Chuyện người từ quê ra làm quan cưỡi đầu cưỡi cổ dân Hà Nội
Đỗ Minh Tuấn - Nhân bạn Trần Quốc Trọng có status bàn về Hà Nội hôm nay tàn tạ, tôi chợt nghĩ về quá trình Hà Nội nông thôn hoá. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô đến nay, Hà Nội bị nông thôn hoá hai lần.
Gánh hàng đêm - Ảnh: Internet
Lần đầu từ năm 1961, khi Đảng ra chỉ thị quy định cán bộ tổ chức phải là bần cố nông. Thế là hầu hết các cán bộ tổ chức có gốc từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình, Liên Khu 5 vì những nơi đó nhiều bần cố nông nhất. Họ bắt đầu kéo người từ quê ra, và Hà Nội bắt đầu có đái bậy trên gác thượng, vẽ bậy trên tường và chửi bậy ngoài đường phố. Nhưng trên thực tế, không ít những người từ quê ra Hà Nội đã thành quan, thành danh, có những đóng góp lớn cho Hà Nội về nhiều mặt.Lần thứ hai từ ba thập kỷ nay, khi kinh tế thị trường phát triển. Phần lớn người có công và cựu chiến binh đều là gốc nông thôn, trưởng thành lên thành hệ thống quan chức vào thời đổi mới. Họ lại giúp các họ hàng ra Hà Nội làm ăn. Chính sách hộ khẩu và an ninh không gắt gao nữa, bà con nông dân ở các tỉnh kéo ra làm ăn ở Hà Nội ngày càng nhiều. Không ít người từ quê ra thành tinh, phát đạt, thăng quan tiến chức cưỡi đầu cưỡi cổ dân Hà Nội. Nhưng đa số vẫn là người nghèo khổ, kiếm sống không bền vững.
Chỉ một câu của Bí thư, Chủ tịch là các chị hàng hoa, các bà bán xôi, các em bán vé số... hết chỗ kiếm cơm. Đầu thập kỷ 90, Tôi lập Trung tâm hướng nghiệp từ thiện nuôi dạy mấy chục em lang thang cơ nhỡ, bỏ gia đình ra Hà Nội kiếm sống, có đứa bị bố cho vào bao tải buộc túm lại vứt xuống ao, nhưng nó thủ sẵn con dao rạch bao tải chui ra nên không chết.
Tôi làm dự án xin ĐSQ Canada tài trợ kết hợp với Nghệ nhân Phan Văn Ngải dạy các cháu đẽo rối nước và trình diễn rối nước trên sân khấu mobi di động, lập ra đoàn Rối nước Hoa Sen diễn miễn phí cho hàng vạn người và diễn cả cho 20 Bộ trưởng văn hoá thế giới đến VN dự "Hội nghị quốc tế về trẻ em năm 2000". Đài TH Bỉ sang làm một phóng sự 52 phút về Đoàn rối nước Hoa Sen.
Kể lại để thấy những em bé lang thang cơ nhỡ nghèo khổ từ quê ra cũng đầy tài năng và sức sáng tạo để làm đẹp Thủ đô, làm đẹp cho dân tộc, nếu ta biết trân trọng và hỗ trợ. Bây giờ Hà Nội đông người từ quê ra kiếm sống và làm việc hơn xưa, ta không đếm xuể, nhưng có thể thấy bóng dáng khổ đau, tần tảo và tất tưởi của họ qua những con đường vắng vẻ trong ngày lễ. Cứ để ý mà xem, thứ bảy CN đường phố HN vắng vì bà con, anh chị em ra HN mưu sinh lại tranh thủ về quê đưa tiền nuôi gia đình, thăm họ hàng, chăm sốc con cái.v.v
Hà Nội bây giò xô bồ một tý, nhưng có thêm chiều kích mới dung chứa những phận người đau khổ của dân tộc VN bất hạnh này mà phần lớn những người nông dân nghèo khổ đó đều có người thân đổ máu để cho Hà Nội hôm nay đầy những trọc phú, đại gia, trí thức nghệ sỹ học đòi và lũ quan chức, kiêu binh (không hề đánh giặc) khinh rẻ nông dân và cướp đất của nông dân.
Không có nông dân thì chúng nó làm sao có chế độ này và núi tiền trộm cắp, tham nhũng và buôn gian bán lậu. Cho nên khi hệ thống chính quyền không lo nổi việc làm và miếng cơm manh áo cho người nông dân, thì cũng đừng có chúi mũi vào lau chùi từng viên gạch vỉa hè Thủ đô và xua đuổi những người nông dân bán hoa, bán ngô, bán đồ chơi... mà mấy chục năm nay bóng dáng họ, tiếng rao đêm của họ đã làm nên một phàn ký ức và hồn vía của Thăng Long Hà Nội.
Đỗ Minh Tuấn
(FB Đỗ Minh Tuấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét