Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Thập niên 2020-2030 thế giới ra sao ?

Thập niên 2020-2030
Dự báo nền kinh tế toàn cầu đến năm 2030
06/08/2018 Đoàn Hưng Quốc - Một ngày nào đó trong thập niên 2020 nước Mỹ sẽ tỉnh dậy bàng hoàng với tít lớn chạy hàng đầu trên mọi cơ quan truyền thông rằng GDP của Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ. Dù không đáng ngạc nhiên vì thống kê từ nhiều năm trước đó đã tiên đoán việc này sẽ xảy ra nhưng đây là vẫn là một khúc quanh chấn động trong lịch sử nhân loại: trọng tâm kinh tế đã di chuyển từ Tây sang Đông Phương, và theo đó là những câu hỏi về tương lai của nền trật tự tự do toàn cầu (liberal world order) và sự tái lập tương quan giữa các nước lớn và từng khu vực.
Cho dù GDP là thước đo khiếm khuyết không phản ảnh được sức mạnh kinh tế thực sự của mỗi quốc gia nhưng đây vẫn là con số dễ hiểu và quan trọng nhất trong mọi thống kê. Nhiều nhà nước lớn như tại Trung Quốc, Ấn Độ, v.v… đặt tính chính danh trên tăng trưởng GDP. Bắc Kinh nay dùng tăng trưởng GDP theo “mô hình Trung Hoa” để tuyên truyền so sánh giữa nền dân chủ tự do và kinh tế thị trường (liberal democracy – market economy) theo kiểu Tây Phương với tư bản nhà nước (state capitalism) của Trung Quốc.

Nhờ dân số đông gấp 4 nên mức thu nhập đầu người tại Hoa Lục chỉ cần bằng ¼ tại Hoa Kỳ thì GDP của Tàu cũng hơn Mỹ. Nhưng ngược lại nếu tính theo sức mua (PPP) thì theo World Bank và IMF kinh tế Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ từ năm 2016.

Hơn nữa, nền kinh tế Hoa Kỳ rất tự túc nên không lệ thuộc nhiều vào xuất nhập cảng như Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa rằng khi GDP của Tàu hơn Mỹ ảnh hưởng và thế lực của Trung Quốc sang các quốc gia theo con đường thương mại sẽ lớn hơn của Hoa Kỳ rất nhiều lần, rõ ràng nhất trong những năm gần đây Hoa Lục đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước lớn nhỏ. Dĩ nhiên không ai muốn làm mất lòng người bạn hàng lớn nhất cho dù trong bụng có ưa hay ghét.

Nhiều người đánh giá chính quyền Trump là cơ hội cuối cùng để chặn đứng đà tiến của Bắc Kinh. Nhưng tờ The Economist (Trade Blockage 07/21/2018) nhận xét có thể đã muộn: năm 1980 GDP của Nhật chỉ bằng 40% của Mỹ khi Tổng thống Reagan đối đầu với Tokyo về mậu dịch; ngày hôm nay GDP Trung Quốc bằng 69% của Hoa Kỳ và sẽ tiến lên 88% trong vòng 5 năm nửa.

Nhiều người cho rằng Trump lật ngược bàn cờ bằng cách kéo Nga chống Tàu. Nhưng nếu Mao trước đây thay đổi thế chân vạc không bị ai dụ dỗ ngon ngọt mà do những tính toán khôn ngoan có lợi cho Trung Quốc thì nay Putin cũng vậy. Putin thân với Trump chưa được gì vì sức chống đối trong Quốc hội Mỹ rất mạnh nên vẫn bị phong tỏa về kinh tế và cô lập về chính trị. Nhưng Putin “tạo vẻ” thân thiện với Trump khiến nội tình chính trị của Hoa Kỳ và ngoại giao với Âu Châu bị chia rẽ sâu sắc, chỉ riêng điều này đủ cho Nga-Tàu có lợi lớn.

Trở lại Trung Quốc đang phải đối phó với 3 mối đe dọa nghiêm trọng: khối nợ khổng lồ; dân số già đi; và bản chất của một nhà nước độc tài sẽ cản trở sự phát triển của thị trường tự do. Ngược lại Đảng Cộng sản Trung Quốc còn đủ thời gian và phương tiện để giải quyết chấp vá (apply band-aid) cho đến khi GDP Tàu vượt Mỹ rồi sau đó mới phải đối diện với thay đổi cấu trúc nền tảng.

Về nợ, đơn giản nhất là so sánh Tàu với Mỹ, cả hai đều là con nợ khổng lồ nên không biết bên nào sẽ sụp trước.

Trung Quốc còn 10 năm nửa trước khi dân chúng ồ ạt đến tuổi hưu trí. Cho nên kế hoạch Made In China 2025 là nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất qua các ngả đầu tư chiến lược (và ăn cắp công nghệ) để sau này khi lực lượng công nhân trẻ ít đi nhưng vẫn nuôi được số người già.

Điểm cuối cùng là nghịch lý giữa chế độ độc tài sẽ bóp nghẹt tự do sáng tạo và giết chết tính cạnh tranh trong thị trường tự do. Từ 30 năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khôn khéo lèo lái để một mặt độc quyền cai trị nhưng nền kinh tế vô cùng năng động và GDP phát triển ngoạn mục. Cho dù những yếu kém của phương án này ngày càng lộ rõ khi nền kinh tế chuyển đổi từ đầu tư sang tiêu thụ nhưng trong tầm nhìn 5-10 năm nữa không có dấu hiệu của một nhà nước suy yếu đến mức phải thay đổi đến tận gốc, hoặc một cuộc cách mạng sẽ bùng nổ.

Ý thức về dân chủ và nền trật tự tự do toàn cầu (liberal world order) từ thế kỷ 18-20 phát triển song song với sức mạnh kinh tế và quân sự của Âu Châu rồi sau đó là Hoa Kỳ. Trung Quốc không đòi hỏi thay thế mô hình này ở Tây Phương, nhưng đưa ra một giải pháp khác (alternative solution) cho các nước đang mở mang so sánh giữa sự suy yếu hiện thời của nền kinh tế và xã hội Âu-Mỹ và tương lai phát triển ngoạn muc của Á Châu và Phi Châu trong đó Hoa Lục là trụ cột. Nhiều nước ở Phi Châu, Cam Bốt, Lào, Phi, Pakistan, Thổ, Ba Lan, Tiệp, Thái Lan, Việt Nam… đã rơi hẳn hay nghiêng về giải pháp thứ nhì. Ngay cả những nền kinh tế lớn như Âu Châu, Nhật, Úc, Nam Hàn… cũng phân vân khó xử.

Khối Cộng Sản trước đây phân tích Tư Bản đang dẫy chết nhưng chúng dẫy hoài không chịu chết mà ngày càng lớn mạnh. Nhiều người (kể cả người viết) từng dự đoán Trung Quốc dẫy chết trong suốt 30 năm dài nhưng bọn này cũng cứ lớn lên như thổi. Cho nên tiên tri chính trị và kinh tế là một việc làm… đầy rủi ro!

Đ.H.Q.
https://boxitvn.blogspot.com/2018/08/thap-nien-2020-2030.html#more
-----------

Cập nhật ngày 13/04/2015 - 21:17:07

Dự báo nền kinh tế toàn cầu đến năm 2030

- Theo dự báo kinh tế vĩ mô mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về triển vọng trong 15 năm tới của nền kinh tế thế giới, thì một số thị trường mới nổi sẽ vụt sáng, ưu thế của Mỹ giảm đi và một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tụt lại phía sau.

Dự báo cho biết, Mỹ vẫn sẽ có đủ tiềm lực để duy trì nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, với 24,8 nghìn tỷ USD trong sản lượng hàng năm.

GDP của Trung Quốc sẽ tăng gấp 2 lần so với hiện tại, giúp cường quốc châu Á gần như hoàn toàn bắt kịp Mỹ.

20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 theo dự báo của USDA, màu xám thể hiện cho 16,8 nghìn tỷ USD của GDP dự kiến trong năm 2015, thanh màu xanh lá cây đại diện cho con số GDP dự kiến đến năm 2030

Ấn Độ, ở vị trí thứ 8 cho đến năm 2015, sẽ vượt qua Brazil, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản để giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gọi Ấn Độ là "điểm sáng trong bối cảnh toàn cầu”. Theo ghi chú của IMF, quốc gia này sẽ có lực lượng lao động lớn nhất thế giới trong vòng 15 năm tới, và là một trong số những nước có nguồn lao động trẻ nhất.

Các quốc gia khác sẽ không may mắn như vậy, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển. một trong số đó là Nhật Bản, nền kinh tế phát triển rực rỡ cho đến khi bong bóng tài sản tại Nhật Bản bùng nổ vào đầu thập niên 1990, từ đó đất nước này đã phải trải qua nhiều thập kỷ trì trệ. Theo ước tính của USDA, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ tiếp tục phải đón nhận nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp trong vòng 15 năm tới, điều này sẽ khiến Nhật Bản bị tụt hạng trong bảng xếp hạng kinh tế năm 2030.

Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan cho biết: “Có rất nhiều điều không chắc chắn, sẽ có sự khác biệt rất lớn khi gộp lại chỉ số phát triển của các quốc gia trong một thời gian dài".

Bộ Nông nghiệp Mỹ không phải là đơn vị duy nhất và bao quát nhất với xếp hạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mặc dù nó có ưu điểm đặc biệt là đưa ra được triển vọng dài hạn. Cuối tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng sẽ đưa ra dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu, nhưng với giai đoạn 2 năm.

Dịch từ nguồn: http://www.bloomberg.com/news/articles/2015-04-10/the-world-s-20-largest-economies-in-2030
Thu Ngàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét