Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã chia tay cuộc đời

Tin buồn:
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã chia tay cuộc đời
Nguyễn Huy Thiệp, một trong những nhà văn được đánh giá cao nhất trong lịch sử Việt Nam sau 1975, đã qua đời. Ông nổi tiếng lần đầu với truyện ngắn Tướng về hưu, viết năm 1987 khi 37 tuổi trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu đổi mới. Truyện ngắn này ngay lập tức gây “chấn động” giai đoạn đó.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn từng nhận xét về Tướng về hưu: “Bằng một lối kể thâm trầm của một kẻ vừa trải đời, vừa chán đời và không còn những hy vọng dễ dãi vào đời, trong Tướng về hưu, tác giả vẽ ra một khung cảnh ở đó, nếp sống thực dụng lan tràn, trở thành một thói quen; con người lì lợm lâu ngày đến mức mất hết cảm giác về sự lì lợm của chính mình; cái tốt bé nhỏ như một cái gì trớ trêu rơi rớt lại không được việc gì; lương tri vẫn còn trong mỗi người nhưng nó chỉ đủ sức làm cho người ta nghẹn ngào khi phải đối mặt với những cảnh tha hóa, bần cùng...”

Sau đó, ông Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục vang danh với các truyện Không có vua, Con gái thủy thần.

Bộ ba truyện giả lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, cũng gây chấn động một thời.


Bản dịch tiếng Đức truyện ngắn 'Vàng Lửa' đăng ở Berlin năm 1991

Năm 2008, trả lời Nguyễn Giang của BBC News Tiếng Việt tại London, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói khi ông viết các tác phẩm trong giai đoạn 1987-1992, chúng 'mang tính bản năng, điều gì trào ra từ trong lòng thì viết'.

Vẫn theo ông, đó là "giai đoạn có cái hay của nó, đẹp và vô tư. Chưa có nhiều người ghét, chưa nhiều người hâm mộ."

"Từ 1992 trở đi, sự xuất xử của tôi có khác. Có lúc tôi im, có lúc tôi đưa tác phẩm ra."

Ông giải thích rằng:

"Trong quá trình tìm chính mình này, văn học là công việc như là sự tu thân, một phương tiện để khám phá bản thân, và khám phá xã hội,"

"Từ 1992, sau khi tôi gặp gỡ đạo Phật, cách viết của tôi có khác. Có lúc như bông đùa, có lúc nghiêm nghị."

Trước câu hỏi có phải một số truyện ngắn của ông cay nghiệt với con người, và nói về chính trị xấu quá, nhà văn trả lời:

"Một số truyện của tôi không cay nghiệt. Điều cốt yếu chính là lòng nhân ái."

Giai đoạn đầu ông chịu ảnh hưởng của dòng văn học trước đó, hơi hướng ra bên ngoài.

Còn giai đoạn sau là hướng vào bên trong, "quán âm hơn", để lắng nghe tiếng nói trong lòng mình, và để sau đó là "những tiếng cười".

Một trong các nhà văn quan trọng sau 1975

Sinh năm 1950, ông Nguyễn Huy Thiệp quê quán Thanh Trì, Hà Nội, tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970.

Theo tiểu sử, ông dạy học ở Tây Bắc đến năm 1980, rồi công tác ở Cục xuất bản của Bộ Giáo dục & Đào tạo, sang làm công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ rồi nghỉ việc để chuyên viết văn.

Ông được đánh giá là nhà văn có nhiều cách tân trong văn học Việt Nam giai đoạn Đổi mới.

Chùm ba truyện ngắn Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết đăng trên báo Văn nghệ năm 1988, gây ra tranh cãi lớn vì tác giả đưa ra cái nhìn khác hẳn về các nhân vật lịch sử như Vua Gia Long và Vua Quang Trung.


Nguyễn Huy Thiệp ở Đức, Limburg, mùa xuân năm 2000, 50 tuổi, cùng kỹ sư Đỗ Quang Nghĩa (đeo kính) và con trai kỹ sư Nghĩa

Cho đến giữa thập niên 1990, Nguyễn Huy Thiệp còn bị một số người xem là nhà văn “có vấn đề”.

Tuy vậy, theo thời gian đến nay, ông được nhìn nhận là một trong số ít các nhà văn quan trọng nhất của Việt Nam giai đoạn sau 1975.

Từ hơn một năm qua, báo chí cho biết sức khỏe của ông không tốt, gặp tai biến vài lần và phải nằm trên giường bệnh.

Truyền thông tại Việt Nam hôm thứ Bảy 20/3 cho biết nhà văn qua đời vào khoảng lúc 16h45 tại nhà riêng.

Một trong các bài thơ cuối cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi lại cuộc đời có đoạn:

"Sinh lão bệnh tử/ Luật trời đã ban/ Thì đành chấp nhận/ Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi…".

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56468644

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét