Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

Cứ tới mùa thi, công an nhân dân lại… ‘tỏa sáng’!

Tôi đồng tình với bài viết dưới đây. Năm nào đến mùa thi tôi cũng thấy CSGT nhộn nhịp giúp đỡ thí sinh như trong bài viết này. Theo tôi việc làm của CSGT là phi lý và làm tăng bất bình đẳng trong xã hội. Đối với tôi, một xã hội tốt là một xã hội mọi người đều phải thực hiện đúng chức trách của mình, nếu ai làm sai thì người đó bắt buộc phải trả giá; như thế họ mới biết rút kinh nghiệm để lần sau không làm sai. Tất cả những thí sinh ngủ quên hay thất lạc căn cước công dân hay tắc đường... do lỗi của họ đều không nên được CSGT giúp đỡ. Ngủ quên, thất lạc căn cước công dân hay tắc đường... là lỗi của chính thí sinh thì hãy để thí sinh đó nghỉ thi để họ có bài học nhớ đời và lần sau không dám sai phạm. Tôi vẫn nói với những sinh viên hay đến lớp muộn là sau này đi làm, sếp sẽ giao việc cho các em; và sếp không bao giờ quan tâm đến em hay bố mẹ hay con cái em ốm đau, em bị ách tắc giao thông, hay bất kỳ lý do gì khác. Sếp chỉ quan tâm đến đúng ngày đã hẹn em có hoàn thành nhiệm vụ sếp giao không. Nếu không thì tức là em không đủ điều kiện sức khỏe, thời gian, năng lực, trách nhiệm, tận tụy tận tâm hay hoàn cảnh gia đình để làm việc với sếp và sếp sẽ sa thải em. Sếp không nói em kém, mà chỉ nói em không đủ điều kiện để làm việc ở cơ quan sếp, nên sếp sẽ chúc em thành công ở cơ quan khác khi tuyên bố sa thải em. Mặt khác, tình trạng năm học nào CSGT cũng nhộn nhịp giúp đỡ thí sinh lười biếng và thiếu trách nhiệm chứng tỏ loại thí sinh này rất nhiều, CSGT giúp một số người, còn bao nhiêu người khác không được giúp, như vậy có phải là bất công không ? Hơn nữa, những thí sinh ngủ quên, thất lạc căn cước công dân... cũng được thi như những thí sinh đến thi nghiêm túc thì cũng là bất công. Tôi cho rằng trường thi đã có quy chế rõ ràng, cứ thế mà làm theo đúng nguyên tắc thượng tôn pháp luật, ngủ quên, thất lạc căn cước công dân... thì không nên được thi. Cuối cùng, CSGT có nhiệm vụ của mình về đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt thì hãy tập trung vào việc của mình chứ không nên nhúng tay vào việc của ngành giáo dụcAnh cảnh sát giao thông nếu làm tốt nhiệm vụ của mình để giao thông thông thoáng thì em học sinh đã không bị chậm giờ tới trường thi do tắc đường. Còn, nếu các em lười nhác, ngủ muộn đến mức chậm giờ thi thì đó là trách nhiệm của các em. Các em phải có ý thức trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Việc giúp đỡ các em trong hoàn cảnh này là phản giáo dục. Mai kia, đất nước sẽ ra sao nếu trong xã hội toàn những người lao động lười nhác, vô trách nhiệm như những em học sinh ấy? Tôi cũng thường nói với sinh viên của tôi là ở Âu Mỹ, trong các cơ quan, doanh nghiệp, mỗi người đều có nhiệm vụ của mình, người làm xong việc trước không được thò tay sang giúp người khác chưa xong việc, vì giúp như thế sẽ làm cho người kia càng ngày càng ỷ lại và làm việc ngày càng chậm trong khi bạn không thể giúp đỡ người đó cả đời. Khi người lao động được thuê hoàn thành một việc trong một khoảng thời gian xác định, ví dụ 5 giờ, thì nhất định anh ta phải hoàn thành trong khoảng thời gian đó, nếu không cũng sẽ bị kết luận là thiếu năng lực với công việc đó và bị sa thải. Nếu họ thuê bạn làm một việc trong 5 giờ mà bạn mất 6 giờ mới hoàn thành, thì chủ thuê lao động sẽ bị mang tiếng là bóc lột sức lao động của bạn, nên việc bạn kéo dài thời gian lao động để hoàn thành cũng thể hiện bạn thiếu năng lực với công việc đó và sẽ bị chủ sa thải. Chính vì phải chịu nhiều áp lực như thế nên người lao động phương Tây mới làm việc rất trách nhiệm và có năng suất rất cao.
Cứ tới mùa thi, công an nhân dân lại… ‘tỏa sáng’!
Blog VOA Trân Văn 1-7-2023 - Khó mà kể hết tin, bài, hình ảnh nhằm quảng bá hành động cao đẹp của CAND trong mùa thi năm nay với mục đích giống như video clip của “Tuổi trẻ Công an huyện Ninh Phước”.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) tại Việt Nam vừa kết thúc và giống như nhiều năm trước, cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức tiếp tục bị khuấy động bởi nhiều vấn đề liên quan tới thi cử, từ nội dung đề thi đến chuyện lộ đề,… hay cuộc thảo luận nhiều năm về việc có nên duy trì một kỳ thi khiến cả triệu thí sinh, cả triệu gia đình căng thẳng, chưa kể còn hết sức tốn kém cho nhiều phía chỉ nhằm chọn ra một, hai phần trăm học sinh đã hoàn tất chương trình giáo dục THPT nhưng không đạt yêu cầu tốt nghiệp,… song nhìn một cách tổng quát, vấn đề được quan tâm và bình phẩm nhiều nhất ở mỗi mùa thi tốt nghiệp vẫn là sự góp mặt của… công an nhân dân (CAND).

***

Năm nay, chuyện thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT ngủ quên, hư xe,… được CAND hỗ trợ nên vẫn có thể dự thi, tiếp tục chiếm phần đáng kể trong nội dung của nhiều cơ quan truyền thông chính thức và trên mạng xã hội và có lẽ video clip được giới thiệu trên trang facebook có tên “Tuổi trẻ Công an huyện Ninh Phước” thuộc loại được chia sẻ nhiều nhất và kèm theo nhiều bình luận nhất. Video clip dài 1 phút 18 giây ấy giúp người xem tận mắt mục kích cảnh vài chục người mặc đồng phục công an, đoàn viên thanh niên cộng sản túc trực quanh và trước cổng trường THPT An Phước thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận để ghi lại cảnh một cảnh sát giao thông (CSGT) điều khiển mô tô tuần tra chở theo một thiếu niên đồng phục học sinh, vừa mở còi hụ, vừa cho mô tô tuần tra lao như tên bắn vào trong trường (1)…

Video clip vừa đề cập được đặt tên là “CSGT kịp thời chở thí sinh đến tham gia thi THPT 2023” nhưng rất đáng ngẫm nghĩ là trên mạng xã hội, đa số công chúng không những không cảm kích, không khen ngợi mà còn chê… “diễn dở”. Chẳng hạn, sau khi giới thiệu lại video clip, nhóm điều hành trang Facebook có tên là “Hà Nội News” không bình mà đặt vè: Bao năm đi sớm không ai biết, một hôm đi muộn cả nước hay (3)! Nói chung, video clip vừa đề cập gây thất vọng cho tất cả các bên, từ công chúng đến… công an. Nhóm điều hành trang facebook “Tuổi trẻ Công an huyện Ninh Phước” – nơi giới thiệu video clip – không giấu được tức giận nên gọi sự chê bai của công chúng là… “luận điệu phản diện” do… “bản chất xấu xa của Việt Tân” (4)!

Cho dù không đủ bằng chứng để kết luận nhận thức của “Tuổi trẻ Công an huyện Ninh Phước” là nhận thức chung của lực lượng CAND nhưng phản hồi của công chúng trên mạng xã hội về nỗ lực “tiếp sức cho thí sinh” của CAND trong các mùa thi nói chung và mùa thi này nói riêng không những không đạt được mục tiêu “dân vận” mà còn khiến… “dân giận”! Chẳng lẽ công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam không có quyền bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ thật của họ. Cứ chán ghét là… “phản diện”! Đặc biệt là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nói chung và lực lượng CAND nói riêng đã làm gì mà số lượng tiêm nhiễm… “bản chất xấu xa của Việt Tân” càng ngày càng… đông?

***

Khó mà kể hết tin, bài, hình ảnh nhằm quảng bá hành động cao đẹp của CAND trong mùa thi năm nay với mục đích giống như video clip của “Tuổi trẻ Công an huyện Ninh Phước”. Ngoài những tin, bài, hình ảnh trên hệ thống truyền thông chính thức như “Nhiều thí sinh suýt lỡ kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu không có sự ‘ứng cứu’ của CSGT” (5), hay “CSGT dùng xe đặc chủng hỗ trợ thí sinh ngủ quên, thất lạc căn cước công dân” (6),… còn có một số trang facebook đăng tin, bài, hình ảnh loại này trên mạng xã hội như “Tin chính thống về CSGT Việt Nam” (7), “Sơn Hà hôm nay” (8),… Tuy nhiên nếu cứ theo link được dẫn phía bên dưới bài này để xem tương tác của các tin, bài, hình ảnh nhằm mục đích này với công chúng và so với phản ứng chung của công chúng – đa số theo chiều ngược lại – ắt sẽ thấy nhân dân đang đứng ở phía đối diện với… CAND!

Sau khi tờ Tuổi Trẻ công bố bài “Thí sinh ngủ quên may được cảnh sát giao thông giải cứu sao năm nào cũng gặp?” (9) nhằm nhấn mạnh “sự biểu dương trên mạng xã hội về hành động của CSGT và có ý trách móc cha mẹ thí sinh thiếu sự quan tâm với con cái”, rất nhiều người đã mổ xẻ bài viết, đặc biệt là hình ảnh mà tờ Tuổi Trẻ dùng để minh họa (một CSGT chở một phụ nữ mặc đồ đen, đeo khẩu trang che kín mặt). 

Ví dụ Dac Du Vo nửa đùa, nửa thật: “Quá nhiều phụ huynh vô trách nhiệm, năm sau cao hơn năm trước. Không có CSGT thì cái xã hội học tập này banh ta lông”. Danh Huỳnh – thân hữu của Dac Du Vo – bình thêm: Năm nào cũng có thí sinh ngủ quên. Sau đó sẽ có các cụ già không biết qua đường hay té xe giữa đường trái cây rớt tùm lum được CSGT hỗ trợ, kế đến nữa là hỗ trợ các cụ già ra khỏi vùng lụt. Không có CSGT là xã hội này nát bét (10).

Có không ít người thắc mắc như Đinh Thị Ngọc Trâm: Năm nào thi tốt nghiệp THPT, cũng phải có vài cháu ngủ quên để CSGT phải đến tận nhà đưa đi thi cho kịp giờ. Má ơi, sao người nhà không chở mà phải là CSGT? Lạ rứa hè (11)! 

Hoặc bỡn cợt như Mai Thanh Mai: Thí sinh gặp sự cố bất thường thì lực lượng công tác đến hỗ trợ là phải đạo rồi… Còn thí sinh nào đến ngày thi mà ngủ quên thì theo em, kệ đi… Thí sinh cứ ngủ quên xong dậy làm mì gói và phát tín hiệu lên vũ trụ là vũ trụ lại gửi ngay một CSGT hộ giá đi thi… thì ai chẳng thích… ngủ quên (12). 

Cũng có không ít người sau khi xem ảnh minh họa cho bài đã dẫn của tờ Tuổi Trẻ nêu điều họ phát giác như Lê Huỳnh Phương Thảo: Chú CSGT có chở nhầm phụ huynh không? Với kinh nghiệm mười mấy năm tiếp xúc với học sinh lớp 12, không thể có em nào 18 tuổi mà nhân dáng lại như phụ nữ tầm 50 tuổi thế này được. Không cần phải là chuyên gia nhân chủng học cũng sẽ nghi là chở… nhầm phụ huynh. Mà em học sinh này làm nail hơi kỹ. 

Nhiều thân hữu của Lê Huỳnh Phương Thảo phân tích thêm về tấm ảnh vừa đề cập. Chẳng hạn theo Bình Lục: Học trò nào đi thi mà chơi bộ đồ đen như đi đám ma ghê rứa bây? Hay Quan Anh: Trường nào mà đồng phục học sinh kỳ cục vậy? Tôi sống hơn 70 năm mà chưa thấy có trường hợp nào như thế này cả! Hoặc phán đoán như Tuan Hung Tran: Chắc là con ngủ quên mẹ đi thi giùm (13).

***

Giống như lực lượng chuyên bảo vệ trật tự, trị an của các quốc gia khác trên thế giới, Bộ Công an Việt Nam cũng cố gắng thu phục nhân tâm và các hoạt động “tiếp sức cho thí sinh” là một phần của nỗ lực này. Tại sao “ham muốn tột bậc” của Bộ Công an không những không đạt hiệu quả mong muốn mà càng cố gắng càng phản tác dụng?

https://www.voatiengviet.com/a/cu-toi-mua-thi-cong-an-nhan-dan-lai-toa-sang-/7163007.html

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/100068114569027/videos/979105763240096/

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02oUotYsH3Trx5AeVqzcwaunfys4bo65aoFPYxmMf9KWWw2SC8Lxb7cNur5qEczoGKl&id=100063897516440

(3) https://www.facebook.com/watch/?v=296161729513007

(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid09TCiu1YqYfnDP4mbvdYTpHLTdrRw73B1TMsDhCGHRu99UTGmNu7a94csGCCGYVBJl&id=100068114569027

(5) https://tapchigiaothong.vn/nhieu-thi-sinh-suyt-lo-ky-thi-tot-nghiep-thpt-neu-khong-co-su-ung-cuu-cua-csgt-183230629083116322.htm

(6) https://tapchigiaothong.vn/csgt-dung-xe-dac-chung-ho-tro-thi-sinh-ngu-quen-that-lac-can-cuoc-cong-dan-183230628173959517.htm

(7) https://www.facebook.com/groups/406720243255591/posts/1315011155759824/

(8) https://www.facebook.com/100075659178807/videos/1218611005524588/

(9) https://tuoitre.vn/thi-sinh-ngu-quen-may-duoc-canh-sat-giao-thong-giai-cuu-sao-nam-nao-cung-gap-20230629095227932.htm

(10)https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02ACzfw4JJPc2cryBh3yMoNZCYvRufJW7h5jm42CAe1GJuKxvEzDH9v5NU8kQHsE3Nl&id=100076961700798

(11) https://www.facebook.com/tram.dinhthingoc/posts/pfbid0329gesrXcJatKqWiLNsUysKfWSZ2c9QPDaAFj3mcLTH76NviS9k7y9YUNdzkU8CcDl

(12) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02kJu7uaJa6LPQTtEgv3fuGRpAypFgiu6jDoKew7NMs6dZ16PKnLfkvcpQjzLginE6l&id=100033092351865

(13) https://www.facebook.com/phuongthao.lehuynh.5458/posts/pfbid0v4PcySrrTcTvePqWnnguGc7ukpvm2z4CB5yA7zFx5QnkGRMzq8yibceHySaLQVPCl

1 nhận xét:

  1. Chức năng của CA trong hệ thống quản lý XH là gì?????? không biết xấu hổ mỗi khi khen hiệp sĩ đường phố( người không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ), thật nguy hiểm khi XH có những hện tượng như vậy...

    Trả lờiXóa