Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Từ đồng nghĩa và sự tùy tiện của người Việt

Từ đồng nghĩa và sự tùy tiện của người Việt
Khi nhận xét về một bài viết của FB Trần Thị Thùy Linh trong đó có những lỗi chính tả, tôi có viết: "Nên viết cho đúng tiếng Việt. Văn hay chữ tốt cũng là một góc con người. Người Việt hay tặc lưỡi viết được đủ ý là được mà quên mất câu văn phải hay, chính tả phải đúng. Từ cẩu thả ở đây (trang FB) dẫn đến cẩu thả trong công việc... Lãnh đạo quốc gia mà cẩu thả thì đất nước xuống chó".

Tiếng Việt cực kỳ phức tạp. Dân gian có câu "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Đặc biệt những từ đồng nghĩa rất nhiều. Nhà nghiên cứu Bằng Giang đã thống kê được hơn 1.001 cách diễn đạt về từ "chết" với cách đánh giá chết khác nhau, điển hình như:

- Kính trọng: từ trần, tạ thế, khuất núi, quy tiên, qua đời, mất, đi xa, ra đi, yên nghỉ, từ giã cõi đời, trút hơi thở cuối cùng, thác, băng hà, hi sinh, ngã xuống, nằm xuống, nằm lại, tử trận, thịt nát xương tan, rơi đầu, về với tổ tiên, về nơi an nghỉ cuối cùng, về nơi chín suối, sang bên kia thế giới, tim ngừng đập, an giấc ngàn thu, thành người thiên cổ,...

- Tín ngưỡng, tôn giáo: về với Chúa, về nước Chúa, Chúa gọi, viên tịch, quy tiên, về trời, thăng thiên, hồn lìa khỏi xác, xuống suối vàng, về miền cực lạc, trở về với cát bụi,...

- Không tôn trọng: rồi đời, xong đời, bỏ mạng, ngoẻo, ngủm, ngủm củ tỏi, ngủm cù đèo, tiêu, tiêu đời, toi đời, toi mạng, lên đường, ăn đất, đi đứt, đi toi, đứt bóng, vào hòm, vào 6 tấm, xuống mồ, đi đời, đi đời nhà ma, đi tong, rũ xương, chết tươi, chết toi, lên bàn thờ ngồi chơi, đi buôn muối, "đai" (tiếng lóng của từ die), ngồi bàn thờ ngắm gà khỏa thân…

.......

Có thể kể ra vô số từ đồng nghĩa như thế. Tại sao tiếng Việt lại phong phú như vậy ? Tôi cho rằng nguyên nhân chính là từ sự tùy tiện của người Việt. Khi khó chọn được từ sử dụng cho chính xác thì người dân tùy tiện bịa luôn ra một từ nào đó thay thế. Một số người khác cũng không muốn nghĩ lâu, khi cần lại sử dụng chính từ thay thế đó. Thế là từ một từ đã sinh ra vô số từ đồng nghĩa.

Hậu quả của sự tùy tiện đó là gì ? Là trong mọi hoạt động đời sống xã hội, người Việt không nghiêm khắc với bản thân; làm gì cũng tùy tiện, phiên phiến, miễn là xong việc; nếu chất lượng chưa tốt thì cũng vui vẻ tặc lưỡi cho qua.

Đọc văn chương, chữ nghĩa của người Việt bây giờ chán lắm, nhất là các văn bản, báo cáo của các cơ quan nhà nước. Đầy lỗi ngữ pháp, đầy lỗi chính tả. Đó là chưa nói tới vi phạm các quy tắc, chuẩn mực về hình thức và bố cục văn bản, đánh dấu các tiêu đề, kích cỡ chữ, phông chữ...

Cho nên, mỗi chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả khi viết trên trang FB này, cũng cần tôn trọng ngôn ngữ Việt, chọn từ đúng với hoàn cảnh và viết câu đúng với quy tắc. Làm như thế không những góp phần vào việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng và chính xác của tiếng Việt, mà còn giúp chúng ta làm việc tốt hơn, khoa học hơn và hiệu quả cao hơn.

Trên thế giới có rất nhiều ngôn ngữ, chữ viết, nhưng từ bé tôi đã nghe nói rồi sau này đọc sách nên càng hiểu tiếng Pháp là ngôn ngữ có độ chính xác cao nhất. Vì thế thời trước, các hiệp định quốc tế thường được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau để các bên tham gia hiệp định ký, nhưng bao giờ cũng có thêm một bản tiếng Pháp. Các bên công nhận bản tiếng Pháp là
 bản chính và được dùng làm cơ sở giải quyết các tranh chấp. 

Biết bao giờ tiếng Việt có độ chính xác cao như vậy ? Điều này phụ thuộc vào chính mỗi chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét