Đồng Tâm: Tòa phúc thẩm tuyên y án tuy 'không đủ cơ sở'
Bùi Thư, 10 tháng 3 2021 - Trả lời BBC News Tiếng Việt ngay sau phiên phúc thẩm, luật sư Lê Văn Hòa nói ông cùng một vài luật sư khác 'hơi bất ngờ' về kết quả y án, vì vụ kiện 'không đủ cơ sở' để kết tội. LS Hòa - người trực tiếp bào chữa cho bị cáo Lê Đình Chức, nói với BBC News Tiếng Việt: "Đây là phiên tòa người ta tuyên án mà không đảm bảo làm rõ những kiến nghị, những chứng cứ về mặt pháp lý. Việc kết án như thế là chưa đảm bảo khách quan, không đủ cơ sở để cáo buộc và chúng tôi chưa tâm phục khẩu phục. Tôi cùng nhiều luật sư khác yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ về để điều tra lại."Phiên tòa sơ thẩm xử 29 người Đồng Tâm tháng 9/2020
Sau 2 ngày xét xử, lúc 18 giờ ngày 9/3, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm với 6 bị cáo trong phiên phúc thẩm vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm. Theo đó, HĐXX quyết định giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm với các bị cáo.Như vậy, ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức vẫn bị án tử hình (cả hai đều là con trai ông Lê Đình Kình), Lê Đình Doanh án chung thân, Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù về tội giết người; Bùi Thị Nối 6 năm tù về tội chống người thi hành công vụ.
Tại phiên tranh tụng, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đề nghị hủy bản án hoặc hủy một phần bản án để điều tra lại, do còn nhiều tình tiết mâu thuẫn.
Họ cũng xin chuyển đổi tội danh cho 5 bị cáo từ "giết người" sang "chống người thi hành công vụ", và bị cáo Bùi Thị Nối từ 6 năm tù về tội "chống người thi hành công vụ" được hưởng án treo cùng nhiều kiến nghị khác.
Tuy nhiên, theo HĐXX phúc thẩm, tòa sơ thẩm đã xử đúng người, đúng tội.
Trao đổi với BBC ngay sau phiên tòa, LS Lê Văn Hòa nói với những diễn biến tại phiên phúc thẩm, nhất là cách hỏi của chủ tọa đối với các bị cáo, ông nghĩ họ sẽ được giảm án:
"Tôi nghĩ ít nhất là bà Bùi Thị Nối (người bị tuyên 6 năm tù, mức cao nhất của tội "chống người thi hành công vụ") sẽ được giảm án vì bà là một người rất đặc biệt. Sức khỏe và tâm thần bà không được tốt, nên tôi cho rằng bà sẽ được hưởng án treo như các bị cáo khác với cùng tội danh. Nhưng điều này không xảy ra, tôi rất bất ngờ".
Đồng thời, luật sư Hòa cũng nói các luật sư đã đưa những kiến nghị như triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. "Chủ tọa phiên tòa nói rằng trong quá trình diễn biến phiên tòa, nếu thấy cần thiết thì sẽ đáp ứng. Tuy nhiên, họ không triệu tập ai cả."
Những kiến nghị quan trọng là gì?
LS Hòa nêu bốn vấn đề mà theo ông là mấu chốt như:
1/ Yêu cầu công bố Kế hoạch số 419a/KH-PV01-PV02-MP do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt.
2/ Yêu cầu thực nghiệm điều tra hiện trường, đặc biệt là giếng trời nơi ba viên cảnh sát được cho là thiệt mạng
3/ Yêu cầu làm rõ cái chết của ông Lê Đình Kình
4/ Cần làm rõ cơ chế hình thành vết thương, vết đạn bắn trên người bị cáo Bùi Viết Hiểu và Bùi Thị Nối
Với yêu cầu thứ nhất, việc làm rõ Kế hoạch 419a này sẽ giúp xem xét tính hợp pháp của công vụ vào rạng sáng ngày 9/1/2020. Từ đó, mới có thể chứng minh được hành vi của các bị cáo là phạm tội theo Điều 330 BLHS là "chống người thi hành công vụ".
Trên Facebook của mình, LS Luân Lê (một trong số các luật sư bào chữa) viết rằng bản kế hoạch trên là do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt và "là một văn bản đặc biệt quan trọng".
"Dù vậy, vị đại diện Công an Hà Nội xuất hiện tại phiên toà với vai trò người tham gia tố tụng khác lại đã không được xét hỏi và bị coi là đơn vị được mời tham dự phiên toà. Và hẳn nhiên, Kế hoạch số 419a này sẽ được lưu trong hồ sơ của nhiều cấp, ngành khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không có mặt trong hồ sơ vụ án."
Mật hóa kế hoạch 419a tạo điểm nghẽn cho vụ án?
Vụ Đồng Tâm “sẽ khiến chính quyền phải xử lý nội bộ”?
LS Luân Lê phân tích:
"Vì lý do công vụ phải hợp pháp, nên nếu không đảm bảo, dẫn tới sự chính đáng của hành vi với các bị cáo, bởi, một người thực thi công vụ trái pháp luật, đương nhiên làm phát sinh tính phòng vệ chính đáng từ người bị tác động bởi hành vi được cho là công vụ đó."
"Và như vậy, tính chính đáng này cho ta đưa tới một vấn đề pháp lý quan trọng khác, nếu có, tội giết người được thành lập với những (6) bị cáo còn lại được nhìn nhận dưới góc độ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Điều đó đồng nghĩa với một tội danh khác sẽ được áp dụng lên các bị cáo."
Luật sư Ngô Anh Tuấn (phía trước) và luật sư Đặng Đình Mạnh (phía sau) khảo sát thực tế.
Về vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp, Đoàn Luật sư TP HCM - trước đó từng nhận định với BBC News Tiếng Việt:
"Văn bản 419A là văn bản quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tội danh của các bị cáo. Nếu văn bản đó ban hành trái luật hoặc trên thực tế triển khai các nghiệp vụ ngoài kế hoạch thì rõ ràng không thể nói là thi hành công vụ được".
"Khi đó, có thể xem hành vi của các bị cáo là phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Trong trường hợp này, hình phạt dành cho các bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức không quá 7 năm tù, nếu thực sự họ có các hành vi và hậu quả như cáo trạng nêu", ông Sơn nói.
Đối với việc thực nghiệm điều tra, trong phiên tòa sơ thẩm, nhiều luật sư theo dõi phiên tòa cũng đã ý kiến về tầm quan trọng của việc này, đặc biệt là giúp dư luận 'giải tỏa nghi vấn' về cái chết của ba cảnh sát.
Vụ Đồng Tâm: Vì sao không thực nghiệm điều tra?
Phản ứng dư luận trước án tử hình trong vụ xử Đồng Tâm
Chiếc hố được cho là nơi ba công an đã tử nạn.
Về vấn đề thực nghiệm, LS Sơn ý kiến với BBC hồi tháng 9/2020:
"Nếu có thể diễn lại được các hành vi mà cáo trạng miêu tả và kết quả của nó giống như đúng kết luận điều tra, cáo trạng nêu thì nguyên nhân dẫn đến cái chết của ba chiến sĩ cơ động mà cáo trạng nêu ra là chính xác. Nếu không thể diễn lại được hoặc kết quả thực nghiệm không đúng như kết luận điều tra thì rõ ràng kết luận điều tra và cáo trạng có vấn đề".
Trước đó, khi phiên phúc thẩm đang diễn ra, LS Luân Lê viết trên Facebook rằng việc chưa thực nghiệm hiện trường "càng có cơ sở để yêu cầu Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm sáng tỏ các sự kiện quan trọng này. Và theo đó, có thể xác định tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng hay Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không."
HĐXX nói gì?
Tại tòa, HĐXX cho rằng hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai tại toà phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, lời khai của người làm chứng và kết luận giám định có trong hồ sơ vụ án.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật về phiên tòa cũng dẫn kết luận HĐXX:
"Từ năm 2003, tại địa bàn xã Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình cùng một số người thành lập tổ đồng thuận, dụ dỗ người dân tham gia đòi đất trái phép, vu khống chính quyền, gây rối trật tự công cộng.
Khi biết Công an TP Hà Nội phối hợp lực lượng quân đội triển khai bảo đảm an ninh trật tự tại một số mục tiêu trên địa bàn xã, các bị cáo nhiều lần phản đối, quay video, clip đăng lên mạng xã hội kêu gọi chống đối, tuyên bố "nếu công an về sẽ tiêu diệt 300 - 500 người".
Theo đó, HĐXX nói các bị cáo thực hiện hành vi với mục đích tiêu diệt lực lượng chức năng càng nhiều càng tốt, đã được ghi hình phát lên mạng xã hội. Vì thế, hành vi của bị cáo đầu đủ yếu tố để cấu thành hành vi giết người.
Báo Thanh Niên trích ý kiến HĐXX cho rằng, các bị cáo Công, Chức, Hiểu, Tiến, Doanh đã có sự họp bàn, phân công chuẩn bị công cụ phạm tội, dù đã được lực lượng chức năng vận động nhưng quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng. Hành vi phạm tội của các bị cáo là "vô cùng tàn ác".
HĐXX cho đó là hành vi mất tính người, khi thấy các chiến sĩ công an rơi xuống đã châm lửa đốt đến mức không nhận ra thi thể, các nạn nhân bị cháy hóa than toàn thân. Vụ án gây bất bình dư luận, đòi hỏi phải có mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.
Mặc dù tòa ghi nhận và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, nhưng xét vai trò, tính chất, hành vi của các bị cáo cũng như hậu quả của vụ án, HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Các luật sư nói gì?
Tuy nhiên, LS Hòa - người trực tiếp bào chữa cho bị cáo Lê Đình Chức, nói với BBC News Tiếng Việt:
"Đây là phiên tòa người ta tuyên án mà không đảm bảo làm rõ những kiến nghị, những chứng cứ về mặt pháp lý. Việc kết án như thế là chưa đảm bảo khách quan, không đủ cơ sở để cáo buộc và chúng tôi chưa tâm phục khẩu phục. Tôi cùng nhiều luật sư khác yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ về để điều tra lại."
Với việc giữ nguyên án tử đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức, luật sư Luân Lê viết trên Facebook:
"Công, Chức, Uy và Doanh và những người khác không có bàn bạc và phân công hoặc được dặn dò về việc sẽ giết người, mà mục đích là bảo vệ ông Kình. Khi xảy ra sự kiện các cảnh sát rơi xuống hố và cháy than hoá, các bị cáo đang ở những tình thế độc lập và không hề biết về các lẫn cách hành động của nhau, ngoài Chức và Doanh có mặt tại phía trên của chiếc giếng trời."
LS Luân nói thêm:
"Bị cáo Công không biết về sự kiện ba cảnh sát rơi xuống hố; cho đến khi bị bắt và được thông báo thì mới biết rằng có sự kiện thiệt mạng này. Việc Công ném lựu đạn không rút chốt chứng tỏ Công đang muốn ngăn chặn sự áp sát của lực lượng đông đảo đang tiến gần đến. Như vậy, với bối cảnh này, không thể kết luận và cho thấy nhận thức của Công là không có mục đích tiêu diệt một con người cụ thể nào. Do đó, cần phải loại trừ ông Công khỏi sự truy tố về tội Giết người."
Đồng quan điểm, luật sư Ngô Anh Tuấn trước đó lý giải với BBC News Tiếng Việt nói: "Có sự liên quan giữa cái chết của các chiến sỹ với hành vi của ông Chức, nhưng các luật sư chúng tôi còn phải xem xét kỹ để đánh giá sự liên quan đó ở mức độ nào."
"Trong khi đó, ông Công thì hoàn toàn không có hành vi nào liên quan trực tiếp đến cái chết của ba công an. Nếu tòa không chứng minh được tính có tổ chức của việc này - việc ông Công bàn bạc để giết những người này - thì không thể nói rằng ông Công là người chỉ đạo việc viết người. Chỉ có thể nói là 'chống người thi hành công vụ'."
Tòa phúc thẩm tuyên y án tử đối với hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, con ông Lê Đình Kình
Tại phiên phúc thẩm, ông Lê Đình Công đã thay đổi kháng cáo, từ xin giảm nhẹ thành kêu oan. Theo luật sư giải thích, do mẫu đơn của trại giam đưa không có việc kháng cáo kêu oan nên phải viết đơn là "xin giảm nhẹ hình phạt".
Ông Công khẳng định không chủ mưu, cầm đầu; các bị cáo còn lại cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo các luật sư, ông Công và Chức còn hi vọng vào thủ tục ân xá gửi tới Chủ tịch nước trong vòng 7 ngày, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
"Tôi nghĩ việc này có thể phụ thuộc vào diễn biến, tình hình về mặt xã hội. Nếu có biến chuyển nào đó tốt đẹp trong xã hội, hình phạt đối với hai bị cáo Công và Chức sẽ có chút hi vọng.", LS Hòa nói với BBC hôm 9/3.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56275851
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét