Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Ngày Chủ nhật đẫm máu ở Miến Điện: Bắn chết 22 người biểu tình

Phản đối chế độ độc tài quân sự và mọi chế độ hình thành từ việc dùng bạo lực cướp chính quyền. Hoan hô và khâm phục nhân dân Miến Điện. Họ không sợ dù ít nhất đã có 126 người bị chính quyền độc tài bắn chết, hơn 2.150 người bị giam giữ...
Ngày Chủ nhật đẫm máu ở Miến Điện: Bắn chết 22 người biểu tình
FB Nguyên Hương • 16/03/21 Ngày Chủ nhật đẫm máu ở Miến Điện: nhiều người dân bị giết chết, bốn nhà máy của Trung Quốc bị đốt cháy. Lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 22 người biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở khu công nghiệp nghèo nàn thuộc vùng ngoại ô Hlaingthaya của Yangon, Miến Điện hôm Chủ nhật (14/3) sau khi các nhà máy của Trung Quốc bốc cháy ở đó, một nhóm vận động cho biết. Những người vừa bị giết ngày 14/3 đã nâng số lượng người bị giết từ các cuộc biểu tình lên 126 người, đồng thời, có hơn 2.150 người bị giam giữ vào thứ Bảy (13/3) trong đó có hơn 300 người đã được thả.
Người dân Myanmar giơ biểu ngữ "Sự can thiệp của Trung Quốc hãy biến đi" hôm 12/2/2021 trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar. (Ảnh: Getty Images)

Hình ảnh người dân Myanmar biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội hôm 17/2. (Hkun Lat/Getty Images)

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) và một cảnh sát cho biết, ngoài Hlaingthaya, còn có 16 người biểu tình cũng bị giết chết ở những nơi khác, khiến Chủ nhật (14/3) là ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 chống lại nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi.

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, có nhiều nhân viên người Trung Quốc bị thương và mắc kẹt trong các cuộc tấn công đốt phá của những kẻ không rõ danh tính vào các nhà máy may ở Hlaingthaya. Bắc Kinh được coi là ủng hộ quân đội đã nắm quyền.

Truyền thông địa phương cho biết, khi khói bốc lên từ khu vực công nghiệp, lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình ở vùng ngoại ô, nơi sinh sống của những người di cư từ khắp đất nước.

“Thật là kinh khủng. Mọi người đã bị bắn trước mắt tôi. Nó sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của tôi ”, một phóng viên ảnh tại hiện trường không muốn nêu tên hồi tưởng.

Theo truyền thông nhà nước Miến Điện, thiết quân luật đã được áp dụng ở Hlaingthaya và một quận khác của Yangon, trung tâm thương mại và cố đô của Miến Điện.

Đài truyền hình Myawadday do quân đội quản lý cho biết, lực lượng an ninh đã hành động sau khi bốn nhà máy may mặc và một nhà máy phân bón bốc cháy và khoảng 2.000 người đã ngăn xe chữa cháy tiếp cận họ.

Không có nhóm nào nhận trách nhiệm đốt các nhà máy.

Một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận.

Các binh sĩ quân đội trang bị súng bắn tỉa trong cuộc biểu tình ở Mandalay vào ngày 20/2. (STR / AFP qua Getty)

Tiến sĩ Sasa, một đại diện của các nhà lập pháp được bầu chọn từ hội đồng bị quân đội lật đổ, đã chia sẻ tình cảnh của người dân Hlaingthaya.

Ông nói trong một thông điệp: “Những thủ phạm, những kẻ tấn công, kẻ thù của người dân Myanmar, SAC (Hội đồng Hành chính Nhà nước) xấu xa sẽ phải chịu trách nhiệm cho từng giọt máu đã đổ.

AAPP cho biết những người vừa bị giết ngày 14/3 đã nâng số lượng người bị giết từ các cuộc biểu tình lên 126 người, đồng thời, có hơn 2.150 người bị giam giữ vào thứ Bảy (13/3) trong đó có hơn 300 người đã được thả.

Bầu không khí phản đối Trung Quốc đã tăng lên kể từ cuộc đảo chính khiến Miến Điện rơi vào tình trạng hỗn loạn, với những người phản đối cuộc đảo chính của quân đội nhấn mạnh việc Bắc Kinh im lặng trước cuộc đảo chính trong khi phương Tây mạnh mẽ lên án.

Hiện có hai nhà máy bị đốt cháy, lãnh đạo cuộc biểu tình Ei Thinzar Maung đăng trên Facebook.

Bà nói: “Nếu bạn muốn kinh doanh ở Myanmar ổn định, thì hãy tôn trọng người dân Myanmar. "Hlaingthaya không chịu khuất phục, thật đáng tự hào!!"

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar đã lên án điều mà bà gọi là "sự tàn bạo đang diễn ra".

Christine Schraner Burgener cho biết bà đã “tận tai nghe những người đang ở Myanmar kể lại những câu chuyện đau lòng về những vụ giết người, ngược đãi người biểu tình và tra tấn tù nhân vào cuối tuần qua”.

Việc đàn áp làm suy yếu triển vọng hòa bình và ổn định, bà nói và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ người dân Miến Điện và nguyện vọng dân chủ của họ.

Vương Quốc Anh, nước trước kia cai trị thuộc địa Miến Điện cho biết, họ kinh hoàng trước việc lực lượng an ninh sử dụng vũ lực giết người đối với những người vô tội ở Hlaingthaya và những nơi khác.

“Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực này và yêu cầu chế độ quân sự trao lại quyền lực cho những người được người dân Miến Điện bầu chọn một cách dân chủ”, Đại sứ Anh Dan Chugg nói.

Quân đội cho biết họ đã nắm quyền sau khi có cáo buộc gian lận bầu cử ngày 8/11 mà chiến thắng của bà Suu Kyi đã bị ủy ban bầu cử bác bỏ. Ủy ban hứa sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới, nhưng không ấn định thời gian.

Bà Suu Kyi đã bị giam giữ kể từ sau cuộc đảo chính và trở lại tòa án ngày 15/3. Bà sẽ phải đối mặt với ít nhất bốn tội danh, bao gồm việc sử dụng bất hợp pháp bộ đàm và vi phạm quy định về coronavirus.



Ngoài Hlaingthaya, ít nhất còn có 16 người bị giết chết ở những vùng khác tại Miến Điện, bao gồm cố đô Mandalay và thành phố Bago, nơi truyền hình nhà nước MRTV cho biết một cảnh sát đã chết vì vết thương ở ngực sau cuộc đối đầu với người biểu tình.

Đây là người cảnh sát thứ hai chết do đụng độ với người biểu tình.

Bạo lực diễn ra một ngày sau khi ông Mahn Win Khaing Than, người đang chạy trốn cùng với hầu hết các quan chức cấp cao của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi cho biết, chính phủ dân sự sẽ trao cho người dân quyền hợp pháp để tự vệ. Họ đã công bố luật này vào Chủ nhật (14/3).

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét