Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Cảng biển Việt Nam thành bãi chứa phế liệu

Nhập khẩu toàn rác rưởi, tiền mất tật mang:
Cảng biển Việt Nam thành bãi chứa phế liệu
Anh Trúc Hiền hiện đang lo về giấy tờ thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái cho chúng tôi biết, hầu hết các container phế liệu về Việt Nam là hàng “tầm bậy” hải quan giữ lại nên không thể thông quan. Anh Hiền cho biết thêm “Không phải là không tới nhận được, hầu hết là hàng tầm bậy nên hải quan giữ lại thì sao thông quan mà là hàng đó là anh khai A mà hàng về toàn là B, C gì đó nên doanh nghiệp nó không ra nhận được vì giấy tờ trục trặc nên liên quan đến phế liệu là hải quan nó giữ lại hết, chắc chăn không phải là A rồi bên trong cái Container đó hàng đồ tè lè hết, nó không còn là phế liệu nữa nên hải quan nó cho qua máy soi thấy không đúng là nó giữ lại hết.

Hình ảnh hoạt động tại cảng Hải Phòng. (Ảnh minh họa)
Hiện đang có hàng nghìn container hàng phế liệu được nhập về Việt Nam nằm khắp các cảng trên cả nước nhiều tháng nhưng không có doanh nghiệp nào đến nhận, gây khó khăn trong việc quản lý và xử lý số lượng các loại phế liệu này.

Nhập phế liệu về bỏ

Cơ quan Hải quan Việt Nam cho biết, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu một lượng lớn các mặt hàng này từ các nước phát triển bị chuyển đến các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Thực tế cho thấy hiện có hàng nghìn container phế liệu đang nằm tại các cảng biển Việt Nam; thế nhưng không có doanh nghiệp nào đến nhận gây ra tình trạng quá tải.

Vào ngày 25/7 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều tra, xử lý tới cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không ai nhận:

"Phải tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân. Vì vậy, cần phân công trách nhiệm rõ ràng về vấn đề này"

Các chi phí lưu container, lưu bãi cho khách hàng để giải phóng những container hàng lâu ngày là rất lớn, nên một số doanh nghiệp gần như bỏ trốn và không đến nhận hàng.

-Anh Hùng
Một nhân viên có tên Hùng đang làm việc tại Tân Cảng, Sài Gòn cho chúng tôi biết về thực tế mà cả ông thủ tướng chính phủ Hà Nội phải lên tiếng:

“Do ảnh hưởng của cái mặt hàng tồn lâu ngày, đặc biệt là mặt hàng nhựa và giấy phế liệu này thì nó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất cảng, làm giảm tốc độ thông quan hàng hóa. Các chi phí lưu container, lưu bãi cho khách hàng để giải phóng những container hàng lâu ngày là rất lớn, nên một số doanh nghiệp gần như bỏ trốn và không đến nhận hàng.”

Nguyên nhân doanh nhiệp không đến nhận hàng còn được lý giải vì nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường, khai báo không đúng chủng loại, khai thuế không đúng hoặc có vấn đề gian lận thương mại…

Một chuyên gia trong ngành xuất nhập khẩu chia sẻ với chúng tôi qua email rằng “Đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào cũng đóng hàng đúng 100% theo quy chuẩn của Việt Nam. Mà nếu bên bán đóng hàng vào container lẫn một ít loại khác, cả lô hàng sẽ bị định mác chất thải không được phép nhập khẩu, nên doanh nghiệp ngậm đắng nuốt cay không dám đến nhận hàng”.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến tình trạng tồn container phế liệu đó là do nhiều doanh nghiệp sử dụng địa chỉ “ma” để mở tờ khai. Khi phát hiện lô hàng có vấn đề hay bị lực lượng hải quan xử lý, các doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người”.

Cùng quan điểm đó, Anh Trúc Hiền hiện đang lo về giấy tờ thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái cho chúng tôi biết, hầu hết các container phế liệu về Việt Nam là hàng “tầm bậy” hải quan giữ lại nên không thể thông quan.

Các container tồn đọng tại cảng Hải Phòng. AFP
Anh Hiền cho biết thêm “Không phải là không tới nhận được, hầu hết là hàng tầm bậy nên hải quan giữ lại thì sao thông quan mà là hàng đó là anh khai A mà hàng về toàn là B, C gì đó nên doanh nghiệp nó không ra nhận được vì giấy tờ trục trặc nên liên quan đến phế liệu là hải quan nó giữ lại hết, chắc chăn không phải là A rồi bên trong cái Container đó hàng đồ tè lè hết, nó không còn là phế liệu nữa nên hải quan nó cho qua máy soi thấy không đúng là nó giữ lại hết.”

Ông Nguyễn Khánh Quang, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng Cục Hải nói với báo giới rằng cơ quan ông cũng khó có thể tìm được chủ nhân thực sự của những container phế liệu vì mời họ không tới nhận, trụ sở thì không có thật. Ngoài ra không thể đối chiếu giấy tờ bản gốc bên Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Bế tắc xử lý

Tổng cục Hải quan Việt Nam vào ngày 30/7 cho biết trong 6 tháng đầu năm 2018, các mặt hàng phế liệu nhập về gồm dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, phân bón, nông sản, nguyên liệu may mặc, nhôm nguyên liệu, phế liệu nhựa...là từ các nước Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Ngoài ra còn từ các thị trường khác như Thái Lan, Đức, Bỉ và cả từ Lào về.

Anh Hùng đang làm việc tại Tân Cảng cho biết việc tiêu hủy các mặt hàng này hiện nay rất khó khăn vì ẩn chứa chất độc hại và chi phí tiêu hủy rất lớn. Anh cho biết thêm

“Hiện nay nhiều khách hàng, hãng tàu cũng như là cảng không chịu được chi phí này. Chúng tôi có giải pháp đề xuất các cơ quan ban ngành là được chuyển các container tồn trên 90 ngày đi các cơ sở khác của công ty để lưu trữ và đảm bảo tính nguyên vẹn của hàng hóa.”

Nhà hoạt động môi trường Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng quan điểm của anh là nên trả các mặt hàng này về lại nơi xuất đi. Tuy nhiên theo anh Trúc Hiền thì cách này hầu như không thể. Anh cho biết:

Đã tới, nhập vào cảng của VN rồi thì phía VN sẽ xử lý bởi vì mỗi một lần trả về lại nơi xuất tốn nhiều công đoạn và tốn nhiều tiền lắm, tàu bè, lưu công, lưu bãi, book lại tàu này nọ nên thông thường họ sẽ không làm điều đó và bên phía hãng tàu họ cũng không nhận.”


Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM đề nghị cần xem xét lại quy định về tạm nhập- tái xuất, cũng như quy định cho phép chủ hàng có thể từ chối nhận hàng nhập khẩu nếu không đúng với hợp đồng. Do cả những qui định liên quan và biện pháp quản lý còn khá lỏng lẻo góp phần dẫn đến tình trạng hằng nghìn container hàng phế liệu ùn tắt tại các cảng biển Việt Nam như hiện nay.

RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét