'Không nên găm giữ đô la Mỹ'
3 tháng 8 2018 - Chuyên gia kinh tế cho rằng dù tiền Việt đang mất giá so với đồng đô la Mỹ nhưng vẫn không nên găm giữ ngoại tệ này do có nhiều rủi ro. "Từ đây đến cuối năm tiền đồng có thể mất giá nhưng sẽ không mất giá cao hơn mức lãi suất mà các ngân hàng Việt Nam đang trả cho khách hàng, ngay cả khi tính đến yếu tố lạm phát của tiền đồng. Để kiếm lời một cách hợp lý qua việc găm giữ đô la thay vì gửi tiết kiệm với ngân hàng bằng tiền đồng, thì tiền đồng phải phá giá hơn 5% trên thị trường ngoại hối, cộng với chênh lệch tỉ lệ lạm phát giữa hai nền kinh tế là 2%. Rất khó để từ đây đến cuối năm tiền đồng Việt Nam bị phá giá tới mức 5%.
Có nên mua, tích trữ đô la Mỹ phòng khi tiền Việt mất giá?
Không nên 'găm' đô la MỹTrước bối cảnh Việt Nam cân nhắc việc hạ giá tiền đồng để đối phó với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều doanh gia lẫn tư nhân băn khoăn hỏi nhau có nên mua đô la Mỹ để găm giữ, tránh nạn tiền Việt mất giá. BBC Tiếng Việt, hôm 2/8, nhờ chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định về sự việc này.
"Hiện nay đã có hiện tượng găm giữ đồng đô la Mỹ để chờ lên giá vào cuối năm thì bán ra kiếm lời. Nhưng tình hình ngoại tệ không có gì đoán trước được," ông Hiếu nói với BBC.
Theo phân tích của tiến sỹ Hiếu, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới tỷ giá đồng đô la Mỹ, nhất là trong thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Hoa Kỳ đang căng thẳng.
"Tỷ giá có thể thay đổi trong thời gian tới. Nhưng nếu rút tiền từ ngân hàng để mua và chờ đô la tăng giá thì không có lợi."
"Đó là do hiện các ngân hàng ở Việt Nam đang cho lãi suất 7% một năm, trong khi lãi suất của đồng đô la Mỹ nếu gửi ngân hàng là 0%."
"Từ đây đến cuối năm tiền đồng có thể mất giá nhưng sẽ không mất giá cao hơn mức lãi suất mà các ngân hàng Việt Nam đang trả cho khách hàng, ngay cả khi tính đến yếu tố lạm phát của tiền đồng. Hiện nay các ngân hàng trả lãi khoảng 7% cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Cứ tính lạm phát của Việt Nam cho cả năm 2018 là khoảng 4% và lạm phát của Mỹ là khoảng 2%, thì tiền đồng có thể mất giá trị so với USD khoảng 2%."
"Vì thế để kiếm lời một cách hợp lý qua việc găm giữ đô la thay vì gửi tiết kiệm với ngân hàng bằng tiền đồng, thì tiền đồng phải phá giá hơn 5% trên thị trường ngoại hối, cộng với chênh lệch tỉ lệ lạm phát giữa hai nền kinh tế là 2%. Rất khó để từ đây đến cuối năm tiền đồng Việt Nam bị phá giá tới mức 5%."
"Ngoài ra, chỉ có các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép thì mới được quyền mua bán đô la. Người dân thường nếu nhận đô la từ nước ngoài thì có thể gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trong nước hoặc giữ ngoại tệ tiền mặt, nhưng không được phép kinh doanh (mua đi bán lại) nếu không có giấy phép."
"Chính vì thế nếu muốn đầu tư vào ngoại tệ thì cần hết sức thận trọng thời điểm này. Lời khuyên của tôi là không nên", Tiến sỹ Hiếu phân tích..
Tiền VN đồng mất giá
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam cho hay sẽ giới hạn hạ giá tiền đồng ở mức 2% trong năm nay và "bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô của mình bất chấp đồng nhân dân tệ xuống giá và cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ", theo tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên chinhphu.vn.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC rằng Ngân hàng Nhà nước chủ trương giữ ổn định tiền đồng.
"Từ đầu năm đến nay tiền đồng Việt Nam đã mất giá 2%. Theo dự báo của tôi tiền đồng sẽ còn trượt giá nữa, ở mức 3% cả năm. Đây là mức biến động phù hợp, ở biên độ chấp nhận được. Nếu biên độ biến động của tiền đồng Việt Nam từ nay đến cuối năm giữ được ở mức 1% là tốt nhất."
"Nguyên nhân tác động đến tỷ giá đồng Việt Nam là mọi đồng tiền trên thế giới đang có biến động lớn, phần lớn mất giá so với đồng đô la Mỹ."
"Ngoài ra, Việt Nam đang đứng ở vị trí chịu tác động lớn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tiền đồng Việt Nam do đó biến động theo sự biến động của đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Từ đầu năm, tỷ giá VNĐ so với nhân dân tệ tăng giá khoảng hơn 2%. Điều này khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn có thể ồ ạt vào thị trường Việt Nam nếu nhân dân tệ tiếp tục phá giá."
"Như vậy, người tiêu dùng Việt Nam được lợi vì có thể mua hàng hóa rẻ. Nhưng nhiều khả năng đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào cảnh điêu đứng vì phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc vừa rẻ vừa chất lượng."
Chính phủ 'không chạy trước đón đầu'
Một số nhà kinh tế địa phương tháng trước đã khuyên chính phủ phá giá tiền đồng để đảm bảo khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trong bối cảnh đồng nhân dân tệ và một số ngoại tệ khác trong khu vực mất giá, theo Reuters.
Tỷ giá tham chiếu của ngân hàng trung ương đã giảm gần 1,1% so với đồng đô la kể từ cuối năm 2017, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên thị trường liên ngân hàng, tiền đồng Việt Nam đã mất giá 2,56%.
Nhưng ông Phúc nói: "Chúng ta sẽ không chạy trước đón đầu trước biến động của thị trường tiền tệ quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động thực sự nào," theo website chinhphu.vn.
Trong tháng Bảy, đồng nhân dân tệ đã mất giá 8% so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng Tư, đánh dấu sự sụt giảm tồi tệ nhất trong bốn tháng qua. Sự trượt giá này là do lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất và căng thẳng thương mại gia tăng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam, từng đứng ở vị trí hàng đầu châu Á với mức tăng 48% năm 2017, đã giảm 21% so với mức cao kỷ lục trong tháng 4/2018 khi các nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế.
Bất chấp những thách thức trên, ông Phúc cho biết chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục các mục tiêu tăng trưởng trong năm, bao gồm tăng trưởng GDP 6,7% và lạm phát giới hạn ở mức 4%.
"Kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro sắp xảy ra, bao gồm rủi ro liên quan đến thương mại, tiền tệ và dòng vốn ... đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung, chính sách thuế của Hoa Kỳ và sự mất giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc," ông Phúc nói.
"Sự đồng thuận chung là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý lạm phát tốt hơn, nâng cao niềm tin của xã hội, của thị trường và của các doanh nghiệp," ông Phúc tuyên bố.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45040755
Nhảm nhí.
Trả lờiXóa