LẠM BÀN VỚI GSTS VÕ TÒNG XUÂN VỀ LÚA GẠO
- Tô Văn Trường - Nhiều người hỏi tôi bình luận về ý kiến của GSTS Võ Tòng Xuân thể hiện trong bài báo: ”Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa chính chúng ta đang cãi trời”. https://soha.vn/gs-vo-tong-xuan-dung-do-loi-cho-trung...TS Vũ Quang Việt hoàn toàn tán đồng ý kiến của GS Xuân về chính sách sai lầm của Việt Nam là quá tập trung vào sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do dân không được tự thay vì sản xuất sản phẩm khác, phù hợp với biến đổi khí hậu.
Có thể nhìn qua để thấy sản xuất lúa gạo dư thừa ở VN như thế nào, để trung bình xuất đến khoảng hơn 20% sản lượng hàng năm. Và lại rất tự hào về lượng xuất khẩu (thấp giá này). Không những thế, lượng xuất tăng nhưng đô la thu không tăng vì giá giảm.
CÂY LÚA VN VƯƠN XA VẠN DẶM
Năm 2008, GSTS Võ Tòng Xuân “rủ rê” tôi cùng sang Sierra Leone tìm cách giúp quốc gia Tây Phi này thoát khỏi nạn thiếu lương thực sau nhiều năm chiến tranh thảm khốc. Đoàn chúng tôi có 3 người GSTS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Đại học An Giang, TS. Tô Văn Trường- Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, và KS. Đặng Minh Sơn- Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và Xây dựng quốc tế (ICIC) là người tài trợ kinh phí cho dự án thí điểm trồng lúa ở Sierra Leone. Đoàn đã được Chính phủ Sierra Leone từ Phó Tổng thống Solomon Berewa đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thựcTS Sama Monde tiếp đón rất ân cần.
Gs Xuân phụ trách về giống, và các kỹ thuật gieo trồng lúa, còn tôi làm thuỷ lợi để đưa nước từ sông lên khu vực cánh đồng thí nghiệm. (Ảnh GS Võ Tòng Xuân và TS Tô Văn Trường đang khảo nghiệm cây lúa trong nhà lưới làm đối chứng tại Mange Bureh)
Tôi không bao giờ quên những ngày gian nan đó, vì được sống chung với người nông dân Tây Phi nghèo khổ, ở nơi nhà tạm, không có điện, không nước máy. Tôi vẫn nhớ tiếng cười nói hân hoan, reo hò vui sướng của dân làng khi đón nhận dòng nước mát từ sông được bơm lên từ trạm bơm dã chiến (thiết kế kiểu bè nổi vì dao động mực nước sông rất lớn) chảy vào cánh đồng thí nghiệm lúa. Rất đáng tự hào về truyền bá “văn minh lúa Việt”! (Hình ảnh thảo luận về phương án thiết kế vận hành công trình thủy lợi)
Tôi gần gũi và kính trọng GS Võ Tòng Xuân, đọc rất kỹ bài trả lời phỏng vấn của GS ”Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa chính chúng ta đang cãi trời” thực lòng mà nói nội dung không có gì mới mà còn nhiều vấn đề băn khoăn cần giải đáp.
Tôi gần gũi và kính trọng GS Võ Tòng Xuân, đọc rất kỹ bài trả lời phỏng vấn của GS ”Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa chính chúng ta đang cãi trời” thực lòng mà nói nội dung không có gì mới mà còn nhiều vấn đề băn khoăn cần giải đáp.
NHÌN LẠI VẤN ĐỀ LƯƠNG THỰC ở ĐBSCL
Lịch sử phát triển nông nghiệp của Việt Nam hầu hết giống cây trồng mới của VN đều có nguồn gốc nước ngoài như lúa, sắn, đậu tương, cà phê, ngô,... Một số giống được khai thác trực tiếp, một số giống làm vật liệu di truyền để tạo ra giống mới. Các nước tạo rất nhiều điều kiện để các thành tựu trong nông nghiệp của nước ta được ứng dụng hiệu quả. Nhiều chuyên gia về nông nghiệp của Việt Nam được đào tạo, trưởng thành từ nước ngoài rồi về nước giúp phát triển nông nghiệp trong đó có cây lúa.
Theo tôi hiểu mỗi giai đoạn phát triển có các nhu cầu khác nhau với hoàn cảnh lúc đó mà nhiều khi mình không hiểu rõ hết áp lực của người làm chính sách gặp phải. Trong giai đoạn cả nước còn thiếu ăn, phải nhập gạo và còn ăn độn bo bo, khoai lang, khoai mì thay gạo, thì sản xuất nhiều gạo lúc đó là ưu tiên số 1.
Trong bài báo mới đây, cũng cho thấy chính ngay trong thời kỳ đó, GS Võ Tòng Xuân cũng đã cố gắng tìm cách giúp nông dân VN sản xuất gạo, chứ lúc đó chưa ai nói sản xuất nhiều gạo là sai lầm
https://laodong.vn/.../gs-ts-vo-tong-xuan-nguoi-gieo...
Trong lời tựa của cuốn sách hướng dẫn trồng lúa của IRRI soạn năm 1991 do nông trường sông Hậu xuất bản, GS Võ Tòng Xuân cũng đã viết: “Kính chúc bà con ta luôn luôn thành công với nghề trồng lúa trong thời đại mới”.
Như vậy, khi nhu cầu lương thực chuyển từ giai đoạn thiếu ăn, lên ăn đủ, rồi ăn no, ăn đầy đủ dinh dưỡng, và ăn cho đúng an toàn thực phẩm đòi hỏi các chuyển biến rất lớn về nhận thức, hiểu biết về khoa học kỹ thuật, cần các thay đổi về chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển từ cấp trung ương đến địa phương đến từng người nông dân và người tiêu thụ. Không kể các chuyển biến này phải phù hợp với phát triển các mặt khác về kinh tế xã hội, không phải chỉ trong nước, mà cả khi hội nhập giao thương với thị trường thế giới.
Do đó, có lẽ không nên so sánh một chính sách trong quá khứ với tình hình hiện tại rồi phê bình là sai lầm, trong khi chính sách này đã được thay đổi khá nhiều trong những năm vừa qua, thông qua các thông tin mà chính GS Võ Tòng Xuân đã nói trong bài phỏng vấn nói trên.
Theo tôi hiểu, nếu “mổ xẻ” kỹ hơn, chúng ta thấy Việt Nam không phải bị ám ảnh nạn đói năm 1945 mà do chính sách thời bao cấp, khiến thiếu lương thực tràn lan: "ngăn sông cấm chợ" để thực hiện "mỗi huyện là 1 pháo đài vững mạnh" (tự túc toàn bộ). Sau này, là ép chỉ tiêu tăng trưởng GDP, cấp trên và các địa phương sợ mất thành tích, ảnh hưởng đến bầu bán.
Doanh nghiệp phụ trách khâu cuối cùng để tiêu thụ sản phẩm nhưng các ông lớn gặp nhiều khó khăn do cơ chế quốc doanh, nợ nần chồng chất. Thí dụ Vinafood, doanh nghiệp vừa nhỏ có cố gắng nhưng sức lực yếu, sự hỗ trợ của nhà nước không đáng kể. Kỹ sư Hồ Quang Cua làm được lúa giống thơm Sóc Trăng, năm ngoái được bình bầu là gạo ngon nhất thế giới. Gạo thơm này bán được giá cao nhưng qui mô nhỏ. Ngoài ra, để xây dựng uy tín thương hiệu nông sản thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là quan trong nhất nhưng qui định về MRLs (maximum residue limits) không tương thích với các nước khác (thông tư 50 của Bộ Y tế năm 2015) nên không có tác dụng.
Ngẫm suy, đúng là chúng ta cần giảm sản xuất gạo khi đã đủ an ninh lương thực, nhưng chuyển qua cây trồng, vật nuôi khác đâu phải dễ, nào là hạ tầng thủy lợi, chế biến, thị trường và quan trọng hơn cả là đào tạo nông dân, một việc không phải ngày 1 ngày 2.
Hiện nay, lúa gạo đã chứng minh vai trò kinh tế-xã hội của chúng ta và chiến lược hiện tại về lúa gạo là đúng: Giảm dần diện tích tại các vùng khó khăn và tăng tỉ lệ gạo chất lượng cao. Về giảm diện tích lúa gạo, nhiều người cũng đã từng nói như Gs Xuân.
Như vậy, không thể nói VN vẫn giữ chính sách độc canh cây lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, muốn thay đổi một chính sách nông nghiệp, và cả một hệ thống canh tác dựa trên nền đất lúa, cần phải có thời gian.
Việt Nam đã có chính sách liên kết bốn nhà trong nông nghiệp, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại từ năm 2013.
Trong mấy năm vừa rồi, lại có thêm 2 nhà nữa là nhà băng (ngân hàng) và nhà phân phối (nhà buôn) tham gia vào thành 6 nhà, kể cả người tiêu thụ càng ngày càng tích cực trong việc tiêu thụ nông sản trong nước. Năm 2020, ĐBSCL gieo trồng hơn 1,5 triệu ha lúa mỗi vụ, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Sản lượng lúa cả năm ước tính đạt 24 triệu tấn. Bộ mặt kinh tế nông nghiệp ĐBSCL được xác định 3 trọng tâm theo thứ tự ưu tiên: Thuỷ sản, cây ăn quả, lúa, đây cũng là vựa lúa lớn nhất của cả nước.
TÁC ĐỘNG CỦA PHÍA TRUNG QUỐC.
Công luận cần tránh đưa thông tin cực đoan từ cực nọ sang cực kia từ chỗ luôn đổ lỗi cho Trung Quốc xây hệ thống đập thuỷ điện tác động rất xấu đến phát triển sản xuất và đời sống của người dân ở ĐBSCL hoặc ngược lại cho rằng Trung Quốc hoàn toàn vô can.
Nói có sách, mách có chứng: Trung Quốc nằm ở thượng nguồn sông Mê Công, tổng diện tích lưu vực thuộc Trung Quốc và Myanma vào khoảng 18% diện tích lưu vực và đóng góp tổng lượng dòng chảy bình quân hàng năm vào khoảng 18%. Ở điều kiện tự nhiên dòng chảy kiệt nhất từ Lancang Trung Quốc vào khoảng 700 m3/s. Từ 1993 thủy điện Manwan bậc thang thủy điện đầu tiên trên Lancang được xây dựng với tổng dung tích 920 triệu m3 trong đó dung tích hữu ích vào khoảng 257 triệu m3 đến nay có đến 11 thủy điện đã được xây dựng ở phía thượng lưu này với tổng dung tích hữu ích lên tới 23,2 tỷ m3 và tổng dung tích các hồ chứa này lên tới hơn 50 tỷ m3. Theo qui hoạch tổng số các hồ thủy điện phía Trung Quốc lên tới xấp xỉ 30 hồ với tổng dung tích hữu ích vào khoảng 25,1 tỷ m3.
Từ 2013 đến nay, cơ bản các hồ chứa lớn phía thượng lưu Trung Quốc đã hoàn thành, từ đó đến nay nó đã làm thay đổi hoàn toàn chế độ thủy văn, thủy lực trên dòng chính hạ lưu vực sông Mê Công. Phía thượng nguồn từ Chiang Saen đến Viêng Chăn lũ giảm, dòng chảy mùa kiệt tăng, thường ở mức trên trung bình, có một số giai đoạn dòng chảy giảm đột ngột, thấp nhất khoảng 700 m3/s như dòng chảy kiệt nhất từ Trung Quốc xuống hạ lưu.
Nếu xét về dòng chảy từ thượng lưu Trung Quốc xuống hạ lưu từ khi có các hồ chứa thủy điện điều tiết ở chế độ vận hành bình thường, dòng chảy mùa kiệt xả ở mức 1100 đến 2300 m3/s, với mức đóng góp dòng chảy như vậy nó có thể chiếm 30-50% lượng dòng chảy về đến Kratie, có thể nói đây là lượng đóng góp rất quan trọng cho dòng chảy mùa khô xuống hạ lưu góp phần giảm xâm nhập mặn ở các cửa sông.
Tác động bất lợi từ các hồ thủy điện thượng lưu và việc vận hành các hồ này là làm suy giảm phù sa xuống hạ lưu, hơn 90% lượng phù sa đóng góp từ Trung Quốc đã bị giữ lại các hồ chứa này. Vận hành bất thường các thủy điện có thể làm dòng chảy phía hạ lưu thay đổi đột ngột trái qui luật. Ví dụ ở một năm thủy văn nhiều nước, nếu mất đi lượng điều tiết từ các thủy điện phía Trung Quốc có thể làm dòng chảy xuống hạ lưu như năm kiệt nước. Ngược lại, ở điều kiện năm hạn, nếu có gia tăng khoảng 2 tổ máy phát điện thì lượng nước về hạ lưu lại tương đương với những năm trung bình nước (xem hình minh hoạ dưới đây).
Thực tế 2 năm qua (2020 và 2021) Trung Quốc đều giảm nước vào đầu năm và ảnh hưởng nước về đến ĐBSCL vào đúng các dịp Tết cổ truyền, tuy nhiên rất may ở năm nay (2021) do có ảnh hưởng của La Nina, mưa trái mùa kết hợp với xả nước gia tăng các hồ chứa phía hạ lưu nên đã góp phần bù đắp lượng thiếu hụt nước từ Trung Quốc. Nếu việc cắt giảm nước cứ lặp lại ở các năm tiếp theo sao cho nước về đến đồng bằng thấp nhất vào dịp tết thì việc đón Tết cổ truyền của người dân vùng ĐBSCL sẽ không còn được vui xuân trọn vẹn vì luôn phải canh cánh lo mặn hạn bất thường. Điều này đã xảy ra ở dịp tết 2020 khi mà mặn lên bất thường, một số nhà vườn cây trái ở Vĩnh Long đã bị thiệt hại do chủ quan không kiểm tra độ mặn trước khi bơm tưới.
(Hình ảnh minh họa tác động do vận hành bất thường ở thủy điện Trung Quốc có thể làm dòng chảy về Kratie thay đổi bất thường).
LỜI KẾT
Nói chung, ý kiến GS. Võ Tòng Xuân là rất đáng suy ngẫm. Nhưng quá nhiều rào cản do cơ chế nên “vòng kim cô” vẫn không tháo ra được. Tuy nhiên, giảm lúa, chuyển cây trồng thì cũng phải có những điều kiện tương tự. Hiện này, giá xoài tại An Giang, Đồng Tháp rớt thê thảm. Trước đây, giá 20.000 đ-30.000 đ/kg nay còn dưới 10.000 đ/kg, nông dân cũng vẫn khổ.
Chúng ta khi bàn luận về chính sách trong quá khứ để rút ra những bài học kinh nghiệm là rất đúng đắn nhưng nếu từ đó, nêu ra được các bước cụ thể phải làm gì, làm như thế nào, khi nào cho hôm nay và mai sau thì càng có giá trị hơn.
Nói "thuận thiên" nhưng để áp dụng trong thực tế còn nan giải vì đất chật, người đông, chịu áp lực về phát triển kinh tế nên phải chọn lọc triết lý sống khôn ngoan, các giải pháp chủ động để thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các tác động từ các nước thượng lưu đến ĐBSCL.
Bài toán phát triển bền vững ở ĐBSCL, ông Trời thì xa quá, nên cần hỏi nông dân, và nhà khoa học. Khi thành qui hoạch thì phải nghiêm minh, cơ quan theo dõi, giám sát phải dám “thổi còi” đừng sợ mất lòng, “mất ghế”! ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét