Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Vì sao người xứ mình hay...chôm chỉa vặt, làm ẩu?

Vì sao người lao động chân tay xứ mình hay...chôm chỉa vặt, làm ẩu?
17/03/2017 VOV.VN - Có vẻ như người lao động chân tay, lao động phổ thông ở Việt Nam luôn có tâm lý tự ti và mặc cảm với nghề nghiệp và thân phận của mình, từ đó họ luôn lo lắng rằng mình đang bị bóc lột, bị coi thường và bị trả công rẻ rúng? Chính vì thế họ thực hiện công việc được thuê với thân phận và tâm lý của kẻ bị đè nén, bị ức hiếp nên chỉ làm chiếu lệ cho xong, sẵn sàng chơi xấu gia chủ (hoặc người chủ) nếu không vừa lòng điều gì đó. Mọi thỏa thuận về công việc chấm dứt ở thời điểm bỏ tiền vào túi, sau đó phủi tay, hết trách nhiệm.
Ảnh minh họa
Tôi từng quan sát một người quét rác ở Malaysia, một người lau dọn trên tàu điện ngầm ở Nhật Bản, thấy họ cần mẫn và có trách nhiệm với công việc, thể hiện rất rõ niềm tự hào với nghề họ đang làm chứ không hề có vẻ gì xấu hổ.

Tôi nhiều lúc tự hỏi tại sao lại thế? Tại sao một đất nước luôn tôn vinh người lao động, thậm chí có thời kỳ càng nghèo khó bần hàn càng được điểm cộng về mặt lý lịch, lại có hiện tượng như vậy.

Không biết tôi có sai không nhưng tôi thường xuyên chứng kiến rất nhiều công nhân làm việc thiếu trách nhiệm, làm ẩu, chỉ trực rình mò để thủ cái gì đó của nhà nước, của công, và sau này là của gia chủ.


Chỗ tôi (Đức Giang-Long Biên-Hà Nội) trước đây có thể ví như một khu công nghiệp của miền Bắc thời kỳ bao cấp. Nơi đây từng có Nhà máy Diêm - Gỗ cầu Đuống, Kho xăng Đức Giang, Hóa chất Đức Giang, Bông vải sợi, Kim khí điện máy, Phụ tùng xe đạp, Z133, Xe lửa Gia Lâm …

Mấy anh chị công nhân ở Hóa chất Đức Giang thì chôm chỉa từ tí xi măng đến bột giặt. Xi măng thì đựng vào cặp lồng cơm. Bột giặt, kem đánh răng thì gói cho vào ví. Công nhân nhà máy Diêm-Gỗ cầu Đuống thì lấy vecni bằng cách thấm vào cục bông rồi nhét dưới yên xe đạp, ra khỏi cổng lôi ra vắt vội vào chai lấy vài ba giọt. Những người này - tôi biết rất rõ - họ là người tốt, chất phác, chân thành; với bạn bè, hàng xóm, họ sẵn sàng nhận phần thiệt về mình, nhưng với nhà nước thì... cứ thế!

Xã viên hợp tác xã nông nghiệp thì nghe tiếng kẻng mới lục tục tụ bạ, kê cào kê cuốc ngồi trò chuyện chán chê mới xuống đồng. Làm cỏ lúa chỉ làm xung quanh ruộng, giữa để nguyên. Cuối giờ đội trưởng đội sản xuất lượn qua kiểm tra thấy ruộng đục ngầu (chỉ có tí gần bờ) coi như đã làm và tính đủ công điểm cho 1 ngày.

Còn đến hôm nay thì sao? Bạn thuê một người thợ điện nước đến sửa cho bạn một sự cố gì đó. Giả sử như cần khoan đục thì bạn đừng hy vọng người thợ sau khi làm xong sẽ thu dọn sạch sẽ đống mùn cát dây dợ họ vừa làm đang rơi vãi tung tóe dưới sàn nhà, cho dù đó là người thợ tốt nhất và bạn cũng chẳng hề hẹp hòi trong chuyện tiền nong. Còn hậu mãi hay dịch vụ bảo hành thì có vẻ hơi xa xỉ với những công việc lặt vặt như vừa nói ở trên.

Tôi có cảm giác rằng người thợ, người lao động chân tay ở Việt Nam hay tự ti, mặc cảm, từ đó họ luôn lo lắng rằng mình đang bị bóc lột, bị coi thường và bị trả công rẻ rúng? Chính vì thế họ thực hiện công việc được thuê với thân phận và tâm lý của kẻ bị đè nén, bị ức hiếp nên chỉ làm chiếu lệ cho xong, sẵn sàng chơi xấu gia chủ (hoặc người chủ) nếu không vừa lòng điều gì đó. Mọi thỏa thuận về công việc chấm dứt ở thời điểm bỏ tiền vào túi, sau đó phủi tay, hết trách nhiệm.

Mọi người có chia sẻ nhận xét này không? Nếu đúng thì lý giải nó thế nào ở một đất nước mà xuất phát điểm đứng về phía dân cày, chỗ nào và lúc nào cũng kêu gọi vinh danh người lao động. Hay những vấn đề nói trên chỉ thuần túy là hợp đồng trách nhiệm công việc và kỷ luật lao động?./.

Ngô Thiệu Phong/VOV
http://vov.vn/blog/vi-sao-nguoi-lao-dong-chan-tay-xu-minh-haychom-chia-vat-lam-au-603491.vov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét