Giá của 'vị thế'
Dự tính thu thêm 8.000 đồng trên mỗi lít xăng đang làm dư luận Việt Nam sôi sùng sục. Thiên hạ mổ xẻ dự tính này ở nhiều khía cạnh nhưng có một yếu tố hình như chưa ai để ý: Dự tính ấy là hệ quả tất yếu từ nỗ lực nâng cao “vị thế quốc gia”… Những khoản thuế đóng cho nhà nước đã chiếm đến 41,5% giá bán mỗi lít xăng. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không phải cõng những loại thuế vừa kể, giá xăng ở Việt Nam chỉ chừng 7.150 đồng/lít chứ không phải 17.230 đồng/lít như hiện nay.Thủ tướng Nga ông Dmitry Medvedev bắt tay với người đồng cấp bên phía Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng trong một buổi kí kết hợp tác tại Burbabai, Kazakhstan, ngày 29 tháng 05 năm 2015, sau khi Việt Nam kí thoả thuận hợp tác với khối EEU.
“Môi trường” là môi trường nào?
Tuần rồi, chính phủ Việt Nam chuyển dự luật liên quan đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường sang quốc hội, kèm đề nghị đưa ngay dự luật này vào chương trình làm luật năm nay để thông qua – ban hành – thực hiện sớm.
Dự luật liên quan đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường được công chúng theo dõi sát sao, quan tâm một cách đặc biệt, thậm chí có facebooker như Vu Hai Tran, mời mọi người cùng bàn xem làm thế nào để tác động khiến quốc hội bác bỏ dự luật.
Người ta ước đoán, nếu dự luật được quốc hội thông qua, nhà nước ban hành và chính phủ thực hiện, giá các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ cùng thăng thiên do giá xăng tăng thêm khoảng 40% so với hiện nay.
Lúc đầu, Bộ Tài chính – cơ quan thay mặt chính phủ soạn thảo và trình dự luật liên quan đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường - giải thích, khoản dự trù thu thêm (8.000 đồng/lít xăng) nhằm có thêm tiền để “giải quyết vấn đề môi trường”.
Tại Việt Nam, xăng – một loại hàng hóa đặc biệt, góp phần quyết định giá các loại sản phẩm, dịch vụ khác, giúp nâng hay giảm khả năng cạnh tranh khiến các doanh nghiệp tồn tại hoặc phá sản - đang cõng nhiều thứ thuế (thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu dao động từ 5% đến 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít). Những khoản thuế ấy vốn đã chiếm đến 41,5% giá bán mỗi lít xăng. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không phải cõng những loại thuế vừa kể, giá xăng ở Việt Nam chỉ chừng 7.150 đồng/lít chứ không phải 17.230 đồng/lít như hiện nay.
Dự tính thu thêm 8.000 đồng/lít xăng của chính phủ Việt Nam để “bảo vệ môi trường” bị nhiều chuyên gia cho là phi lý vì trước giờ, chỉ có ¼ tổng số tiền thu từ “bảo vệ môi trường” qua xăng (3.000 đồng/lít) được dùng vào những hoạt động bảo vệ môi trường.
Qua báo Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long, cựu Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho biết, năm 2016, tiền thu được qua xăng để “bảo vệ môi trường” là 42.393 tỉ đồng nhưng thực chi cho bảo vệ môi trường chỉ có 12.290 tỉ.
Giống như nhiều chuyên gia khác, ông Long nhận định, 8.000 đồng mà chính phủ dự định thu thêm trên mỗi lít xăng dưới danh nghĩa “bảo vệ môi trường” thực ra chỉ nhằm bù đắp sự thiếu hụt trầm trọng về ngân sách.
Mới đây, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính – nơi thay mặt chính phủ soạn thảo dự luật liên quan đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường – thú thật, thuế “bảo vệ môi trường” thu qua xăng là một kiểu… đầu dê. Nguồn tiền thu được dưới danh nghĩa này giống như một thứ… thịt chó – dùng để chi tiêu cho các nhu cầu khác ngoài hoạt động bảo vệ môi trường. Ông Thi nói thêm, dự luật liên quan đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường là một “công cụ tài chính” nhằm “ứng phó với xu hướng giảm thuế nhập khẩu do tham gia các hiệp định thương mại.”
Hậu quả của “vị thế”
Điều mà ông Thi tiết lộ - dự tính tăng thuế bảo vệ môi trường nhằm “ứng phó với xu hướng giảm thuế nhập khẩu do tham gia các hiệp định thương mại”, khiến người ta nhớ đến chuyện mà tờ Dân Trí từng đưa hồi tháng ba năm 2016: Bộ Tài chính phát giác Việt Nam bị “hớ” trong đàm phán riêng với Hàn Quốc về việc thực hiện Hiệp định Tự do thương mại giữa ASEAN với Hàn Quốc (AKFTA): Đồng ý hạ mức thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 10%. Mức thuế đó vừa khiến ngân sách Việt Nam mất một khoản thu lớn, vừa đẩy các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu mà Việt Nam đã dốc ngân sách đầu tư vào tử địa.
Chẳng hạn Việt Nam đã bỏ ra ba tỉ Mỹ kim để xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và liên tục dùng ngân sách bù lỗ cho nhà máy này suốt bảy năm qua. Khi phải giảm thuế nhập cảng xăng dầu xuống 10% như đã cam kết, điều đó chẳng khác gì Việt Nam tự nguyện “bóp mũi” những đứa con mình rứt ruột đẻ ra như Nhà máy lọc dầu Dung Quất (phải nộp thuế doanh thu là 20%).
Nếu không muốn chôn những doanh nghiệp như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chính phủ phải hạ thuế doanh thu đối với những doanh nghiệp này từ 20% xuống 10%. Tuy nhiên làm như thế thì ngân sách Việt Nam thất thu thêm một khoản khổng lồ khác, sau khi đã mất một khoản khổng lồ vì đã gật đầu chấp nhận hạ mức thuế nhập cảng xăng dầu xuống 10%!
Cũng theo tờ Dân Trí, Bộ Công Thương đã thử thương lượng lại với Hàn Quốc song Hàn Quốc không những không đồng ý mà còn dọa rằng, nếu điều chỉnh Việt Nam sẽ gặp thêm rắc rối, bởi sẽ “lộ” ra việc, trước khi đàm phán riêng với Hàn Quốc về việc thực hiện Hiệp định Tự do thương mại (FTA) Việt - Hàn, Việt Nam đã vi phạm AKFTA suốt từ 2007 đến 2015!
Vài ngày sau khi đăng “Việt Nam đã ký ‘hớ’ điều khoản về xăng dầu với Hàn Quốc”, tờ Dân Trí đã “tự ý đục bỏ” bài này. Tuy nhiên vẫn có thể tìm đọc lại tại một số chỗ khác trên Internet. Chỉ những bài viết hồi tháng 5 năm 2015 – thời điểm Việt Nam ký riêng với Hàn Quốc một FTA về việc thực hiện AKFTA – ca ngợi “bản lĩnh, trí tuệ” của Đảng, Nhà nước, chính phủ Việt Nam, kiểu như “FTA với Hàn Quốc: Mang tỏi ớt, tôm cua cá đổi lấy xăng dầu, ô tô” là còn nguyên.
Cuối năm ngoái, Tổng cục Hải quan Việt Nam ước tính, trong năm 2016, FTA với Hàn Quốc đã làm ngân sách Việt Nam thất thu hơn 10.000 tỉ đồng. Thất thu thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc thì chỉ còn một cách: Tăng thuế bảo vệ môi trường – lấy tiền của dân bù vào!
Theo một báo cáo do Bộ Công Thương soạn thảo và công bố hồi tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã ký kết, thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA và đang đàm phán 4 FTA khác.
Đó cũng là lý do ông Nguyễn Tấn Dũng, người từng là Thủ tướng Việt Nam giai đoạn từ 2006 đến 2016, được xưng tụng như một “người hùng” bởi có công khai phá con đường đưa Việt Nam tham gia vào các FTA với 57 quốc gia.
Tháng 2 năm 2016 - thời điểm Bộ Công Thương đang vật nài Hàn Quốc, xin nâng mức thuế 10% đối với xăng dầu xuất cảng sang Việt Nam lên 20% vì “hớ”, báo điện tử của chính phủ ca ngợi ông Dũng có “tầm nhìn thời đại” về các FTA.
Các chuyên gia kinh tế của Việt Nam không “nhìn” như vậy. Đã có rất nhiều chuyên gia thay nhau cảnh báo liên tục rằng, việc ký quá nhiều FTA, bất chấp nội lực của Việt Nam đã kém lại thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho kinh tế Việt Nam.
Tháng 11 năm ngoái, khi tường trình về ngân sách với Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính giải thích bội chi trở thành trầm trọng là vì các nguồn thu giảm đáng kể và một trong những lý do khiến các nguồn thu giảm đáng kể là vì tác động của những FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Những FTA mà Việt Nam đã ký kết chỉ mới mở toang cửa cho hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam, chính phủ Việt Nam chưa làm bất cứ điều nào hữu ích để hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng xâm nhập các thị trường nước ngoài.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu khoảng 3,5 tỉ Mỹ kim, so với cùng kỳ năm ngoái, những loại hàng hóa cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu đều tăng vọt. Chẳng hạn so với cùng kỳ năm ngoái, hàng tiêu dùng, rau - củ - trái cây tăng tới 67,1%. Trong khi nông dân trên khắp Việt Nam liên tiếp đổ bỏ đủ loại rau, củ, trái cây, gia cầm, gia súc chết già cả vì hệ thống phân phối trong nước quá tệ lẫn bị động trong xuất khẩu thì đủ loại trái cây tương tự từ Trung Quốc, Úc, New Zealand, … ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam. Theo những FTA mà Việt Nam đã ký thì từ năm 2015, rau, củ, trái cây Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đã không phải trả thuế nhập khẩu. Sang năm, sẽ tới lượt rau, củ, trái cây của Úc, New Zealand,… hưởng thuế suất nhập khẩu là… 0%!
Một số chuyên gia kinh tế từng than rằng, Việt Nam đã nhượng bộ rất nhiều để có thể ký kết các FTA nhưng các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới khai thác được FTA đã ký với Hàn Quốc – khoảng 73% chứng nhận xuất khẩu sang Hàn Quốc được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên đa số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi trong số 73% này là doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam! Những chuyên gia này nhiều lần nêu thắc mắc là nếu doanh nghiệp Việt Nam không hưởng được chút lợi lộc nào thì đàm phán – nhượng bộ - ký kết các FTA để làm gì?
Không có ai trả lời.
Tháng 2 năm 2016, tờ Người Lao Động đăng bài “Việt Nam đứng dậy sáng lòa” của ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quốc tế, ca ngợi việc ký kết FTA với Liên hiệp châu Âu. Sau đó một tháng, khi công bố Bạch Thư 2016 và triển vọng của FTA giữa Việt Nam với Liên hiệp châu Âu, ông Bruno Angelet, Đặc sứ Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam lưu ý một cách nhẹ nhàng rằng, “nếu không chuẩn bị năng lực thì hai năm nữa, cả chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng bị sốc về FTA với Liên hiệp châu Âu.
Hồi đầu tuần này, khi tham gia thảo luận về “Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý 1 năm 2017”, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, ông Trương Đình Tuyển – cựu Bộ trưởng Thương mại, tiếp tục than: “Lãnh đạo chúng ta có ‘tư duy nhiệm kỳ’ rất cao”.
Dù chẳng lạ gì bốn chữ “tư duy nhiệm kỳ” nhưng đa số công chúng bình dân không hình dung được diện mạo và hậu quả của “tư duy nhiệm kỳ”.
Việc sáng tạo ra cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” là một kỳ tích. Nó giảm nhẹ tính chất, mức độ phê phán kiểu suy nghĩ và hành xử bất chấp hậu quả lâu dài đối với cả quốc gia lẫn dân tộc, miễn là có thứ để “báo công” về nhiệm kỳ của một cá nhân, “thành tích” của một tập thể. Bởi thiếu sự rõ ràng trong định nghĩa, định tính, định lượng, đa số dân chúng Việt Nam vẫn xem “tư duy nhiệm kỳ” là một thứ khuyết điểm… nhẹ như lông hồng!
Than thở của ông Tuyển trong bối cảnh chính phủ cương quyết tăng thuế bảo vệ môi trường khiến người ta nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một trong những người phát giác ra “tư duy nhiệm kỳ” và thường xuyên phê phán “tư duy nhiệm kỳ”.
Tháng 11 năm 2016, khi về thăm Bắc Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố: “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”. Điều gì khiến Tổng Bí thư tự tin như thế? Hãy nghe chính ông giải thích, đó là vì: “Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, tham gia tất cả các tổ chức quốc tế trên thế giới” và “Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển hơn nữa”.
Tổng Bí thư đã nói như thế thì có nên hỏi gì thêm về FTA?
Lợi ích thực tế và tương lai của quốc gia, dân tộc liệu có quan trọng hơn việc dùng FTA như phương tiện chứng minh “bản lĩnh, trí tuệ” một cá nhân hay một tập thể?
Bạn nghĩ sao?
Trân Văn
Thiên Hạ Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét