Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Trịnh Xuân Thanh và khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt

VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG NGOẠI GIAO ĐỨC - VIỆT
Le Ngoc Son - Với tính cách của Đức, những gã tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh không có đất dung thân. Nhưng người Đức lại là nước tôn trọng quy trình và thủ tục, nên mọi thứ vội vàng và "vuốt mặt" họ là đều là thứ khó được chấp nhận! "Cửa" Mỹ chưa sáng, "cửa" EU đang xám xịt dần, và vòng tay sói hùm Trung Quốc đang đón đợi... Chọn cách nào là lựa chọn của ta!
Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Việt Nam và Đức đang có nguy cơ dẫn đến những hệ luỵ trầm trọng. Nhiều bạn dùng suy nghĩ của người Việt, cách tư duy của người Việt để đi giải thích cho phản ứng của người Đức. Điều đó chẳng khác nào thủ dâm tinh thần, và AQ tự sướng. Để giải quyết được vấn đề thì trước hết cần HIỂU vấn đề một cách căn cơ, và hiểu văn hoá Đức.

Phải thấy rằng, trong quan hệ giữa ta với Đức, ta cần Đức hơn Đức cần ta. (Rất tiếc đó lại là sự thật). Với nền kinh tế thuộc top đầu của thế giới, 15 tỷ giao thương chỉ là việc nhỏ như Đức bán mấy cỗ máy. Chưa kể ta đang xuất siêu sang Đức. Do đó, đừng nghĩ người Đức thấy quá nhiều lợi ích kinh tế từ VN để mặc cả. Đó là chưa kể, hằng năm Đức hỗ trợ phát triển cho Việt Nam rất nhiều.

Hôm rồi tôi đọc một bài về chiến lược quốc gia, có thấy một so sánh rất hay thế này: "Tại sao "ngu dại" đem quân đội đi giải quyết các mâu thuẫn, trong khi có thể giữ đội quân kinh doanh (các doanh nghiệp) ở nhà?". Đó là chiến lược của Đức! Thấy không bằng lòng là không khuyến khích các nhà đầu tư của họ đầu tư, cái đó thiệt hại gấp vạn lần súng đạn. Nói thế để biết, mất lòng với Đức hệ luỵ rất lớn cho ta.

Ngược lại, Đức là nước có tiếng nói chi phối khối EU, ta muốn làm ăn với khối này hay các nước châu Âu, không thể nào bước chân vào được nếu không qua được "cửa" Đức.

Người Đức từng đã đủ trải nghiệm kìm kẹp và thủ đoạn dưới thời Hitle và thời Đông Đức. Họ thấm và hiểu hết các mưu trò. Nên đừng tư duy theo kiểu: Thanh lên truyền hình thú nhận là tự thú, có ai bắt về đâu, vân vân và mây mây... là người Đức họ tin. Tư duy kiểu đó là ta tự đánh lừa mình, người Đức không lạ mấy cái đó. Muốn họ ủng hộ mình thực sự, trước hết phải đối đãi bằng sự chân thành, nhất là khi mình là nước kém hẳn họ về mọi mặt.

Vì sao Đức phản ứng mạnh mẽ thế?

Bản chất câu chuyện bắt Thanh là thế thế này: Con mèo lạc vào hang cọp. Hang cọp có chủ quyền, vào bắt mèo đi lạc thì phải đúng thủ tục. Văn hoá Đức đặc biệt tôn trọng các quy ước biểu tượng: quy trình, thủ tục, thứ bậc... Không nhảy cóc, hay "khôn lỏi". Việt Nam có thể nhảy vào vuốt nanh cọp được, thì đó sẽ tạo ra tiền lệ cho những người khác có thể làm thế. Đó có thể là lí do Đức cứng rắn trong vụ này với Việt Nam.

Người Đức là nước tôn trọng sự khác biệt, đặc biệt là quyền cá nhân, và phẩm giá con người. Chưa ai được xem là có tội khi chưa qua xét xử. Thế nên dễ hiểu vì sao trong hiến pháp Đức, câu đầu tiên là "Die Würde des Menschen ist unantastbar" (tạm dịch: "Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm")?!

Rõ ràng, với tính cách của Đức, những gã tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh không có đất dung thân. Nhưng người Đức lại là nước tôn trọng quy trình và thủ tục, nên mọi thứ vội vàng và "vuốt mặt" họ là đều là thứ khó được chấp nhận!

Tóm lại, cơ sở của mọi phản ứng với cuộc khủng hoảng ngoại giao với Đức là hiểu về văn hoá (trong đó có văn hoá chính trị) Đức. Còn không, "cửa" Mỹ chưa sáng, "cửa" EU đang xám xịt dần, và vòng tay sói hùm Trung Quốc đang đón đợi...

Chọn cách nào là lựa chọn của ta!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét