Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Nguyên tắc phải thu, phải chi trong báo cáo ngân sách

Cần áp dụng nguyên tắc phải thu, phải chi trong báo cáo ngân sách
Vũ Quang Việt - 3/4/2017 (TBKTSG) - Hiện Việt Nam chưa áp dụng theo nguyên tắc phải thu, phải chi trong làm kế toán tài chính nhà nước.
SNA2008 và GFSM2014 của IMF đều khuyến nghị các nước chấp hành nguyên tắc thứ hai và coi đó là cơ sở để tính cân bằng ngân sách (thiếu hụt hay dư thừa), nợ chính phủ và cũng đề nghị làm thêm theo nguyên tắc thứ nhất - mà trước đây các nước thường làm. Với các nước chấp hành khuyến nghị SDDS (The special data dissemination standard) của IMF, họ thường dễ dàng mượn tiền trên thị trường và với lãi suất thấp.
Báo cáo tài chính nhà nước cũng giống như báo cáo doanh nghiệp phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản. Ảnh: TL


 

Nguyên tắc kế toán

Báo cáo tài chính nhà nước cũng giống như báo cáo doanh nghiệp phải dựa trên nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc báo cáo có hai loại:

Thứ nhất, báo cáo lưu chuyển tiền mặt (cash flow accounting).

Thứ hai, báo cáo dựa trên phải thu, phải chi (accrual accounting).

Nguyên tắc thứ nhất cho thấy thu chi tiền mặt. Nguyên tắc thứ hai cho thấy thực thu, thực chi và thực nợ của một tổ chức. SNA2008 và GFSM2014 của IMF đều khuyến nghị các nước chấp hành nguyên tắc thứ hai và coi đó là cơ sở để tính cân bằng ngân sách (thiếu hụt hay dư thừa), nợ chính phủ và cũng đề nghị làm thêm theo nguyên tắc thứ nhất - mà trước đây các nước thường làm. Với các nước chấp hành khuyến nghị SDDS (The special data dissemination standard) của IMF, họ thường dễ dàng mượn tiền trên thị trường và với lãi suất thấp.

Nghị định 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính nhà nước đã không có quy định về nguyên tắc kế toán. Thậm chí, nếu chỉ nhìn vào điều 7 (báo cáo lưu chuyển tiền tệ) thì có thể hiểu là nghị định này đã không đòi hỏi thực hiện nguyên tắc phải thu, phải chi là nguyên tắc mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị thực hiện và các nước EU bắt buộc theo luật phải thực hiện.

Nguyên tắc phải thu và phải chi là gì và tại sao nó lại quan trọng?

Với nguyên tắc phải thu, phải chi, ví dụ, nếu Nhà nước đã mua mà chưa trả tiền thì vẫn phải ghi là chi và phần chưa trả tiền phải ghi là nợ (liability). Trường hợp này chi tăng và nợ tăng so với cách ghi lưu chuyển tiền mặt. Với nguyên tắc lưu chuyển tiền mặt thì khi nào chi ra mới ghi là chi, ví dụ, chi năm 2016, nhưng đến năm 2017 Chính phủ mới trả tiền. Như thế, nếu theo nguyên tắc lưu chuyển tiền tệ, chi ngân sách năm 2016 thấp, và không có nợ, còn theo nguyên tắc phải thu, phải chi thì chi tăng và nợ tăng. Nguyên tắc lưu chuyển tiền tệ đã được nhiều nước, như Hy Lạp, sử dụng để “làm xiếc” sổ sách nhằm giảm tỷ lệ thiếu hụt ngân sách và giảm thực nợ.

Điều cần để ý nữa liên quan đến bảo hiểm xã hội cho thấy sự nguy hiểm của việc không áp dụng nguyên tắc phải thu, phải chi. Ví dụ, nhân viên nhà nước đi làm thì theo luật có lương hưu (dù chưa nhận). Phần lương hưu này dù người lao động chưa nhận vì chưa về hưu nhưng theo nguyên tắc phải ghi vào chi (dù chưa trả) và dù không có quỹ hưu (hay quỹ hưu không đủ để chi trả trong tương lai) vẫn phải ghi là nợ hưu. Như thế, nợ chính phủ sẽ cao hơn mức ghi hiện nay rất nhiều. Đây cũng là vấn đề của nhiều nước vì không ghi cho nên đến khi số người về hưu tăng cao hơn số người đi làm thì ngân sách sẽ gặp tình trạng không thể chi trả.

Và những điều quan trọng khác

Nhiều tài sản rất quan trọng thuộc sở hữu nhà nước đã không có mặt rõ ràng trong Nghị định 25 về báo cáo tài chính nhà nước (theo các biểu mẫu). Cần đưa chi tiết tài sản dài hạn là giá trị tài sản đất, và tài nguyên thiên nhiên như rừng và hầm mỏ. Trong khi đó, việc bán đất, bán cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước lấy tiền chỉ là hoán đổi tài sản từ các dạng khác sang tiền mặt, và không ảnh hưởng gì đến thu, chi của Nhà nước.
Quan trọng không kém là tài sản phải được định giá theo giá thị trường. Nguyên tắc này cũng không được bàn tới. Khi một nhà nước thu không đủ chi và tài sản khánh kiệt so với nợ thì khả năng phát triển của nền kinh tế trở thành vấn đề bức xúc.

Nghị định 25 cũng rất lơi là trong thời hạn lập và gửi báo cáo. Theo nghị định, cấp huyện mất sáu tháng (khoản 2, điều 10), cấp tỉnh mất 12 tháng (khoản 3, điều 11), cấp nhà nước mất 18 tháng (khoản 3, điều 12).

Rất nhiều nước trên thế giới, báo cáo tài chính của nhà nước chỉ muộn ba tháng. IMF đề nghị làm báo cáo từng quí, và báo cáo mỗi quí ra đời sau một quí. Như thế báo cáo năm ra đời chỉ sau một quí. Thường các báo cáo sẽ được điều chỉnh lần thứ nhất quí sau. Khó hiểu tại sao Việt Nam cần đến một năm rưỡi mới có báo cáo?

http://www.thesaigontimes.vn/158456/Can-ap-dung-nguyen-tac-phai-thu-phai-chi-trong-bao-cao-ngan-sach.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét