Những con thú cuối cùng trong thành phố
05/08/2017 - “Nếu dẫn con trẻ đến tham quan vườn thú ở đây với mục đích cho chúng hiểu, thấm thía hơn bài học văn diễn tả nỗi u uất, cảnh giam cầm: “Ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt, ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…” có lẽ sẽ phù hợp. Còn bảo các cháu đến vườn thú này để tìm hiểu về đời sống của các loài động vật hoang dã, để giáo dục chúng về tình yêu thiên nhiên, vạn vật là điều không nên”.
Lê Xuân Linh - “bố nuôi” của những con thú trong CV 29.3,
Tốc độ đô thị hoá ở TP.Đà Nẵng được đánh giá nhanh nhất khu vực miền Trung. Năm 1997, cả Đà Nẵng chỉ 5.600ha, đến năm 2017 đã là 21.000ha. Tổng diện tích đô thị tăng gấp 4 lần, nhưng không gian xanh môi trường, cho công viên, bãi đỗ xe công cộng… thì bị thu hẹp.
Thị dân Đà Nẵng đang bí bách vì thiếu công viên cây xanh ngay ở những khu đô thị mới. Và những con vật cuối cùng trong vườn thú Công viên 29.3 cũng ngoi ngáp vì không còn phù hợp với môi trường bó hẹp của đô thị, đang cần được giải cứu…
Vườn thú không sinh động
Với diện tích gần 20ha, sum sê cây xanh nhiều tuổi và có một hồ nước điều tiết rộng lớn giữa đô thị, Công viên 29.3 xứng đáng được đánh giá là lá phổi xanh giữa lòng TP.Đà Nẵng. Đây cũng là công viên, hồ nước lớn duy nhất còn lại của Đà Nẵng. Đặc biệt, ý nghĩa nhân văn của công viên này là được xây dựng trên một bãi rác sau ngày thống nhất đất nước 1975. Tuy nhiên, ngoài bóng mát cây xanh và không gian thoáng đãng thì công viên này không có được trò chơi gì hấp dẫn được trẻ em. Không chỉ mấy trò xe điện đã cũ kỹ, xuống cấp, mà sở thú thuộc công viên đang bị thu hẹp, ô nhiễm đến thảm hại.
Trước đây, vườn thú của Công viên 29.3 có nhiều loài động vật hoang dã có nguồn gốc rừng Châu Á, Châu Phi. Đây là điểm tham quan hấp dẫn nhất đối với trẻ em cả TP.Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, đến nay vườn thú này chỉ còn là những cái… chuồng sắt trên diện tích hơn 200m2, nuôi nhốt 23 cá thể. Trong đó 11 con nai được ưu ái sống chung 1 đàn, trong một khu chuồng riêng khoảng hơn 100m2. Khối chuồng sắt còn lại được chia nhỏ thành từng lồng nhỏ. Trong đó 8 con khỉ bị nhốt tách ở 5 lồng riêng lẻ, 1 con cầy mực, 1 con trăn đất và 1 con cá sấu là không phải chung đụng vì có “nhà” riêng.
Tôi dạo quanh vườn thú trong một sáng chủ nhật, chỉ thấy lác đác vài nhóm trẻ theo bố mẹ vào công viên, ghé xem thú. Nhưng rồi chúng lướt qua vì cả khu vực bốc mùi hôi thối đến nồng nặc. Con cá sấu già trên 20 năm tuổi nằm bất động trong hồ, chẳng khác gì một khúc củi khô. Hai gia đình khỉ thì đìu hiu trên nền ximăng lạnh ngắt, chúng chả đu nhảy hay bắt rận cho nhau như cái giống nòi vốn sinh động
ngoài rừng.
Lê Xuân Linh - “bố nuôi” của bọn thú trong khu vườn này - giải thích: “Khỉ vốn là loài sống bầy đàn, phải có không gian, cây xanh cho chúng leo trèo, chạy nhảy thì mới nô đùa được anh ạ. Ở đây không có lồng lớn, không có cây xanh nên chúng tôi buộc phải tách ra từng “đứa” để khỏi cắn xé nhau. Chắc vì vậy mà gần 20 năm tôi về làm vườn thú này chưa có một con khỉ con nào được ra đời. Chỉ 2 con nai thì đã sinh được đàn 12 con luôn. Còn cả con cầy mực, con trăn đất và cá sấu đều cô độc trên 20 năm ở đây”.
Linh cho biết, anh là người duy nhất được Cty Công viên cây xanh - đơn vị chủ quản - phân công chăm sóc bầy thú. Ngoài những suất ăn được mua sẵn, hằng ngày Linh phải ra ngoại thành, lựa những loại cỏ phù hợp để cắt về cho từng “đứa”. Lúc chúng ốm đau, anh hoà nước muối cho uống, tắm rửa sạch và tách bầy cho nghỉ ngơi rồi tự khoẻ. Con nào bị trầy xước, có vết thương hở thì đi mua thuốc xanh thuốc đỏ về bôi theo chỉ vẽ của chị Đức (một cán bộ có chuyên môn thú y, làm cùng Cty). Ngoài ra, Linh cũng là người dọn vệ sinh chuồng trại, chăm sóc cây xanh, hướng dẫn du khách tham quan như một “quản gia” của vườn thú.
Rất nhiều nhóm thanh thiếu niên vui chơi tại Công viên 29.3, nhưng vườn thú không hấp dẫn được chúng. Ảnh: THANH HẢI
Cần giải thoát những con vật tội nghiệp
Tôi hỏi Lê Xuân Linh có nghiệp vụ gì về chăm sóc thú hoang dã không, anh chỉ cười trừ: “Tôi chăm chúng như chăm trâu, bò ở vườn nhà”. Hơn 20 năm làm công việc này nhưng Linh chưa bao giờ được đi tham quan bất cứ một vườn thú, khu bảo tồn động vật nào khác. Rõ ràng cả cơ sở vật chất, không gian nuôi nhốt và điều kiện chăm sóc thú hoang dã ở vườn thú Công viên 29.3 Đà Nẵng là không còn hợp lý để tồn tại. Không muốn nói, giam cầm bọn thú ở đây là nhẫn tâm. Thậm chí những “ứng xử” ở vườn thú này còn nghiệp dư đến… hoang dã. Mới đây, có một con nai bị chết bệnh, nhóm nhân viên bảo vệ đã mang vào toi-lét để giết lén lút, bị dân quay được, tung lên Internet. Thế là cư dân mạng tha hồ chỉ trích, suy diễn sai lệch.
Ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, đơn vị chủ quản Cty Công viên cây xanh, vườn thú - cho biết, Sở Xây dựng đã biết rõ thực trạng này, hiện đang kêu cứu, tìm giải pháp giải thoát cho chúng. Nhưng theo ông Hùng, hầu hết những con thú bị nuôi nhốt trong Công viên 29.3 đều quá già, sẽ không thể tái hoà nhập với thiên nhiên nếu thả về rừng. Bàn giao cho các khu bảo tồn, sở thú khác thì chưa đơn vị nào sẵn lòng đón nhận. Đó là chưa nói, nuôi nhốt mà không đủ điều kiện chăm sóc cho chúng là không nhân văn. Hầu hết chúng phải sống cô độc đến chết già như con cầy mực, con cá sấu, thậm chí bọn khỉ, hoặc bị thoái hoá giống nòi vì quan hệ cận huyết như bầy nai... Nhưng giải thoát những con thú này bằng cách gì thì còn đang nghiên cứu.
Teo tóp không gian xanh
Vấn nạn thiếu không gian cây xanh ở Đà Nẵng không chỉ đối với bầy thú đang bị nuôi nhốt, mà người dân thành phố này đang đứng trước nguy cơ thiếu cây xanh và không gian sinh hoạt công cộng.
Kiến trúc sư Tô Văn Hùng - Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng - cho biết, năm 1997, cả Đà Nẵng chỉ 5.600ha, đến năm 2017 đã là 21.000ha. Tổng diện tích đô thị tăng gấp 4 lần, nhưng không gian xanh môi trường, cho công viên, bãi đỗ xe công cộng… thì bị thu hẹp. Ông Tô Hùng cho rằng công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Trong phiên chất vấn tại cuộc họp HĐND TP.Đà Nẵng giữa tháng 7.2017, ông Hùng đã chỉ rõ: Việc thay đổi quy hoạch, biến vệt đất ven sông Hàn trước đây của Tổng Cty Sông Thu thành khu đô thị gồm nhà ở và các toà nhà cao ốc là hoàn toàn không nên. Đây là vệt đất cuối cùng ven sông Hàn, đáng ra cần phải giữ lại để làm công trình công cộng phục vụ người dân. Ông Hùng cho rằng, Đà Nẵng lập quy hoạch phân khu chậm, chưa tích hợp quy hoạch ngành… vì vậy, cho đến thời điểm này chưa thể trả lời được là thành phố sẽ phát triển theo mô hình gì? Giải pháp quy hoạch không tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên nên nguy cơ phá vỡ cấu trúc hệ thống cảnh quan tự nhiên, nhiều dự án khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo. Nhất là việc san lấp ao hồ gây ngập úng cục bộ. Trước đây Đà Nẵng có 42 hồ nằm rải rác trên toàn thành phố, nhưng hiện chỉ còn 30 hồ. Vì vậy, Đà Nẵng vẫn còn 50 điểm ngập úng sâu.
Đặc biệt, ông Tô Hùng mạnh dạn chỉ rõ việc triển khai quy hoạch còn tuỳ tiện, thêm bớt, thay đổi tỉ lệ đồ án sau phê duyệt, điều chỉnh với tỉ lệ khá lớn, bình quân 43,8%. Một số dự án điều chỉnh nhiều lần, như khu đô thị sinh thái Hoà Xuân điều chỉnh đến… 15 lần. Dự án khu đô thị sinh thái Golden Hill vừa phê duyệt mấy ngày sau lại tiếp tục điều chỉnh… Điều đáng nói là việc điều chỉnh quy hoạch đã biến diện tích đất rất lớn vốn dành cho công viên cây xanh, đất phục vụ cộng đồng dân cư thành phân thêm lô, nền, phục vụ cho thị trường bất động sản. Chính công tác quản lý, giám sát quy hoạch lỏng lẻo đã khiến không gian cây xanh và đất công cộng ở Đà Nẵng ngày càng bị thu hẹp. Nếu không có bán đảo Sơn Trà, có 3 mặt giáp biển và dòng sông Hàn bù đắp, thì tỉ lệ cây xanh theo đầu người tại Đà Nẵng là chưa đạt chuẩn...
Tôi hỏi một phụ huynh dắt con tham quan vườn thú, ông nhận xét buồn: “Nếu dẫn con trẻ đến tham quan vườn thú ở đây với mục đích cho chúng hiểu, thấm thía hơn bài học văn diễn tả nỗi u uất, cảnh giam cầm: “Ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt, ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…” có lẽ sẽ phù hợp. Còn bảo các cháu đến vườn thú này để tìm hiểu về đời sống của các loài động vật hoang dã, để giáo dục chúng về tình yêu thiên nhiên, vạn vật là điều không nên”.
http://laodong.com.vn/phong-su/nhung-con-thu-cuoi-cung-trong-thanh-pho-689301.bld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét