Công tử Hà Thành (Phần 1)
Huỳnh Mai 2020-09-17 - Giống như trước kia người ta khai lý lịch ba đời bần nông ăn củ chuối để thuận lợi con đường vào nhà nước, vào đảng, làm quan, bây giờ dân “Hà Nội” đua nhau khoe ông cha mình từng thượng thư, tổng đốc, chánh tổng, ít nhất cũng lý trưởng. Bà nội ngoại thì hoa hậu hay chí ít cũng tiểu thư con nhà, đi học hàng ngày có anh phu xe đẩy tay đến tận cổng trường. Nhà cửa gốc gác, thì, phải “Hàng” lập tức sang, ra cái vẻ con người. Nói chuyện với ai, khoe mình dân phố cổ, tức thì người ta nghĩ ngay mình dòng tư bản, nghệ sĩ, “con nhà”.Một góc phố cổ Hà Nội
Một buổi sáng trong phố cổ Hà Nội, tôi ghé đến cái quán cháo đậu cà (chưa) nổi tiếng nằm e dè nơi một góc ngã tư bé tí xíu. Cháo đậu cà là tên gọi vắn tắt không biết từ bao giờ của những người đang sống ở Hà Nội, gọi tên món cháo đậu xanh hay đậu đen nấu với gạo tẻ ngon và ít nếp, ăn với cà muối và đậu phụ rán qua tẩm nước mắm và hành. Bát cháo sánh và thơm mùi tinh khiết của gạo mới, ăn với miếng đậu hơi mằn mặn mềm như tan trong miệng, thoảng mùi hành nồng nhẹ, kết hợp với cái giòn tan của cà Nghệ muối thật đặc biệt và ngon lành.Một cụ ông trạc hơn 70 tuổi, khuôn mặc gân guốc xương xương với những nét rất nam tính mà không thô kệch, quần short áo thun giản dị nhưng đắt tiền và rất vừa vặn đẹp mắt, khoe ra chân tay vẫn rất cơ bắp cũng ngồi nhẹ xuống bên cạnh.
Bà hàng cháo hỏi “Ông xơi món gì?”.
“Điêu đấy”
Cái chữ “xơi” lâu lắm tôi mới nghe lại. Nghe trong ngữ cảnh chính xác, là một lời mời hỏi trân trọng và thanh nhã (các cụ ngày xưa tránh chữ “ăn”, có lẽ nghe nó kém thanh). Nói bằng chất giọng Hà Nội của một người sinh ra và lớn lên tại đây, cũng đã ngót nghét 70 tuổi và được học hành, còn giữ được cái “chất Hà Nội”, từ tốn và nhẹ nhàng, nghe mới thích tai làm sao.
Cụ ông kể, ông mới đi bộ về. Sáng nào cũng thế, ông đi bộ khoảng một tiếng đồng hồ. Cho nên tay chân còn cứng lắm-ông giơ bắp tay lên khoe. “86 tuổi rồi đấy”.
Cả tôi lẫn bà hàng đều tròn xoe mắt.
Ông đắc chí kể tiếp: “Số tôi sướng, từ bé đến giờ chưa bao giờ phải làm việc gì. Bố mẹ có 3 cái nhà to trong phố, cái số xxx Bát Đàn đấy là nhà tôi. Hồi trước tôi chỉ ăn với học hành với chơi bời thôi. Cứ lấy tiền cho thuê cửa hàng sống thôi. Lớn lấy vợ vẫn sướng. Ba bà, bà nào cũng có cửa hàng, đến mấy cái cửa hàng ý. Tôi đánh bạc ác lắm chả hết tiền. Giờ vợ út của tôi mới ba mấy (tuổi). Ghen lắm!”
Chúng tôi lại càng trầm trồ thán phục.
Xơi hết bát cháo, ông uống cốc nước vối, rồi úp cái mũ phớt lên đầu, chào bà hàng, hẹn mai lại sang ăn cháo, rồi thủng thỉnh đứng dậy, đi.
Cái dáng cao gầy, lịch sự và vẫn phong độ đường đường của ông làm tôi nhớ câu chuyện công tử Hàng Bạc.
Một góc phố ăn đêm ở Đồng Xuân, Hà Nội Bài tác giả cung cấp
Đó là tên hàng phố vẫn gọi ông Phạm Gia Khánh, con trai ông Phạm Thế Kính, một nhà kinh doanh có tiếng trên phố Hàng Bạc trước 1945. Ông Khánh là con trai đích tôn trong số gần chục người con của cha ông với ba bà vợ, cách người em trai còn lại rất xa nên được xem là cục vàng. Báo chí Việt Nam nói thời còn trẻ, ông Khánh học trường Tây, tiếng Anh tiếng Pháp vanh vách, là chủ của 13 ngôi nhà trong phố cổ, chưa kể điền trang, thái ấp nơi ngoại thành (kể ra, nhà phố cổ Hà Nội thì sau này mới đắt vì đất chật người đông, Hà Nội lại không phát triển mở rộng trung tâm ra như các nơi khác. Điền trang thái ấp miền Bắc nghe thì to nhưng thường cũng chỉ vài chục mẫu là kinh khủng lắm rồi, đất cũng không màu mỡ và thẳng cánh cò bay như của công tử Bạc Liêu. Nhưng thế cũng đã rất oách).
Sau 1954, mọi sự thay đổi. Tài sản của gia đình cha mẹ ông Khánh không còn. Ông phải đi làm thuê kiếm sống, vợ bỏ. Vài năm sau, ông vào làm công nhân, lấy vợ kế cũng là công nhân.
Ở tuổi ngoài 80, ông Khánh sống trong căn nhà 10 m2 ngoài đê Phúc Tân. Nhưng-vẫn theo báo chí Việt Nam-chiều nào ông cũng về phố, đi thủng thỉnh qua ngôi nhà xưa của cha, chào bà con hàng xóm bằng một câu tiếng Pháp, và nếu khách du lịch hỏi đường thì chỉ rất tận tình bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.
Tôi chưa được gặp ông Nguyễn Gia Khánh bao giờ, nhưng nhìn ông cụ hôm nay, có lẽ tôi trông thấy đến cái vẻ lịch lãm của các công tử tây học hồi ấy.
…
Ông cụ quần short áo thun vừa đứng dậy chưa khuất tầm mắt, bà cháo cà xổ ngay: “Điêu. Có cái đ. ấy mà giầu, mới chả ba bốn vợ. Điêu, chị nhở!”- bà quay sang một cô đồng đền gần đó, cũng đang ngồi ăn cháo.
“Điêu. Tao đ. tin tí nào” - bà kia gật đầu đồng tình.
Tôi xém té ghế.
Mới vài giây trước, cả hai bà còn đon đả giòn tan đưa đón từng câu chuyện ông cụ kể.
Cái bức tranh hiện thực trước mắt cùng những câu chuyện đầy tự hào về những công tử Hà Thành hào hoa, chốn xuất thân “Phố cổ” trịnh trọng và kiêu hãnh như một dấu triện vàng ròng cho đẳng cấp quý tộc của vô số người Hà Nội khiến tôi quyết định tìm xem gốc gác chân thực của nó, như thế nào.
“Ngõ nhỏ, phố nhỏ”
Bài hát của nhạc sĩ Lê Vinh ra đời năm 1996, ngay lập tức làm bùng lên một trào lưu tự hào ngõ nhỏ phố nhỏ, và còn truyền lưu đến tận bây giờ. Hỏi dân Hà Nội nhà ở đâu? Ecopark hả? Nhà quê ngoại thành. Vin? Trọc phú hãnh tiến. Ciputra? Học đòi quý tộc. Lại nữa, chỉ có bọn nhà quê, ở tỉnh lên, quan chức bóc lột nhân dân… mới mua nhà ở đấy. So làm sao được với dân Hà Nội gốc, dân tuổi thơ nhặt me trèo sấu ở những phố “Hàng”, một mét vuông 36 thằng nghệ sĩ? Mà giá nhà đất vài trăm triệu/m2 Ciputra làm sao sánh với mặt tiền phố cổ Hà Nội, Hàng Ngang Hàng Đào hơn tỷ/m2, đắt ngang Tokyo, Paris, New York…?
Cộng với những giai thoại kiểu công tử tiểu thư Hà Thành, đầu thế kỷ đã ngồi chơi dương cầm bên khung cửa sổ tầng 2 mở rộng rợp tàn lá sấu,”phố cổ Hà Nội” trở thành danh xưng thời thượng để khoe khéo mình vừa dòng dõi, vừa giàu có, vừa hào hoa, vừa quý tộc. Hà Nội là phải thế, tiền nứt tường nhưng chưa được công nhận hay có vị trí trong xã hội cũng chỉ là thằng nhà quê vứt đi.
Thế là giống như trước kia người ta khai lý lịch ba đời bần nông ăn củ chuối để thuận lợi con đường vào nhà nước, vào đảng, làm quan, bây giờ dân “Hà Nội” đua nhau khoe ông cha mình từng thượng thư, tổng đốc, chánh tổng, ít nhất cũng lý trưởng. Bà nội ngoại thì hoa hậu hay chí ít cũng tiểu thư con nhà, đi học hàng ngày có anh phu xe đẩy tay đến tận cổng trường. Nhà cửa gốc gác, thì, phải “Hàng” lập tức sang, ra cái vẻ con người. Nói chuyện với ai, khoe mình dân phố cổ, tức thì người ta nghĩ ngay mình dòng tư bản, nghệ sĩ, “con nhà”.
Bài sau, tôi sẽ dẫn quý vị đi vào những ngôi nhà của công tử Hà Thành đích thực.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/story-about-rich-boys-of-hanoi-09172020112346.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét