Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Trí thức thúc đẩy xã hội dân chủ, bình đẳng, tự do

Trí thức luôn cùng tiếng nói thúc đẩy xã hội dân chủ, bình đẳng, tự do
10/04/2017 - Các GS ngành sử học Trịnh Văn Thảo và GS Pierre Brocheux đã nghiên cứu, đánh dấu những cột mốc phát triển trong lĩnh vực sử học của ngành Việt Nam (VN) học trên thế giới và đào tạo trực tiếp hoặc gián tiếp nhiều thế hệ nhà nghiên cứu về VN. Một trong hàng trăm những nhà nghiên cứu đó, TS Nguyễn Thụy Phương, chuyên gia giáo dục hậu thuộc địa và giải thực dân văn hóa (hiện làm việc tại Hội đồng quốc gia đánh giá chất lượng học đường - CNESCO, Pháp) đã tiến hành những cuộc đối thoại sử học với các GS như một câu chuyện kể về cuộc đời họ, những số phận vừa là sản phẩm vừa là tác nhân của tiến trình lịch sử VN thế kỷ XX. Và đây cũng như một cuộc trao đổi học thuật về những chủ đề mang tính thời sự về chỗ đứng của VN trong khu vực và thế giới.

GS Trịnh Văn Thảo.

Hành trình trí thức

TS. Nguyễn Thụy Phương: Tôi được biết, GS xuất thân trong một gia đình khá giả và được gửi vào học trường Pháp từ sớm. Vậy trường Pháp đã để lại dấu ấn như thế nào trong đường đời sự nghiệp của GS?

GS Trịnh Văn Thảo: Tôi sinh sống trong một gia đình trung lưu miền Nam, vùng phụ cận TP. HCM ngày nay. Kể từ thế hệ ông cha, chú bác đến các anh chị lớn đều đi học và xuất thân trường Pháp nhưng bắt đầu tuổi mình (1950) tôi đã trở về hệ thống trường Việt, học trường Việt. Lúc đầu là một trường tư thục nhỏ ngoại ô Sài Gòn tên là “VN Học đường” (xóm Cầu Mới) sau thi vào lớp Đệ Ngũ trường Trung học Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ). Vì thế, đối với thế hệ của chúng tôi, tiếng Pháp trở thành ngoại ngữ và văn học Pháp cũng được chúng tôi yêu quý. Tôi còn nhớ mãi “Lettres de mon Moulin” của A. Daudet, vài bài thơ của Victor Hugo, Lamartine, Paul Verlaine...

GS đã đi du học ở Pháp trong bối cảnh nào?

Tôi đến Pháp cuối tháng tư năm 1955, nghĩa là một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Genève. Có nhiều lý do lẫn lộn: có du học vì hai ông anh sắp ra trường bên Pháp, có chính trị vì gia đình tôi lo sợ chính quyền ông Diệm bắt giam tôi cùng với nhiều giáo sư tham gia Phong trào bảo vệ hoà bình tại Sài Gòn. Phong trào này do một số trí thức Sài Gòn như L.S. Nguyễn Hữu Thọ, GS Nguyễn Văn Dưỡng… khởi xướng trong tinh thần Hiệp định Genève (dĩ nhiên tôi tham gia với tư cách học sinh trung học).

Ở Pháp GS bắt đầu nghiên cứu về VN. Tại sao vậy? Và những người thầy nào đã có ảnh hưởng lớn lên GS ?

Lớn lên gặp thời chiến tranh, nghĩ đến bạn bè mình bị gọi đi lính hay hy sinh, tôi cố sức chia sẻ cái vinh cái nhục của thế hệ mình. Khởi sự tôi cũng định học kỹ sư Nông học nhưng rốt cuộc lại “rơi” vào hai trường Chính trị học và Đại học Văn khoa vì từ bé tôi say mê Sử học, mà cũng vì ảnh hưởng bởi các GS Raymond Aron, G. Gurvitch, Levi -Strauss... Đề tài tiến sĩ chuyên ngành (hồi xưa gọi Tiến sĩ đệ tam cấp) là “Một phương trình hội nhập của cộng đồng người Đông Dương hồi hương về Pháp” (Etude d’un processus d’adaptation sociale. Les rapatriés d’Indochine en France1) theo phương pháp điều tra thực địa (hai thí điểm quan sát là ngoại ô Paris/Sarcelles và một tỉnh nhỏ miền Nam nước Pháp). Bài luận này được xem là tương đương với phần một của Luận án TS nhà nước vì Ban Giám khảo muốn khuyến khích tôi tiếp tục nghiên cứu. Sau đó tôi quyết định chọn đề tài thuộc lĩnh vực triết học Mác-xít dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Louis Vincent Thomas (ĐH Sorbonne) và GS Louis Althusser (lúc ấy còn làm Giảng sư trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm). Luận án mang tên “Khái niệm thời cơ trong chủ nghĩa duy vật lịch sử: Marx và Engels và báo chí cách mạng” (Le concept de conjoncture dans le matérialisme historique. Marx et Engels et le journalisme révolutionnaire)2. Dĩ nhiên, mối liên hệ giữa đối tượng nghiên cứu và thời cuộc quá rõ ràng. Tôi chọn triết học Mác-xít vì chủ nghĩa Mác Lê lúc đó được xem là công cụ cách mạng hiện đại qua kinh nghiệm Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, VN...

Thuộc địa và giải thực dân

Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, giáo dục thuộc địa là một chủ đề được GS rất chú trọng. Vậy nền giáo dục thuộc địa có đem lại những “hệ quả tích cực” cho nền giáo dục của VN độc lập không? Giáo dục VN giai đoạn hậu thuộc địa là sự đứt gãy hay tiếp biến của giáo dục thuộc địa?

Trong quyển “Nhà trường Pháp tại Đông Dương” (NXB Karthala, Paris năm 2004; NXB Thế Giới, Hà Nội năm 2009), tôi cố gắng phân tích cái hay cũng như cái dở, thành hay bại của chế độ giáo dục thuộc địa. Tuy nhiên dù trong tình huống nào, nhà trường Pháp cũng không làm giảm bớt tính hiếu học của người Việt và hơn nữa chế độ giáo dục của Đệ Tam Cộng hòa Pháp (sau thời Thủ tướng Jules Ferry) cũng khá phù hợp với tâm lý chung của ta. Đó là tâm lý xem khoa trường là con đường tiến thân duy nhất. Đó là chưa nói đến yếu tố con người, tình thầy trò vẫn tồn tại khi ta đọc lại các hồi ký của ông Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan... Theo tôi, trong một mức độ nào đó, có đứt gãy và có tiếp biến thời hậu thuộc địa trong Nam và ngoài Bắc. Nói tóm tắt, có đứt gãy về mặt ý thức hệ, chính trị như các môn sử địa... còn tiếp biến trên phương pháp suy luận, tinh thần khoa học và óc phán đoán duy lý.

Giới chính trị Pháp và người Pháp nói chung đối diện như thế nào với hồi ức về Đông Dương thuộc địa, chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Algérie?


Theo tôi, người dân Việt luôn luôn nhớ ơn những nhân vật, người trí thức, lao động, các đảng phái thiên tả bên Pháp đã ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập của ta qua các Hội bảo vệ Nhân quyền, Mặt trận Bình dân năm 1936, cao trào học sinh sinh viên Pháp xuống đường biểu dương tình đoàn kết với VN những năm 1968... Vấn đề “tiêu hóa” quá khứ lịch sử dân tộc – nhất là qua kinh nghiệm cận đại và hiện đại - rất là phức tạp và luôn có tính chất “hai chiều” (ambivalent). Xứ nào cũng thế. Nhà xã hội học Maurice Halbwachs phân biệt trí nhớ tập thể dưới hai hình loại: trí nhớ nhà nước và trí nhớ cộng đồng cá biệt. Nhiều biến cố lịch sử xã hội thể hiện khác nhau theo hình loại này hay hình loại khác.

Tại Pháp đã tiến hành một cuộc “giải thực dân”, tôi được biết GS cũng có tham gia thảo luận về vấn đề này trên phương diện học thuật3. Vậy GS có thể giới thiệu về nguồn gốc, động lực và mục đích của các nhà nghiên cứu Pháp khi họ thảo luận về “giải thực dân”?

Như đã nói trên, ý thức chống chủ nghĩa thực dân ở châu Âu đã bắt nguồn từ các phong trào cấp tiến. Hãy nhớ lại bài “Diễn văn của Bougainville” của Diderot tố cáo những tội ác của cuộc chinh phục thuộc địa, cướp đất, cướp người, cướp của... ngay giữa thời cách mạng Ánh sáng (thế kỷ XVIII). Ý thức cách mạng xã hội của Mác Anghen cũng xuất xứ từ đó.

Hơn nữa, các nhà tư tưởng Pháp là sản phẩm của nền giáo dục Đệ Tam Cộng hòa, phần đông họ chia sẻ ít nhiều tư tưởng tự do và bình đẳng của Cách Mạng 1789. Hầu hết, những sử gia lớn sau 1945 như F. Braudel, Duby, hay gần đây như nhà sử học Jean Chesnaux luôn ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Việt. Trong giới nhân học, không ai không biết vai trò tích cực của GS Pierre Bourdieu hay bà Germaine Tillon trong phong trào giải thực bên Algerie. Trong một mức độ nào đó, giải thực dân chính trị đi đôi với giải thực dân tư duy.


Trường Lê Hồng Phong ngày nay, tức là trường Trung học Petrus Ký, nơi GS Trịnh Văn Thảo theo học trong những năm 1950.

Trí thức Việt Nam thế kỷ 20

Quay trở lại VN, theo GS, những trí thức VN được đào tạo trong thời thuộc địa bởi trường Pháp đã có đóng góp như thế nào vào tiến trình giải phóng hay chia cắt đất nước?

Trực diện với chế độ thực dân thời cận đại là thành quả của các nhà nho thời Kháng chiến chống Pháp như phong trào Cần Vương hay Duy Tân. Tuy lúc đó các cụ phản ứng theo quan điểm trung quân ái quốc, họ vẫn là những gương sáng trong lịch sử dân tộc... Trong phong trào Duy Tân, có người như Phan Châu Trinh muốn dân ta tiếp thu di sản 1789 của Pháp để thực hiện một cuộc cách mạng ôn hòa, dân chủ, tiến bộ. Thế hệ trí thức người Việt những năm 1950 có công trong đấu tranh giành tự chủ và thống nhất đất nước nhưng chưa làm được những việc như phát triển, đoàn kết và nhất trí dân tộc, là những yếu tố căn bản để bảo tồn nòi giống.

Giới trí thức Việt tại Pháp hoạt động và dấn thân như thế nào trong hai cuộc chiến: chiến tranh Đông Dương và chiến tranh VN? Họ đồng thuận và phân hóa như thế nào?

Vấn đề “dấn thân” của trí thức người Việt tại Pháp rất phức tạp và đòi hỏi tìm hiểu nhiều khía cạnh. Dù sao đi nữa, trước sự kéo dài của chiến tranh và xu hướng “lưỡng cực” Bắc Nam, làm sao hàng ngũ trí thức - dù sống trong nước cũng như hải ngoại - tránh khỏi hiện tượng phân hoá hàng ngũ? Sự phân hóa xuất phát từ ý thức hệ, nghĩa là ngay tại châu Âu, quê hương của các thứ chủ nghĩa, sự phân hóa cũng mạnh không kém gì ở VN. Ý chí không, không đủ...

Đối với giới trí thức miền Nam dưới thể chế Cộng hòa (1955-1975), theo GS, những điểm gì làm nên sự khác biệt của họ với những thế hệ trước và sau họ và với những trí thức miền Bắc xã hội chủ nghĩa đương thời? Rất nhiều người trong số họ phải ly tán, lưu vong sau 1975, di sản của họ để lại cho lịch sử tri thức VN của thế kỷ 20 như thế nào?

Nghiên cứu chế độ Việt Nam Cộng hoà (VNCH) miền Nam từ ngày thành hình đến lúc bại trận, sụp đổ và quá trình phân tích tính chất, logic diễn biến cũng như việc đánh giá những hậu quả xã hội, nhân sự, chính trị, tâm lý, kinh tế... của đất nước sau khi Thống nhất luôn đòi hỏi nhiều cố gắng tìm tòi, nhiều giả thuyết và giải đáp tế nhị. Có lẽ phải cố hàn gắn những vết thương còn nhức nhối, hòa giải dân tộc trước khi phán xét lịch sử. Hơn nữa, viết sử hiện đại bao giờ cũng vấp phải hiện tượng thiếu khoảng cách thời gian. Rất nhiều trí thức của chế độ VNCH phải ly tán, lưu vong sau 1975, sự nghiệp họ để lại sau này thuộc về lịch sử của nhân loại và lịch sử dân tộc.

Hiện nay xã hội dân sự ở VN phát triển tương đối mạnh, sự phản hồi của xã hội dân sự trước các hiện tượng xã hội tương đối tốt, đến từ nhiều nhóm (nhà báo, dân chúng, công chức…). GS có nhận xét gì về vai trò và trọng lượng của người trí thức trong bối cảnh này so với trong quá khức?

Sau vụ án xử Dreyfus hay hiện tượng động viên trí thức chống chủ nghĩa phát xít những năm 1930, ai cũng thấy rằng chỗ đứng của thành phần tri thức bao giờ cũng bắt nguồn từ “xã hội dân sự” dù không phải ai cũng ý thức một cách cụ thể và biện chứng mối quan hệ đó. Các phong trào tôn giáo, văn hóa và chính trị những năm 1970 trong miền Nam đã khơi dậy niềm hy vọng tương tự. Hiện tượng trí thức có liên hệ hữu cơ với xã hội dân sự. Một xã hội dân chủ đòi hỏi quan hệ bình thường giữa người dân, trí thức và giới cầm quyền.

Việt Nam học

Là người có cái nhìn thông suốt về lịch sử VN, xin GS cho biết những nhận xét về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở VN (đề tài, mối quan tâm, chất lượng học thuật…) qua hai giai đoạn: 1955 – 1975 (cả miền Bắc và miền Nam) và từ Đổi mới (1986) đến nay.

Trong lĩnh vực chuyên môn, tôi thấy các ngành nghiên cứu khoa học xã hội (nhất là ngành sử học và nhân học) và khoa học nhân văn (văn học), đặc biệt trong các ngành sáng tác văn nghệ có tiến bộ thấy rõ về chất lượng cũng như về số lượng, dịch thuật, xuất bản sách báo VN ra nước ngoài... Uy tín của những nhà sử học trong nước như GS Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê…, vài nhà dân tộc học hay ngôn ngữ học vượt qua biên giới đất nước. Trên phương diện sáng tác, tên tuổi các nhà văn “trẻ” như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh... lan rộng, các tác phẩm hay của họ đã và đang được dịch, xuất bản trên thế giới. Đó là chưa nói đến thế hệ các nhà văn trẻ đầy triển vọng đang sinh sống tại xứ ngoài.

Theo quan sát của GS, từ 30 năm trở lại đây, giới VN học quốc tế phát triển như thế nào (số lượng, chất lượng, chủ đề và mức độ quan tâm học thuật…)?


Trong lĩnh vực quốc tế, ngành VN học lại càng phong phú, đa dạng về bề rộng cũng như chiều sâu. Các quốc gia tiên tiến trên các lục địa Âu, Á, Mỹ, Úc đếu chú trọng đến văn hóa Việt, nhất là những đặc thái của địa lý chính trị, sức tư duy và tính sáng tạo của người Việt. Ta không nên để lỡ cơ hội để tiếp thu, đổi mới. Phải tiếp thu các luồng tư tưởng và tăng cường việc trao đổi với người xứ ngoài, và đồng thời khuyến khích tinh thần tự lập tự tin của trí thức trong nước như các cụ Duy Tân từng nói: Khai dân trí, chấn dân khí, đào tạo nhân tài...

Trong tương lai, nếu coi VN là địa hạt hay đối tượng nghiên cứu, đặt trong bối cảnh Đông Nam Á hay châu Á-Thái Bình Dương, thì điều gì ở VN sẽ hấp dẫn học giới quốc tế?

Theo tôi, yếu tố “địa dư chính trị” khiến cho xứ Việt, tiếng nói, chữ viết và văn hóa người Việt có một chỗ đứng trọng yếu, chiến lược trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Không phải đương nhiên mà ngành VN học hiện phát triển nhanh và sâu trong các trung tâm nghiên cứu và đại học quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn GS đã chia sẻ!

Paris - Aix-en-Provence, Pháp, tháng 2/2017.
--------
1Xem T.V.Thao, “Essai sur une sociologie du rapatriement”, Tạp chí Etho-psychologie, tháng 3 1973, 1-93
2Le concept de conjon cturedans le matéri lisme historique. Marxet Engels et le journalisme révol tionnaire, Paris, Anthropos, 3 volumes,1978-1979-1980
3La fracture colonial: La société française au prisme de l’héritage colonial, 2005; Culture post-coloniale 1961-2006; Ruptures postcoloniales: Les nouveaux visages de la société française, 2010…
---------
Giáo sư Trịnh Văn Thảo sinh năm 1938 tại Gia Định (Việt Nam), từng trải qua các giai đoạn học tập, nghiên cứu và giảng dạy về chính trị học, xã hội học, triết học trong môi trường học thuật Pháp. Độc giả Việt Nam biết nhiều tới ông qua một số công trình đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt: Viet Nam du confucianisme au communisme, Paris: L’Harmattan, 1990, 2007 [Ba thế hệ trí thức người Việt 1862-1954. Hà Nội: Thế Giới, 2013], L’école française en Indochine, Paris: Karthala, 1995 [Nhà trường Pháp ở Đông Dương, Hà Nội: Thế Giới, 2009], Xã Hội Nho giáo Việt Nam dưới nhãn quan của Xã hội học lịch sử, Hà Nội: Tri Thức, 2014. Sự nghiệp khoa học của GS Trịnh Văn Thảo được xác lập trên hai khối thành tựu cơ bản tương quan mật thiết với nhau: nghiên cứu về quá trình tương tác giữa con người cá nhân Marx-Engels với chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu và nghiên cứu về diễn tiến dấn thân xã hội của tầng lớp trí thức Việt Nam từ giai đoạn bản lề của hai thế kỷ XIX-XX cho tới nửa sau của thế kỷ XX. Những ấn phẩm tiêu biểu do ông chủ trì và đồng tác giả: Marx-Engels et le journalisme révolutionnaire, Paris: Anthropos, 3 tập, 1978 -1979 -1980; Dictionnaire critique du Marxisme, PUF: 1982 ; Les compagnons de route de Ho Chi Minh, Paris: Karthala, 2004; L’itinéraire de Tran Duc Thao: Phénoménologie et transferts culturels, Paris: Armand Colin, 2013… Sau thời gian hoạt động ở miền Bắc nước Pháp (ĐH Sorbonre, ĐH Amiens), GSTrịnh Văn Thảo đã đưa Việt Nam học mở rộng tới miền Nam xứ sở hình lục giác này. Là một trong những người sáng lập Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Đại học Aix-Marseille), ông là thành viên quan trọng trong việc tổ chức thành công hội thảo quốc tế Euro-Việt thường kỳ ở châu Âu vào năm 1995 với nhiều kết quả nghiên cứu về Việt Nam. Là giáo sư đại học, ông đã kế thừa và kiến thiết thành công trong thực tế phương pháp xã hội học lịch sử trong hướng dẫn nghiên cứu. Bên ngoài nước Pháp, ông từng là Giáo sư thỉnh giảng tại các Đại học UQUAM (Canada), Fortaleza (Brazil), Ibaraki (Nhật Bản)... Tháng Ba năm 2017, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (Việt Nam) vinh danh ông với vị thế một học giả nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam. Với giới học thuật quốc tế, GS Trịnh Văn Thảo là một trong những học giả gốc Việt kiến tạo thành công nghiên cứu về Việt Nam trong dòng chảy của văn hóa nhân loại.
Việt Anh
http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Tri-thuc-luon-cung-tieng-noi-thuc-day-xa-hoi-dan-chu-binh-dang-tu-do-10575

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét