Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Biển người ở chùa Tam Chúc: Hưng thịnh của Phật giáo?

Biển người viếng chùa Tam Chúc chỉ nói lên sự hưng thịnh của BỊP BỢM và sự thành công của chính sách NGU DÂN bằng công cụ "phật giáo quốc doanh" câu kết với "quan lại tham nhũng" và "doanh nhân lừa đảo"! Đất nước đang vô cùng thiếu bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng, thế nhưng chúng thống nhất với nhau không đầu tư vào đây mà đầu tư vào tâm linh, chùa chiền để lừa bịp, cướp đoạt tiền của nhân dân. Những ngôi chùa được xây dựng ngày càng to đẹp sẽ đem lại gì cho xã hội nếu không phải là sự u mê, tăm tối. Trên Blog này tôi thường viết "ở đâu có nhiều chùa, ở đó kinh tế và xã hội không phát triển", tức là phát triển kinh tế và xã hội tiến triển ngược chiều với phát triển chùa chiền.
Biển người viếng chùa Tam Chúc có nói lên sự hưng thịnh của Phật giáo?
Diễm Thi, RFA 2021-03-19 
Hôm 14 tháng Ba vừa qua, báo chí trong nước đưa tin kèm hình ảnh biển người đông nghẹt tại khuôn viên chùa Tam Chúc để tham quan, lễ chùa. Chùa Tam Chúc hiện được quảng cáo là ngôi chùa lớn nhất thế giới được xây dựng trên nền ngôi chùa Tam Chúc cổ tự với niên đại hơn 1000 năm.
Các nhà sư Phật giáo trong Ngày Phật Đản 
tại chùa Tam Chúc. Ảnh chụp năm 2019.
Báo Dân Việt dẫn lời Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc rằng, ngày cao điểm thường khoảng trên 10.000 người nhưng hôm 14 tháng Ba lượng khách tăng đột biến khiến nhà chùa rơi vào thế bị động. Thống kê cho thấy có khoảng 50.000 du khách. Để chở khách tham quan vào chùa, hơn 400 xe điện hoạt động liên tục song không thể đáp ứng nhu cầu. Ban quản lý chùa Tam Chúc phải tăng cường thêm 30 xe khách loại 45 chỗ, đồng thời ba lần dừng bán vé xe điện, vé thuyền để giảm tải khách. Các điểm như cổng Tam Quan, vườn Cột Kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và chùa Ngọc đều chật kín du khách.

Ngoài việc lo ngại dịch COVID bùng phát, dư luận xã hội cho rằng chuyện hàng chục ngàn người đổ đến chùa Tam Chúc như vậy là chuyện lạ, bởi đây là ngôi chùa mới xây chứ không phải ngôi chùa truyền thống hàng trăm năm như chùa Hương.

Theo thống kê từ Chính phủ, lượng du khách tìm về chùa Hương vãng cảnh, lễ Phật trong ngày đầu mở cửa 13 tháng Ba vừa qua chỉ khoảng 30.000 người, tức khoảng 60% lượng khách đổ về chùa Tam Chúc.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng, các công ty du lịch nắm bắt được tâm lý khủng hoảng lòng tin của người dân Việt nên quảng cáo rất mạnh hình thức du lịch tâm linh. Ông nói:

“Mấy năm gần đây có một sự rất lạ lùng là những ngôi chùa to lớn mới lập được các báo chí tung hô rất nhiều, ví dụ như chùa bái Đính, chùa Ba Vàng, chùa Tam Chúc. Nhưng hoạt động của những ngôi chùa này thực sự không phải để tôn vinh đạo pháp và hoằng dương Phật pháp, mà nó hoạt động giống như những công ty du lịch. Có thể gọi là những công ty TNHH về du lịch văn hóa tâm linh. Người ta đã nắm bắt được nhu cầu rất lớn của người dân Việt Nam hiện nay là khủng hoảng về lòng tin.

Họ không còn biết tin vào đâu nữa và họ cảm thấy cuộc sống của họ có nhiều bất trắc, rủi ro cả trong công việc làm ăn lẫn trong cuộc sống. Họ phải tìm một niềm tin ở tôn giáo hoặc tín ngưỡng.”

Trong một trang web quảng cáo về du lịch trong nước, chùa Tam Chúc được giới thiệu là ‘quần thể khu di tích chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới với các hạng mục: Cổng Tam Quan, Vườn Cột Kinh, Điện Tam Thế. Bước qua hàng cửa gỗ chạm khắc tinh xảo, phía trước là ba pho Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Đoàn sẽ tham quan Điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, vãn cảnh chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh với 299 bậc lên, được xây dựng hoàn toàn bằng khối đá granit lấy từ Ấn Độ.’

Một nhà sư đang cầu khấn tại chùa Tam Chúc. Reuters

Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương nhận định về hiện tượng chùa Tam Chúc vừa qua:

“Theo tôi, một phần là do Việt Nam có phong tục đi chùa dịp Tết. Tết năm nay do dịch bệnh nên người ta không thể đi, đến khi được nới lỏng thì họ đổ lên chùa đông như vậy. Một phần nữa là do người ta tập trung vào một ngôi chùa chứ nếu rải ra nhiều chùa thì không đến mức đông như vậy. Chùa Tam Chúc mới xây và được quảng cáo dữ quá nên người dân dân đổ về quá đông. Quảng cáo rầm rộ từ trước cho đến bây giờ vẫn đang quảng cáo trên TV, trên báo mà người ta gọi là du lịch tâm linh, tức là du lịch lễ chùa. Chính vì quảng cáo mạnh như thế nên lượng người đến đông như vậy.

Hòa Thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất từng nhận định với RFA rằng, bây giờ đời sống xã hội Việt Nam về mọi mặt đều suy yếu, xuống cấp, người dân bây giờ quá nhiều khổ đau, cuộc sống bấp bênh nên họ không có niềm tin vào xã hội mà họ chỉ biết tin vào Thần Thánh.

Theo một số nhà xã hội học, việc tư nhân đầu tư xây dựng những ngôi chùa lớn có tính thẩm mỹ cao ở một khía cạnh nào đó đem lại giá trị văn hóa, kiến trúc cho xã hội. Tuy nhiên, nếu quản lý chùa theo xu hướng thương mại hóa thì thành phản cảm. Sinh hoạt tâm linh vốn khuyến khích con người làm điều thiện. Một khi tâm linh bị thương mại hóa sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho con người. Thay vì lao động, họ chỉ nghĩ đến cầu cúng để đạt được sở nguyện.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nêu quan điểm của ông:

“Vào những ngày cuối tuần vừa qua, một ngày mà chùa Tam Chúc đón tới 50.000 người. Thế thì ở đây nó cho thấy một sự mê lầm và khủng hoảng niềm tin của người dân Việt Nam hôm nay. Đấy không phải là sự thịnh vượng của đạo Phật, của Phật giáo mà nó là biểu hiện của thời kỳ mạt pháp của đạo Phật ở Việt Nam.

Những ngôi chùa to lớn với hàng trăm hecta như Bái Đính hay Tam Chúc như một mạng lưới kết hợp rất chặt chẽ với các công ty du lịch cho nên người ta đón khách một cách dễ dàng, đưa đến lợi nhuận kinh khủng. Người dân đi lễ chùa cũng không còn hướng đến Phật pháp, hướng đến những điều thiện, hướng đến điều chân của đạo Phật nữa mà họ đi vào những lời cầu nguyện mê lầm với những mong mỏi về ăn thua và may rủi trong cuộc sống”.

Hiện xã hội đang thiếu bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, thế nhưng những người có tiền không đầu tư vào đây mà lại đầu tư vào những khu du lịch tâm linh, chùa chiền. Những ngôi chùa được xây dựng ngày càng to đẹp sẽ đem lại gì cho xã hội, là điều dư luận có quyền thắc mắc.

Một trong những ngôi chùa được chính vị trụ trì là Đại đức Thích Trúc Thái Minh xác nhận là ngôi chùa lớn trong nước cũng như thế giới, là Chùa Ba Vàng. Ngôi chùa này tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi chùa này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam với diện tích 4.500 mét vuông.

Ngôi chùa đang được nói đến nhiều nhất những ngày qua là Chùa Tam Chúc là chùa lớn nhất Đông Nam Á. Toàn khu vực rộng 5.100 ha, bao gồm hệ thống các công trình văn hóa thể thao được xây dựng mới gắn với hồ Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao tỉnh Hà Nam.

Chùa Bái Đính là một quần thể Phật Giáo rộng khoảng 540 ha. Du khách lần đầu đến sẽ choáng ngợp trước sự hùng vĩ, rộng lớn và vẻ đẹp nơi đây.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thousands-of-people-visiting-tam-chuc-pagoda-not-the-prosperity-of-buddhism-dt-03192021123434.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét