CẢNH BẦN CÙNG THỜI BAO CẤP SAU 1975
FB Trần Khắc Tường - Ngành nghề sau ngày ấy
Sài Gòn đói!Người Sài Gòn phải lao vào tìm kế mưu sinh.
Vốn tháo vát, họ làm đủ các “nghề”. Có những nghề rất trời-ơi-đất-hỡi, mà không ai có thể nghĩ tới, cho đến nay các “nghề” nầy vẫn còn đọng lại trong ký ức, những tháng năm thăng trầm nghiệt ngã của người Sài Gòn xưa, mà nếu có kể lại cho lớp trẻ sau này, chắc chúng cũng nghi ngờ!
1) Bơm mực bút bi:
Người “hành nghề” bỏ tất cả đồ nghề gồm: ống tiêm, cồn tẩy mực, mực bút bi, đầu bi, ống ruột viết… vào một hộp nhỏ, đặt lên xe đạp đi rảo khắp hang cùng ngõ hẻm rao (cũng có người đặt bàn cố định một chỗ).
Cây bút bi khi hết mực, sẽ được rửa sạch ruột, nếu đầu bi hư sẽ thay đầu khác, rồi bơm mực vào ruột viết bằng kim tiêm để dùng tiếp.
Xài bút phục hồi nầy, nguy cơ mực chảy ra áo khá cao và khi viết, mực ra không đều khiến chữ viết tèm lem!
Những người “hành nghề” bơm bút bi thường kiêm luôn bơm dầu (chiếc dầu từ chai lớn vào chai nhỏ) và bơm ga hộp quẹt.
2) ”Buôn lậu”:
Do thời bao cấp ngăn sông cấm chợ,các mặt hàng tiêu dùng đều do Nhà Nước quản lý, nên nhiều người lao vào “buôn lậu” (đem hàng hóa từ nơi có giá thấp đến chỗ có giá cao) để kiếm đồng lời trang trải cuộc sống. Họ buôn gạo, thịt, tôm, cá.. từ miền Tây lên, rau cải từ Đà Lạt về hoặc than, củi miệt Long Khánh xuống v.v… Qua trót lọt hết các trạm kiểm soát thì có đồng lời kha khá, còn nếu bị “sạt hàng” thì banh vốn! phải đi vay mượn để buôn tiếp, vì:
Bần cùng sanh đao tặc
Không làm lấy con... c.. gì ăn!
3) Chợ trời:
“Nghề” nầy lạ, chẳng cần hàng quán hay hàng hóa gì cả, chỉ tành tành quanh chợ trời, hút thuốc, uống cà phê, tán dóc.. nhưng cặp mắt láo liên, coi có ai ghé vào, họ liền sáp lại hỏi: mua gì? bán gì? “nghề” nầy cần biết các mặt hàng khan hiếm ở đâu trên thị trường chợ đen, mà nhiều thứ thời bao cấp khan hiếm lắm. Nếu “trúng mánh”cũng sống được vài ngày hoặc cả tuần.
4) Lộn sên xe:
Chủ yếu là sên xe đạp và xe gắn máy. Khi sên xe đã dãn, chạy nghe rột rẹt, người ta đem đi lộn lại. “Thợ” sẽ đục ra từng mắc sên, lộn các phần trong ra ngoài để tận dụng sên, xử dụng được thêm một thời gian. Đến lúc dãn lần thứ hai sẽ gởi vào gánh “ve chai lông vịt”.
5) Móc bọc:
“nghề” nầy đã có từ xưa, trong Nam gọi là “ve chai lông vịt” nhưng đến thời bao cấp thì phát triển hơn.Người “hành nghề” chỉ cần một thanh sắt uốn móc một đầu, một cái túi và một tinh thần “chịu dơ-chịu khó”, họ lùng sục các bãi rác đầu đường xó chợ, “móc” tuốc luốc các thứ có thể bán được cho các vựa ve chai như: đồ mủ, cao su, nhựa plastic, ve chai, sắt vụn, đồng nát, lông vịt, các đồ hư trong gia đình…
Từ “nghề móc bọc” để chỉ “nghề” tận cùng dưới đáy xã hội!
6) Xe than:
Lúc bấy giờ xăng dầu khan hiếm, giới xe đò và các garage cố gắng “cải tiến”(hay cải lùi!?) xe chạy xăng dầu bằng nhiên liệu than. Một lò đốt than được gắn sau xe, dùng nhiệt năng của than bị đốt thành động năng cho xe chạy.
Trên đường đi, loại xe nầy thỉnh thoảng văng cục than cháy dở xuống đường là chuyện bình thường, người đi đường vô ý cán nhầm thì ráng chịu, chứ than vãn với ai.
Và còn nhiều, rất nhiều “nghề” nữa, nhưng:
Hồi đó chưa kịp ghi
Bây giờ không nhớ hết.
TRẦN KHẮC TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét