Giới trẻ Việt Nam chôn giấc mơ cả đời vào một căn nhà
Ban Mai 2021-03-25 - Vì hy sinh tất cả cho căn nhà, giới trẻ VN không thể phát triển bản thân và nghề nghiệp. Không thể suy nghĩ sâu xa đến điều gì mang tính sáng tạo, xã hội, đóng góp cộng đồng. Và luôn luôn trong tâm trạng thèm thuồng, thắt lưng buộc bụng mong tương lai tươi sáng, họ ứng xử ra sao với những cám dỗ vật chất khi làm công chức nhà nước hay nhân viên kinh doanh? Khi chỉ cần gây khó dễ hay thiếu trung thực trong công việc, ngay lập tức một khoản hối lộ hay lót tay gấp nhiều lần thu nhập chính đáng dễ dàng trượt vào tài khoản, giúp mau chóng hoàn thiện giấc mơ “có nhà”? Bao nhiêu thanh niên đánh bạc? Bao nhiêu cô gái xinh đẹp sẵn sàng chấp nhận những món quà qua đêm hay Sugar Daddy, để mong một ngày sống sướng như Ngọc Trinh?Không rõ chính xác nó bắt đầu từ lúc nào, nhưng tôi nhớ ước khoảng năm sáu năm nay những bài viết kiểu như kể trên bắt đầu được sản xuất rộ trên nhiều trang báo Việt Nam. Nội dung đều na ná nhau, có biến tấu vừa phải: một anh/chị/em/cặp đôi trẻ mới ra trường, thuê nhà đi làm ở các thành phố lớn được mấy năm, lương không cao nhưng nhờ chi tiêu tiết kiệm và đúng đắn nên đều mua được nhà tiền tỷ chỉ sau vài năm.
Bất chấp nhiều câu chuyện lộ ra sờ sờ các yếu tố vô lý trong thu nhập, cách chi tiêu của nhân vật khiến người ta nghi ngờ chúng được bịa đặt nhằm câu views, thì gần như bất cứ đề tài nào dạng này cũng thu hút lượng quan tâm và bình luận khổng lồ, cả trong không gian mạng lẫn ngoài đời thực.
Hầu hết các tờ báo Việt Nam cũng đều từng thực hiện các loạt bài về vấn đề nóng này.
Ví dụ bài “Lương 10 triệu muốn mua nhà Sài Gòn có phải nằm mơ” đăng báo Tuổi Trẻ ngày 22/3/2019. Một nhân vật cho biết cô 29 tuổi, thu nhập 10 triệu, thuê căn phòng 12 m2 gần trung tâm, không có cửa sổ và ban công giá khoảng 3 triệu, chưa kể tiền điện nước. Cô phải bán sách và văn phòng phẩm trên mạng, bán trái cây có được từ nguồn bà con trồng ở dưới quê để kiếm thêm tiền để mua nhà.
Một nhân vật khác, 28 tuổi, “băn khoăn không biết có nên học liên thông đại học hay là dành dụm tiền chờ cơ hội mua nhà”. Lý do là vì có bằng đại học thu nhập sẽ cao hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn. Nhưng bây giờ đang cật lực kiếm tiền, mà lại bỏ tiền ra học sẽ chiếm nhiều thời gian và chi phí nọ kia.
May mắn hơn những nhân vật vẫn chưa chạm được đến tờ giấy sở hữu nhà nói trên, một người khác 30 tuổi vừa mua được căn hộ chung cư. Anh nói phải cố gắng để dành 10 triệu/tháng từ tổng thu nhập 15-16 triệu đồng.
“Tôi không còn những chuyến đi chơi, từ chối các cuộc nhậu, tự nấu cơm mang tới công ty với mấy món đơn giản như rau luộc, dưa leo, đồ kho, pha cà phê mang đi. Bỏ hút thuốc, mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được cỡ 2 triệu"-nhân vật kể.
Anh cũng làm thêm nhiều việc để kiếm tiền.
Đến khi mua được nhà rồi thì do vẫn còn nợ và cộng các chi phí từ ngôi nhà nên “tiêu xài cái gì cũng phải tằn tiện, vì trong đầu luôn nghĩ về nợ ngân hàng".
Báo Thanh Niên ngày 17/6/2020 có bài “Lương 15 triệu mỗi tháng có mua được nhà TP HCM trước 35 tuổi?”.
Hình chụp màn hình báo Tuổi Trẻ
Bài báo nêu “Thạc sĩ công nghệ thông tin Lê Thiên Huy (32 tuổi), đang công tác trong ngành giáo dục tại TP.HCM, tự thân mua được nhà riêng từ năm 25 tuổi, cho biết khi mới ra trường đi làm mức lương của anh chỉ 7 - 8 triệu đồng/tháng, song xác định mục tiêu phải mua được nhà ở thành phố nên anh đi làm từ thời sinh viên, tiết kiệm, không ngừng nâng cao thu nhập bằng nhiều công việc cùng lúc và mua đất theo hướng “từ xa tới gần”.
“Tôi thường chỉ dành 4 giờ đồng hồ để ngủ. Từ 3 giờ sáng, kể cả chủ nhật, tôi vẫn thức dậy đọc sách báo, dọn dẹp nhà cửa và làm việc”, anh Huy chia sẻ.
Một bài đăng vào ngày 08/05/2020 trên vietnamnet có cái tựa rất nức lòng: “Chỉ tiêu 6 triệu/tháng, chàng trai 27 tuổi đủ tiền cưới vợ, mua nhà Hà Nội”.
Anh chàng này cho biết đã sống theo chi tiêu như sau suốt 5 năm kể từ khi ra trường:
-Thuê một căn phòng trọ cách chỗ làm chục cây số cho rẻ.
-Chỉ ăn sáng bằng các món rẻ tiền no lâu như bánh bao, xôi…. Hết 10.000 đ/bữa.
-Nấu cơm mang theo đi làm, tiền thức ăn 50.000 đ/ngày cho bữa trưa và tối.
-Mỗi năm chỉ đi du lịch đúng một lần với công ty nên không tốn tiền. Không yêu đương, cũng không tốn tiền cho khoản này.
Mỗi tháng anh chỉ chi tiêu đúng 6 triệu đồng. Cùng với các khoản thưởng và dành dụm từ lương, sau 5 năm anh có khoản tiết kiệm 1,2 tỷ đồng và bắt đầu lên kế hoạch mua nhà, cưới vợ.
Một câu chuyện khác mang cái tựa còn kêu hơn đang viral trên mạng xã hội Việt Nam mấy hôm nay: KHÔNG PHẢI TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM ĐÂU NHÉ!
Nhân vật cũng là một công chức 27 tuổi, rời quê lên Hà Nội học và làm việc. Lương 9 triệu đồng/tháng, cô quyết tâm chỉ chi tiêu 3 triệu/tháng.
Cụ thể:
-Tiền phòng + điện nước: 700.000 đ (thuê chung phòng với bạn, ở xa trung tâm và chỗ làm).
-Tiền xăng xe đi lại: 200.000 đi lại bằng xe bus.
-Tiền ăn: 700.000 đồng/tháng do góp tiền ăn chung với bạn và nấu mang theo lên văn phòng.
Ngoài ra, mỗi lần về quê cô luôn tận dụng mang rau gạo, thực phẩm có sẵn ở nhà lên cũng đỡ một phần tiền chợ.
-Tiền quần áo: 500.000 đồng/tháng.
-Sinh nhật, cưới hỏi: 1 triệu.
Những câu chuyện như trên làm nổi lên mồn một hai vấn đề tồi tệ của Việt Nam lâu nay.
Thứ nhất, giá nhà ở tại các đô thị quá cao, cao phi thực tế, đến nỗi mua được một căn nhà ở tuổi dưới 30 trở thành việc quan trọng số một của cuộc đời. Ai làm được thì trở thành gần như siêu nhân, đáng thán phục và học hỏi.
Ảnh chụp màn hình báo VnExpress
Thứ hai, đời sống của (nhiều hơn một) thế hệ thanh niên Việt Nam được mô tả thảm hại và đáng thương làm sao!
Vừa cầm tấm bằng đại học, bắt đầu đi làm cũng tức là bắt đầu hành trình thực sự để trưởng thành trong đời. Lẽ ra, họ phải dành thời gian và tâm sức học rất nhiều kiến thức chuyên môn bù đắp cho chương trình giáo dục xa rời thực tế của Việt Nam. Họ phải học rất nhiều kiến thức thực tiễn trong cuộc sống và công việc. Cần xây dựng và duy trì các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, đối tác, người chỉ dẫn… hình thành trong cuộc sống và trong môi trường làm việc. Cần đi đây đi đó để quan sát, trải nghiệm, mở rộng tầm mắt. Cần nuôi dưỡng bản thân thật khỏe về thể chất và trí óc. Cần có thời gian để phục hồi năng lượng về mọi mặt và hoàn thiện bản thân, nhằm bảo đảm đi vững và đi được lâu dài trên hành trình cuộc đời.
Nhưng ở cái tuổi hoa niên mà bao nhiêu thơ ca nhạc họa xưng tụng là thanh xuân không thể có lại lần thứ hai đó, họ phải thực hành một lối sống mà dinh dưỡng chỉ nhằm no bụng. Hàng ngày tốn vài tiếng đồng hồ ngủ gật trên xe bus về nhà vì tiết kiệm tiền thuê. Não bộ và sức khỏe suy yếu vì mỗi đêm chỉ ngủ 4 tiếng. Bỏ tuột hầu hết cơ hội giao tiếp và học hỏi. Tự đóng các giác quan, tâm hồn và tấm lòng, cùng sự lớn mạnh của bản thể khi ròng rã nhiều năm trời chỉ dám sống ru rú ở một nơi nhỏ hẹp. Hầu như toàn bộ cuộc sống chỉ gồm ba bữa ăn.
Giá trị cuộc đời dường như chỉ được xác nhận sau khi sở hữu được một căn nhà.
Tồn tại như vậy, họ không thể phát triển bản thân và nghề nghiệp. Không thể suy nghĩ sâu xa đến điều gì mang tính sáng tạo, xã hội, đóng góp cộng đồng. Và luôn luôn trong tâm trạng thèm thuồng, thắt lưng buộc bụng mong tương lai tươi sáng, họ ứng xử ra sao với những cám dỗ vật chất khi làm công chức nhà nước hay nhân viên kinh doanh? Khi chỉ cần gây khó dễ hay thiếu trung thực trong công việc, ngay lập tức một khoản hối lộ hay lót tay gấp nhiều lần thu nhập chính đáng dễ dàng trượt vào tài khoản, giúp mau chóng hoàn thiện giấc mơ “có nhà”? Bao nhiêu thanh niên đánh bạc? Bao nhiêu cô gái xinh đẹp sẵn sàng chấp nhận những món quà qua đêm hay Sugar Daddy, để mong một ngày sống sướng như Ngọc Trinh?
Có nghiên cứu nào của các cơ quan hỗ trợ thanh niên như Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên, xem có mối liên hệ nào giữa các yếu tố này?
Dễ thấy niềm mơ ước tột cùng kể trên phổ biến hơn ở phía Bắc, cái ổ của tham nhũng, cửa quyền, hối lộ, cùng mua bán lợi ích nhóm.
Lợi nhuận xã hội đã được lớp chóp bu ngoạm sạch. Những con người được xưng tụng là tương lai của đất nước bị nhốt vào một đời sống gà què ăn quẩn cối xay quá đỗi nghèo nàn và thảm thương.
Nguồn cội của chúng là từ chính sách tiền lương và nhà ở tồi tệ bất hợp lý của nhà nước, suốt nhiều chục năm nay.
Một chính sách nhân lực nhà nước được mô tả như sau (cho đến giờ chưa lạc hậu):
Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý "
Lương một công chức mới ra trường vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. Để mua được một căn hộ giá khoảng 1 tỷ đồng, phải mất vài chục năm dành dụm.
Nguồn cội của chúng là từ chính sách tiền lương và nhà ở tồi tệ bất hợp lý của nhà nước, suốt nhiều chục năm nay.
Một chính sách nhân lực nhà nước được mô tả như sau (cho đến giờ chưa lạc hậu):
Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý "
Lương một công chức mới ra trường vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. Để mua được một căn hộ giá khoảng 1 tỷ đồng, phải mất vài chục năm dành dụm.
Tuy cũng có chính sách nhà ở xã hội (giá rẻ hơn trong thị trường, diện tích từ 30 m2-70 m2/căn), trong đó những người được mua phải đáp ứng điều kiện thu nhập thấp và có công ăn việc làm ổn định tại địa phương. Nhưng với số lượng nhà ở xã hội nhỏ giọt và quá ít ỏi so với nhu cầu tại các thành phố lớn, cũng như việc phê duyệt mua cũng không hề trơn tru dễ dàng, thì mua được nhà ở xã hội là vô cùng khó.
Một người dân trong căn hộ 2 mét vuông ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 2/5/2018. AFP
Theo Sở Xây dựng TP HCM, ước con số từ lũy kế giai đoạn năm 2016-2020, TPHCM hoàn thành được gần 18.000 căn hộ nhà ở xã hội. Con số này thật như muối bỏ biển, vì theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc trong giai đoạn 2011-2020 là khoảng 440.000 căn hộ, riêng TPHCM cần khoảng 134.000 căn.
Cách tính thuế phí và định mức nhà ở xã hội khiến các doanh nghiệp không được lãi trong việc đầu tư căn hộ này. Ngay cả khi bị bắt buộc phải bán lại một tỷ lệ nhất định căn hộ theo giá căn hộ xã hội (theo luật), thì họ cũng cố gắng để xin bớt.
Trong khi đó, số lượng căn hộ thương mại và biệt thự các loại được xây dựng lên ở nhiều đô thị lớn lại dư dả (do giá quá cao, người mua không mua nổi) đến mức bị bỏ hoang.
Tất cả những nghịch lý này dẫn đến việc suốt nhiều chục năm nay, hết thế hệ trẻ này đến thế hệ khác trẻ sống mòn cuộc đời họ trong khát vọng lớn lao nhất là mua được một căn nhà, ổn định cuộc sống, cho dù cuộc sống đó rất nhiều phần chỉ là tồn tại.
Một thực tế đau lòng nhưng hiển nhiên đến mức hầu như không ai nhìn thấy. Trên ti vi, các lãnh đạo vẫn đang say mê hô hào về đạo đức trong sạch. Còn những người trẻ thì say mê tính toán để làm sao có thể nhanh chóng hòa vào đám đông đó.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnamese-bury-their-life-time-dream-in-a-house-03252021113843.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét