Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Vì sao 4 năm qua Việt Nam nhận quá ít vốn ODA?

Số liệu về kiều hối trong bài có vẻ không chính xác.
Vì sao 4 năm qua Việt Nam nhận quá ít vốn ODA?
06/08/2018 Thiền Lâm - Một phát hiện lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua: từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0. Việc so sánh những báo cáo chính thức cho thấy độ chênh của hai kết quả về viện trợ ODA từ năm 1993 đến năm 2014 (20 năm) và đến năm 2018 (25 năm) là số 0. Tức sau 4 năm, con số tổng nhận ODA vẫn chỉ là 80 tỷ USD mà không có một chút tăng tiến an ủi nào.

Cuộc gặp Tony Abbott - Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2015. Ông Dũng cười gượng khi bị Thủ tướng Úc ‘lăng mạ’ về thói xin tiền. Ảnh: Vietnamese American Community Network.

Còn con số vài ba tỷ USD viện trợ ODA mà Chính phủ Việt Nam vẫn công bố đã nhận được hàng năm kể từ năm 2015 đến nay thực ra chỉ là số chưa được giải ngân trong những năm trước, mà chỉ được giải ngân trong những năm gần đây (trong giai đoạn 1993 đến 2014, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết).

Vì sao ODA vào Việt Nam lại giảm sút thê thảm trong 4 năm qua?

Xà xẻo không thương tiếc ‘lộc trời’!


Trong thực tế, đã có một đúc rút ngược ngạo và ê chề về triết lý cung cấp ODA cho Việt Nam: Vào sớm – Ra sớm.

Năm 1993, Đan Mạch và Thụy Điển là những quốc gia đầu tiên tỏ thiện chí và đi tiên phong trong việc cung cấp nguồn vốn ODA cho một Việt Nam cộng sản nhưng đã chịu hé cửa nền kinh tế với mục đích chủ yếu để thu hút đầu tư nước ngoài và viện trợ nhưng không hề ‘cải cách thể chế’. 

Hai chục năm sau đó, chính Đan Mạch và Thụy Điển lại là những chế độ dân chủ đầu tiên chính thức phổ biến chính sách cắt giảm đáng kể nguồn ODA cho Việt Nam, mở ra thời kỳ ‘lộc trời’ không còn như sung rụng và khiến nhiều đối tượng quan chức Việt bị rơi vào diện phải ‘xóa đói giảm nghèo’.

Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do một số cơ quan đơn vị của Việt Nam sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron. Vụ việc này, tuy không gây ra một chấn động lớn đối với ‘uy tín Việt Nam trên trường quốc tế’, nhưng đã trở thành một cái bạt tai nhè nhẹ đối với Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó, đồng thời mở màn cho bi kịch tiết chế mạnh mẽ nguồn vốn ODA từ quốc tế cho Việt Nam những năm sau này.

Đến năm 2013, đến lượt Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại giao Úc và vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.

Từ trước tới nay, nguồn vốn ODA do các tổ chức tài chính quốc tế và Chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ về việc Chính phủ Việt Nam không được sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế “đúng quy trình” của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này rất phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cũng từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ “lại quả” ODA còn lên đến 40% – được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh vào giai đoạn 2009 – 2010. Ngoài ra, còn rất nhiều bằng chứng về lãng phí và “ăn dày” ODA.

Vào đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đi Úc để “khuyến mãi” nước ngoài mua nợ xấu. Nhưng có vẻ gương mặt ông Dũng đã sạm hẳn khi Thủ tướng Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam.

Đến thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng đã có ít nhất một bằng chứng cho thấy vốn ODA bị chi sai mục đích.

Tại một phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 22/12/2016, phía Chính phủ đã đề nghị dùng 4.482 tỷ đồng vốn ODA để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội. Câu hỏi đặt ra là ai và cơ quan nào đã tham mưu cho Chính phủ để lấy vốn ODA – mà theo yêu cầu của nhà tài trợ là chỉ được sử dụng cho những chương trình xã hội và hạ tầng cơ sở – để cấp cho ngân hàng, một cơ chế thuần túy kinh doanh?

Việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cấp vốn ODA cho giới chủ ngân hàng chính là một bằng chứng không thể rõ hơn, cho thấy dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ rất có thể đã quen với việc dùng tiền ODA để chi cho những mục đích khác, như thay vì sử dụng đúng mục đích ODA cho các dự án hạ tầng cơ sở và môi trường, họ đã cắt nguồn vốn này cho các khoản chi tiêu thường xuyên của Chính phủ, thậm chí còn có thể cắt ODA cho các dự án xây dựng trụ sở hành chính và tượng đài từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đầy tai tiếng và cực kỳ đáng lên án.

Trong khi đó và bất chấp rất nhiều khuyến cáo của nhà tài trợ ODA, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào đối với nguồn vốn viện trợ ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời.

Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có “thiện cảm” với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền “ăn của dân không chừa thứ gì”.

Thật trùng khớp là cú lao dốc của nguồn vốn ODA trong những năm qua lại xảy ra trong bối cảnh nguồn kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ từ hải ngoại cũng giảm sút niềm tin chế độ không kém: nếu năm 2015 kiều hối về Việt Nam đạt kỷ lục 13,5 tỷ USD thì sang năm 2016 chỉ còn khoảng 9 tỷ USD – giảm đến hơn 30%, còn năm 2017 thì thậm chí Tổng cục Thống kê Việt Nam không dám công bố con số tổng kết nào bởi rất có thể kết quả kiều hối năm đó còn thê thiết hơn cả năm 2016.

T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét