Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Tình Yêu của tôi và chuyện trong tháng Tư

Tình Yêu của tôi
Du Uyên 
Đầu Tháng Tư đen. Ông trời tánh kỳ. Cứ mưa ào ào xong ngưng, lặng lẽ tưới nắng chói chang xuống đầu thiên hạ. Được mấy bữa, khi dân tình nhìn đám áo mưa bằng ánh nhìn khinh bỉ, quăng vô một xó vì mua mà không có chỗ xài cộng thêm Sài Gòn đang mùa nắng theo thông lệ. Thì vào một bữa đẹp trời, ổng lại mưa.
Đến cái biển cũng lừa người được
Mưa là hiện tượng khác thường, xa lạ với dân Việt trong những tháng đầu năm. Nhưng nó vẫn xảy ra. Cái cách xảy ra cũng rất bất thường. Chưa bao giờ thị dân thấy có mùa mưa nào kéo dài cả hai năm, không ai biết nên mừng hay lo. Có kẻ bảo đây là dự báo cho sự biến đổi khí hậu; có người la đó là do nhân tai khắp nơi nên ông trời ổng giận; có người thì bảo, mưa cho mát quan tâm làm gì! Thiệt ra tôi thấy ai cũng đúng.

Tôi đang sống ở một đất nước mà mỗi ngày đều có rất nhiều nỗi “bức xúc” liên tục được tạo ra trong xã hội… Nhiều đến nỗi người dân hôm qua cứ loay hoay để chọn cho mình những nỗi “bức xúc” vừa miệng để chửi, phê bình, “bức xúc”. Rồi ngủ một giấc dậy, hôm nay vừa mở mắt đã lại bắt được một nỗi “bức xúc” mới, rồi chửi, phê bình, “bức xúc”, quên luôn cái nỗi “bức xúc” hôm qua.

Cứ như vậy mà cuộc đời trôi, chìm trong mớ “bức xúc” hỗn độn. Y như lời bài hát Vũng Lầy Của Chúng Ta của cặp đôi “huyền thoại” trong làng nhạc, Lê Uyên Phương: “Ta sống trong vũng lầy / Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu / Trong ngao ngán không dứt hết cơn ê chề / Ta sống trong vũng lầy / Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu / Trong ngao ngán không dứt hết một, một lần đau.” Bởi vậy còn hơi sức đâu mà “bức xúc” với ông trời, và “người với người sống để thương nhau” nên tuy sân si, nhưng tôi cũng không thèm “bức xúc” với những người đang “bức xúc” những chuyện tôi không “bức xúc”. Hoặc những người dửng dưng không thèm “bức xúc” cái chuyện “bức xúc” của riêng tôi. 
Càng sống giữa xã hội này, tôi càng học cách kiên nhẫn sống, kiên nhẫn sâu sắc và kiên nhẫn tin tưởng vào tình yêu của riêng mình. Nhất là những hôm trời mưa to như vầy, tiền hết tình tan như bong bóng nước ngoài kia, tình yêu trong tôi càng trỗi dậy. Tai nghe câu hát “Yêu nhau giữa đám rong rêu, theo dòng nước cuốn lêu bêu”, bật miệng tự hỏi mình:
– Không biết mưa vầy, ăn món gì cho ngon miệng, chóng lớn đây?!
“Con đường đi đến tình yêu của người phụ nữ đi tắt ngang cái bao tử”, về cái khoản này, tôi thấy mình rất phụ nữ, không hề “thiếu nữ” (thừa nam) như trong các vấn đề khác chút nào.
Chỉ có thức ăn là chân thật

Tháng Tư ở Việt Nam có nhiều ý nghĩa lắm. Kỷ niệm Tháng Tư đen, kỷ niệm ngày cá chết trong chuỗi câu chuyện về công ty Formosa cũng nằm trong cuối Tháng Tư. Còn đầu Tháng Tư, ngày 1/4 hàng năm, ở Việt Nam kỷ niệm ngày thành lập Hội Nhà Văn, thì ở thế giới, người ta thường nói về Ngày Nói Dối. Ngày Cá Tháng Tư có xuất xứ từ Pháp, rồi lan rộng ra cả thế giới. Trong ngày này người ta được thoải mái nói đùa cợt, lừa dối nhau, kể chuyện vui, phao tin vịt… 
Nhưng xem ra nó có vẻ không được chào đón ở Việt Nam, nơi mà các “thành viên” đang, đã, từng sinh sống ở đây đều cho là thiên đường của sự lừa dối. Con người ta lừa dối nhau một cách công khai, minh bạch nhất có thể, rồi lại tự lừa dối mình “tại cái số, do hoàn cảnh, ai cũng làm vậy…”. Ðứa nhỏ từ khi sanh ra đã phải lớn lên trong sự lừa dối bởi các ông ba bà mẹ. Rồi lớn lên cũng trong nhiều biến thể của sự lừa dối ngày một tinh vi dưới những phát triển bản thân và xã hội. Ðó là môi trường bình thường, còn ở môi trường “chính trị” thì còn cam ro hơn nữa. Các vị chính khách thường được xem là bậc thầy về chuyện nói dối, vì vậy có thông tin là các cuộc thi nói dối cấp quốc gia hay quốc tế người ta thường không cho các thí sinh là chính trị gia tham dự. Dần dà, lừa dối trở thành một nhu cầu, một “kỹ năng sống” trong xã hội đương thời. Nhiều kẻ khi “lừa” được một ai đó thì người ta còn lấy làm tự hào, hãnh diện. 
Dĩ nhiên tôi không nói đến những trường hợp lừa dối là cần thiết và đáng trân trọng, ví như bác sĩ nói dối bệnh nhân về tình trạng bệnh tình nguy kịch của họ, và trong sinh tồn tự nhiên các loài vật thường phải lừa dối che mắt kẻ thù bằng những màu sắc, hoa văn hòa lẫn với môi trường sinh sống, mẹ cha lừa dối vì sự phát triển của con… 
Và ở đời cũng có những người chấp nhận để bị lừa! Tôi cũng không liệt kê ra để tố giác mình mới bị ai lừa mà ý tôi muốn nói, bên cạnh những sự lừa dối thật giả lẫn lộn kia thì vẫn còn những điều tuyệt đối thật lòng, tuyệt đối trung thành ở bên cạnh ta. Ví dụ như là… thức ăn. Thức ăn luôn vô tội mặc dầu lắm lúc bị ruồng bỏ, mắng oan khi làm ai đó đau bụng. (Chỉ có người nấu ăn và người bán đồ ăn mới lừa đảo mà thôi). Ngoài ra, nhờ sự phát triển của công nghệ hiện nay, nếu biết nắm bắt, đôi khi, bạn chỉ cần ăn cũng có thể kiếm tiền, làm giàu mà không cần phải lừa dối một ai. Dĩ nhiên bạn phải có sự sáng tạo và bản lĩnh.
tinh-yeu-cua-toi3
Tôm luộc bằng nguyên trái dừa
Chắc ai cũng biết chuyện gần đây rộ lên phong trào kiếm tiền qua Facebook, Google, Youtube thông qua quảng cáo. Dĩ nhiên, những chàng “khổng lồ” như Facebook, Google, Youtube không thể là những chàng ngốc. Nên không dễ để “ăn” tiền của họ. 
Ở Facebook không phải bạn đăng một bài nhiều like là có tiền. Ða số phải là các trang của người nổi tiếng mới thu lợi từ nguồn này. Và nhiều người muốn nổi tiếng hoặc quảng bá sản phẩm thì cần phải liên hệ quảng cáo hoặc mua các trang nhiều like, nhiều follower có sẵn. Từ đó nhiều trang fanpage mở lên chỉ để đăng tin vịt để thu thập lượng like, share, follow rồi đổi tên, bán với giá từ vài triệu đến vài chục triệu. Các anh chị em live stream trên facebook cũng sẽ có tiền thông qua mỗi lúc dừng 15 giây nửa chừng khi video bạn đang live có lượt view nhất định. 
Bên cạnh đó, Youtube cũng là một địa chỉ quen thuộc để mọi người lao vào kiếm tiền nhờ vào quảng cáo trên video của họ tải lên mạng. Không phải bạn cứ đi quay một đoạn video rồi đăng lên đó chờ người ta xem và lấy tiền. Những video được trả tiền trước hết phải được Youtube, Google, các nhãn hàng liên lạc để quảng cáo. Vì tiền “cát sê” đó dựa trên lượt xem quảng cáo trên Youtube. Ví dụ video của bạn 1000 lượt xem trên Youtube, nhưng nếu không ai bật quảng cáo cho video thì chắc chắn bạn không kiếm được tiền. Tức là 1000 view bạn không được đồng nào cả. Vậy nên đừng nhìn con số view mà đánh giá việc được bao nhiêu tiền. 
Nhưng có một điều bạn có thể mừng, là ở một số quốc gia cụ thể với mỗi 1000 lượt xem quảng cáo bạn có thể có thu nhập lên đến 200-300$. Vì vậy, để có một video được để mắt tới, bạn phải có một chuỗi video đã được nhiều người xem và theo dõi. Cũng nhờ đó mà Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều vlogger (làm blog bằng video), có nhiều tiếng nói hơn về mọi mặt của xã hội. Rất nhiều video, vblog giá trị ra đời. Tiền luôn là thứ khiến con người có động lực phát triển. Giống như thức ăn luôn là động lực để cho tôi kiếm tiền mỗi ngày (vì tôi biết mình không thể kiếm được tiền bằng thức ăn như “con nhà người ta”).
tinh-yeu-cua-toi2
Nấu giữa đồng nhưng rất sạch sẽ
tinh-yeu-cua-toi1
Có anh chàng tên Trí Phạm ở Vĩnh Long, làm việc ở Sài Gòn. Một lần về quê chăm vợ sanh em bé hồi đầu năm nay. Sống với ruộng đồng, ăn món “điền viên”. Bắt đầu có sáng kiến quay lại và đăng lên Youtube các món ăn nấu bằng cách “rặt” sông nước, cây nhà lá vườn. Trong vòng chỉ hơn 3 tháng với 22 video mà anh đã có gần 112,000 lượt theo dõi và mong ngóng từng video đậm chất dân dã ấy, trong đó có tôi. 
Cái độc đáo đặc biệt trong các clip của anh chàng này là giọng nói đậm chất miền Tây có vẻ rất thật thà, các món ăn hoàn toàn được chế biến ngoài vườn, nguyên liệu nhà trồng và rất tự nhiên, không hề màu mè nhưng trông rất sạch sẽ. Bếp hoàn toàn từ củi, rơm, trái dừa, lu nước, thức ăn được gói bằng lá chuối. Cá bắt dưới đồng, gà nuôi thả vườn, cua cũng đi móc dưới bùn… 
Hầu như rất ít có sự hiện diện của muỗng, đũa. Ða số thức ăn được ướp với nước mắm và chấm với muối ớt sau khi được làm xong. Người ăn ngồi trên lá chuối “xử” thức ăn sau khi mần. Các mâm cơm đều đi kèm chai rượu đế bằng nhựa màu chuối hột vàng vàng trông rất “cổ truyền”. Từ khâu săn bắt, sơ chế, cách ướp lẫn cách nấu và ăn đều được quay công khai, làm tăng độ thèm ăn, thích thú và sự gần gũi cho người xem. Nó giúp video của anh không bao giờ bớt “hot”. Tôi tin với đà này thì sẽ không lâu sau, anh sẽ kiếm được không ít tiền từ Youtube để nuôi vợ, chăm con, phục vụ “thú điền viên” rất vui vẻ của mình.
tinh-yeu-cua-toi4
Anh Trí Phạm
Ấn tượng đầu tiên của tôi với anh từ một video trên một trang mạng về cách quay heo bằng… nồi ở một trang mạng. Trong video thì anh đem một miếng thịt bụng của bạn heo xấu số nào đó cắt, ướp gia vị rồi dùng nan tre xếp hình lưới lên cái dĩa rồi úp miếng thịt lên dĩa đã lót nan tre, rồi phủ lá chuối lên miếng thịt heo. Giới thiệu đây là heo quay bằng nồi.
Tôi tò mò xem tiếp coi anh quay kiểu gì khi không xiên cây qua miếng thịt mà lại úp miếng thịt lên dĩa như vậy. Kế tiếp thì anh dùng một cái nồi kim loại đậy lên dĩa thịt vừa ướp. À, đây rồi. Anh “quay” bằng cách phủ lá khô, rơm lên kín đít nồi và xung quanh nồi rồi bật lửa. Sau khi cháy hết lá, rơm thì anh mở nồi ra, lấy lá chuối đã cháy ra rồi phủ một lớp lá chuối xung quanh miếng thịt, để hở phần da ra rồi lại úp nồi, “quay” lại một lần nữa bằng cách phủ lá khô, rơm rồi châm lửa. Không ngờ khi mở ra, trông miếng thịt rất đẹp, và… nước miếng chảy ực ực. Nó làm tôi tưởng tượng cách như vậy nhưng với lò vi sóng. 
Thế là tôi đi tìm trang chính của anh để xem và từ đó cũng học được nhiều món rất cũ nhưng cách làm khá mới. Dĩ nhiên mới với những kẻ ít có khả năng thực hiện giữa phố thị nhà san sát như Sài Gòn. Ví dụ như anh bắt tôm lên và bỏ nguyên con vô nguyên trái dừa hái trực tiếp từ trên cây xuống rồi bỏ lên bếp củi luộc. Sau cùng thì anh ăn, còn người xem là tôi nuốt nước miếng ừng ực thầm trách ông trời. Ðã sanh tôi sao còn sanh… vợ anh!
tinh-yeu-cua-toi8
tinh-yeu-cua-toi7
tinh-yeu-cua-toi6
tinh-yeu-cua-toi5
Heo quay bằng nồi
tinh-yeu-cua-toi
Chai “đế” huyền thoại
DU
http://baotreonline.com/tinh-yeu-cua-toi-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét