Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Kinh tế ‘mặt tiền’, sẽ đi đâu về đâu?

Kinh tế ‘mặt tiền’, sẽ đi đâu về đâu?
08/03/2017 - Diện mạo TPHCM những ngày qua bỗng trở nên khang trang, gọn gàng hơn. Nhưng liệu những hình ảnh này sẽ tồn tại được bao lâu? Một tháng? Hai tháng? Hay chỉ vài tuần, rồi đâu lại vào đó?

Có một nền kinh tế vỉa hè và một thứ văn minh cho 
người đi bộ lưu thông thông suốt trên vỉa hè. Ảnh: HMP.
Sẽ đi đâu bây giờ? 
5h30, vợ chồng ông Hồng đã chuẩn bị xong nồi nước lèo để bán hủ tíu, nui… sáu bộ bàn ghế nhựa được sắp đặt gọn trên vỉa hè của một siêu thị bán hàng điện máy trên đường Võ Thị Sáu (quận 3, TPHCM).

Tranh thủ chưa có khách, ông Hồng than thở: “Không biết mai mốt sẽ đi về đâu! Mỗi buổi sáng, nếu bán hết hàng, sẽ kiếm được 300.000 đồng. Mấy bữa trước, còn được bày bán đến 9h, gần đây, mấy ổng nói chỉ được bán đến 8h. Bán đến giờ này thì chỉ hoà vốn”.

“Mấy ngày nữa là hết được bán rồi. Mấy ông phường vừa thông báo đó”, bà Thảo, chủ quán bún ở một con hẻm lớn trên đường Thống Nhất (phường 11, Gò Vấp, TP.HCM) thông báo với những vị khách quen mặt dường như mỗi ngày. Không cho bán ở vỉa hè, theo lời bà Thảo, vợ chồng bà coi như hết cách sống!

Thường ngày, hai con đường chính của quận 2 là Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh vốn đã hẹp lại càng bí bách hơn vì người ta đã giành hết vỉa hè để buôn bán. Từ 6 – 7h sáng, xe tải, xe máy, ôtô, xích lô, ba gác, người đi bộ… chen chúc nhau trên mặt đường rộng chừng 7m. Nhiều ông bố bà mẹ, leo lề giành giật từng centimet lề phố với người đi bộ, với xe máy dựng tràn lan trên vỉa hè của những chủ quán phở, hủ tíu, bánh mì…

Ông Hoà, chủ cửa hàng bán đồ thức ăn nhanh ngay góc đường Nguyễn Duy Trinh – Nguyễn Thị Định, cho biết cửa hàng rộng chừng 10m2 với tiền thuê hết 12 triệu đồng/tháng. 10m2 không đủ đặt bàn ghế, nên ông phải sắm thêm chiếc xe đẩy để đựng gà quay, xúc xích, bánh mì. Khách tới mua hàng, chỉ việc chống xe lề đường, gọi hàng, ai ăn tại chỗ dựng xe lên vỉa hè.

“Tui thừa nhận vỉa hè là dành cho người đi bộ, nhưng người thuê nhà mở quán ở mặt tiền lại không có chỗ để xe”, ông Hoà nói. Từ thứ năm tuần trước, khi lực lượng quận 2 ra quân dọn dẹp vỉa hè, quán bán đồ ăn nhanh của ông Hoà giảm doanh số thấy rõ.

Ông Minh, chủ quán càphê trên đường số 3 (phường Linh Chiểu, Thủ Đức, TPHCM) chưa biết phải làm gì với mặt bằng 25m2 dành để bán càphê khi vài ngày nữa, chính quyền phường không cho sử dụng vỉa hè. Mấy ngày này, con đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) “trở nên hoang vắng” vì các lực lượng liên tục quần thảo đòi lại vỉa hè.

Vỉa hè có giá!

Thành phố đang có hàng trăm ngàn hộ kinh doanh mặt tiền đang đóng thuế cho Nhà nước, dù là dưới hình thức hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh hay công ty với con số không hề nhỏ. Nhưng đã kinh doanh mặt tiền, ngoài tiền thuê diện tích… giá trị của mặt tiền kinh doanh còn đến từ cái vỉa hè!

Đã chọn hướng cho thuê mặt tiền để kinh doanh, nếu không có vỉa hè, chắc chắn sẽ không có ai thuê. Chủ nhà thường tính luôn mặt bằng vỉa hè để ra giá tiền thuê nhà cao hay thấp. Đường rộng, hai chiều, lại có vỉa hè rộng, tiền thuê mặt bằng luôn cao hơn đường nhỏ, vỉa hè nhỏ. Dù diện tích mặt bằng nhỏ nhưng nhờ cái vỉa hè rộng, đường hai chiều mà ông Minh phải trả tiền thuê là 15 triệu đồng/tháng.

“Buôn bán mà có cái vỉa hè rộng rãi bao giờ cũng thuận tiện hơn, giờ đây, không còn vỉa hè xem như chẳng còn làm ăn được gì nữa. Phải nghĩ đến chuyện trả lại mặt bằng cho chủ”, ông Minh khẳng định.

Xử sao với cái vỉa hè?

“Phải trả lại cho vỉa hè đúng với công năng của nó. Nhưng chuyện cái vỉa hè không phải chỉ là cái vỉa hè. Nói vỉa hè buôn gánh bán bưng là không công bằng, vì chỉ có một số rất ít người ở quê ra lấn chiếm lòng lề đường. Họ bán sức lao động bằng những gánh hàng rong đi từ phố này cho đến phố khác. Vỉa hè bị xâm lấn chính là những người đang kinh doanh mặt tiền”, ông Phạm Hồng Phước (quận 10) bình luận.

Ông Hoàng Nguyên (quận 1), một trí thức về hưu chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị: “Bổn phận của chính quyền các cấp là giữ trật tự đường phố bằng cách ngăn cản người dân lấn chiếm vỉa hè. Song song với việc ngăn cản đó, chính quyền phải có những giải pháp căn cơ, kiên quyết để tạo ra bộ mặt đô thị văn minh, nhưng đồng thời không tước cơ hội kinh doanh chính là cơ hội lao động và sống của người dân đô thị. Với đặc thù sinh hoạt của người dân Việt Nam mà kinh tế mặt tiền, không chỉ ở các đô thị lớn, sẽ còn tồn tại lâu dài nếu không nói là tồn tại vĩnh viễn”.

Trong những chiến dịch trật tự đô thị có liên quan đến vỉa hè mà các quận, huyện ở TPHCM đã và đang làm, dễ nhìn thấy cách làm của các cơ quan công lực thiên về chức năng “dọn dẹp và giải toả”, hơn là xác lập những cung cách mới cho “không gian kinh tế mặt tiền”!

Với thói quen di chuyển bằng xe hai bánh, TPHCM và các đô thị cần có những bãi giữ xe công cộng. “Hoặc giả, với những vỉa hè đủ rộng, các phường cần kẻ ô trước từng cửa hàng để dành xe cho khách. Cửa hàng nào vi phạm ranh giới này, cứ ghi biên lai phạt, thu cho ngân sách”, ông Toàn, một tài xế xe ôm nói.

Với những quán ăn hè phố, không chỉ quy định “lộ giới” mà cần quy định thời gian kinh doanh như lời bà Hồng. “Tôi chỉ lãi khi bán từ 8 – 9h. Nhà nước thu bao nhiêu thuế thì cứ nói với chúng tôi, được thì làm, không được thì tìm việc khác”, bà Hồng đưa ra đề nghị. Còn theo lời bà Thảo (Gò Vấp), có những con đường có vỉa hè hẹp thì phường cũng nên linh động cho người dân kinh doanh với những cam kết về vệ sinh đường phố, tất nhiên là có thu thuế minh bạch.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, lãnh đạo TPHCM cần có những khuôn mẫu thiết kế chung như xe đẩy hoặc sạp di động tại các điểm quy định, dành cho các dịch vụ buôn bán vỉa hè như bán báo, bán nước…, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân vừa có kế sinh nhai cho nhiều thành phần lao động, vừa thoả mãn trật tự đô thị!

Lấy lại vỉa hè, chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế gặp rất nhiều khó khăn và hệ luỵ kèm theo. Vấn đề cốt lõi là chính quyền các cấp có kiên quyết làm và làm theo cách nào cho “thấu tình đạt lý” cho cả hai phía: người dân và chính quyền!

Thịnh An – Hoàng Bảy
Theo TGTT
http://tiepthithegioi.vn/loi-song/van-de-quan-tam/kinh-te-mat-tien-se-di-dau-ve-dau/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét