớp như thế thì có ai đến dự ? Sợ là không vì người VN bây giờ không có nhu cầu "tri thức" mà họ chỉ cần "văn bằng, chứng chỉ". Nhớ đến các trường đại học ở Âu Mỹ rồi nhìn vào các trường đại học ở VN, thì chắc chắn ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Cứ nhìn những GSTS đang làm lãnh đạo ở tầm cao nhất ở nước ta thì sẽ hiểu ngay kết quả của nền giáo dục đại học VN như thế nào và mang đến những hậu quả tai hại cho đất nước ra sao.
Trường Collège de France của Pháp : Môi trường giảng dạy tự do
Nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Trân Phượng vừa kết thúc chương trình giảng dạy trong ba tháng tại trường Collège de France về chủ đề Phụ Nữ Việt Nam: Quyền năng, văn hóa và đa căn tính. Bà từng du học, rồi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp, tức là biết rõ hệ thống đại học ở Pháp, nhưng kinh nghiệm giảng dạy ở Collège de France, đó lại là một câu chuyện khác.

Nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Trân Phượng, giáo sư thỉnh giảng học viện Collège de France- 2023.

Giáo sư Bùi Trân Phượng được mời trong khuôn khổ Chaire Annuelle Mondes Francophones, một phần do Tổ Chức Đại Học Pháp Ngữ tài trợ. Collège de France không hoàn toàn là một trường đại học hiểu theo nghĩa các học viên phải đăng ký vào trường và sinh viên sẽ thi tốt nghiệp. Hơn nữa, khi mời giáo sư đến thỉnh giảng, trường trao trọn quyền tự do cho vị khách mời để trình bày về những « nghiên cứu đang tiến hành » đúng theo tình thần tự do, cổng trường rộng mở và miễn phí cho các học viên như 5 thế kỷ về trước khi nhà vua François I có ý tưởng thành lập ra Le Collège Royal. Đến năm 1870 học viện này đổi tên thành Collège de France.

Với năm tháng, thể thức vận hành của trường cũng đã có một số thay đổi như là mời một số nhân vật tên tuổi của thế giới tham gia, đưa những bộ môn mới (về công nghệ, về kỹ thuật số, về mỹ thuật …) vào chương trình giảng dạy. Một trong những vị khách mời của trường năm nay là nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, giáo sư Bùi Trân Phượng.

Nhân dịp này giáo sư Phượng dành thời gian chia sẻ với RFI Việt ngữ về kinh nghiệm rất thú vị của bà sau ba tháng giảng dạy tại Collège de France.

RFI : Kính chào giáo sư Bùi Trân Phượng, thưa bà Collège de France là một biểu tượng về sự truyền đạt về tri thức của nước Pháp. Đây là một trường rất danh tiếng với thể thức vận hành khá đặc biệt. Đến với trường, giáo sư có điều gì bỡ ngỡ hay không ?

Bùi Trân Phượng : « Khác biệt đầu tiên là ở Collège de France, khi tôi được mời giảng dạy, họ đề nghị tôi đưa cho họ đề cương nghiên cứu – nghiên cứu đang tiến hành, chứ không phải là nghiên cứu đã xong rồi mà tôi đã đi giảng dạy ở những trường khác rồi. Đó là khác biệt đầu tiên. Những trường khác có chương trình của họ và họ sẽ đề nghị nếu họ thấy tôi có chuyên môn. Khác biệt ở đây là trường Collège de France hoàn toàn trao quyền tự do đó cho tôi. Hôm đầu tiên đến trường để chuẩn bị cho bài giảng đầu khóa, trường yêu cầu tôi đến trước một tiếng đồng hồ. Tôi ngạc nhiên, vì thấy rằng không cần đến một tiếng đồng hồ nếu chỉ là để sử dụng micro ghi âm … Nhưng khi đến, tôi mới hiểu rằng, trường có một số nghi thức bài bản. Họ trân trọng giới thiệu giáo sư mới. Đó là cả một nghi thức truyền thống của trường và tới nay họ vẫn làm như vậy. Kế tới tất cả các bài giảng đều được thu âm, thu hình.

Thế rồi khi làm việc với nhân viên kỹ thuật, tôi được biết trường có 350 giảng viên và nhân viên. Từng điều hành đại học Hoa Sen, tôi biết 350 người là nhiều lắm. Vậy tôi hỏi tiếp là trường phục vụ bao nhiêu học viên và được trả lời là họ không biết do sinh viên không đăng ký. Trước đó thì tôi cũng được biết ở Collège de France, sinh viên không thi đầu vào, không thi đầu ra, không có chấm điểm hay kiểm tra. Người ta không đến đây vì văn bằng, chứng chỉ mà đơn thuần là vì tri thức mà thôi. Tôi nghe vậy, biết vậy, nhưng khi chạm vào thực tế thì mới biết rằng mọi người vào cửa tự do để dự những bài giảng, bài giảng đầu khóa, hay hội thảo … Lần đầu tiên tôi trông thấy điều đó : rất ấn tượng và cảm động khi thấy những mái đầu bạc bên cạnh những mái đầu xanh. Rất nhiều mái đầu bạc trắng cần mẫn ghi chép (...) »

RFI : Tức là trong cử tọa có những sinh viên, những người nghiên cứu hay am hiểu về lịch sử Việt Nam về văn hóa của người châu Á cũng như là những người không biết gì nhiều về khu vực này, về phụ nữ Việt Nam … Vậy khi giảng bài trước một cử tọa đa dạng như vậy thì giáo sư đã phải soạn bài vở như thế nào ?

Bùi Trân Phượng : « Thật ra tôi cũng đã suy nghĩ nhiều lắm. Đây là lần đầu tiên tôi đến với một công chúng như vậy trong khuôn khổ đại học. Nếu như ở Việt Nam thì đó là khi đi các diễn đàn xã hội, ai đến cũng được và không biết trước "background" (nền tảng kiến thức, xuất thân) của họ như thế nào. Nếu như là sinh viên, tôi có thể giả định được là họ có một số kiến thức nào đó và trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Nhưng trong trường hợp này, trước mặt tôi là một công chúng đa dạng. Tôi cũng không thể giả định họ biết gì về Việt Nam. 

Điểm ràng buộc thứ ba là bài giảng phải ở một trình độ tri thức cao vì Collège de France không chỉ là một trường đại học, mà còn là một trường rất uy tín. Vậy làm thế nào đưa được những tri thức ở trình độ cao, thể hiện những nghiên cứu mới, những nghiên cứu đang tiến hành của tôi. Đó là một thách thức (…) ».

RFI : Sau ba tháng đứng trên bục giảng tại một trong những trường uy tín nhất của nước Pháp, điều gì khiến giáo sư hài lòng hơn cả ?

Bùi Trân Phượng : « Điều khiến tôi hài lòng nhất là về người học. Tôi thấy đây là công chúng học viên thú vị nhất. Trong đó có những sinh viên đang theo học các chương trình đại học ở những trường có hợp tác với Collège de France, nên họ được quyền lấy bài giảng ở Collège de France để đưa vào chương trình của họ. Hợp tác này giữa các trường đại học là điều mà trước đây khi còn điều hành Hoa Sen tôi từng mơ ước mà chưa làm được. Sinh viên của Hoa Sen chưa thể lấy tín chỉ từ các đại học khác ở Việt Nam dù rằng đã có thể làm như vậy với các đại học ở những nước khác, với những trường quốc tế ».

RFI : Vậy sinh viên từ các trường đại học khác khi đến gặp giáp sư ở Collège de France thì họ đã có những yêu cầu gì đặc biệt ?

Bùi Trân Phượng : « Họ phải nói cho tôi biết tại các trường của họ, thi vấn đáp và thi viết như thế nào, để có được tín chỉ thì phải làm những gì. Sau đó tôi sẽ ra đề cho họ và đây là công việc của một giảng viên đại học bình thường. Bên cạnh đó thì tôi có những học viên là chuyên gia hay những người lớn tuổi đến đây vì tri thức. Số này có những phản hồi rất thú vị, rất đặc biệt (...). Đối với người giảng dạy, bao giờ và bất kỳ ở đâu tôi cũng luôn thận trọng nói rằng đây là sự hiểu biết của tôi cho đến ngày hôm nay. Sau này người ta nghiên cứu tiếp. Tôi hay người khác sẽ phát hiện ra những điều khác và chúng có thể phủ định hoàn toàn điều tôi nói ra ngày hôm nay. Nhưng ở Collège de France, đây thực sự là lần đầu tiên tôi giảng cái đang nghiên cứu và điều đó làm tôi rất vui ».

RFI : Từng điều hành một trường đại học ở Việt Nam, từng giảng dạy tại Việt Nam, bà lại rất quen thuộc với hệ thống giáo dục cấp đại học của Pháp, … với kinh nghiệm ở Collège de France giáo sư thấy rằng có thể cải thiện được hệ thống đại học ở Việt Nam trên một số điểm nào ?

Bùi Trân Phượng : « Ở Việt Nam thì tôi không muốn điều gì nữa hết. Từ lâu rồi, từ khi rời khỏi Hoa Sen, tất nhiên là sau đó tôi có nỗ lực cộng tác với một vài trường, nhưng mà sau vài ba năm, tôi hiểu là Việt Nam không còn làm được gì nữa hết ở đại học. Đại học công là một bộ máy nặng nề và đầy công chức. Còn đại học tư thì chỉ là những bộ máy kiếm tiền. 

Nhưng giảng dạy và tiếp xúc với học viên như ở Collège de France cho tôi nhiều ý tưởng về nghiên cứu. Collège de France cho tôi trải nghiệm rất quý giá : chuẩn bị bài giảng phải công phu hơn ở những nơi khác. Vì thời gian bị hạn chế, mỗi bài giảng thu gọn trong 60 phút, cho nên bắt buộc tôi phải chắt lọc, phải viết ra toàn bộ và một cách chi li. Điều đó đòi hỏi từng chữ một của tôi phải có một sự cân nhắc cẩn trọng. Đó là một kinh nghiệm quý. Cho nên sau Collège de France tôi có hứng thú viết sách thì đúng hơn ».

RFI xin cảm ơn giáo sư Bùi Trân Phượng đã chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại trường Collège de France trong khóa học 2023.

Thanh Hà
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-v%C4%83n-h%C3%B3a/20230707-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-coll%C3%A8ge-de-france-c%E1%BB%A7a-ph%C3%A1p-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-gi%E1%BA%A3ng-d%E1%BA%A1y-t%E1%BB%B1-do


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét