Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

HỮU MAI: Duyên nợ văn chương với Đại tướng

NHÀ VĂN HỮU MAI:
Duyên nợ văn chương với Đại tướng 
BÌNH CA, 16.07.2017, TTCT - Trong kháng chiến chống Pháp, khi quân Pháp tấn công lên Tuyên Quang, có một con đò dọc chở một gia đình tản cư xuôi sông Lô về Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Lúc ngang qua bến Bình Ca, trên bờ có tiếng gọi đò. Ông cụ nằm trong khoang nói vọng ra: “Nếu là bộ đội thì cho đi nhờ”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai -Trọng Thanh
Anh bộ đội xin quá giang, sau này trở thành một nhà văn quân đội nổi tiếng, và cô thôn nữ xinh đẹp quê Ninh Bình, tình cờ gặp trên chuyến đò trong đêm trăng sáng trên dòng Lô Giang ấy đã nên duyên chồng vợ. Con trai đầu lòng của họ được cả gia đình gọi là bé Bình Ca.

Có người đã nối “nghiệp nhà”
Cha tôi làm thơ khá sớm và viết khá nhiều. Từ hồi tiểu học, trong các giờ tiếng Pháp, ông đã có thể dịch những câu thơ Victor Hugo, Lamartine sang tiếng Việt và thường được thầy đọc cho cả lớp nghe. Mấy chục năm sau, những người bạn học vẫn còn thuộc những bài thơ ấy.
Có thể ông đã trở thành một thi sĩ, nếu cuộc kháng chiến chống Pháp không bùng nổ. Năm 1946, cha tôi tham gia kháng chiến.
Ông viết báo, được giao phụ trách tờ Quân Tiên Phong của đại đoàn 308. Được tham dự tất cả các chiến dịch lớn của đại đoàn trên các chiến trường quan trọng nhất, ông đã viết và viết không ngừng để phục vụ yêu cầu của cuộc chiến đấu.
Sau kháng chiến chống Pháp, ông về công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội thuộc Tổng cục Chính trị, bắt đầu tập trung vào hoạt động sáng tác.
Năm 1957, ông tham gia Hội Nhà văn Việt Nam, là hội viên sáng lập và chính thức trở thành người viết chuyên nghiệp.
Từ lúc này, ông chuyển hẳn sang viết văn xuôi vì nhận thấy thơ tuy là một ân huệ trời cho nhưng càng tìm càng mất và không thể chuyển tải hết tư liệu đầy ắp trong cuộc sống chiến đấu mà ông đã thu thập được.
Trong bốn người con, có lẽ chưa bao giờ cha tôi hình dung sẽ có ngày cậu cả theo “nghiệp nhà”. Sống trong thời bao cấp, tôi quá thấu hiểu cái sự nghèo và những rủi ro của nghiệp văn chương, nên từ nhỏ đã tâm niệm dứt khoát không theo đuổi cái nghề “nhà văn”, đứng đầu trong bốn... “nhà nghèo”.
Đành rằng thời đó ai cũng nghèo, nhưng so với xung quanh, tôi cảm thấy nhà văn nghèo nhất. Tôi từ chối lời gợi ý của cha thi vào Đại học Tổng hợp văn với lý sự phải học kinh tế để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn... theo lời dạy của Bác Hồ.
Dường như mọi hi vọng của cha tôi về việc truyền lại những gì thu lượm được từ nghề viết, ông dồn cả vào người con trai thứ Hữu Việt.
Chú em tôi từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu làm thơ, viết báo, dịch sách và sớm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi cũng mừng vì nhà đã có người nối nghiệp cha...
Cách mạng và kháng chiến đã đưa cha tôi đến với văn chương. Những sự kiện lịch sử quan trọng mà ông đã trải qua và những con người ông trực tiếp gặp gỡ trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến đã thôi thúc ông cầm bút viết, như một nhân chứng của thời đại mình.
Ông luôn nói một cách khiêm nhường mình không có thời gian làm chuyện văn chương. Ông chỉ muốn ghi lại, thật nhiều và trung thực một giai đoạn ông cho là đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, mà ông trực tiếp tham gia bằng cả ngòi bút và cây súng...
Những ngày với Đại tướng 
Võ Nguyên Giáp
Nói về nhà văn Hữu Mai, không thể không đề cập tới những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do ông thể hiện. Có lần ông buột miệng nói đây là một nửa sự nghiệp văn chương của ông.
Suốt cuộc đời, cha tôi nung nấu viết một bộ sử thi về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà ông may mắn là một nhân chứng lịch sử. Ông đã bỏ ra nhiều năm chuẩn bị cho tác phẩm để đời này.
Năm 1964, nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 20 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị chủ trương xuất bản một tập hồi ký của các tướng lĩnh đã trực tiếp tham gia chiến dịch.
Tập hồi ký sẽ không đầy đủ nếu thiếu bài viết của vị Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hữu Mai, một nhà văn quân đội được biết đến với tiểu thuyết nổi tiếng Cao điểm cuối cùng (năm 1960) về Điện Biên Phủ, đã được chọn giúp Đại tướng thể hiện bài viết.
Đối với cha tôi, đây là một dịp may. Từ lâu, ông đã tâm niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng là hai nhân vật trung tâm trong bộ sử thi tương lai của mình. Ông dành khá nhiều thời gian để đọc, nghe và tìm hiểu về Đại tướng, đã dựng chân dung Đại tướng trong Cao điểm cuối cùng, nhưng chưa có cơ hội làm việc trực tiếp với vị Tổng tư lệnh - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong buổi làm việc đầu tiên, Đại tướng đề nghị ông viết khoảng 15 trang và đưa một đề cương gồm 15 vấn đề. Ông thấy đây là một nhiệm vụ khó, vì phải hoàn thành trong một tháng. Hơn nữa, không phải lúc nào cũng có thể gặp Đại tướng để trao đổi về những điều cần viết.
Buổi làm việc tiếp theo, ông đề nghị: Vì thời gian quá gấp, và cũng đã có một số tư liệu về những điều Đại tướng đã nêu trong đề cương, nên sẽ viết ra trước để gợi ý Đại tướng nhớ lại các sự việc, sau đó sẽ sửa chữa lại theo ý của Đại tướng. Đại tướng vui vẻ đồng ý.
Ngày cuối cùng của cái hẹn một tháng, nhà xuất bản nhận được bản thảo có tên Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ của Đại tướng, do Hữu Mai ghi, khoảng gần 100 trang.
Đây cũng là tên của cuốn sách, trong đó có hồi ký của thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, thiếu tướng Vương Thừa Vũ, thiếu tướng Trần Độ, đại tá Nguyễn Văn Nam, thượng tá Vũ Lăng và giáo sư Tôn Thất Tùng, dày trên 200 trang.
Khi sách được in, Đại tướng đã đề tặng cha tôi với dòng chữ: “Chúc Hữu Mai viết văn hay, tiến mãi về phía trước trên con đường văn nghệ của dân tộc, và để ghi nhớ những ngày đầu của mối “duyên nợ văn chương” đầy hứa hẹn”.
Không ngờ những câu nói này đã vận vào mối duyên - nợ của cha tôi với Đại tướng trong suốt nửa thế kỷ, cho đến ngày ông qua đời.
Tiếp nối thành công của “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ” trong năm đó, Đại tướng đề nghị nhà văn Hữu Mai viết tiếp cuốn hồi ức Từ nhân dân mà ra, mở đầu cho bộ hồi ức 5 tập của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kéo dài gần 40 năm.
Năm 1974, cuốn hồi ức thứ hai, Những năm tháng không thể nào quên ra đời. Tác phẩm này được tái bản nhiều lần, dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung, Hungary, Triều Tiên...
Cha tôi kể: “Sau hai tập hồi ức đầu tiên, anh Văn (tên thân mật ông vẫn dùng gọi Đại tướng) đã đồng ý không sử dụng công thức người kể - người ghi như những hồi ức cặp đôi khác. Cách này chỉ thích hợp với việc kể và ghi lại những kỷ niệm nho nhỏ, chứ không thích hợp với những công trình mang tính tổng kết, được trình bày dưới dạng hồi ức.
Những người làm công việc này phải có công phu nghiên cứu nghiêm túc toàn bộ tiến trình chiến tranh ở cả hai phía ta và địch, dựa trên những văn bản, những nhân chứng sống, phải tự mình phát hiện những vấn đề mới để có những đóng góp thực sự với lịch sử”.
Vì vậy, những cuốn hồi ức về sau, thay bằng Hữu Mai ghi, được sửa thành Hữu Mai thể hiện.
Năm 1975, cha tôi viết tiếp cuốn hồi ức thứ ba, Chiến đấu trong vòng vây. Những tưởng bộ hồi ức về thời kháng chiến chống Pháp sớm được hoàn thành, để chuyển sang thời chống Mỹ. Nhưng mọi chuyện đã không như vậy.
Tôi còn nhớ trận mưa khủng khiếp ở Hà Nội đầu những năm 1980. Khu tập thể quân đội Nam Đồng nước ngập mênh mang. Trong nhà dép guốc nổi lềnh bềnh.
Anh em chúng tôi lấy mấy thanh gỗ gác lên cao và đưa những gì quý giá nhất lên đó. Nhìn vào vị trí bảo vệ đặc biệt ấy, tôi mới biết nhà mình chẳng có gì quý ngoài tập bản thảo Chiến đấu trong vòng vây.
Và nó nằm yên ở đó 20 năm, cho tới khi Đại tướng nói với cha tôi “bây giờ có thể in được rồi”. Từ lâu, cả nhà đã quên bẵng tập bản thảo, đến khi tìm thấy, tất cả đã bị mối xông.
Những năm trước Đổi Mới, giấy cũng là món đặc sản hiếm, nên bọn mối đã nghiền cuộc Chiến đấu... của Đại tướng và Hữu Mai thành cám bụi. Thế là cha tôi phải viết lại từ đầu.
Những tư liệu tích tụ và ngủ yên hai thập kỷ đã được giải phóng. Năm 1995, cuốn hồi ức Chiến đấu trong vòng vây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tay bạn đọc.
Cuốn thứ tư Đường tới Điện Biên Phủ, và cuốn thứ năm Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử được cha tôi viết khá nhanh, liên tiếp trong hai năm 1999-2000. Cha tôi nghĩ đã hoàn thành mối duyên nợ văn chương với Đại tướng.
Thời điểm đó, ông biết mình chưa thể viết những cuốn sách về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Với tư cách một người chép lịch sử bằng văn học, ông hiểu có những vấn đề cần độ trễ của thời gian. Viết ra vội vàng và không đầy đủ sẽ là có tội.
Sau khi cha tôi mất (tháng 6-2007), trong di cảo ông để lại còn một cuốn tiểu thuyết viết về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trong đó nhân vật trung tâm là Đại tướng, với tên gọi Không phải huyền thoại. Mẹ và em trai tôi đã làm tiếp những phần việc cuối cùng để cuốn sách đến với bạn đọc.
Tác phẩm bị bỏ lỡ
Cha tôi tâm sự: Một trong những lý do khiến ông không hoàn thành được bộ sử thi mơ ước, dù đã viết xong tập 1 (tiểu thuyết Đất nước, với số lượng in lần đầu 32.500 bản), là bởi vì ông sẽ đụng tới những vấn đề lớn trong lịch sử chiến tranh, và không dễ xuất bản nếu muốn viết một cách trung thực, đưa ra những nhận định của riêng mình.
Khi gặp và làm việc với Đại tướng, ông hiểu một điều: Đại tướng là người có thẩm quyền nhất để nói về cuộc chiến tranh này.
Giúp Đại tướng thể hiện bộ hồi ức, ông đã gián tiếp được thể hiện tâm nguyện. Suy nghĩ đó khiến ông bình thản làm công việc mình lựa chọn, dù có không ít lời góp ý, kiểu: “Sao anh cứ thể hiện, thể hiện mãi thế... Anh phải viết cuốn sách của riêng mình chứ.
Dành nửa sự nghiệp thể hiện hồi ức giúp người khác, anh có nghĩ mình đã bỏ lỡ những tác phẩm của riêng mình...?”.
Vẫn còn một cuốn sách cha tôi không có thời gian để hoàn thành. Tất cả mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, tư liệu và một số trang bản thảo.
Có một lần cha tâm sự với tôi: Ông dự định viết cuốn sách về Đại tướng, nhưng không phải với tư cách một vị tổng tư lệnh quân đội như trong các cuốn hồi ức ông đã thể hiện, mà là một con người trong cõi nhân gian.
Ông dự định đặt tên cuốn sách là Vị tướng cuối cùng trong 10 vị tướng của hành tinh. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao ông dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới và các danh tướng như Alexander Đại Đế, Julius Cesar, Thành Cát Tư Hãn, Napoleon Bonaparte, Mikhain Cutuzov...
Nhưng ông cứ lần lữa mãi. Khi nhận thấy sức khỏe cha không được như xưa, có một lần tôi nhắc ông hãy bắt tay viết cuốn sách mà ông ấp ủ, khi cả ông và Đại tướng còn khỏe và minh mẫn. Cha tôi im lặng. Rất lâu sau ông mới trả lời: “Viết lúc này chưa có lợi”.
Sau cơn bạo bệnh, cha tôi yếu đi nhiều. Tôi rất muốn nói với ông, nếu ông không viết, cuốn sách ông dự định có thể sẽ không bao giờ được viết ra. Nhưng tôi không đủ can đảm.
Giờ đây cha tôi và Đại tướng đã mãi mãi ở chốn vĩnh hằng. Mối duyên nợ văn chương giữa nhà văn và Đại tướng trong cõi nhân gian đã khép lại, dù chưa viết trọn những trang cuối cùng.
Hà Nội, 22-5-2017 ■
Duyên nợ văn chương với Đại tướng 
Nhà văn Hữu Mai -Ảnh tư liệu gia đình
CHAHữu Mai (1926-2007), tên thật: Trần Hữu Mai.
Quê ở phố Hàng Cấp (Nam Định), là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm chính: Những ngày bão táp, Cao điểm cuối cùng, Vùng trời (3 tập), Ông cố vấn (3 tập), Đất nước, Đêm yên tĩnh, Người lữ hành lặng lẽ, Không phải huyền thoại...
Là người thể hiện 5 tập hồi ức về kháng chiến chống Pháp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử.
Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

CONBình Ca (sinh năm 1958).
Viết văn, tác phẩm chính: Quân khu Nam Đồng.
Hữu Việt (sinh năm 1963).
Nhà báo, nhà thơ; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hiện là trưởng ban văn hóa - văn nghệ báo Nhân Dân.
Giải thưởng dịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm chính: Phố lạc tiên, Đếm mùa (thơ); Khúc hát trái tim, Chuyện của Anna (dịch); Email lúc 0 giờ (tản văn).

http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/20170716/duyen-no-van-chuong-voi-dai-tuong/1351120.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét