Khi kiều hối giảm mạnh
Lan Hương, phóng viên RFA - Lượng kiều hối của Việt Nam giảm xuống thì chắc chắn có tác động ít nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn vốn của Việt Nam đã khan hiếm hơn...- Bà Phạm Chi Lan
Ảnh hưởng kinh tế Việt Nam
Lượng tiền gửi về Việt Nam liên tục tăng từ năm 2010 và đạt kỷ lục 13,2 tỷ đô la vào năm 2015 nhưng bất ngờ giảm xuống còn 9 tỷ đô la năm ngoái. Hãng thông tấn AP cho biết các chuyên gia kinh tế dự đoán kiều hối sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới do ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát biên giới của Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãi suất tiền gửi ngoại tệ tại Việt Nam giảm xuống 0% từ đầu năm.
Khoảng 60% kiều hối của Việt Nam được chuyển về từ Mỹ, chiếm 4% GDP của Việt Nam. Hiện tại có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống tại nước ngoài và đến phân nửa số đó đang sống tại Hoa Kỳ.
Có phân tích cho rằng trước tình hình kiều hối giảm mạnh như hiện nay, GDP của Việt Nam có thể cũng giảm xuống khoảng 0,4% trong năm nay. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn văn phòng Thủ tướng có phân tích thêm: Lượng kiều hối của Việt Nam giảm xuống thì chắc chắn có tác động ít nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn vốn của Việt Nam đã khan hiếm hơn, kể cả nguồn vốn trong ngân sách cũng như nguồn vốn đầu tư, hay là nguồn vốn ODA từ các nơi. Việt Nam trở thành quốc gia có nguồn thu nhập trung bình rồi nên ODA giảm đi cũng là điều có thể hình dung được. Hay là điều kiện để vay ODA khó khăn, khắc nghiệt hơn trước cũng là điều Việt Nam hình dung được. Chúng tôi cũng nói rằng sẽ có lúc phải cho “tốt nghiệp” ODA để huy động nguồn tiết kiệm trong nước cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên các nguồn khác như nguồn kiều hối thì nó có cả hai mặt tác động. Một mặt nó là một nguồn vốn đóng góp vào tổng nguồn đầu tư xã hội của Việt Nam. Đó cũng là một nguồn quan trọng. Có nhiều năm nó tương đương với nguồn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam. Có những năm còn cao hơn tổng ODA vào Việt Nam. Như vậy là vị trí của nguồn kiều hối so với tổng nguồn đầu tư xã hội của Việt Nam là đáng kể, bổ sung rất quan trọng cho Việt Nam những nguồn vốn cần thiết để có thể đầu tư phát triển các lĩnh vực khác nhau. Nhất là nguồn vốn đó lại bằng ngoại tệ.
Credit Suisse trước đó cũng cảnh báo sự suy giảm kiều hối có thể sẽ gây thêm áp lực lên tỷ giá đồng đô la. Kể từ cuối năm ngoái, tiền đồng Việt Nam đã mất giá 2,2% so với đô la Mỹ. Ngoài ra, nếu dự luật về thuế biên giới đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump được thông qua, Việt Nam có thể bị giảm thêm 0,9% GDP.
Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu, nguyên nhân chính làm giảm lượng kiều hối mà các cơ quan Việt Nam đưa ra là do việc tăng lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) vào cuối năm 2016 và có thể lãi suất USD sẽ tăng ba lần trong năm 2017, làm giữ chân đồng đô la chuyển từ Mỹ về Việt Nam.
Tuy nhiên giải thích này liệu có chính xác hay không khi cuối năm 2016 Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ mới đưa ra quyết định tăng lãi suất trong khi kiều hối chuyển về Việt Nam có dấu hiệu giảm từ đầu năm. Hơn nữa, theo một nguồn tin khác thì năm 2015 Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ cũng đã đưa mức lãi suất lên cao hơn 0.25% nhưng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra dự đoán về một nguyên nhân khác dẫn đến lượng kiều hối giảm trong năm qua:
Lượng kiều hối vào Việt Nam có khi lại cân bằng với lượng kiều hối ra khỏi Việt Nam của hội tham nhũng ăn cắp được. Sau đó bằng cách này hay cách khác họ chuyển qua bên đó nhưng thực sự không phải chuyển qua nhưng thực tế lại không hẳn là như vậy. Hay nói cách khác là dùng ngoại hối để hợp thức hóa lượng tiền tham nhũng được và nó sẽ làm giấy tờ giống như là kiều hối thật. Và có thể việc kiều hối giảm vừa qua là do việc siết tham nhũng ở Việt Nam.
Ông Trump mới lên đầu năm nay, nên khó mà ảnh hưởng đến kiều hối về Việt Nam từ năm ngoái.
Giảm nguồn vốn quan trọng?
Năm 2015 TS Vũ Quang Việt nguyên chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc có đưa ra bài phân tích về những dòng tiền bất hợp pháp ra vào Việt Nam. Bài viết gây sôi nổi dư luận suốt một thời gian dài vì TS Vũ Quang Việt sử dụng các số liệu chính thức và các phép tính toán chuyên môn cho ra kết quả từ năm 2008 đến 2013 khoảng 33 tỷ USD đã được tuồn bất hợp pháp ra nước ngoài.
Thứ hai, nguồn kiều hối còn có vai trò quan trọng trong việc giúp cho sự phát triển kinh doanh tư nhân của người dân Việt Nam. Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vay mượn tiền từ ngân hàng hay các nguồn tín dụng khác là không hề dễ dàng. Cho nên họ cũng tìm kiếm các nguồn vốn từ các nơi khác nhau, kể cả từ người thân của mình được cử đi lao động nước ngoài hoặc là bà con của mình sống ở nước ngoài mà có nguồn vốn nào đó muốn đầu tư ở Việt Nam.
Nếu thiếu vắng nguồn này thì công việc kinh doanh của họ cũng khó khăn hơn, tìm kiếm nguồn vốn thay thế vào đó không phải dễ dàng.
Những bà con có cuộc sống khó khăn mà được hỗ trợ bằng những đồng tiền từ nước ngoài thì cuộc sống của họ cũng đỡ khó khăn hơn. Như vậy cũng đỡ gánh nặng từ nhà nước phải chăm lo cho họ. Việt Nam dù sao vẫn là nước có tỷ lệ nghèo khá cao, và gánh nặng xã hội phải quan tâm đến những người đó còn khá lớn.
Nếu thiếu vắng nguồn này thì công việc kinh doanh của họ cũng khó khăn hơn, tìm kiếm nguồn vốn thay thế vào đó không phải dễ dàng.
- TS Vũ Quang Việt
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước và một số bộ ngành khác, số kiều hối chuyển về Việt Nam được sử dụng với mục đích kinh doanh chiếm đến 70.6%, bất động sản chiểm 20.7%.
Bà Chi Lan cũng nhận xét rằng kiều hối được đưa thẳng vào hoạt động kinh doanh tư nhân có thể là giải pháp tốt hơn vì tư nhân có thể sử dụng những đồng vốn đó một cách hiệu quả hơn so với các đồng vốn ODA. Bởi vì nguồn vốn ODA đưa vào nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước, theo bà, chưa chắc đã được sử dụng một cách hiệu quả. Cuối cùng, gánh nặng nợ nần lại đặt lên vai cả xã hội hay những người phải nộp thuế.
Bà nói thêm về tác động kinh tế khi kiều hối giảm:
Khi nguồn kiều hối gửi về Việt Nam thì các ngân hàng có thêm hoạt động kinh doanh, qua đó tăng thêm hoạt động, dịch vụ kinh doanh của họ, cũng làm phát triển thêm các hoạt động của ngân hàng.
Ngoài ra, bà Phạm Chi Lan cũng hi vọng kiều hối giảm đi cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi, cố gắng hơn về ý thực tự lực, tự lập. Cố gắng sử dụng cho tốt nhất từng đồng vốn nội lực huy động trong nước từ tài nguyên, sức lao động con người,… Bà cũng nhấn mạnh rằng dù có nhiều tiền mà nếu không biết cách sử dụng, đầu tư có hiệu quả thì vẫn khó có thể tiến bộ trong phát triển kinh tế. Có nhiều nghiên cứu từ trước đến nay cho thấy nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam chưa được sử dụng hiệu quả. Có những thời điểm nguồn vốn tăng lên rất cao nhưng lại tỷ lệ nghịch với tính hiệu quả khi được đưa vào thực tiễn.
2016 là một năm u ám của nền kinh tế Việt nam khi nhiều ngành sản xuất kể cả nông nghiệp và công nghiệp “rủ nhau” tụt xuống. Số lượng doanh nghiệp phá sản cũng tăng hơn nhiều so với những năm trước, gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế và làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Năm 2017 khi kiều hối suy giảm mạnh, các lĩnh vực kinh doanh cũng chưa thấy có sự khởi sắc, có thể là điềm báo hiệu một năm kinh tế buồn nữa cho Việt Nam mà tiến sĩ Nguyễn Quang A dự báo cũng dậm chân tại chỗ giống năm ngoái.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-remittance-significantly-decreases-lh-03172017082143.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét