Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Hộ chiếu vaccine: Nên hay không nên ?

Hộ chiếu vaccine: Nên hay không nên ?
Trong những ngày gần đây, một số chuyên gia kinh tế đang lên tiếng cổ vũ cho việc sử dụng "hộ chiếu vaccine" để khơi thông các hoạt động du lịch, thương mại và phục hồi nền kinh tế. Họ cho rằng một số quốc gia trên thế giới đang triển khai các chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng và cấp "hộ chiếu vaccine", cho phép những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 và có khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 được tự do đi lại nên sẽ sớm giải cứu được ngành du lịch và hàng không nói riêng, toàn nền kinh tế nói chung. Nếu Việt Nam chần chừ không bắt kịp với xu hướng đó thì Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi dòng chảy của thế giới và tăng trưởng kinh tế sẽ tụt hậu so với toàn cầu.
Vậy việc cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine "hộ chiếu vaccine" là một ý tưởng hay và nên áp dụng ngay hay cần thận trọng tiếp tục nghiên cứu thêm trước khi áp dụng ?

Đến thời điểm này, tôi chưa đồng tình với việc sử dụng hộ chiếu vaccine. Lợi ích duy nhất của hộ chiếu vaccine là giải quyết vấn đề đi lại và hỗ trợ phát triển du lịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phát triển du lịch và kinh tế không phải là mục tiêu duy nhất, thậm chí không phải là mục tiêu quan trọng nhất. Quan trọng nhất là xây dựng, phát triển một xã hội công bằng, văn minh. Ngành du lịch chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế. Con số thiệt hại tới 23 tỷ USD trong năm 2020 của ngành du lịch nước ta được các cơ quan nhà nước đưa ra mới chỉ là ước tính, thực tế có thể không lớn đến mức đó. Vì vậy, việc phát hành hộ chiếu vaccine để vực dậy ngành du lịch chỉ có tác dụng chừng mực. Trái lại, những hậu quả xã hội tiêu cực phát sinh có thể sẽ rất lớn. Có thể kể ra một số bất lợi của hộ chiếu vaccine như sau.

Một là, chưa biết đại dịch Covid sẽ sớm chấm dứt hay còn kéo dài. Nếu vaccine hiện nay có hiệu quả, đại dịch sẽ sớm chấm dứt như nhiều dịch và đại dịch nguy hiểm đã xảy ra trong 3-4 thập kỷ gần đây. Khi đó việc phát hành hộ chiếu vaccine sẽ tác dụng ít, lãng phí nhiều. Ở các nước giầu, họ nhiều tiền thì họ làm thế nào cũng được, nhưng nước ta còn nghèo thì phải tính toán thật cẩn trọng.

Thứ hai, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ gây ra tình trạng phân biệt đối xử giữa những người đã được tiêm và những người không được tiêm. Chúng ta đều biết lượng vaccine nhập khẩu vào Việt Nam năm nay sẽ rất nhỏ giọt; dự kiến sẽ chỉ có một số đối tượng được ưu tiên tiêm, khi đó họ sẽ được tự do đi lại. Ngược lại, những người khác có tiền và muốn tiêm nhưng không phải đối tượng ưu tiên thì cũng đành đứng nhìn, hoặc phải đút lót, chạy chọt, nhờ vả để được tiêm, phát sinh thêm nhiều bất công và tiêu cực xã hội.

Thứ ba, tiêm hay không tiêm là quyền dân sự của mỗi cá nhân, nhà nước không thể cưỡng bức họ tiêm được. Bộ Y tế khuyến cáo, vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca chỉ định đối với những người từ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, với phụ nữ có thai, chỉ tiêm vaccine khi lợi ích của việc tiêm vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi. Phụ nữ đang cho con bú được khuyến cáo chỉ nên tiêm khi thuộc nhóm nguy cơ. 

Ngoài ra, phản ứng phụ sau khi tiêm cũng khá phổ biến, dù không trầm trọng. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết, bất cứ loại thuốc, vaccine hay sinh phẩm nào đưa vào cơ thể cũng có thể dẫn đến tác dụng phụ nhất định. Đặc biệt, tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ khi kháng thể của cơ thể hoạt động.

Do đó, sẽ có nhiều người lo ngại từ chối tiêm vì những lý do cá nhân như cơ địa không phù hợp, đau yếu, mang thai...) hay đơn giản vì không có tiền, Những người này khi đó sẽ bị loại ra khỏi nhiều sinh hoạt cộng đồng, mà chỉ những người đã tiêm và có hộ chiếu vaccine mới được hưởng. Đây là một dạng kỳ thị, vi phạm quyền bình đẳng, quyền tự do đi lại, quyền được đến lớp học hành....

Thứ tư, kỳ thị trong xã hội ta vốn đã nặng, nay thêm “hộ chiếu vắc-xin” thì sẽ nặng hơn rất nhiều. Người có hộ chiếu tiêm vaccine sẽ tạo thành một tầng lớp riêng, chỉ quan hệ với nhau và né tránh những người chưa được tiêm, mất đi sự đoàn kết dân tộc đang rất cần trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Cuối cùng, “hộ chiếu vắc-xin” còn gây lo ngại về việc bảo vệ dữ liệu (thông tin) y tế của mỗi cá nhân như tuổi tác, dân tộc, giới tính, tiền sử bệnh... Chắc chắn không ai muốn vì có được tấm “hộ chiếu vắc-xin” để đi du lịch hay được tham gia một số hoạt động xã hội mà phải phơi bầy các vấn đề riêng tư và dữ liệu cá nhân của mình cho cơ quan nhà nước cũng như dư luận...

Do đó, tôi cho rằng có thể đến lúc nào đó chúng ta sẽ cần đến “hộ chiếu vắc-xin”, nhưng chưa phải là thời điểm hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét