Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Về CIA giải mật tài liệu sự kiện Gạc Ma

Về thông tin CIA giải mật tài liệu sự kiện Gạc Ma
TS TRẦN CÔNG TRỤC 16/03/17 (GDVN) - Nếu một dân tộc bị dẫn dắt bởi cảm xúc thay vì lý trí, thì nguy cơ đối với quốc gia, dân tộc ấy thật khôn lường. Ngày 15/3, đài VOA dẫn nguồn tin được cho là tài liệu mật của CIA đề ngày 8/8/1988 "miêu tả cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam" ngày 14/3/1988 ở bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, đúng dịp 29 năm ngày diễn ra sự kiện bi tráng này.

Tiến sĩ Trần Công Trục trong một lần viếng các chiến sĩ Việt Nam vị quốc vong thân, hy sinh bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa qua các thế hệ tại Tượng đài Tưởng niệm Gạc Ma. Ảnh do tác giả cung cấp.

Tài liệu được cho là của CIA cho rằng: "phía Việt Nam đã nổ súng trước làm bị thương một lính Trung Quốc, rồi tàu Việt Nam được trang bị súng máy nã đạn vào một trong những tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc ở ngoài khơi".

Những thông tin này đã dấy lên những làn sóng tranh luận không chỉ từ cộng đồng người dùng Internet Việt Nam trong và ngoài nước, mà còn có các học giả người Việt tham gia. 

Rõ ràng trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng bởi hành vi quân sự hóa 7 cấu trúc địa lý Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988, trong đó có Gạc Ma, dư luận quan tâm bàn tán là điều dễ hiểu.

VOA cũng viện dẫn ý kiến của cá nhân tôi được thể hiện trong một bài viết để bảo vệ cho quan điểm của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã hết sức kiềm chế, nhưng do phía Trung Quốc nổ súng trước và gây ra vụ thảm sát.

Bởi bộ đội Việt Nam có mặt tại Gạc Ma, Len Đao hay Cô Lin khi đó chủ yếu là công binh làm nhiệm vụ xây dựng, một số ít là lính hải quân đánh bộ làm nhiệm vụ cắm và bảo vệ cờ, cảnh giới bảo vệ cho lực lượng công binh thực hiện nhiệm vụ.

Với rất nhiều phóng sự, bài viết ghi lời các nhân chứng sống có mặt tại Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988 đã được các hãng thông tấn trong và ngoài nước đưa tin lâu nay, có lẽ tôi không cần phải nói thêm điều gì.

Bởi lẽ, quan trọng nhất là người trong cuộc. Chúng tôi dù sao cũng chỉ là người nghiên cứu, và không có mặt trực tiếp tại hiện trường thời điểm ấy.

Tuy nhiên một vấn đề không thể không bàn đến và hy vọng trao đổi với các nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước, đó là cách tiếp cận, đánh giá những thông tin có liên quan đến vấn đề lịch sử, pháp lý qua sự kiện CIA giải mật tài liệu về sự kiện Gạc Ma.

Thận trọng với tin đồn mang màu sắc chính trị

Trong bài viết ngày 15/3, VOA có nhắc đến một đoạn video lan tràn trên internet và reo rắc nhiều hoài nghi, gây chia rẽ âm ỷ trong dư luận người Việt, trong cũng như ngoài nước.

Bởi đó là phát biểu của một vị tướng khả kính, cũng đã từng cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, những ngày Trung Quốc cất quân xâm lược.

Ông nói về "mệnh lệnh từ một đồng chí lãnh đạo cấp cao" không cho bộ đội ta nổ súng trong trận Gạc Ma ngày 14/3/1988 nên mới dẫn đến thương vong.

Cũng một vị tướng khác, chia sẻ với báo giới nhân dịp 29 năm sự kiện Gạc Ma cũng nói với dư luận: đó là một vụ thảm sát! Hải quân Việt Nam có bắn lại phát súng nào đâu!

Và tất nhiên, cả hai vị tướng đều là hai nhà nghiên cứu có uy tín, ảnh hưởng xã hội. Vì vậy, họ đều có khả năng thu thập, tiếp cận các thông tin và công bố chúng trước dư luận theo chủ định của mình và sẽ chịu trách nhiệm về điều đó trước dư luận xã hội.

Còn người trong cuộc, cựu binh Lê Hữu Thảo người trực tiếp có mặt trên đá Gạc Ma buổi sáng lịch sử 14/3/1988 đã nhiều lần bác bỏ thông tin này. Diễn biến được anh kể lại không ít lần trên truyền thông, bằng cả lời văn lẫn hình ảnh. [1], [2]


Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma

Nhiều nhân chứng sống khác cũng đã khẳng định rằng: không có một mệnh lệnh nào cấm chiến sĩ ta nổ súng trong buổi sáng 14/3/1988 khi quân Trung Quốc nổ súng tấn công trước.

Có điều do tương quan lực lượng quá chênh lệch, xà beng với cuốc thuổng của những chiến sĩ công binh hải quân làm nhiệm vụ xây dựng không thể thẳng nổi súng đạn kẻ thù, Trung Quốc đã cướp mất Gạc Ma và thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, đại đa số là công binh.

Sở dĩ phải nhắc lại sự thật hiển nhiên này là vì những thông tin nói trên, nếu không được kiểm chứng, thiếu khách quan, chính xác, khi được đưa ra bởi những người có ảnh hưởng trong cộng đồng, thì tác hại thật khôn lường.

Nhất là trong tình hình nội bộ cộng đồng người Việt chúng ta hiện đang còn có nhiều nhận thức, quan điểm pháp lý, lịch sử, chính trị khác nhau.

Nhắc lại điều này, chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ một vài suy nghĩ, trăn trở với tư các là một người nghiên cứu khi tiếp cận các sự kiện lịch sử hay pháp lý có liên quan đến công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của cha ông.

Đặc biệt là trong điều kiện khó khăn, thử thách cam go như hiện nay, làm rõ điều này là rất cần thiết, ngõ hầu góp phần xóa dần những mặc cảm, chỉ trích, lên án một chiều, đang làm xói mòn sức mạnh của khối đại đoàn kết quốc gia, dân tộc.

Nhìn cách người Đông Đức và Tây Đức ứng xử với nhau để hòa hợp dân tộc, chúng tôi ngẫm lại mình:

Làm sao để những ai chung dòng máu Lạc Hồng, dù bất cứ địa vị, chính kiến nào cũng đều có thể lắng nghe nhau, sát cánh với nhau để bảo vệ giang sơn gấm vóc cha ông phải đánh đổi bằng máu và nước mắt mới có được?

Chúng ta cũng như không ít dân tộc nhỏ khác là nạn nhân của các siêu cường, nạn nhân của thời cuộc, của các luồng ý thức hệ.

Bởi thế, trong lịch sử mới có chuyện Trịnh - Nguyễn phân tranh, Đàng Trong – Đàng, Nam - Bắc phân chia, và đi liền với sự chia cách đó là những cuộc chiến tranh đẫm máu, huynh đệ tương tàn, nước mất nhà tan.

Trên tinh thần đó, để xem xét, đánh giá những thông tin khác nhau về sự kiện Gạc Ma nói trên, kể cả thông tin giật gân mới nhất của CIA giải mật tài liệu Gạc Ma, chúng tôi xin được đề cập đến 2 thực trạng sau đây:

Thứ nhất, hoạt động của Việt Nam vào nửa cuối những năm 1980 và tập trung cao độ đầu năm 1988, trong đó có cả hoạt động trước, trong và sau trận Gạc Ma 14/3, hoàn toàn nhằm mục đích củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ và tạo môi trường sống, làm việc thuận lợi cho quân và dân trên phần lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam.

Kết quả của những hoạt động đó đã được chứng kiến và đánh giá cao bởi rất nhiều bà con Việt Nam trong và ngoài nước, các phóng viên trong nước và quốc tế… khi có vinh dự đặt chân lên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.

Thứ hai, Khi đánh giá bản chất của một cuộc chiến có lẽ không chỉ nhằm vào việc ai là kẻ nổ súng trước, nổ súng sau. Vấn đề ở đây là phải xem cuộc đụng độ này xảy ra trong hoàn cảnh nào, nhằm mục đích gì, xảy ra ở đâu?...

Và những gì đã xảy ra trong suốt cả một thời gian dài từ đầu những năm 1980 đã giúp người ta có thể khẳng định chắc chắn rằng:

Hành động của Trung Quốc là hành động xâm lược trắng trợn lãnh thổ hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền. Đó là một cuộc xâm lược, chứ không phải là một trận “Hải chiến” như cách gọi của nhiều người.

Bởi vì đội hình, lực lượng và kế hoạch tác chiến của Trung Quốc hoàn toàn là một chiến dịch tấn công quân sự có chủ đích, tính toán, nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ càng về thời gian, địa điểm nhằm mục đích chiếm một số bãi cạn ở Trường Sa.


Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, bức tranh của họa sĩ Bùi Lệ Trang.

Đây là những cấu trúc địa lý án ngữ tại các vị trí trọng yếu, vừa cài răng lược với các vị trí đóng quân của Việt Nam, vừa nằm ngay yết hầu tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đông, Trung Quốc cưỡng chiếm có chủ đích để phục vụ âm mưu lâu dài.

Trong khi đó, phía Việt Nam chủ yếu là lực lượng công binh, không được trang bị đầy đủ các loại vũ khí chiến đấu…Họ đang sống và thực hiện nhiệm vụ xậy dựng đảo với tư cách là những chủ nhân thật sự .

Vì vậy, có thể nói đây là một cuộc chiến không tuyên chiến theo thông lệ chiến tranh, một cuộc chiến phi nghĩa, không cân sức và thiếu minh bạch…

Bản lĩnh người nghiên cứu, tham mưu

Chúng tôi vạn bất đắc dĩ phải đặt vấn đề này ra, vì nó vô cùng hệ trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc.

Sự nghiệp thiêng liêng, cao cả và cũng đầy khó khăn ấy đang bị phân tâm bởi những thông tin, đánh giá, bình luận từ các học giả, các nhà quan sát người Việt trong hay ngoài nước, ở thời đại internet toàn cầu này, có ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội.

Nếu một dân tộc bị dẫn dắt bởi cảm xúc thay vì lý trí, thì nguy cơ đối với quốc gia, dân tộc ấy thật khôn lường.

Bởi đối thủ rình rập lãnh thổ và quyền lợi hợp pháp của chúng ta không chỉ lớn hơn nhiều về sức mạnh kinh tế - quân sự, mà còn có tính toán chiến lược lâu dài, sách lược thâm sâu.

Hàng năm cứ đến sự kiện Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa ngày 19/1, xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc ngày 17/2 hay đánh chiếm Gạc Ma ngày 14/3, chúng tôi thiết nghĩ rằng:

Tình trạng khơi gợi, kích động hận thù, đả kích, chia rẽ…để phục vụ mục đích cá nhân, vì những toan tính chính trị, kính tế.. không trong sáng, thiếu lành mạnh...là xu hướng chúng ta nên tránh.


Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau

Bởi vì xu hướng này chỉ có lợi cho ngoại bang, cho kẻ thù của dân tộc, và chắc chắn sẽ tiếp tục làm giảm đi sức mạnh đoàn kết toàn dân, một nhân tố quyết định cho sự tường tồn của dân tộc này, quốc gia này!

Cái mà dân tộc này, quốc gia này cần là bài học rút ra từ hai sự kiện ấy, để làm sao đừng lặp lại chuyện tương tự trong tương lai.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì, làm như thế nào để bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực? Đó là vấn đề mà chung ta nên tập trung suy nghĩ đóng góp.

Những câu hỏi này thực sự là nghiêm túc, cấp bách và cần đầu tư nghiên cứu một cách khoa học, hệ thống, rốt ráo trên tinh thần khách quan, cầu thị, tôn trọng lịch sử và thượng tôn pháp luật, với thiện chí bảo vệ quyền lợi hợp pháp bằng giải pháp hòa bình.

Đừng lo thế hệ trẻ không biết, chỉ lo chính chúng ta sai đường

Không ít quan điểm lo ngại, thậm chí có những ý kiến gay gắt về việc tại sao những sự kiên bi tráng và quan trọng trong lịch sử nước nhà cận hiện đại, như 2 cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc, bảo vệ Hoàng Sa và Gạc Ma không được đưa vào sách giáo khoa lịch sử.

Lo ngại thế hệ sau không hiểu gì về cha ông mình đã sống, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình và công lý như thế nào, không phải không có cơ sở.

Nhưng vấn đề không phải ở chỗ có đưa vào sách giáo khoa hay không, mà nằm ở chỗ chúng ta dạy sử như thế nào.

Với cách dạy và học sử hiện nay, đưa hàng núi thông tin sự kiện, ngày tháng, con số vào môn sử, phóng sự của VTV về “Quang Trung - Nguyễn Huệ có quan hệ với nhau thế nào” là câu trả lời đau xót cho tương lai dân tộc này.

Mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, phao thi môn sử lại trắng sân trường.

Trong khi sử liệu về Hoàng Sa, Trường Sa hay các sự kiện vừa nêu có đầy trên internet, rất nhiều chiều, từ nhiều chủ thể khác nhau, trực tiếp có, gián tiếp có.

Một khi đã tạo được cho con em mình hứng thú học sử và tìm hiểu về cha ông, hãy hướng dẫn các em cách tiếp cận các nguồn sử liệu.

Đừng vội đánh giá các em về quan điểm, đừng lập trường hóa các vấn đề khoa học, lịch sử hay pháp lý.

Muốn làm điều này, chính bản thân chúng ta cần sự bình tĩnh, cần con mắt khoa học, khách quan và cầu thị để không bị những ngôn ngữ giàu màu sắc cảm xúc che lấp mất bản chất cốt lõi của vấn đề hay bài học cho hiện tại và mai sau.

Mọi giá trị chân - thiện - mỹ dù có bị vùi dập, bóp méo cũng không thể nào biến dạng, người ta vẫn tìm thấy nó qua một cách tiếp cận, tư duy so sánh đối chiếu trên nền tảng khoa học, khách quan, không thành kiến hay phân biệt.

Mọi âm mưu, toan tính hay giá trị đột lốt của ai đó, nếu có cũng sẽ bị bóc trần, chúng ta không phải tốn thời gian làm thay.

Đơn cử như trận Gạc Ma, xem video Trung Quốc quay lại rõ ràng là một bằng chứng tố cáo tội ác của chính họ.

Xét tương quan lực lượng, xét kế hoạch tác chiến, xét đội hình chiến thuật, xét âm mưu lâu dài...ai mới là kẻ khiêu chiến, ai mới là kẻ xâm lược tự người xem rút ra được.


“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

Chỉ cần có một chút kỹ năng tìm kiếm bằng Google, bạn đọc có thể tìm thấy hàng loạt phóng sự vô cùng giá trị và ý nghĩa về sự kiện Gạc Ma hay Trường Sa đầu năm 1988.

Đơn cử như bộ phim tài liệu "Trường Sa tháng 4 năm 1988" của cố đạo diễn Lê Mạnh Thích, hay "Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma của ta như thế nào?" của đài truyền hình VTC.

Ngay trong dịp kỷ niệm Gạc Ma này, VTV cũng đã có những phóng sự rất đáng xem và chia sẻ: "Lời nhắc từ đảo Gạc Ma". [8]

Thậm chí từ hải ngoại, kênh Phố Bolsa TV đã có hàng loạt phỏng vấn các nhân chứng Trường Sa ngay tại Trường Sa...rất có giá trị. Bản thân tôi cũng trả lời trực tiếp đài bình luận về sự kiện Gạc Ma. [9]

Vì vậy đừng vội kết luận hay đổ lỗi, đừng vội đòi hỏi hay ngồi chờ, hãy tự mình tìm lấy câu trả lời từ nguồn thông tin chính thống, đa dạng ấy, từ những nhân chứng sống, những người trong cuộc.

Cảm xúc dễ che khuất tầm nhìn

Chúng ta chỉ chú tâm vào 28 phút giao tranh sáng 14/3 và ca ngợi chiến công oanh liệt và bi tráng của 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam ở Gạc Ma, nhưng không thấy được thắng lợi toàn cục trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988 trong điều kiện vô cùng khó khăn, ngặt nghèo và nguy hiểm.

64 chiến sĩ anh dũng ngã xuống, dùng máu đào tô thắm màu cờ và đất mẹ cũng là vì giữ lấy chủ quyền cha ông đã xác lập, thực thi ở quần đảo Trường Sa.

Vì vậy, nếu tách rời sự kiện Gạc Ma ngày 14/3 khỏi chiến dịch này hay toàn bộ những nỗ lực của chúng ta để củng cố phòng thủ ở Trường Sa và các bãi cạn nằm trong thềm lục địa phía Nam trước sự rình rập, nhòm ngó của Trung Quốc, và về cơ bản chúng ta đã giữ được, thật chúng ta đã phụ công, phụ lòng mong mỏi của anh linh 64 chiến sĩ.

Cần nghiên cứu kỹ bối cảnh trong nước, khu vực, quốc tế thời điểm diễn ra chiến dịch bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988 và những gì chúng ta đã làm được trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, khó khăn.

Quan trọng hơn nữa là phải nghiên cứu cho kỹ càng, thấu đáo bối cảnh, thời cơ Trung Quốc dàn dựng và toan tính, kế hoạch, chiến thuật mà họ sử dụng để cưỡng chiếm Gạc Ma.

Bởi điều này có thể lặp lại bất cứ khi nào, nếu chúng ta suy yếu hoặc lơ là mất cảnh giác.

Bản thân chúng tôi cũng đã trình bày khá chi tiết bối cảnh do Trung Quốc dàn dựng để chiếm Gạc Ma năm 1988 cũng như diễn biến chiến dịch này trên báo chí [3], [4], [5], [6],[8]. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm.


Những hình ảnh chân thực nhất về các chiến sĩ giữ Trường Sa tháng 4 năm 1988 trong bộ phim tài liệu "Trường Sa tháng 4 năm 1988" của cố đạo diễn Lê Mạnh Thích. Ảnh chụp màn hình.

Ôn lại các sự kiện lịch sử này mà không rút ra được bài học gì cho hiện tại và tương lai trong khi Biển Đông vẫn đang nóng bỏng thì thật vô nghĩa.

Như vậy là chúng ta, những người đang sống có tội với tiền nhân, với những chiến sĩ vị quốc vong thân nơi 2 quần đảo mà nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã xác lập chủ quyền hợp pháp, hòa bình và liên tục.

Trước mỗi dịp kỷ niệm như thế này, truyền thông khi đưa tin cũng cần có những nghiên cứu thấu đáo, chuẩn bị bài bản với kiến thức và hiểu biết đủ sâu, đủ rộng về sự kiện.

Để làm sao tác phẩm cuối cùng đến với khán giả / thính giả / độc giả không chỉ là một tác phẩm báo chí sâu sắc, ý nghĩa về bảo vệ chủ quyền, mà còn là một công trình khoa học dễ hiểu để dư luận xã hội có cái nhìn toàn cảnh sự kiện, tự rút ra được bài học cho tương lai, cho dù đó chỉ là một lát cắt của sự kiện.

Nếu chỉ biết xoáy vào diễn tả cảm xúc hay con số thương vong, chúng ta sẽ vô tình đánh mất giải pháp. Bởi giải pháp khả thi chỉ có được khi chúng ta tỉnh táo.

Một vài kiến nghị

Sự khác biệt trong cách ứng xử của chúng ta với các sự kiện lịch sử quan trọng cận hiện đại, đặc biệt là 2 cuộc chiến bảo vệ biên giới, 2 cuộc chiến bảo vệ hải đảo trước Trung Quốc, bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ, ở mỗi giai đoạn đều có nguyên nhân và tác động của nó.

Chúng tôi cũng đã không ít lần đề cập và phân tích điều này.

Tuy nhiên vẫn có những tin đồn âm ỷ trong nội bộ, trong đó gây bức xúc không nhỏ cho dư luận xã hội, thậm chí cả một số cán bộ lão thành.

Do đó cá nhân tôi cho rằng:

Thứ nhất, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận các vấn đề lịch sử bằng tư duy khoa học, khách quan, cầu thị và thiện chí, dùng đối thoại thẳng thắn và kịp thời để hóa giải các tin đồn thất thiệt ấy.

Chúng tôi nghĩ rằng, những băn khoăn, thắc mắc từ những nhân sĩ trí thức quan tâm đến thời cuộc và vận mệnh nước nhà với 4 cuộc chiến nêu trên, hay quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hoàn toàn là vì thiện chí và do thiếu thông tin.

Nụ cười, gương mặt của một chiến sĩ Trường Sa những ngày khói lửa tháng 4/1988. Ảnh chụp màn hình.

Bởi vậy chúng tôi thiết nghĩ, cần có những đối thoại, lắng nghe và giải đáp thắc mắc từ các cơ quan có thẩm quyền.

Thậm chí trường hợp cần thiết thì các đồng chí lãnh đạo cấp cao nên dành thời gian và quan tâm thích đáng để giải đáp những thắc mắc ấy, có như vậy thì nội bộ mới thực sự đoàn kết và không kẻ thù nào phá hoại được.

Thứ hai, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước có tổng kết đánh giá một cách khoa học các sự kiện lịch sử cận hiện đại, tác động ảnh hưởng của nó đến tương lai quốc gia, dân tộc.

Đồng thời tổng kết đánh giá những tác động, ảnh hưởng của nó đến quan hệ hợp tác, hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở luật pháp quốc tế với các nước hiện nay.

Trên cơ sở đó, giải thích cho nhân dân cũng như láng giềng, đối tác của chúng ta hiểu một cách hệ thống, khách quan, chính xác và thuyết phục. Chỉ có như vậy, vết xe đổ chiến tranh mới không lặp lại.

Cũng chỉ có như vậy, những vết thương âm ỷ lâu ngày do thiếu thông tin mới có thể lành lại trên cơ thể dân tộc này, để vững bước vào tương lai.

Thứ ba, chúng ta cần có những hình thức tôn vinh, tri ân xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ, đồng bào chiến sĩ vị quốc vong thân trong những sự kiện này, lấy đó làm cách giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Xin đừng cho rằng vì "nhạy cảm" hay ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại. Né tránh nó mới ảnh hưởng rất xấu đến cả đối nội và đối ngoại.

Chúng ta làm điều này trên tinh thần tri ân, báo nghĩa và cũng là lời nhắc nhở chính mình và đối tác hay láng giềng, đừng để xảy ra xung đột can qua. Cái này chúng tôi đã từng phân tích, trên cái nền "đối tác" để xử lý vấn đề "đối tượng".

Thứ tư, cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, đề xuất các phương án đấu tranh bảo vệ, thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa một cách liên tục, hợp pháp, hiệu quả;

Bổ sung các biện pháp đấu tranh hòa bình, không ngừng thúc đẩy hợp tác để phát triển kinh tế, tự lực tự cường. Và điều quan trọng nhất luôn luôn là phát huy nội lực, hạn chế đẩy lùi các mặt trái xã hội, làm cho nước nhà thực sự hùng cường, chỉ có như vậy quốc phòng an ninh được giữ vững.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/gac-ma-28-nam-van-nong-cau-chuyen-chu-quyen-980460.tpo

[2]https://www.youtube.com/watch?v=qQWu0qZIm0Q

[3]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Boi-canh-Trung-Quoc-tinh-toan-va-dan-dung-de-chiem-Gac-Ma-post175037.gd

[5]http://infonet.vn/truoc-su-kien-gac-ma-trung-quoc-da-nhom-ngo-truong-sa-nhu-the-nao-post193382.info

[6]http://infonet.vn/tran-chien-gac-ma-cac-anh-da-chien-dau-nhu-the-nao-post193396.info

[7]http://infonet.vn/tran-chien-gac-ma-1988-va-bai-hoc-canh-giac-voi-am-muu-tu-trung-quoc-post193398.info

[8]https://www.youtube.com/watch?v=FZk8joFWrX8&sns=fb

[9]https://www.youtube.com/watch?v=kSaUrgSE_8I&feature=youtu.be
Ts Trần Công Trục

http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ve-thong-tin-CIA-giai-mat-tai-lieu-su-kien-Gac-Ma-post175110.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét