Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Đề xuất lập thêm hàng loạt Bộ: cảm tính của ai ?

Đề xuất lập thêm hàng loạt Bộ: cảm tính của người đương nhiệm
RFA 2021-03-17 
Cần thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo…là đề xuất do Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIV đưa ra khi báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 hôm 16 tháng 3 năm 2021.
Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIV, khi báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 hôm 16 tháng 3 năm 2021.

Dù đề xuất lập thêm Bộ, nhưng ông Xuyền cũng nhìn nhận, qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả... vẫn phát hiện còn tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành như giữa Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; và Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước…

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 17/3, cho biết ý kiến của mình:

“Những người đề nghị thành lập Bộ mới này kia căn cứ vào tình hình thực tế yêu cầu. Nhưng thông thường cái nghiên cứu để có căn cứ nền tảng lập Bộ mới thì tôi thấy khảo sát không đến nơi đến chốn. Cho nên suốt mấy chục năm nay, tình hình bộ máy nhà nước kể cả của Đảng, của nhân dân... các đoàn thể khi thì sáp nhập, khi thì tách ra... Mà nhập thì nói đạo lý nhập, tách nói đạo lý tách... nếu xem xét các đạo lý căn cứ nền tảng đó thì nó không cho thấy việc tách hay nhập là đúng.... mà tùy theo cảm tính của người đương nhiệm họ thấy như thế nào rồi họ tự làm như thế đấy thôi.”

Suốt mấy chục năm nay, bộ máy nhà nước kể cả của đảng, của nhân dân... các đoàn thể khi thì sáp nhập, khi thì tách ra... Mà nhập thì nói đạo lý nhập, tách nói đạo lý tách... nếu xem xét các đạo lý căn cứ nền tảng đó thì nó không cho thấy việc tách hay nhập là đúng.... mà tùy theo cảm tính của người đương nhiệm họ thấy như thế nào rồi họ tự làm như thế đấy thôi -Ông Lê Văn Triết

Còn ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi nhận xét về vấn đề này với RFA hôm 17/3 cho rằng, vấn đề sáp nhập và tách các Bộ ở Việt Nam đã nhiều lần tiến hành nhưng vẫn chưa ổn định. Do sắp đến nhiệm kỳ mới, nên có đề xuất thêm bộ để hoạt động Chính phủ có chiều sâu và đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Nhưng vấn đề này còn phải thảo luận nhiều chứ không thể thực hiện ngay. Cũng như trước đây cũng có đề nghị thành lập một số Ủy ban mới của Quốc hội để tương xứng với chính phủ, nhưng cũng chưa thành lập được. Theo tôi đề xuất này còn phải nghiên cứu và các bước để thảo luận.... nên chưa thể thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Bởi vì theo tôi được biết, muốn thành lập một bộ mới phải có quá trình thảo luận rất kỹ.”
Bộ Thanh niên

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vào ngày 20 tháng 4 năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị thành lập Bộ Thanh Niên. Bà nhấn mạnh: ‘Làm sao Bộ Thanh niên và Luật Thanh niên ra đời thì có lực lượng thanh niên xung kích đi đầu, bật ra được những công trình được đầu tư công, tạo việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên không có điều kiện học lên cao, chưa có điều kiện học nghề...’

Trước ý kiến thành lập Bộ Thanh Niên của Bà Ngân, vào cuối tháng 6 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề quan trọng gắn với mô hình tổ chức Chính phủ và hệ thống chính trị, cần được nghiên cứu và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đến nay lại tiếp tục đưa ra đề xuất này.
Đoàn Thanh niên Việt Nam (Ảnh minh họa). AFP.

Đối với việc lập Bộ Thanh niên, Ông Lê Văn Triết cho rằng:

“Đã có các Đoàn Thanh niên, từ thanh niên bình thường đến Đoàn Thanh niên Cộng sản đều có cơ quan. Thế bây giờ các Đoàn Thanh niên đó làm ăn thế nào mà phải lập Bộ Thanh niên làm gì? Không phải mục đích làm cho hoạt động của xã hội phát triển mạnh lên mà thường thường nền tảng đó dựa theo suy nghĩ cá nhân. Họ không nghiên cứu sâu nên lúc thì giải tán, lúc thì lập nên... mà mỗi khi lập nên tốn kém biết bao nhiêu, mỗi khi giải tán cũng lãng phí không biết bao nhiêu.”

Trong khi đó, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đoàn Thanh niên không được ra thông tư, quyết định, không được kiểm tra, thanh tra, kỷ luật ai, cũng chẳng đề xuất ra một nghị định gì của Chính phủ. Do đó, bà đề nghị thành lập Bộ Thanh niên, nâng cấp từ Đoàn, có chức năng quản lý nhà nước. Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn.
Bộ Biển đảo

Vào năm 2015, khi thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam, nhiều vị lãnh đạo đã đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển.

Các đại biểu dẫn chứng Việt Nam có trên 3.200km bờ biển, có nhiều tiềm năng dầu, khoáng sản chưa kể vùng đặc quyền thềm lục địa... Kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước, nhưng theo các đại biểu trong thời gian qua việc quản lý biển hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo, việc quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả... Vì vậy, Chính phủ cần thành lập Bộ Kinh tế biển và giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách.

Và đến nay, vấn đề liên quan đã một lần nữa được Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu lên bằng đề nghị lập Bộ Biển đảo.

Có một cơ quan phụ trách về biển đảo để giúp chính phủ có những chuyên môn hơn là tốt. Tuy nhiên, nó có phải là một Bộ hay cơ quan ngang Bộ hay không thì tôi thấy không cần thiết -Ông Trần Văn Lĩnh

Ông Trần Văn Lĩnh, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho RFA biết hôm 17/3 nhận định của ông về việc thành lập Bộ Biển đảo:

“Ở Việt Nam hiện nay thì tình hình biển đảo là một vấn đề hết sức phức tạp. Nhưng phải giải quyết vấn đề biển đảo và bảo vệ biển đảo của Việt Nam trong một chính sách chung bao gồm từ ngoại giao, quốc phòng, kinh tế... cho nên có một cơ quan phụ trách về biển đảo để giúp Chính phủ có những chuyên môn hơn là tốt. Tuy nhiên, nó có phải là một Bộ hay cơ quan ngang Bộ hay không thì tôi thấy không cần thiết. Bởi vì quốc gia Việt Nam thì không lớn, mà bộ máy tương đối cồng kềnh so với các nước khác, nên việc thành lập Bộ Biển đảo là không nên. Theo tôi nó cũng không đúng chủ trương của đảng và nhà nước là giảm nhẹ chi tiêu ngân sách.”

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩ Việt Nam hiện nay có 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và 11 đơn vị trực thuộc. Danh sách các cơ quan này được niêm yết công khai trên cổng thông tin Chính phủ.

Những nghị định, thông tư về tinh giản biên chế được Chính phủ bắt đầu đưa ra từ năm 2007, theo từng 5 năm như nghị định số 132. Tuy nhiên, theo theo số liệu của Bộ Nội vụ, sau bốn năm thực hiện nghị định này, tính đến năm 2012 tức sau 4 năm thực hiện nghị định 132, đã tăng thêm hơn 56 ngàn công chức.

Khi đó, Bộ Nội vụ đề xuất đến năm 2020 phải tinh giản biên chế 100 ngàn người. Dù bộ này chưa công bố có hoàn thành mục tiêu hay không, thì đến nay Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lại đề xuất cần thành lập thêm hàng loạt các bộ, nếu thực hiện thì sẽ có thêm hàng chục ngàn công chức.

Ông Lê Văn Triết nhận định thêm:

“Bộ máy Nhà nước mình đã quá cồng kềnh, không nghiên cứu để giải quyết cái đó, không dám đụng đến để giải quyết cái đó... mà đi lập thêm bộ để làm gì? Lập thêm bộ có mạnh hơn hay không, thì không có triển vọng gì để nói nó có khả năng mạnh lên, hay hoạt động tốt hơn.”

Theo ông Lê Văn Triết, quan trọng nhất là cần phải nghiên cứu để làm thế nào có thể tinh giản bộ máy Nhà nước, để bộ máy hoạt động có hiệu quả. Chứ không phải nghiên cứu để lập thêm cái này, sáp nhập cái kia, tách ra cái nọ. Theo ông Triết, những nghiên cứu đó không phải là nền tảng để phát triển.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/proposing-to-establish-a-series-of-ministries-just-feelings-of-the-incumbent-03172021133445.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét