Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

GDP VN cao hơn dự kiến nhưng vẫn 'chịu áp lực'

GDP VN cao hơn dự kiến nhưng vẫn 'chịu áp lực'
29 tháng 6 2017 - GDP nay không được xem là thước đo tốt để đánh giá một nền kinh tế có khỏe mạnh hay không. Tổng sản phẩm quốc nội sáu tháng đầu năm của Việt Nam tăng 5,73%, hơn mức 5,5% của Bloomberg, theo Financial Times.

Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm nay với mức ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước là 5,1%. Tuy nhiên với mục tiêu GDP năm 2017 mà Quốc hội Việt Nam đưa ra là tăng 6,7%, truyền thông trong nước nói áp lực tăng trưởng cuối năm là rất lớn.

Tổng cục Thống kê cho biết, cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%, khu vực dịch vụ chiếm 41,84%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%.

Được biết xuất khẩu tăng 18,9% tính tới tháng Sáu, tháp hơn dự đoán 19,6% nhưng lại cao hơn mức xuất khẩu trong tháng Năm là 17,4%.

Trong khi đó nhập khẩu tăng 24,1% tính theo năm, cao hơn dự đoán 23,7% và cao hơn mức tăng vào tháng Năm là 23,9%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tuần này cho biết 6 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã thu hút được 19,22 tỷ USD vốn FDI, gồm cả vốn đăng ký và cấp mới - tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng cộng có 1.183 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 11,83 tỷ USD; có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD và 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD - tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016, theo VnEcon.

'Bằng mọi giá'

Việt Nam đã tham gia vào 16 thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) trong đó có Trung Quốc và Nhật

Hồi tháng Năm năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strasbourg, Pháp bình luận về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ Việt Nam đưa ra".

"Đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay nghĩa là Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá."

"Và việc này chỉ đáp ứng ngắn hạn, về dài hạn có thể có hại cho nền kinh tế."

"Từ mấy năm nay, năm nào chính phủ cũng ưu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP."

"Trong khi đó, lẽ ra Việt Nam phải ưu tiên các mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững và chấp nhận trong ngắn hạn có thể tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu."


"Quan trong là một khi ngân sách bị thâm hụt, nợ công quá cao, thì phải giảm chi tiêu công, tiết kiệm đầu tư vào những khoản không sinh lợi, chỉ đầu tư vào sản xuất, kiềm chế lạm phát…"

"Việt Nam nên nghiên cứu kỹ khủng hoảng kinh tế ở các nước như ở Argentina và gần đây nhất là ở Hy Lạp để rút kinh nghiệm về chính sách kinh tế vĩ mô."

"Trường hợp của Hy Lạp rất giống Việt Nam ở chỗ là có nợ công quá cao, khiến nền kinh tế phải mất nhiều năm mới vực dậy được."

http://www.bbc.com/vietnamese/business-40440142

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét