Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Công an VN là Mossad trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ?

Công an VN là Mossad trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ?
Trương Nhân Tuấn - Thấy nhiều người lên tiếng bênh vực hành vi của công an VN (trong vụ bắt Trịnh Xuân Thanh), bằng cách so sánh hành vi này với vụ Mỹ cho quân vào Pakistan để giết Bin Laden, hay các vụ mật thám Mossad của Do Thái xâm nhập vào các quốc gia khác bắt cóc những tay Đức quốc xã cũ. So sánh này hết sức khập khểnh.

Hình minh họa
Mỹ cho đội quân người nhái (SEAL) “xâm nhập” lãnh thổ Pakistan để giết Bin Laden, thủ phạm vụ đánh sập Tháp đôi “Twin Towers” năm 2001. Bin Laden, người cầm đầu tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaida, trước luật quốc tế y là một “tội phạm diệt chủng chống nhân loại”. Điều này đã được đại diện Cao ủy Nhân quyền LHQ khẳng định (tháng năm năm 2011).

Nếu xét dưới ánh sáng của quốc tế công pháp. Pakistan, khi chứa chấp Bin Laden, nước này đã vi phạm Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm của LHQ ngày 9 tháng chạp năm 1948. Theo các điều 6 và 7 của Công ước, các tội phạm về “tội ác diệt chủng”, “tội ác chống nhân loại” không được hưởng quyền “tị nạn chính trị”.

Đối với Mỹ, khi chứa chấp Bin Laden và không hợp tác với Mỹ để “trục xuất” Bin Laden, Pakistan có thể bị buộc tội “đồng lõa” với tên này, trở thành một “quốc gia thù nghịch” với Mỹ.

Vì vậy nhà nước Pakistan đã sớm “tịt ngòi” trong vụ Bin Laden, ngoài các cuộc biểu tình lẻ tẻ chống Mỹ của nhóm dân chúng Hồi giáo cực đoan.

Còn các vụ bắt cóc của Mossad, cũng không có vụ nào có thể so sánh với vụ TX Thanh. Tất cả các đối thượng của Mossad đều thuộc về diện “phạm tội ác diệt chủng”, “tội ác chống nhân loại”...

Vụ “nổi tiếng” là vụ bắt cóc Adolf Eichmann, một “đồ tể” giết dân Do Thái thời Quốc xã, xảy ra ở thủ đô Argentine là Buenos Aires. Tên này bị một nhóm đặc công Mossad bắt trước cửa nhà, sau đó “dẫn độ” về Do Thái để xét xử.

Trước khi bị “dẫn độ”, Eichmann đã ký một tờ cam kết “chấp nhận được xét xử trước một Tòa án” ở Do Thái. Vụ bắt cóc xảy ra êm thắm, “hợp pháp”, không để lại một bằng chứng nào.

Trường hợp Eichmann, nhà nước Á Căng Đình phản đối kịch liệt, cho rằng Mossad “vi phạm chủ quyền” của nước này.

Vụ bắt cóc TX Thanh, theo “Thông cáo báo chí” của Bộ ngoại giao Đức hôm 2 tháng tám, thủ phạm gồm nhóm công an VN và nhân sự thuộc Tòa Đại sứ VN tại Đức.

Ông TX Thanh được biết như là một người đào thoát khỏi VN về các lý do chính trị và kinh tế. Ông này đã nộp đơn xin tị tạn tại Đức và trường hợp ông này hiện đang được cơ quan thẩm quyền Đức cứu xét.

Ông TX Thanh vì vậy, (trong thời gian hồ sơ cứu xét), được luật pháp Đức bảo vệ.

Theo tin tức báo chí VN, TX Thanh hiện là “nghi phạm” về một vụ án “kinh tế”.

Nhưng trước dư luận quốc tế (ở các nước dân chủ tự do, như ở Đức) TX Thanh có thể là “nạn nhân một vụ thanh trừng chính trị”, được bao bọc dưới lớp vỏ “tội phạm kinh tế”.

Theo “Thông cáo báo chí” của BNG Đức, chính quyền Đức đang xét trường hợp ông TX Thanh, cùng lúc hai hồ sơ: đơn xin tị nạn chính trị của ông Thanh và lời yêu cầu trục xuất ông Thanh của nhà nước VN.

BNG Đức yêu cầu VN “trả” ông TX Thanh, để các cơ quan hữu trách quốc gia này "thi hành pháp luật", đồng lúc xét đơn xin tị nạn của ông này, cũng như lời yêu cầu trục xuất của phía VN.

Ở điểm này ta thấy tính “ưu việt” của pháp luật (rule of law) trong một “quốc gia pháp trị - Etat de Droit”.

Tức là làm cái gì cũng dựa theo luật lệ mà làm.

Đức có thể “trục xuất” ông TX Thanh theo yêu cầu của VN, nếu xét thấy yêu cầu của VN là “hợp lý”, với những “bằng chứng cụ thể” cho thấy TX Thanh là một “tội phạm kinh tế”.

Nhưng Đức cũng có thể (bác bỏ yêu cầu của VN) chấp nhận đơn xin tị nạn của TX Thanh, nếu ông này trưng ra những bằng chứng cho thấy ông là nạn nhân của một vụ “thanh trừng chính trị”. (Theo tôi, qua vụ này, hồ sơ xin tị nạn của ông vì vậy có nhiều khả năng được Đức chấp thuận).

Hành vi nhân viên công lực có vũ trang thuộc của một quốc gia, xâm nhập vào lãnh thổ một quốc gia mà không có sự đồng thuận của quốc gia này, là điều “tối kị” trong ngoại giao. Đây là hành vi, nếu không xếp vào hạng mục “khủng bố quốc tế”, quốc gia trở thành một “quốc gia côn đồ chứa chấp khủng bố”, thì cũng xếp vào loại “xâm phạm chủ quyền”, “có hành vi thù nghịch, chiến tranh…”.

Hành vi xâm nhập nước Đức, bắt người thuộc diện được pháp luật Đức bảo vệ, trên lãnh thổ nước Đức, là hành vi “thù nghịch”, vi phạm trầm trọng chủ quyền nước Đức.

VN lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khó có thể phản bác. Bởi vì Đức có “đầy đủ bằng chứng”.

Vụ “bắt cóc” xảy ra, hơn tuần lễ sau Bộ NG Đức mới lên tiếng. BNG Đức chờ đủ các yếu tố rồi mới có phản ứng.

Nhờ những tuyên bố của phía công an VN, cho thấy rằng TX Thanh vẫn “còn sống” và hiện ở VN.

BNG Đức không lên tiếng yêu sách sớm hơn, lúc chưa biết TX Thanh ở đâu, trong tay ai. Vì sợ TX Thanh bị thủ tiêu.


Công an VN vừa tuyên bố là TX Thanh “đã ra đầu thú”.

Đây là “bằng chứng bất khả tranh biện”. Thông cáo báo chí của BNG Đức có đoạn viết “các chứng cớ ngày một dày đặc và không còn sự hoài nghi hợp lý nào nữa” để khẳng định nhà nước VN đứng sau vụ bắt cóc. Dĩ nhiên tuyên bố của công an VN là “bằng chứng trụ cột”: TX Thanh hiện trong tay công an VN.

Vấn đề này rồi sẽ ra sao ?

Theo tôi, bang giao hai bên Việt-Đức cho thấy “khó khăn” đầy phía trước. Dĩ nhiên cho phía VN.

Thái độ của VN chắc chắn là trây lì, không "trả" TX Thanh lại cho Đức, chờ thời gian “khỏa lấp”.

Nhưng điều này không dễ đối với Đức, một nước mà hiến pháp đặt nền tảng trên bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Các vụ hăm dọa nhà báo Nguyễn Trung Khoa của tờ Thời Báo, về việc nhà báo này đăng tin trung thực nhưng bất lợi cho CSVN, nhân việc này cũng được đưa vào tầm nhắm của cơ quan an ninh và pháp lý của Đức. Các hoạt động (phản gián) của nhân viên Tòa Đại sứ VN ở Đức từ nay sẽ hạn chế. Chưa nói tới những lời “răn đe” về “trừng phạt kinh tế” hay “cúp viện trợ” của Đức đối với VN sẽ được thi hành, tùy theo mức độ "hợp tác" của CSVN.

Vấn đề đặt ra là ai chịu trách nhiệm (về hành vi ngu xuẩn) bắt cóc TX Thanh ?

Chắc chắn là ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Ý tứ của ông này trước đây về trường hợp TX Thanh, hay mới bộc lộ gần đây “lò nóng thì củi ướt, củi khô gì cũng cháy”, cho ta thấy điều đó.

Và ta cũng thấy thực chất của cái gọi là “nhà nước pháp quyền XHCN” của VN.

Ông Trọng bắt chước Tập Cận Bình. Vấn đề là mật thám của TQ không để lại một dấu vết, một bằng chứng nào để quốc gia có liên quan có thể phản đối về sự can thiệp của TQ. Chỉ đến khi người bị dẫn độ ra tòa, bị kết án tù, thì sự việc mới truyên ra công chúng. Lúc đó là quá trễ để có thể phản đối về điều gì.

Người ta lên án Tập Cận Bình, nhưng không ai làm gì được TQ. Bởi vì, trước hết là không có bằng chứng. Ngoài ra sức mạnh kinh tế của TQ “xí xóa” những vi phạm pháp luật quốc tế (nếu có) của TQ (trong việc bắt cóc tội phạm ở những quốc gia khác).

VN trong nước đã sử dụng “luật rừng” cai trị dân, để bắt bớ, trấn áp những tiếng nói trái ngược. Luật pháp của VN là nhằm bảo vệ đảng, bảo vệ quyền lợi tầng lớp đảng viên (đang nắm quyền lực).

Bây giờ VN dùng “luật rừng” qua Đức để bắt cóc TXT. Nhà nước CSVN nghĩ rằng, họ sẽ làm giống như Mossad, giống như Tập Cận Bình, cộng với giàn DLV thượng thặng, họ sẽ “lèo lái” được dư luận và không ai làm gì được họ.

Trở lại việc so sánh, rõ ràng là hết sức khập khểnh.

Điều này cho thấy "kiến thức" rất hạn chế về "luật", không chỉ của trong tầng lớp dân chúng, mà còn ở hầu hết cấp lãnh đạo tối cao.

Công cuộc xây dựng một xã hội “trọng luật” ở VN theo tinh thần “Rule of Law” là “thiên nan vạn nan”.

Ông Trọng vừa nắm đảng lãnh đạo, nắm quân đội, nắm cả công an. Tình báo sang "bắt cóc" TX Thanh không biết thuộc về quân đội hay công an. Vấn đề là ông Trọng phải chịu trách nhiệm tất cả những đổ vỡ chính trị ngoại giao giữa VN và Đức. Trách nhiệm về tiếng tăm (vốn đã bất hảo) VN là một quốc gia côn đồ.

Nhưng lấy luật nào để "kỷ luật" ông Trọng ?

Không có luật nào hết cả.

Đó là cái "bi hài" của cái gọi là "nhà nước pháp quyền XHCN". Bởi vì một "Etat de Droit" thực sự (mà VN dịch gượng ép là nhà nước pháp quyền), thì lãnh đạo nào cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Trương Nhân Tuấn
(FB. Trương Nhân Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét