Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Bộ máy Nhà nước sẽ có nhiều gương mặt mới

Đọc bài này thì thấy anh phóng viên đã biết hết phương án nhân sự Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận tổ quốc khóa tới, chỉ có điều chưa dám viết huỵch toẹt ra tên người cụ thể. Kỳ lạ thật; phương án nhân sự cấp cao thuộc danh sách tuyệt mật của Nhà nước, vậy một anh phóng viên quèn cũng biết rất rõ và còn úp mở đưa lên báo Tiền Phong để khoe. Anh Phúc bận chơi đâu mà không cho người điều tra xem tại sao lại lộ bí mật quốc gia khủng khiếp như vậy ? Riêng đoạn cuối bài này rất khôi hài. Tại cuộc hiệp thương chọn ứng viên, tổng biên tập báo Nhân dân, nhà báo Thuận Hữu, bày tỏ: "Tôi thấy rất đáng tiếc. Là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, nơi tập hợp dư luận, thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội, phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân đến Quốc hội, nhưng nhiệm kỳ này báo chí không được cơ cấu ứng cử vào Quốc hội...". Có ai thấy báo chí nhà nước, nhất là báo Nhân dân, tập hợp được dư luận và phản ánh được tâm tư nguyện vọng của dân đến Quốc hội không ? Có ai thấy báo chí, nhất là báo Nhân dân, phản biện xã hội không ? Hay chúng chỉ biết ăn theo, nói leo, không làm gì cho dân, chỉ tiêu tốn tiền dân, nhưng rất giỏi kể công và đòi quyền lợi. Lại nhớ Đại tá công an, Tổng biên tập báo Petrotimes (Năng Lượng mới) Nguyễn Như Phong từng viết: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy…” và “Chó muốn giỏi thì cũng phải nuôi dạy và phóng viên, nhà báo muốn giỏi thì ngoài năng khiếu trời cho, cũng phải được dạy dỗ, rèn luyện tử tế. Và chó khôn nhờ chủ, muốn có phóng viên giỏi cũng phải nhờ chủ". Theo cách mô tả của ông Phong thì các nhà báo/phóng viên nhà nước phải trung thành với đảng giống như chó vậy. Nhưng các nhà báo của dân thì khác. Họ cung cấp thông tin trung thực, minh bạch, khách quan và khoa học để phục vụ dân. Họ trung thành với dân chứ nhất định không chịu “làm chó” và không bao giờ trung thành với bất kỳ thế lực nào khác ngoài nhân dân! Vậy mà họ có được bao nhiêu người trong Quốc hội ? Dĩ nhiên bao giờ cũng là con số không tròn trĩnh.
Bộ máy Nhà nước sẽ có nhiều gương mặt mới
LÊ KIÊN - 19/03/2021 TTO - Ngày 18-3, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2, biểu quyết nhất trí lập danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Theo danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh trái) được giới thiệu ứng cử khối Chủ tịch nước, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính (ảnh giữa) được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ (ảnh phải) ứng cử khối Quốc hội.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử khối Chủ tịch nước, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ứng cử khối Quốc hội.

Tại sao người đang ở khối này lại dự kiến ứng cử khối khác?

So với dự kiến ban đầu, số lượng người ứng cử được các cơ quan, đơn vị trung ương giới thiệu giảm từ 207 còn 205. Trong đó, các cơ quan Đảng được phân bổ 10 đại biểu, giới thiệu 11 người; khối các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội được phân bổ 133 người, giới thiệu 130 người.

"Tại sao có cơ quan giới thiệu thêm, có khối giới thiệu không đủ người ứng cử so với cơ cấu, ví dụ như khối cơ quan Đảng giới thiệu thêm 1 người ứng cử, khối Quốc hội giới thiệu bớt đi 3 người? Tại sao nhiều trường hợp người đang công tác ở khối này lại được phân bổ ứng cử thuộc khối khác?" - ủy viên Đoàn chủ tịch, ông Lê Truyền, đặt câu hỏi.

Ông dẫn chứng: "Ví dụ khối Mặt trận có ông Đỗ Văn Chiến (bí thư Trung ương Đảng, bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc), rồi người đang thuộc khối Mặt trận tới đây sang công tác nơi khác?".


Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN - Ảnh: LÊ KIÊN

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh giải thích: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định cơ cấu cho các khối, căn cứ vào tình hình thực tiễn trong quá trình giới thiệu người ứng cử và sự cần thiết của từng vị trí, đã có điều chỉnh bước một về cơ cấu, thành phần.

Theo đó, khối các cơ quan Đảng giới thiệu 11 người, 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng được bổ sung cơ cấu là lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Còn theo Phó chủ tịch, Tổng thư ký MTTQ VN Hầu A Lềnh, danh sách người ứng cử lập theo các khối với cơ cấu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ đồng thời với thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng đối với những nhân sự thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Như vậy, danh sách người ứng cử được lập theo các phương án tổ chức cán bộ được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình kiện toàn bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau Đại hội XIII của Đảng.

"Ví dụ như ông Trần Thanh Mẫn ứng cử khối Quốc hội, ông Đỗ Văn Chiến ứng cử khối Mặt trận, ông Nguyễn Xuân Phúc ứng cử khối Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ..." - ông Lềnh cho hay.

Thấy gì từ danh sách người ứng cử?

Ở khối Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước có các ứng cử viên: ông Lê Khánh Hải (phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước), bà Võ Thị Ánh Xuân (bí thư Tỉnh ủy An Giang), ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng Chính phủ).


Sáng 18-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia - làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh An Giang - Ảnh: TTXVN

Như vậy, đối chiếu với cơ cấu, tiêu chuẩn, định hướng công tác cán bộ và tình hình thực tế như Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ 11 tới đây, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung không tái cử BCH Trung ương khóa XIII, có thể thấy rõ các ứng cử viên dự kiến được giới thiệu thay thế.

Khối Chính phủ, đáng chú ý là các ứng cử viên: ông Phạm Minh Chính (trưởng Ban Tổ chức trung ương), ông Nguyễn Hồng Diên (phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương), ông Phan Văn Giang (tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng), ông Lê Minh Hoan (thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), ông Nguyễn Văn Hùng (thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), ông Hồ Đức Phớc (tổng Kiểm toán Nhà nước), ông Bùi Thanh Sơn (thứ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Nguyễn Kim Sơn (giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội), bà Phạm Thị Thanh Trà (thứ trưởng Bộ Nội vụ)...

Sau Đại hội Đảng, một số thành viên Chính phủ đã được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử khối Chủ tịch nước, còn có các ông Trần Tuấn Anh (bộ trưởng Bộ Công thương, đã được phân công làm trưởng Ban Kinh tế trung ương), ông Đinh Tiến Dũng (sẽ không tiếp tục đảm nhiệm chức bộ trưởng Bộ Tài chính), ông Đỗ Văn Chiến (đã dự kiến ứng cử khối Mặt trận)...

Trong khi đó, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, bộ trưởng Bộ Nội vụ không tái cử và bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo không trúng cử trung ương.

Phân tích danh sách khối Chính phủ, có thể nhận diện được các ứng cử viên thay thế. Trong danh sách có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ứng cử, nhiều khả năng ông sẽ đảm nhiệm cương vị mới, trong khi Phó thủ tướng Phạm Bình Minh có thể đảm nhận một vai trò khác so với hiện nay.

Các bộ trưởng đương nhiệm là Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được giới thiệu ứng cử hoặc tái cử. Do chỉ được phân bổ 15 đại biểu Quốc hội nên nhiều thành viên Chính phủ không có tên trong danh sách giới thiệu ứng cử lần này.

Đồ họa: TUẤN ANH

Khối Quốc hội có các gương mặt mới như Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - thượng tướng Trần Quang Phương, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - trung tướng Trần Hồng Minh...

Một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đương nhiệm tiếp tục tái cử là: Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh ứng cử ở khối Kiểm toán Nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt (không tái cử trung ương) ứng cử khối Mặt trận (đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cũng ứng cử trong vai trò mới là chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN.

Khối TAND tối cao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; khối Viện KSND tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng tiếp tục ứng cử.


Bà Võ Thị Ánh Xuân - bí thư Tỉnh ủy An Giang - được giới thiệu ứng cử khối Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tiếp tục hoàn thiện nhân sự cơ quan Đảng

Khối các cơ quan Đảng giới thiệu ứng cử viên gồm: ông Trần Tuấn Anh (trưởng Ban Kinh tế trung ương), bà Bùi Thị Minh Hoài (bí thư Trung ương Đảng, chưa phân công chức danh cụ thể), ông Lê Minh Hưng (chánh Văn phòng Trung ương Đảng), bà Trương Thị Mai (trưởng Ban Dân vận trung ương), ông Nguyễn Trọng Nghĩa (trưởng Ban Tuyên giáo trung ương), ông Nguyễn Xuân Thắng (giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), ông Võ Văn Thưởng (thường trực Ban Bí thư), ông Phan Đình Trạc (trưởng Ban Nội chính trung ương), ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư), ông Lê Hoài Trung (thứ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Trần Cẩm Tú (chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương).

Trong số các cơ quan Đảng, với việc ông Phạm Minh Chính đã ứng cử khối Chính phủ, tới đây Bộ Chính trị sẽ phân công người thay thế vị trí trưởng Ban Tổ chức trung ương. Hiện nay, Bí thư Trung ương Đảng Bùi Thị Minh Hoài chưa được phân công nhiệm vụ cụ thể. Do đó, khi ông Phạm Minh Chính đảm nhiệm trọng trách mới, khối cơ quan Đảng sẽ có thay đổi ở một vài vị trí do Bộ Chính trị tiếp tục phân công, hoàn thiện công tác nhân sự.

Cơ cấu Quốc hội "quên" khối báo chí?


Nhà báo Thuận Hữu - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tại cuộc hiệp thương, tổng biên tập báo Nhân dân, nhà báo Thuận Hữu, bày tỏ: "Tôi thấy rất đáng tiếc. Là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, nơi tập hợp dư luận, thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội, phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân đến Quốc hội, nhưng nhiệm kỳ này không được cơ cấu ứng cử vào Quốc hội. Trước đây có nhiệm kỳ Hội Nhà báo có 2 đại biểu Quốc hội, nhiệm kỳ vừa rồi chủ tịch Hội Nhà báo là đại biểu Quốc hội, nhưng nhiệm kỳ tới lại không được cơ cấu".

https://tuoitre.vn/bo-may-nha-nuoc-se-co-nhieu-guong-mat-moi-20210319081311704.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét