Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Khi phụ nữ lái xe... ôm

Khi phụ nữ lái xe... ôm
BÀI & ẢNH: HUYỀN CHI, 09/07/2017 - Nghề xe ôm lâu nay vốn được mặc định dành cho cánh đàn ông bởi ngoài chuyện quanh năm suốt tháng phải bươn chải ngoài đường, nghề này còn đối mặt nhiều rủi ro, nguy hiểm. Thế nhưng, vì một lý do nào đó, nhiều phụ nữ đã chọn cái nghề lắm nỗi gian truân này.
Ngày nay có nhiều phụ nữ sẵn sàng hành nghề vận chuyển.
Cứ khoảng sáu giờ sáng, không kể ngày nắng hay mưa, chị Mai (quê Thanh Hóa) lại lôi “con chiến mã” ra khỏi khu nhà trọ ở Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu ngày làm việc. Tính đến nay, chị đã có sáu năm trong nghề chạy xe ôm ở Hà Nội. “Cần câu cơm” của chị là chiếc xe Wave cũ nhưng tiếng máy nghe còn chắc chắn. “Nghề này quan trọng nhất là xe phải tốt, chỉ cần trục trặc chút thôi là treo miệng liền”, chị nói.

Chị quê tận vùng núi nghèo miền tây Thanh Hóa, lấy chồng Nghệ An. Ngày trước, anh quanh năm suốt tháng xa nhà đi làm thợ công trường, chị ở nhà tần tảo hai sào ruộng, thi thoảng mang thúng mẹt ra chợ bán ít nông sản được mùa. Tai họa ập xuống khi anh bị sập giàn giáo lúc đang thi công nên bị thương nặng. Sau gần hai năm chữa trị tốn kém, giữ được tính mạng cho anh thì cũng là lúc gia đình khánh kiệt. Chị ngậm ngùi bán căn nhà để trả nợ, con gửi ông bà ngoại rồi ra Hà Nội làm thuê kiếm sống từ đó đến nay. Chị tâm sự: Những ngày đầu ở nơi đất khách quê người, nhiều đêm buồn tủi muốn vùi mặt xuống gối để khóc, thương chồng con đến quặn lòng. Sau này gặp người cùng làng mách nước, chị vay mượn khắp nơi gom góp mua chiếc xe máy cũ đi chở hàng thuê.

Những ngày đầu vì e ngại nên chị chỉ chở khách quanh khu trọ. Nhưng sau một thời gian, chị nhanh chóng quen với công việc và trở thành lái xe ôm thực thụ. Giờ chị tự hào bảo, nhiều người chưa chắc thuộc mọi ngóc ngách ở Hà Nội như chị. Nhờ có tiền chở hàng, chở khách nên cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn trước. Chị nói: Dù có tảo tần vất vả đến mấy, tôi cũng cố gắng chịu đựng vì chồng, vì con.

Tương tự, chị Loan, nữ xe ôm luôn thường trực trước cổng Bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng đã có mấy năm trong nghề. Chị bộc bạch: Tôi quê ở Hải Dương, theo chồng lên Hà Nội làm thuê từ năm 2010. Khi mới lên Thủ đô, tôi làm đủ nghề từ nhặt ve chai cho đến bán hàng rong... nhưng đều không ăn thua. Sau do nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối tăng cao nên tôi cùng với chồng chuyển sang chạy xe ôm, chuyển hàng cho những mối buôn trong chợ. Mấy năm gần đây, khi có dịch vụ Grab Bike, tôi liền đăng ký làm thành viên để kiếm thêm thu nhập. Giờ đây, tôi vừa chạy chở hàng, vừa nhận chở khách nên mỗi tháng thu nhập cũng tạm ổn.

Xe ôm vốn là nghề vất vả, chưa nói đến sự bất ổn định trong công việc thì tính an toàn là vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu. Những chuyện sàm sỡ, cố tình chọc ghẹo đối với các nữ xe ôm xảy ra không phải ít, cùng với đó là tình trạng bảo kê bến xe chèn ép, bắt nạt hay chen ngang tranh khách của những “ma cũ” khiến nhiều nữ xe ôm chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” dời đi chỗ khác kiếm khách. Thế nhưng, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngày nay có nhiều phụ nữ vì mưu sinh mà lựa chọn nghề này. Đặc biệt, một số nữ sinh viên cũng hành nghề xe ôm như một công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập.

Trần Thị Ngân, sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Em chạy Grab Bike được một thời gian rồi, chủ yếu là để kiếm thêm tiền sinh hoạt và trang trải học phí phụ giúp gia đình. Công việc cũng không gò bó thời gian, lúc nào có khách đặt thì chạy, không thì thôi”. Dáng người bé nhỏ nên Ngân khó chen chân lăn xả, chào mời, chèo kéo khách hàng như những đồng nghiệp nam giới khác. Thế nhưng, tính kiên trì, thân thiện lại giúp Ngân có được nhiều khách hàng ủng hộ. “Có lần, em đến địa chỉ nhận khách được thông báo trên hệ thống, khi đến nơi khách thấy em là con gái nên bảo để anh lái cho, chứ ai ngồi sau xe con gái bao giờ”, Ngân kể. Có lẽ, ít ai nghĩ rằng những người phụ nữ chân yếu, tay mềm lại sẵn sàng lao mình vào cuộc sống mưu sinh bằng cái nghề cả ngày phải phơi mặt ngoài đường như vậy.

Hành nghề xe ôm đối với nam giới đã vất vả, riêng với phụ nữ lại càng vất vả hơn. Thế nhưng, dù công việc còn đó đầy những khó khăn, nhiều người vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, không tỏ ra mình lép vế trước cánh đồng nghiệp nam giới. Trong thời buổi hiện nay, công việc tưởng như không dành cho phái yếu đã được nhiều người phụ nữ thực hiện, đó không đơn giản chỉ là nghiệp mưu sinh mà còn là sức sống và nghị lực vươn lên không ngừng.


http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-dothi/baothoinay-dothi-nhipphophuong/item/33413302-khi-phu-nu-lai-xe-om.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét