Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

“Họ đứng trên luật lâu rồi, nay chỉ hợp pháp hóa...”

Chỉ công an, quân đội mới được thâu âm, ghi hình?
VIỆT NAM — Một dự thảo nghị định của Bộ Công An có nội dung chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình. Nghị định ngay lập tức gây nhiều tranh cãi. Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn bình luận trên Facebook rằng: “Họ đứng trên luật từ lâu rồi, nay chỉ hợp pháp hóa thôi.”

Ảnh tư liệu - lực lượng công an Việt Nam tại một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội ngày 18/05/2014. Theo báo chí trong nước, Bộ Công An công bố dự thảo nghị định của Chính phủ, quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị hôm 7/4.



Trong đó có nội dung: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.”

Ngay lập tức dự thảo này gây nhiều tranh cãi, mà phần lớn là không đồng tình với ý kiến của Bộ Công An.

Một trong những người ấy là ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh viết rằng, tại một hội nghị hôm 12/4, ông Nhân nói: “Sử dụng phương tiện nghe, nhìn là chủ đề rất đáng quan tâm. Đề nghị báo chí bày tỏ quan điểm của mình,” và ông nói rằng sẽ nêu vấn đề này trong một phiên họp với Chính phủ.

Ngoài ra, ông Nhân còn nêu sự việc bác sĩ David Dao bị an ninh hàng không của hãng United Airlines lôi xuống khỏi máy bay làm một ví dụ sống động cho việc cần thiết để người dân ghi âm, ghi hình để phát hiện tiêu cực: “Vì sao công luận và truyền thông lại biết được sự việc này? Là bởi vì hành khách đi cùng sử dụng điện thoại, quay lại cảnh này, rồi tung lên mạng. Hãng hàng không sau đó phải xin lỗi và bị hàng triệu người tiêu dùng phản ứng”.

Theo truyền thông trong nước, Bộ Công an lý giải rằng “trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.”

Luật sư Ngô Ngọc Trai ở Hà Nội cho rằng dự thảo nghị định của Bộ Công An “trái với Bộ Luật Tố tụng dân sự, hình sự.” Ông viết trên Facebook: “Việc người dân thu thập các dữ liệu điện tử làm chứng cứ để giải quyết các vụ án dân sự, hình sự là rất quan trọng đã được pháp luật quy định thành quyền của tổ chức cá nhân.”

Linh mục Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, nơi nhiều người dân sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình phản ánh các cuộc biểu tình phản đối nạn ô nhiễm môi trường biển miền Trung cho VOA biết nhận định của ông về dự thảo gây tranh cãi này:

“Họ ra dự thảo này thì cũng xuất phát từ thực tế là lâu nay trong công cuộc đấu tranh của người dân, của nạn nhân Formosa, cũng như của người dân khắp mọi nơi về tệ nạn xã hội và nhất là sự lạm quyền của công an, của quan chức thì chính ra các phương tiện ghi âm, ghi hình là những công cụ đấu tranh hiệu quả. Mà điều này thì họ lại cấm, chứng tỏ là họ không có thiện ý. Dự thảo đưa ra thì chắc chắn dân sẽ phản ứng rất mạnh và không chấp nhận chuyện đó.”
Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn bình luận trên Facebook rằng: “Họ đứng trên luật từ lâu rồi, nay chỉ hợp pháp hóa thôi.”

Blogger Lê Nguyễn Hương Trà chia sẻ trên Facebook: “Không chỉ giới báo chí đang phản ứng vì có thể bị hạn chế khi tác nghiệp; mà nhiều nghề nghiệp khác như luật sư cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.”

Nữ blogger Hương Trà viết tiếp: “Tôi là công dân, muốn tố cáo ai đó thì phải có bằng chứng, chỉ có ghi âm và camera là công cụ tạo bằng chứng hữu hiệu nhất. Tôi hy vọng dự luật này sẽ bị dẹp như luật muốn ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thì phải xin phép họ.”

VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét